Một không gian tươi màu (Đọc tập thơ Bên cửa sổ của Nguyễn Nho Khiêm)

28.06.2022
Tuệ Mỹ

Một không gian tươi màu (Đọc tập thơ Bên cửa sổ của Nguyễn Nho Khiêm)

Khi tiếp cận một tập/bài thơ, độc giả rất quan tâm đến cách kiến tạo không gian thơ của người cầm bút. Có một số loại/ kiểu không gian thơ nhìn từ góc độ thi pháp tôi được biết như: không gian gần, không gian xa, không gian đa chiều, không gian đơn tuyến… Riêng tôi khi đến với tập thơ Bên cửa sổ (Nxb Hội Nhà văn, 2021) của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, điều tôi quan tâm là “màu” không gian. Và, tôi nhận ra rằng với 84 bài thơ trong thi tập này, Nguyễn Nho Khiêm đã dắt tôi bước vào một không gian thơ thoáng đãng, tươi sáng, ấm áp và thanh trong.

Theo sắp xếp của tác giả, tập thơ Bên cửa sổ có cấu trúc ba phần. Phần thứ nhất gồm những bài thơ ghi lại cảnh sắc những miền đất mà tác giả đã đi qua. Phần thứ hai là những hoài niệm của nhà thơ về gia đình và tình cảm đối với bạn bè văn nghệ. Phần thứ ba là ký ức tình yêu. Dựa vào cấu trúc, tôi tạm gọi tên không gian phần đầu là “Không gian thiên nhiên” còn phần thứ hai và ba là “Không gian tâm tưởng”.

Trước mỗi phần của tập thơ có lời đề từ được biểu đạt bằng hai câu thơ. “Lòng tôi tĩnh, lắng, vọng, vang/ Mặt hồ soi thấu không gian thiên hà” (Phần1), “Phiêu bồng con mắt rất xa/ Nhìn tôi và thấy như là mắt tôi” (Phần 2) và “Trong hoang vắng trái tim tôi thức dậy/ …Còn lại tình yêu là khuôn mặt cuối cùng” (Phần 3). Qua ba lời đề từ, tôi chọn ra ba từ có nét chung về nghĩa, hoặc gần nghĩa. Lần lượt là: Lòng (tôi) - Con mắt - Trái tim. Theo tôi, ba từ này gom trọn thần thái của tập thơ. Cũng có thể xem đây là “lời thưa” tác giả muốn gửi đến bạn đọc: Thơ tôi là tiếng nói của trái tim tôi, là tiếng lòng tôi, một con người luôn có cái nhìn tích cực, lạc quan về cuộc sống. Trân trọng quá khứ, yêu quý hiện tại và luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng. Bởi thơ được soi chiếu từ “Con mắt” ấy, “Trái tim” ấy, “Lòng” ấy nên tươi vui, ấm áp, sáng trong chính là “màu” không gian thơ Nguyễn Nho Khiêm.

Phần đầu của tập thơ cho tôi cái cảm giác được “du lịch” qua các miền đất nước ta, thưởng thức những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được “vẽ” từ ngòi bút Nguyễn Nho Khiêm. Những tên đất, tên sông, tên núi, tên vùng miền được gọi lên thật trìu mến. Với bao nhiêu hình ảnh đẹp: dòng sông, cánh đồng, núi non, suối, rừng, biển, phố phường, ngôi nhà, cửa sổ, khu vườn, tiếng chim, tiếng chuông… Trong không gian tâm tưởng, men theo dòng hoài niệm và suy cảm của người thơ, bạn đọc bắt gặp không ít hình ảnh như: mưa, mây trắng, giấc mơ, mắt môi xưa, tình xưa, thềm xưa…

Hình ảnh trong thơ Nguyễn Nho Khiêm rất quen thuộc, người đọc có thể đã từng gặp nhiều trong thế giới thơ ca. Quen thuộc nhưng không nhàm chán bởi thi sĩ có cách thể hiện riêng biệt. Bài viết nhỏ này của tôi chỉ nương theo “ánh sáng” của bài/ khổ/ câu thơ mà khám phá màu-không-gian được trình hiện trong thơ ông.

