Gặp họa sĩ Trần Thế Vĩnh ở quê nhà
Nhóm anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng thăm xưởng vẽ Trần Thế Vĩnh
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Anh tốt nghiệp mỹ thuật tại Huế. Khởi đầu con đường mỹ thuật, Vĩnh bắt đầu bằng vẽ tranh hiện thực. Sau đó, Vĩnh tìm hiểu các thể loại khác như siêu thực, hồn nhiên, biểu hiện, pop art, trừu tượng... Từ năm 2006 đến năm 2009, Trần Thế Vĩnh vẽ theo thể loại siêu thực với triển lãm cá nhân đầu tiên “Mộng du” vào năm 2009 tại Huế. Sau đó anh chuyển sang trừu tượng, rồi có triển lãm “Không đề” ở gallery Tự Do, TP Hồ Chí Minh, năm 2012. Từ năm 2013, Vĩnh tiếp tục loạt tranh tự họa và có triển lãm “Bắt đầu từ đâu” tại À Gallery năm 2016. Năm 2020, Trần Thế Vĩnh càng được nhiều người biết qua lần ra mắt cuốn sách mỹ thuật và triển lãm “Vọng” tại Mai House Saigon Hotel, TP Hồ Chí Minh, với 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Hiện Trần Thế Vĩnh đang sống tại quê nhà, tập trung chuẩn bị cho dự án một cuộc triển lãm mới trong thời gian đến.
Đã bước vào những ngày đầu hạ, nhưng về đêm, bất chợt Quảng Trị có những cơn mưa nhỏ. Phải băng qua vài ngã tư vắng vẻ chúng tôi mới tìm gặp một chiếc taxi. Đón chúng tôi, lời đầu tiên, người lái xe nói:
- Tới hiện chừ, kể từ sau đợt giãn cách bởi dịch Covid-19, ở đây, taxi hoạt động vẫn còn thưa lắm, nhất là vào giờ đêm.
Nơi chúng tôi muốn đến là nhà của họa sĩ Trần Thế Vĩnh, nằm ở làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Cụ thể hơn, chúng tôi nói rõ theo lời đã được chủ nhà hướng dẫn, là xe sẽ chạy hướng theo con đường rời khỏi khu trung tâm thị xã chừng 10 cây số, cuối chặng đường, sẽ gặp khúc rẽ, một trường học, một ngôi chùa… Người lái xe băn khoăn đôi chút, vì anh cho biết ít chạy đường này, nhưng cuối cùng lại nói: “ Tôi nhớ rồi, gần ngôi chùa ấy, có một anh họa sĩ, có lần tôi đã đưa khách đến đó… OK. Lên xe”.
Có lẽ do đêm tối và trời mưa, chúng tôi không thể nhìn thấy rõ khung cảnh dọc hai bên đường, nhưng dù sao vẫn có thể đoán được, mình đang tiến sâu vào một vùng ngoại ô hoang vắng, tĩnh mịch của Quảng Trị, bởi rất ít đèn xe ngược chiều hoặc đi song song. Nhờ thường xuyên liên lạc qua điện thoại với họa sĩ Vĩnh, nên cuối cùng chúng tôi đáp xe đến trước cổng địa chỉ cần đến không quá khó khăn.
Trong những năm gần đây, Trần Thế Vĩnh là một họa sĩ trẻ được nhiều người biết qua lần ra mắt cuốn sách mỹ thuật và triển lãm “Vọng” tại Mai House Saigon Hotel, TP Hồ Chí Minh (vào tháng 10/2020) với 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ danh tiếng như Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9… Và giờ đây, Vĩnh đang trở lại quê nhà, nổ lực dồn sức chuẩn bị cho dự án một cuộc triển lãm sắp tới.
Bìa sách bộ tranh “Vọng” của Trần Thế Vĩnh
Nhóm anh em văn nghệ Đà Nẵng chúng tôi ghé đến thăm Trần Thế Vĩnh dịp này, ngoài tôi còn có nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm.
