Nhớ những ca khúc hay về đề tài thương binh, Liệt sĩ

28.06.2022
Diệp Dân Hùng

Nhớ những ca khúc hay về đề tài thương binh, Liệt sĩ

Tháng 7 về, cũng là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, một ngày lễ lớn của đất nước, là dịp để tri ân tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.

Và trong ngày này, nhiều thế hệ, đặc biệt là những người từng trải qua những năm tháng gian khổ hy sinh, máu lửa đạn bom trong những cuộc kháng chiến hào hùng, oanh liệt bảo vệ đất nước của dân tộc ta lại có dịp hồi tưởng lại những năm tháng không thể nào quên ấy với nhiều cảm xúc đặc biệt. Hòa vào những cung bậc cảm xúc về một giai đoạn hào hùng, đau thương ấy là những ca khúc bất hủ “đi cùng năm tháng”, được các nhạc sĩ nổi tiếng viết về những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và những cựu chiến binh thương binh vẫn giữ tinh thần người lính trong thời bình.

Nói đến các ca khúc viết về đề tài Thương binh liệt sĩ có thể điểm lại những tác phẩm ra đời từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương của mình để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc đến hôm nay, khi đất nước đã được sống trong hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Đầu tiên, có thể nói về một bài hát mang tính “đại diện” viết về những chiến sĩ qua những cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đó là bài “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát được sáng tác năm 1969,  khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nà Ngần, Phay Khắt đến Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình tượng người chiến sĩ được tác giả xây dựng trong ca khúc là những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, những người con của nhân dân, mang dòng máu yêu nước và khí phách hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau cầm súng chiến đấu với quân thù xâm lược, giành lại Tổ quốc giang sơn. Cũng không thể không nhắc đến “Dáng đứng Việt Nam”, sáng tác của Nguyễn Chí Vũ, phỏng thơ Lê Anh Xuân, ca ngợi khí phách anh hùng của một chiến sĩ giải phóng quân đã “chết trong khi đang đứng bắn” quân thù trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đặc biệt hơn là tác giả của bài thơ được phổ nhạc cũng là một nhà thơ - liệt sĩ, anh đã hy sinh anh dũng năm 1968 tại một mặt trận ở ven thành phố Sài Gòn, nơi anh đã sáng tác bài thơ cuối cùng “Dáng đứng Việt Nam”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có lẽ không ai không biết đến nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, người con gái của vùng Đất Đỏ miền Đông. Viết về chị có nhiều ca khúc nhưng có lẽ để lại “dấu ấn” nhất là bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của Nguyễn Đức Toàn. Sự hy sinh của người nữ anh hùng khi tuổi đời còn rất trẻ, đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết nên bài thơ “Biết ơn Võ Thị Sáu” và cũng chính ông phổ nhạc bài thơ này. Có thể nó, bài thơ - bài hát này đã trở thành một huyền thoại về một người con gái bất khuất kiên trung “đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở”. Và “Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lui”. Lời thơ chân thành mà sâu lắng thể hiện lòng thành kính và biết ơn. Giai điệu của lời thơ cứ ngân lên nức nở nghẹn ngào về cái chết khơi nguồn sự sống”, khơi lên lòng căm thù, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho những người đang chiến đấu vì lý tưởng. Bài hát ra đời cách đây 64 năm nhưng vẫn được đánh giá là một ca khúc hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người về hình ảnh nguời nữ anh hùng của lực lượng Công an nhân dân. Không giáo huấn về sự hy sinh, không hô hào cứng nhắc, cũng không bi lụy trước cái chết, chị Võ Thị Sáu hiện lên qua những giai điệu sâu lắng và gần gũi.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước ta đã có những anh hùng liệt sĩ đi vào sử sách và cũng đã có những ca khúc “để đời” ca ngợi những tấm gương hy sinh đó. Về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi có ca khúc “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của nhạc sĩ Vũ Thanh, về liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân có ca khúc “Cùng anh tiến quân trên đường dài” của nhạc sĩ Huy Du, và về liệt sĩ Thái Văn A có ca khúc “Thái Văn A đứng đó” của nhạc sĩ Văn An…

