Cảm nhận tập sách “Những kỷ niệm dọc đường đời” của Thanh Quế

28.06.2022
Phan hoàng Thi

Cảm nhận tập sách “Những kỷ niệm  dọc đường đời” của Thanh Quế

Những kỷ niệm dọc đường đời là tập hồi ức, chân dung văn học của nhà thơ Thanh Quế do Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào cuối tháng 5 năm 2022. Có thể coi đây là những kỷ niệm in đậm trong tâm hồn nhà thơ với những sự kiện xúc động mà ông đã trải qua, những con người mà ông đã gặp gỡ, tiếp xúc, thật khó quên trong suốt cuộc đời mình.

Kỷ niệm đầu tiên mà Thanh Quế kể lại là hai lần ông được gặp Bác Hồ kính yêu. Hai lần gặp Bác mang hai tâm trạng khác nhau. Lần đầu, ông hồ hởi, vui mừng thấy Bác nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Lần sau, ông bùi ngùi, rưng rưng nước mắt đưa tiễn Bác đi xa. Thanh Quế mang tâm trạng buồn thương ấy lên đường vào Nam chiến đấu nguyện thực hiện mong ước của Bác.

Người đọc vô cùng xúc động với những kỷ niệm mà ông ghi lại. Đó là hình ảnh của mẹ ông, bà cuống cuồng lo lắng cho đứa con trai nhỏ của bà (là ông) bị chạy lạc giữa lúc giặc Pháp càn lên quê nhà, bắn phá, giết chóc, xác người trôi dọc sông suối, nhà cửa cháy rừng rực. Cha ông, một cán bộ tập kết đã về Nam từ đầu những năm 1960, cha con biền biệt tin tức, bỗng cả hai sững sờ, đứng lặng, rưng rưng nước mắt, khi bất ngờ gặp nhau trên đường công tác… Đứa em gái nhỏ, ngày ông lên đường tập kết, đã chạy theo níu áo ông lại: “Không cho Hai đi, không cho Hai đi”. Khi ông trở về quê hương, vì điều kiện công tác, anh em đi tìm nhau mà không gặp nhau. Đến lúc ông tìm được em chỉ gặp một nấm mồ mới đắp, đất đỏ như máu. Cuộc đoàn tụ của gia đình ông tại căn cứ Phú Yên trong chiến tranh, mọi người vừa khóc vừa cười, quên cả ăn uống, quên cả đêm đã khuya, chỉ ngồi nhắc mãi về người em gái đã hy sinh. Rồi khi rạng sáng, mọi người lại chia tay nhau, từ đó, suốt 50 năm sau chẳng bao giờ được đoàn tụ như cuộc đoàn tụ hiếm hoi năm đó. Thanh Quế nhớ lại những ngày hành quân từ Bắc vào Nam với người em mới quen - Võ Dũng, con của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc chia tay, Thanh Quế về Khu V, Dũng tiếp tục đi Nam Bộ, Dũng đã rút từ đáy ba lô trao cho ông 2 bao thuốc lá Tam Đảo vì biết ông nghiện thuốc, dặn: “Ngày thống nhất anh em mình cố tìm nhau nghe anh”. Ngày ấy đến, giữa Sài Gòn, Thanh Quế đi hỏi tin về Dũng thì biết em đã hy sinh. Ông nhớ mãi hình ảnh của chú Châu, Vụ phó Vụ miền Nam, Ban Tổ chức Trung ương nức nở khóc khi tiễn ông lên xe về Nam: “Con đi nghe con, cố phấn đấu nghe con”. Ông nhớ sau khi đánh trận Trùm Giao (Điện Bàn, Quảng Nam) ông cùng một số chiến sĩ bị thương còn kẹt lại trong một xóm nhỏ. Giữa lúc bọn địch hăm he tấn công vào tiêu diệt “nhóm Việt Cộng” còn sót lại, mọi người đang căng thẳng chuẩn bị chiến đấu thì một bà mẹ nói: “Các con cứ nghỉ cho khỏe, để bọn qua đánh cho”. Rồi các mẹ chia cánh xáp vào bọn địch. Chẳng biết các mẹ “đánh” cách nào mà chúng lặng lẽ rút quân.