Riêng tôi, lần đầu ngồi trực diện với Vĩnh, chợt nhận ra trước đó, đây là một gương mặt họa sĩ trẻ ấn tượng đã có thời gian hoạt động nghệ thuật tại Đà Nẵng. Hồi ấy, có lần ở một buổi sinh hoạt liên hoan văn nghệ của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, tôi đã nhìn thấy Vĩnh xuất hiện với mớ tóc rối bù xù, xoăn tít, giống hệt một thành viên của các ban nhạc trẻ cuồng nhiệt thời Boney M, Abba, Modern Talking... (có lẽ bức chân dung tự họa của Vĩnh in ở bìa sách Vọng là chân dung của anh ở giai đoạn này). Nhắc lại đôi điều về bộ tranh chân dung văn nghệ sĩ “Vọng” của mình, Trần Thế Vĩnh cho biết, anh đã vẽ bộ tranh này trong vòng 2 năm, 2018 và 2019, mà nhân duyên là do sự cố về gia đình, sự mất mát của ba và mẹ trong thời gian kề nhau. Từ đó, nỗi buồn đã dắt dẫn anh đến với văn chương và âm nhạc sau một thời gian nằm nhà đọc sách, chiêm nghiệm rồi vẽ chân dung các vị tiền bối văn nghệ. Cũng cần nói thêm, ngoài bộ chân dung “Vọng”, cùng thời gian đó, Vĩnh có vẽ một vài chân dung văn nghệ sĩ ở Đà Nẵng, trong đó, có người anh chưa từng gặp mặt như nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đang cùng nhóm chúng tôi ngồi đối ẩm với Vĩnh lúc này.
Gia đình Vĩnh có 5 chị em. Vĩnh là con kế út (cùng người em sinh đôi). Cũng như phần lớn nhiều gia đình cùng làng, cuộc sống người dân nông thôn ở miền đất lửa Quảng Trị sau thời kỳ hậu chiến vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ba của Vĩnh làm thợ vẽ, còn mẹ của anh thì buôn bán nhỏ, nuôi 5 chị em ăn học đàng hoàng tử tế. Ngay từ nhỏ khi mới 3, 4 tuổi, nhờ kế thừa gen mỹ thuật của ba, Vĩnh thường vẽ lại mỗi khi xem tranh của ba. Xen lẫn trong những chuyện kể về thời thơ ấu, thú vị nhất là mỗi khi Vĩnh nhắc về danh họa Lê Bá Đảng(*) vốn là người cùng quê. Anh nói, hồi học lớp 2, khi đọc trên tờ báo của người chị dán trên tường phòng ngủ có tên: “Lê Bá Đảng người họa sĩ của 2 thế giới”. Anh đã say mê đọc đi đọc lại bài báo, thích thú. Có lẽ từ đó trong anh trỗi nên niềm khát khao mãnh liệt trở thành họa sĩ. Năm học lớp 12, Vĩnh nộp đơn thi hội họa trường Mỹ thuật Huế, nhưng mẹ và anh trai ngăn cản không cho thi, muốn anh thi trường Luật, vì sợ theo nghiệp họa sĩ sẽ khổ, nên cứ so sánh bao nhiêu trường hợp thất bại và nghèo khổ do đi theo nghề vẽ tranh. Khi ấy, anh đã cãi lại rằng: Vậy mẹ và anh có biết họa sĩ Lê Bá Đảng là ông nào không? Ông ấy có thành công không? Mẹ và anh nói: Có! Anh đáp lại: Vậy nếu Lê Bá Đảng làm được thì con sẽ làm được, hãy tin con và cho phép con học hội họa, đừng so sánh con với những người thất bại. Thế là Vĩnh đã đấu tranh thành công để tự quyết con đường của mình đi, rồi đi thẳng một mạch đến bây giờ.
Tác giả bài viết bên cạnh các tác phẩm mới của Trần Thế Vĩnh
Giới thiệu về loạt tranh đang tập trung sáng tác trong thời gian này, họa sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết, đây là bộ tranh anh đã ấp ủ ý tưởng nhiều năm, hiện mới đi được một phần nhỏ chặng đường.