Những tác phẩm mang tính bao quát, điển hình hơn về những năm tháng máu lửa hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống cho đất nước nở hoa kết trái ngày hôm nay không thể không nhắc đến 2 ca khúc: “Cỏ non thành cổ” và “Màu hoa đỏ”. Bài “Cỏ non thành cổ” được nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác vào những ngày đầu xuân năm 1990, khi tác giả đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài chiến tranh tại Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất tại các tỉnh khu 4 cũ. Ca khúc này như là bản trường ca tái hiện lại thời kỳ chiến đấu đầy hào hùng của cha ông ta trong công cuộc giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Bài “Màu hoa đỏ” được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến “vẽ” nên bằng những ca từ và giai điệu thật sâu lắng. Bài hát nghe du dương nhưng ẩn chứa bên trong đó sự bi tráng và lắng sâu đến tận con tim, qua đó khắc họa lên hình ảnh của người chiến sĩ “từ giã mái tranh nghèo” ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”, “mây ngàn” “bóng cây tre”… Màu hoa ấy còn là màu của chiều biên cương trắng trời sương núi, nơi có người mẹ già tóc bạc mỏi mắt chờ con… Bài ca ấy như góp vào tháng 7 linh thiêng tiếng vọng về của những ngày đã qua.

Nói về đề tài thương binh liệt sĩ không thể không nói về những bà mẹ của những anh hùng liệt sĩ, những người phụ nữ Việt Nam âm thầm chịu đựng gian khó và cả tù đày để nuôi dưỡng, cống hiến cho đất nước những người con ưu tú. Họ là những bà mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận về danh hiệu và cả những bà mẹ Việt Nam vô danh nhưng rất vĩ đại. Những ca khúc tiêu biểu viết về những người mẹ anh hùng đó có thể kể đến như: “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên, “Người mẹ của tôi”của nhạc sĩ Xuân Hồng, “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Nhẹ nhàng, bình dị, đời thường hơn là những ca khúc viết về những người đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường, phát huy bản chất người lính Cụ Hồ tiếp tục cống hiến cho quê hương. Hình ảnh dung dị và gần gũi đó được thể hiện rất rõ trong ca khúc “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến. Có thể nói, đây là tác phẩm âm nhạc viết về người thương binh để lại nhiều cảm xúc nhất cả về ca từ và giai điệu, được rất nhiều người ưu thích. Nội dung bài hát là câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường, tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương.

Một ca khúc khác viết về đề tài thương binh cũng của nhạc sĩ Trần Tiến có tiết tấu nhẹ nhàng, tươi vui và phóng khoáng hơn là bài “Chuyện tình thảo nguyên”, viết về người lính trong thời bình mà ngay sau khi ra mắt đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả. Chuyện tình như thơ giữa cô gái thảo nguyên và anh chàng thương binh “trở về làng quê cũ với cây đàn T’rông xưa” thật sự tạo được ấn tượng đẹp trong lòng công chúng yêu nhạc khi nghe bài hát này.

Những ca khúc viết về đề tài thương binh liệt sĩ do các nhạc sĩ nước nhà sáng tác không thể kể hết trong bài viết này. Bằng cảm nhận riêng của mình, người viết chỉ nêu một cách khái quát một số ca khúc được đánh giá là tiêu biểu, được đông đảo công chúng đón nhận qua nhiều thế hệ. Và trên hết, đó là những ca khúc đã “đi cùng năm tháng”, đi vào lòng người, góp phần cho những thế hệ được sinh ra trong hòa bình cảm nhận được sự khốc liệt, hy sinh mất mát do chiến tranh gây ra, thấu hiểu và xót thương đối với những bà mẹ mất con, những đứa con mất cha cũng như cảm nhận được niềm vinh quang, hãnh diện về nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương của mình để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc, dân tộc để hôm nay của chúng ta được sống trong hòa bình, ấm no.

D.D.H