Biết bao kỷ niệm in sâu trong lòng ông với những cụ già ở miền núi cho ông từng bát gạo nấu cháo khi ông bị sốt, với các em nhỏ ở vùng sâu, chia nhau canh chừng địch để ông vào tận khu đồn công tác. Và hình ảnh những người bạn cùng chiến đấu, nằm gai nếm mật trong những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt, đầy máu và nước mắt.

Thanh Quế đã dành nhiều trang sách ghi lại chân dung của các nhà văn là bạn cùng chiến đấu và những người ông từng gặp gỡ, tiếp xúc. Những con người mà ông kính trọng, yêu mến và hàm ơn trong cuộc đời sáng tác của mình. Những chân dung ấy cũng là một dạng hồi ức, kỷ niệm được sắp xếp trước sau theo thời gian mà ông tiếp xúc, gặp gỡ. Mỗi nhà văn được ông khắc đậm những chi tiết đáng nhớ nhất về cuộc đời họ. Nhà thơ Tế Hanh nhỏ nhẹ, rất mực khiêm nhường. Nhà thơ Khương Hữu Dụng cần mẫn trong sáng tác và biên tập, giữa mồng một Tết đã tránh tiếp khách, không đi chơi, cùng một cộng tác viên ngồi “quần nhau” chữa một bài thơ suốt từ sáng đến tối mịt. Nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) tha thiết trở về quê hương chiến đấu, chạy gõ mọi cửa để xin kỳ được về Nam. Nhà phê bình văn học Hồng Tân, thông minh trong phê bình, nhưng “dại gái” trong tình yêu, ngã xuống khi chưa có một mảnh tình rách vắt vai. Nhà thơ Ngọc Anh bám riết với Tây Nguyên, đã ngã xuống bên một cây Kơnia, để lại bài thơ Bóng cây Kơnia bất hủ. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý gầy yếu mảnh khảnh, xung phong vào Nam công tác, để lại cho mẹ già chăm sóc đứa con vừa lên 2 tuổi. Chị ngã xuống, trên môi còn nhắc hai tiếng: “Con ơi!” Nhà thơ Nguyễn Mỹ viết bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” như ứng với đời mình, anh cũng chia ly với người yêu để ra chiến trường và ngã xuống bên dòng Nước Ta (Trà My, Quảng Nam) giữa một trận địch càn. Nhà văn Chu Cẩm Phong sống gương mẫu và chết anh hùng. Ta gặp ở đây hai nhà thơ cự phách Chế Lan Viên và Huy Cận, những người đầy tài năng mà giản dị, xuề xòa và có những lời khuyên bổ ích cho anh em viết trẻ. Rồi nhà văn Triệu Bôn viết nhọc nhằn như cày ruộng; nhà văn Lê Văn Thảo học giỏi toán, viết văn hay; nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Quốc Liên uyên bác về kiến thức, tài năng sắc sảo trong nghiên cứu, phê bình; nhà thơ Hữu Thỉnh có nhiều bài thơ hay, uống ít bia nhưng thích nhậu với tré Bà Đệ (Đà Nẵng). Rồi những chuyện ngóc ngách trong đời sống và sáng tác của nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Thu Bồn, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Đức Mậu cũng được tác giả kể lại sinh động và chân thực.

Nhờ công việc làm báo, Thanh Quế đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, lại là người khá nhạy cảm trong việc nắm bắt tâm lý và hành động của con người nên tác giả đã ghi lại khá sinh động và xúc động những kỷ niệm giữa mình với những người mà ông từng chung sống, từng gặp gỡ, những sự kiện mà ông từng tham gia. Vì thế tập sách không những mang đến cho ta những tư liệu quý hiếm, những hình ảnh đẹp, những bài học kinh nghiệm về cách sống, cách rèn luyện, học tập, làm việc cho mỗi người, nhất là người sáng tác mà còn giúp cho ta càng yêu thêm con người, yêu thêm đất nước đã chịu nhiều đau thương, gian khổ, đang vươn lên, bước tới những ngày mai tươi sáng.

P.H.T