Gánh trên vai Phố

28.06.2022
Kỳ Nam Uyên

Gánh trên vai Phố

Tầng trệt giáp mặt đường phố đều là các cửa hàng nhỏ, san sát chen chúc nhau làm thành cái gọi là mặt tiền phố.

Những căn nhà trên phố cổ thường dài, sâu hút. Bước qua khỏi cái đoạn mặt tiền thì gặp ngay cái thật sự là phố cổ. Có những căn phố, bất kể mặt tiền là gì, cách một khoảng sân giếng trời là một kiến trúc giữ nguyên hồn phố cổ. Ngồi trong đó vẫn là những con người hiện đại, vẫn màn hình vẫn điện thoại smattphone lươn lướt suốt nhưng phố đổ bóng xuống họ, họ bất giác trở thành cổ kính mà không hay biết. Có lẽ cái thú vị của Hội An là như thế.

Người ta dường như có thể đột nhiên đi xuyên không từ khung cảnh nhà ốp kính với những thanh giằng kim loại, thoắt cái trở về cái thế kỷ trước với cột mè rui kèo gỗ quý chạm trổ hoa văn. Cái thú vị đó quyến rũ bao du khách, rầm rập kéo đến đây làm một cuộc xuyên không tập thể, đắm chìm vào cái không khí kết tinh đậm đặc bởi thời gian trong những căn nhà mà mỗi thước đất đều phả lên mặt người từng luồng cổ khí.

Góc phố là một tiệm cà phê, sát cạnh một tiệm đồ vải vóc.

Bên kia đường là mặt hông của một căn nhà cổ, vách vôi vàng loang lổ từng mảng rêu cũ, đã không còn xanh rêu mà xám trắng, bạc đi trong nắng quái chiều hôm. Có một gánh chè ngồi ở đó.

Từng nhóm du khách ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhựa đỏ, cô bán chè lần lượt múc từng chén, mùi ngọt mát thoang thoảng trong không khí. Gió sông thỉnh thoảng lại rao rao phẩy qua trên những món tóc ngoại quốc vàng hoe đang ngồi kiên nhẫn múc từng muỗng chè, cố gắng vớt cho được một hạt sen xinh xinh chìm trong lớp nước đường thoảng chút hương hoa bưởi.

Ngoài chè hạt sen, gánh còn có món xoa xoa - món này thật ra không có gì lạ, rau câu nấu nước đường mà thôi, chỉ lạ mỗi cái tên, mà tại sao là xoa xoa thì cũng không ai trả lời được. Muốn ăn lạnh thì chan lên thêm lớp đá vụn, tan rất nhanh trong nước đường, thành ra một món chè nhàn nhạt. Dù sao cũng là một món ăn vặt rất đặc trưng nơi phố cổ, để cho mỗi người khách qua có dịp dừng chân, nếm thử rồi đi tiếp.

Đầu hồi của ngôi nhà đó có một gánh khác, bán bánh bèo.

Gánh bánh bèo dựa lưng vào “bức tường huyền thoại”. Người ta gọi như thế vì bức tường sau lưng gánh đó đã đi vào biết bao nhiêu khung hình, tường xám loang màu đen trắng, phía trên là mái ngói rêu phong, một khung cửa tole nắng cháy lên màu nâu đỏ, thế đó đã là một hình ảnh rất Hội An không lẫn vào đâu được cả.

Khi bé con hay nghe đồng dao “bà ba bán bánh bèo...” hồi nay thì nhìn thấy là một cô ba xứ Quảng, mặc bộ đồ bà ba, đội nón lá, ngồi giữa hai gióng gánh, tay thoăn thoắt xếp từng chén bánh bèo đổ dày vào mẹt tre, múc thêm chén nước chấm kèm cái que tre dùng thay cho chiếc muỗng để ăn bánh bèo.

Bánh bèo Quảng có sợi cao lầu chiên giòn thả lên mặt bánh, khác với bánh bèo Huế dùng da heo chiên. Khác nữa là nước chan, người ta phải chan chứ không chấm bánh. Nước chan đó hòa với lớp nhưn bánh đo đỏ màu ớt phủ ngập chén bánh bèo, dùng que tre nạy khẽ lớp bánh, khẽ xoay bề bản chiếc que để xắn đôi rồi múc nhẹ: đã có miếng bánh bèo trong miệng. Mẹt bánh chừng năm bảy chén sẽ vợi đi nhanh chóng.

Khách ăn xong, tự tìm chiếc ấm nước để đâu đó xung quanh, cũng tự kiếm cái ly rồi rót miếng trà tráng miệng, trả tiền rồi đứng dậy, lại đi tiếp về phía sông Hoài.

K.N.U