Một chuyến đi về miền đất hồi sinh

28.06.2022
Nguyễn Thị Phú

Một chuyến đi về miền đất hồi sinh

Tôi thường ước mơ được bước chân trên nhiều vùng miền của Tổ quốc để lắng nghe những thanh âm của cuộc sống và ngụp lặn hồn mình vào những câu chuyện quê hương. Để hiểu. Để sống. Và hôm nay, như là duyên lành của niềm mơ ước, tôi được đến thăm Quảng Trị, một vùng đất từng nhuộm bao xương trắng máu đào, quân và dân anh dũng chịu nhiều hy sinh, mất mát để giữ gìn lãnh thổ góp phần to lớn cùng cả nước đưa non sông Tổ quốc thu về một mối.

Cùng Đoàn Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, tôi đến đây vào trung tuần tháng năm nên chưa phải chịu cái nắng gió gay gắt mà có người nói đùa là “đặc sản” của Bắc miền Trung. Sáng sớm, dọc theo bờ sông Thạch Hãn ngắm dòng nước trong xanh xuôi về hướng hạ lưu, đổ ra Cửa Việt, lòng cũng có phút thẫn thờ, trôi… Sông không rộng. Sông dài. Đứng bên này, trông rõ bờ bên kia. Có vẻ như dễ hiểu lòng nhau từ khi gặp gỡ, và cũng sẽ hiểu lòng nhau nếu sóng đôi suốt cả cuộc đời! Những người Quảng Trị mà tôi được gặp nơi đây cũng cho tôi cảm giác như thế, như khi tôi lặng nhìn dòng nước sông Thạch Hãn dịu dàng trôi giữa đôi bờ gần gũi. Đến khi ánh nắng ban mai đã làm ấm cả bầu trời, mặt đất thì mặt sông xôn xao. Màu nắng, màu mây, màu sóng, màu ghe thuyền lướt trôi làm nên một mảng màu cuộc sống của dòng sông: yên bình!

Tôi lưu trú ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Thị xã có diện tích hơn 74 km², mật độ dân cư cũng không lớn (dân số gần 23 nghìn người), đường giao thông trong thị xã đa phần là đường 7m5, 10m5, hai bên vỉa hè nhiều cây xanh bóng mát. Ra vùng ngoại ô, những con đường có phần hẹp hơn và dường như chiều dài cũng xuôi theo con đường của nước chảy - những dòng kênh hoặc dòng sông hẹp không có tên, nối kết dòng chảy đi vào cuộc sống con người cho trôi bớt đi những cằn khô, nóng bức; cho cây xanh, cho dịu mát lòng nhau. Rồi khi dong xe ra những con đường lớn, phố xá có thênh thang nhưng ít còi xe inh ỏi, ít tấp nập đua chen, không hầm hập dòng người vội vã. Trong lòng tôi, thoáng hiện chữ yên bình!

Buổi sáng, buổi trưa hay là chiều tối, tôi có khi vào quán bình dân, có khi được chiêu đãi trong nhà hàng thị xã. Câu chuyện về ẩm thực nơi đây cũng gợi nhiều cảm xúc về cái vị đậm đà, hơi mặn, và ớt cay thơm nồng, cay nóng đầu lưỡi trong mỗi món thức ăn. Lại có cả dĩa ớt trái - chín đỏ ửng hay đỏ mọng, dành cho người sành ăn ớt. Tôi từng nghe người Quảng Trị ăn món gì cũng phải có ớt, ớt càng cay ăn càng ngon. Giờ càng hiểu ớt là gia vị, là hương liệu, là sắc tố, là… “dinh dưỡng” như cơm rau cá mắm hằng ngày. Chợt nhớ giai thoại hài hước: Có một chị nọ quê ở Quảng Trị, ra Hà Nội học khóa nâng cao chuyên môn. Chị mang đứa con nhỏ theo cùng, hằng ngày gửi cháu ở trường mẫu giáo. Trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia hẳn hoi, nhưng các cô chẳng thể nào dỗ cho cháu ăn uống được. Đến khi hỏi phụ huynh, chị ấy điềm nhiên cười bảo: Dạ, em quên. Em nhờ các cô khi pha sữa hoặc khuấy bột, các cô cho nhiều ớt vào cháu mới ăn. Kể cho vui thế thôi chứ lẽ nào…! Mà không biết có phải vì ăn nhiều ớt nên người Quảng Trị cũng hay nóng tính? Nổi nóng lên thì cãi. Mà cãi rồi thì thôi, lại thân ái, lại rất ân cần, chung thủy. Khi tôi hỏi về tính cách đáng yêu của người Quảng Trị, anh cán bộ trẻ phụ trách công tác văn hóa thông tin bảo rằng: Đó là sự hiền lành và thật thà chị ạ! Thảo nào cuộc sống quanh đây trông rất yên bình!

Nhưng tôi biết, để có được cuộc sống yên bình hôm nay, người Quảng Trị đã anh dũng vượt qua biết bao giông bão do kẻ thù gây ra. Dữ dội nhất là 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ trước cuộc phản kích cố chiếm tỉnh Quảng Trị của đế quốc Mỹ và tay sai vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này, song bấy giờ, báo chí phương Tây ước tính số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành Cổ Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào năm 1945. Thế nhưng, những chiến sĩ quân giải phóng vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa. Trong 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế này, địch điên cuồng ném bom bắn phá khiến nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đến ngày thứ 81 (16.9.1972), khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng thì hàng trăm chiến sĩ và thương binh, sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Sông Thạch Hãn đã trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người chiến sĩ anh hùng…

Hôm nay, chúng tôi đến Thành Cổ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chân bước khẽ khàng trên mảnh đất thiêng liêng. Rồi dạo bước theo ven bờ sông Thạch Hãn, mắt yêu thương trân trọng ngắm dòng sông. Màu lửa khói chiến tranh đã hóa thành mây xanh nước biếc. Máu đỏ của anh hùng đấu tranh giữ nước đã đượm màu tươi thắm cho sắc cờ của Tổ quốc Việt Nam.

Năm mươi năm trước, Quảng Trị đau thương, khóc cười cay đôi mắt. Giờ đây, Quảng Trị đã thật sự hồi sinh; đã thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ từ vùng đất bom cày đạn xới năm nào. Mức sống của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Cuộc sống đã như sông chảy ra biển rộng, người Quảng Trị đang hưởng hạnh phúc, yên bình. Cùng với cả nước, họ đã và đang bắt nhịp với cuộc sống mới, nỗ lực xây dựng cho quê hương phát triển và cũng để tỏ lòng tri ân với anh linh quá khứ anh hùng.

Rời Quảng Trị, lại nhớ bài thơ “Về Quảng Trị đi em” của Hào Quang với lời nhắn gửi da diết:

“…Dẫu quê người cảnh đẹp,

giàu sang

Về thăm quê anh, ấm tình, thi vị

Một ngày mai trên dặm trường

 thiên lý

Muối mặn, gừng cay, nhớ Quảng Trị

quê mình!”.

N.T.P