Đây là bức tranh biển:

- Biển chiều sóng trắng bóng nghiêng

  Em làn gió lạ váy tiên bay về

  Trùng trùng biển thắp si mê

  Lưng trời ửng đỏ bốn bề nhớ nhung

- Nắng vàng nhuộm biếc, xanh hòa chân mây (Biển chiều)

Chỉ có mấy dòng thơ mà bày ra trước mắt người đọc một bức tranh khổ lớn về cảnh biển lúc chiều hôm. “Chiều” mà không đìu hiu, hoang lạnh trái lại biển như  sáng rỡ, ấm áp với “trắng” của sóng, “đỏ” của lưng trời, “vàng” của nắng và “biếc” của nước, “xanh” của mây. Nhà thơ gia tăng nhiều tính từ chỉ màu sắc tươi sáng để “tô” cho không gian biển chiều. Cái sắc màu ấy chỉ có thể được soi chiếu từ lòng “si mê” và tình “nhớ nhung” của thi sĩ. Lòng si mê và nỗi nhớ nhung ấy là vô cùng nên phải được đo bằng “trùng trùng” của biển và “bốn bề” mênh mông của lưng trời. Lấy không gian thiên nhiên để đo không gian tâm trạng là nét độc đáo của Nguyễn Nho Khiêm.

Cũng bằng cách này, ông còn dùng “ngàn xa” để đo nỗi nhớ “Tôi mang nỗi nhớ rất xa/ Gieo trên cỏ biếc nhuộm hoa tím rừng” (Cảm xúc ở hồ Xanh). Lại có “biếc” cỏ, “tím” hoa rừng. Lại có thêm bức tranh rừng sáng đẹp “Bung cánh vàng, cánh tím ngát hương/ Rừng hoa nở tự nhiên cùng trời đất” (Bài thơ tình viết ở Cồn Cỏ). Gam màu tươi sáng, rực rỡ ấy cứ trở đi trở lại trong nhiều bức tranh: “Vàng ươm nắng dòng sông hoài phố/ Rêu ươm xanh mái ngói cuối chiều” (Buổi sớm mai).

Không gian thơ sáng rỡ muôn sắc màu. Màu xanh “chim trăm loài ríu rít nhánh cành xanh(Ngồi cùng bầy chim trên bán đảo Sơn Trà), “Hòn đảo xanh thơ mộng biển biếc xanh” (Bài thơ tình viết ở Cồn Cỏ), “Cảm xúc ở Hồ Xanh”*, “Một vườn xanh”*,  Màu vàng, có “Hoa vàng”*, “Dã quỳ vàng”*, “Tường vàng”*, Màu tím: “Ai như mẹ ta rau muống tím/… trước biển chiều nay hoa muống tím (Hoa muống biển)… Nhưng có thể nói nhà thơ dành tình yêu và sở thích đặc biệt cho màu trắng. Cái màu trong trẻo, tinh khôi, trang nhã đó được khoác lên: “cò trắng” (Chợt đàn cò trắng rong chơi nhẹ nhàng), “sóng trắng” (chiều sóng trắng bóng nghiêng), “áo trắng” (Thơm ngát khu vườn tà áo trắng tinh), “ánh sáng trắng” (có một làn ánh sáng trắng/ …chạm vào ánh mắt tôi), “lau trắng” (Bất ngờ hoa lau trắng/ Nở dọc sông, quanh đồi). Nhiều nhất là “mây trắng”: Anh đợi ngoài sân nhìn mây trắng (Chợt nhớ), Rồi một mai mây trắng bay cao/ Sóng vẫn chảy anh không còn ở đó (Những cơn mưa bên cầu Tràng Tiền), Như tan trong gió hòa mây trắng/ Như cõi nào chợt tỉnh, chợt mê! (Buổi sớm mai), Kỷ niệm non tơ mây trắng nõn trời xanh (Thơ tình mùa xuân)... Từ trong không gian thực, “mây trắng” đã bay vào không gian hoài niệm về tình yêu. Rất dễ hiểu, một khi “Tình xưa tôi liệm yêu thương đáy lòng” (Xem ảnh cũ) thì ký ức tình yêu cũng trở nên đẹp đẽ lạ thường và cứ mênh mang trong nỗi nhớ. Biểu đạt điều này còn hình ảnh nào thích hợp hơn “mây trắng”.

Nếu nói “Không gian là thời gian trường tồn. Thời gian là không gian đang lấn bước” (Uxpenki) thì “Xưa” cũng được xem là một không gian - không gian hoài niệm tình yêu. Trong không gian này, mỗi dịch chuyển là gặp “xưa”: Bóng nước nào soi dáng em xưa (Những cơn mưa bên cầu Tràng Tiền), Vết xưa tỏa ấm tận cùng là thương (Vết thương), Hong ấm buồn xưa mắt môi xưa (Chợt nhớ), sợi tóc xưa gió cát phương nào (Dừng lại ở Lăng Cô), Thổi lên trời thơ mộng mắt môi xưa (Tiếng đàn mưa), Nhớ tình xưa ướt suốt đường về, Đường nhà thờ bàn tay ấm xưa đâu, Tình xưa tôi liệm yêu thương đáy lòng (Xem ảnh cũ), Rêu xưa phố lạ nằm nghe/ Câu thương nhớ gửi bóng tre đầu làng (Thả thính câu thơ), Phải em: mây cõi thượng thừa/ Đêm thương ngày nhớ mùa xưa hiện về (Săn mây), Trưa mưa tạt phá Tam Giang/ Nghe xưa về gọi gió hoang góc chiều (Trở lại phá Tam Giang)…“Xưa” hiện diện nhiều như thế khiến tôi có mường tượng rằng nhà thơ đã lùi lại rất xa, cầm “nhớ thương” đi sâu về miền ký ức để soi lại khuôn mặt “tình yêu xưa” đã lưu giữ trong gió cát, trong mưa, mây nước, bóng  tre, con đường, thềm nhà… với cảm xúc bâng khuâng, bồi hồi, ngơ ngẩn như một kẻ thất tình “Tròng trành chữ yểu, chữ yêu/ Đồ rê son mí… lời thêu thất tình”. Nỗi thất tình đó thêm một lần nữa được nói đến: “Đêm qua anh đến thềm xưa/ Chờ em ướt bảy cơn mưa Sông Trà” (Thềm xưa). Rất ấn tượng với “Bảy cơn mưa” trong nỗi thất tình của Nguyễn Nho Khiêm.