Giữa một miền quê hoang dã, khô khan, sự xuất hiện một xưởng vẽ khá rộng rãi, ngăn nắp như xưởng vẽ của Trần Thế Vĩnh là điều khá kỳ lạ. Nhưng càng kỳ lạ hơn, là những bức tranh sơn dầu tại đây đa phần có kích cỡ lớn (từ hơn 1m trở lên), xếp dày dọc lối đi hai bờ tường, kể cả tầng trệt và tầng hai. Những bức tranh sắc màu lộng lẫy, phóng túng, tuy chưa thực hoàn chỉnh, nhưng đem đến người xem cảm nhận về một thế giới riêng biệt nào đó của tác giả. Đôi khi đó là những cảm xúc đến từ những vệt màu chảy tràn, lênh láng đầy ngẫu hứng. Đôi khi đó là lời kể lể buồn vui từ những bôi xóa dở dang, những rạch nát, những vỡ vụn… Và đôi khi, tác phẩm dẫn dắt chúng ta lạc bước vào một lớp sương mù của những quên lãng, còn ngủ vùi trong ký ức…
Vĩnh chưa tiết lộ chính thức về chủ đề bộ tranh mới anh đang thực hiện. Tuy nhiên, anh cho biết, mình là người có hệ tư tưởng liên kết nhau qua từng series tranh. Bởi theo anh, con người luôn biến đổi, vạn vật vô thường. Tư tưởng của con người ngày mai có thể khác ngày hôm nay, và có thể được chắp nối và hoàn thiện dựa trên tư tưởng cũ. Tác phẩm của Vĩnh cũng men theo hệ tư tưởng bổ sung và hoàn thiện theo thời gian đó. Anh không thích lặp lại con người mình. Anh yêu thích tự do, vượt thoát mọi ranh giới và vượt thoát cả chính bản thân mình.
Một chi tiết khác đáng ngạc nhiên, là chừng như Vĩnh sống và làm việc tại xưởng vẽ cô độc một mình. Anh chỉ tóm tắt, sau khi ba mẹ qua đời, gia đình dành cho anh nơi này để làm xưởng vẽ. Ngày nào anh cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Khi vẽ, anh muốn quên đi mọi ngôn ngữ, mọi thứ đã đọc, đã nghiên cứu để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Vĩnh cho rằng, chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.
Đêm dần về khuya. Mưa thêm nặng hạt…
Cuối cùng, rồi chúng tôi cũng phải giã từ xưởng vẽ Trần Thế Vĩnh, trả lại cho anh niềm cô độc và sự đam mê sáng tạo không mệt mỏi. Trong khi xe lăn bánh, rời khỏi con đường làng quê âm u, tôi chợt nhớ đến câu châm ngôn một người nào đó đã trích dẫn, để nói về sự thành công của danh họa Lê Bá Đảng: “Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại”(*) và tôi nghe chừng như những sắc màu xôn xao, mạnh mẽ từ những bức tranh của Trần Thế Vĩnh không ngớt reo vui, ngập tràn hy vọng bùng cháy trong tâm tưởng.
“Con đường tới sẽ có những sáng tạo mới, tôi không muốn nhắc đến chữ thể nghiệm mà tôi nghĩ rằng, tôi tư duy và thấy thì tôi vẽ cái tôi thấy, không bao giờ là thể nghiệm. Tôi không quá câu nệ về vấn đề phong cách. Nghệ thuật là sự biến thiên không ngừng, người nghệ sĩ phải biết thay đổi và luôn làm mới mình, có chăng phong cách chính là hồn cốt của tư tưởng và bản tính khi hoạ sĩ đã tạm thấy mình là ai. Tôi sẽ luôn làm mới mình và phong cách trong hội họa đi theo cách sống của tôi”. (Họa sĩ Trần Thế Vĩnh)
T.T.S