Về Trà Quế, quay phía nào cũng nồng nàn

28.06.2022
Chế Diễm Trâm

Về Trà Quế,  quay phía nào cũng nồng nàn

Thành phố Đà Nẵng hôm trước mưa nhí nhách suốt ngày suốt đêm. Đến sáng hôm sau, rời Đà Nẵng, qua khỏi bãi biển Mỹ Khê, trời trống chân dần rồi hưng hửng nắng. Vào thành phố Hội An tầm chín rưỡi, mười giờ sáng, trời thênh thang nhẹ như một tấm lụa trắng. Loay hoay chưa biết đi thế nào về làng Trà Quế, xã Cẩm Hà thì thấy một đôi thanh niên đang đi bộ bên kia đường bèn rà xe chậm lại để bác tài hỏi với qua khung cửa xe:

- Làm ơn cho hỏi đường đến làng rau Trà Quế?

- Đi thẳng!

Thì ra, hai thanh niên kia chưa ai kịp trả lời thì một ai đó đang chạy xe máy cùng chiều bất chợt nghe câu hỏi nên trả lời vọng lại. Hai chàng thanh niên gật đầu xác nhận. Người dân Quảng Nam thân thiện và chất phác như vậy đó!

Được lời, xe bon bon chạy thẳng thêm khoảng cây số, nhìn về tay phải thấy tấm biển màu xanh da trời nhạt với dòng chữ khiêm nhường chỉ đường vào làng. Đầu làng, sát cạnh Nhà văn hóa thôn có một khu đất trống để đậu xe. Tức là tự để xe đó và tự đi vào làng. Ngay ngã ba đầu tiên, nhìn sang trái đã thấy một đồng đất phẳng tít tắp và xanh mênh mông.

Dợm bước vào đầu bãi vài ba bước đã nghe một mùi thơm dìu dịu, man mát lan tỏa khắp trời đất. Những ô đất chữ nhật phẳng phiu với đủ cấp độ xanh của ngò rí, rau răm, rau húng, hành, hẹ… đang thì mơn mởn. Điểm nhấn là những lảnh xà lách xanh non, bóng mướt như ai đó thoa lên tí dầu. Đập vào thị giác, khứu giác của bất kỳ ai là các loại rau gia vị ở đây cành và lá đều rất nhỏ, như li ti đến kỳ lạ và thơm nồng thơm nàn.

Đầu mỗi vạt rau, lác đác mấy cái máng vôi cạn trẹt hình chữ nhật vát tròn các góc để chứa nước. Người nông dân dùng hai bình hoa sen trên hai đầu gánh đến đó múc nước rồi đi trên con đường hẹp bằng một bàn chân, hất ngang qua ngang lại tưới ướt đẫm hai lảnh rau hai bên. Thời đại công nghệ, đã thấy vài cột ống tưới phun tròn nhưng cách tưới truyền thống vẫn là chính.

Ngày hôm trước có mưa nên buổi sáng hôm ấy, người dân chủ yếu làm đất và thu hoạch rau. Đàn ông làm đất, đánh rãnh, bỏ phân. Phụ nữ cắt rau, cấy và gieo cây mới, hạt mới. Thấy một bà cụ ngoài bát thập đang nhổ và cắt bỏ gốc những búp xà lách thanh thanh xếp vào một cái rổ to, hỏi ra mới biết rau nhà bà là để bỏ mối cho các nhà hàng và siêu thị cao cấp tận thành phố Đà Nẵng.

Khi phóng tầm mắt bao hết cánh đồng, điểm nhìn dừng lại ở một vài trụ tre, giàn tre lợp lá thỉnh thoảng vươn lên trên cánh đồng. Trụ, dành cho đậu ván, đậu que ra hoa, thụ trái… Giàn là phần cho bí, bầu đơm bông rồi thõng trái xuống xanh non. Cũng là nơi để tránh nắng, ngả tơi nón đón vạt gió mát lành của đồng bãi.

Đất làng Trà Quế là đất cát phù sa tơi mịn, nên dẫu hôm trước có mưa thì đất vẫn không đọng nước và nhão. Bỏ chân trần dẫm lên đất nghe mát rượi và êm ru. Đây đó, vài nhóm khách Tây đang trải nghiệm tập làm nông dân cấy cải và gánh bình hoa sen tưới rau. Thật thú vị!

Ngoài rau, ở Trà Quế có thêm nghề làm giá đậu xanh. Cả hai nghề trồng rau và làm giá đã đi vào câu ca dao cổ:  

Ai về Trà Quế mà coi

Trà Quế có nghề ngâm giá đậu xanh.

Sáng mai đi bán rau hành

Khuya về gánh nước canh năm chưa nằm.

Nghề trồng rau thơm không quá nhọc nhằn nhưng không phải là nhàn nhã. Phải có tình yêu nghề cha truyền con nối và tình yêu làng mạc sâu đậm, cư dân làng Trà Quế mới giữ lại đồng đất và nghề nghiệp truyền thống hơn ba thế kỷ qua, làm nên thương hiệu rau Trà Quế nức danh: “Rau thơm Trà Quế, Cẩm Lệ thuốc ngon”.

Trên đồng và dọc đường làng, ngoài rau, đâu đâu cũng hoa trái sum suê. Về Trà Quế, quả là xoay phía nào cũng thơm nức!

C.D.T