“Giấc mơ” là hình ảnh được nhắc đến khá nhiều. Người Đông Phương coi mơ mộng như một thế giới khác thế giới thực tại, một không gian khác không gian thực tại. Cái “không gian khác” đó mỗi lần xuất hiện mang một ý nghĩa khác nhau. Mơ về cuộc sống sinh sôi (“Giấc mơ buổi sáng”), mơ được sống lại tình yêu thời trai trẻ đầy mộng mơ, vụng dại (“Giấc mơ màu trắng”, “Giấc mơ dại khờ”), mơ yêu thương lan tỏa (“Giấc mơ thương”). Và, tôi rất ấn tượng với “Giấc mơ bay”. Thoạt đầu không biết tác giả muốn gửi gắm điều gì qua giấc mơ này nhưng khi dựa vào lời đề từ “Gửi theo Thúy Kiều” và các câu cuối bài thơ “Giấc mơ bay suốt câu kinh”, “Giấc mơ bay thấu cơn đau” thì tôi đồ rằng đây là “giấc mơ lạ” chỉ có trong thơ Nguyễn Nho Khiêm nhằm biểu đạt khát khao ru lại tình xưa, một tình yêu “chưa chớm nở đã nhàu mùi hương”. 

Trong “không gian khác” kia còn phải kể đến “Hồn”. Hình ảnh này được đưa vào tập thơ không nhiều nhưng hễ xuất hiện thì “hồn” luôn làm cho chiều kích không gian của bài/ khổ thơ được rộng mở đến tận… cõi thiêng. Về với đồng ruộng quê nhà, nhìn khói đồng bay quấn quyện dãy núi xa, nhà thơ cho đó là “Hồn quê hương gieo mượt đất đai này” (Khói đồng). Thăm Ngũ Hành Sơn, trong mắt nhà thơ “Những bậc đá ngàn năm hồn phố. “Hồn quê” được thể hiện rất ấn tượng khi ông đặt chân đến Mù Cang Chải:

Cang Chải, Cang Chải, Mù Cang Chải

Em gái địu con lưng núi xa

Em địu hồn quê lên từng bậc núi.

(Mù Cang Chải)

Hầu hết nhân vật “Em” trong thơ Nguyễn Nho Khiêm thường  mang ý phiếm chỉ. Riêng trong tình huống này, “Em” là con người thực. Giữa bao la của núi đồi, xuất hiện hình ảnh “Em địu con lưng núi xa” thì cũng quen thuộc như “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô” (Tố Hữu). Nhưng cái khác ở đây là hình ảnh này được nâng tầm “Em địu hồn quê lên từng bậc núi”. “Hồn quê” mang hình ảnh con người mà lại là “phụ nữ địu con” trong lúc lao động làm nên sự sống. Rõ ràng, nhà thơ đã tìm được cái cốt lõi của “hồn quê”. Chẳng phải “Đất nước sinh ra từ ngực đàn bà” (Hải Kỳ) và chính họ đã làm nên quê hương, đất nước? Người thơ có luôn vọng hướng về cõi thiêng thì ngòi bút mới chạm đến “hồn” mà nhất là “hồn xưa”: Nghe trong miền đất hai vua/ Cổng làng Môn Phụ hồn xưa hiện về (Thăm làng cổ Đường Lâm), Giống, rất giống xưa/ Sao không có hồn xưa (Qua cố đô).

Cái “màu” không gian đâu chỉ nhìn thấy mà còn nghe thấy. Nào, hãy nghe: “tiếng chim” (Bên cửa sổ tiếng chim xa vọng lại/ Tiếng hót như là tiếng vọng mùa thương), “Tiếng gà” (Nhớ những buổi sớm mai gà gáy sáng), “Tiếng hát” (Sông Hương vẫn con thuyền thả vang tiếng hát). Tất cả đã tạo nên bản hợp tấu rộn rã vọng vang gọi dậy yêu thương, khát vọng, niềm tin... Cả “tiếng mưa” vốn là tiếng buồn trong thơ Huy Cận “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Làm run thêm lạnh nỗi hàn bao la” mà khi “rơi” vào không gian thơ Nguyễn Nho Khiêm cũng trở nên ấm áp 
Mưa như tơ/ dịu dàng trong mưa/ không gian quấn quít hình bóng nụ cười em” (Mưa). Lẫn trong hợp âm đó, còn vang vọng tiếng chuông. “Đá vọng vách ngăn tiếng chuông chùa Linh Ứng” (Thăm Ngũ Hành Sơn), Tiếng chuông bạc lanh canh/ tuôn ngày thức dậy” (Một buổi sáng mùa xuân). Tiếng chuông đặc biệt phải nghe bằng tâm. Đúng vậy, lòng có tĩnh, lắng thì mới nghe được Tiếng chuông thảng thốt cánh rừng xa” (Chợt nhớ). “Thảng thốt”! Có phải đó là lúc con người giật mình tỉnh ngộ khi nghe tiếng chuông? Là lúc con người chợt nhìn lại mình rồi dừng lại bước chân, chậm lại nhịp sống, lòng hướng về thiện lành? Phải, tiếng chuông (chuông chùa, chuông nhà thờ) thức tỉnh con người thoát cơn mê lạc, gọi dậy thiện lành, an nhiên được Nguyễn Nho Khiêm gói gọn ở cụm từ “tiếng chuông thảng thốt”. Khi có tiếng chuông buông vào, không gian cũng phảng phất màu thiền.

Và, đây nữa, một âm thanh kỳ lạ không hiện hữu trong không gian thực mà vọng về từ cõi hư huyền khi nhà thơ xem “Phòng tranh Nguyễn Quang Thiều: Người thổi sáo”. Xem tranh mà lại Nghe tiếng sáo âm vang từ xa lắm” chẳng phải “kỳ lạ” lắm sao. Càng lạ hơn Tiếng sáo gọi tôi đi xuyên thấu một cánh đồng…”. Tôi có cảm tưởng tranh Người thổi sáo là họa phẩm được vẽ từ cây bút thần của nhân vật cổ tích Mã Lương nên mới có khả năng kỳ diệu mang tiếng sáo tưởng tượng xuyên không và “xuyên thấu” cõi hồn. Tiếng sáo vọng về từ vô thức đã mở rộng chiều kích tâm hồn con người đến tận… thẳm sâu với khát khao khám phá chính mình. Màu triết lý nhân sinh được người thơ phả vào tiếng sáo.      

Màu-không-gian thơ Nguyễn Nho Khiêm được kiến tạo nhất quán trong tư duy và cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Đó cũng là màu cuộc sống được soi chiếu bởi cái nhìn và quan điểm thẩm mỹ của nhà thơ. Cuộc sống phô bày “Bên cửa sổ” là cuộc sống phồn sinh, tươi đẹp, ôm chứa trong lòng nó biết bao nghĩa tình, luôn mời gọi con người nhập cuộc, điểm tô thêm màu mới. Xuyên suốt tập thơ, đâu đó cũng có phảng phất chút màu buồn trước mất mát, tàn phai nhưng chiếm lĩnh không gian thơ vẫn là màu tươi sáng, lạc quan. Nếu nói thơ tức là người thì “Bên cửa sổ” hiển lộ chân dung nhà thơ đất Quảng Nam - Nguyễn Nho Khiêm, một người tha thiết yêu cuộc sống, yêu con người, trân quý mọi giá trị cuộc sống, hoài niệm quá khứ, tin tưởng ngày mai sáng tươi, tốt đẹp. Là một người thơ mê đắm cái Đẹp, phiêu du trong xứ Đẹp, biết “chộp” lấy khoảnh khắc thăng hoa, gửi cảm xúc vào con chữ để thơ cất tiếng. Thơ Nguyễn Nho Khiêm đậm chất trữ tình, lãng mạn, tinh tế, giàu chất hội họa, giàu chất nhạc, hình ảnh thơ giàu sức liên tưởng sâu xa. Những thức nhận và chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống làm cho thơ ông đằm sâu suy tưởng. Tôi nghĩ: thơ không phải cũ - mới mà là hay - dở. Thơ hay muôn đời, muôn nơi vẫn là tiếng lòng hòa điệu riêng chung bao ý-tình-hình-nhạc-tương tác giao hòa làm rung động lòng người. Tập thơ Bên cửa sổ của Nguyễn Nho Khiêm nằm trong điều tôi nghĩ.

T.M