Người thương binh kể chuyện sử qua hồi ký

28.06.2022
Trần Ngọc Đức

Người thương binh kể chuyện sử qua hồi ký

Tôi được gặp cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh tại buổi Gặp mặt nhân kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 1, Mặt trận 4 Quảng Đà (19.5.1965 - 19.5.2022) diễn ra vào ngày 19.5.2022 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Những năm trước, kỷ niệm Ngày thành lập Tiểu đoàn 1 (R20) đều được tổ chức tại Đà Nẵng, nhưng năm nay, Trưởng Ban liên lạc tiểu đoàn Bùi Hồng Khanh muốn có sự “công bằng” cho các anh chị em là chiến sĩ của tiểu đoàn đang sinh sống tại Quảng Nam nên đã tổ chức buổi gặp mặt tại Điện Bàn, Quảng Nam.

Tuy là Trưởng Ban liên lạc nhưng ông Bùi Hồng Khanh khá kiệm lời, dáng vẻ từ tốn, trong khi mọi người đang tay bắt mặt mừng sau hai năm không thể gặp mặt do đại dịch Covid-19 thì cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh lại âm thầm đi lại để sắp xếp nội dung chương trình buổi gặp mặt cho thật trang trọng và ấm áp.

Theo các đồng đội thì Bùi Hồng Khanh là vậy, cái nếp sinh hoạt có phần rất nguyên tắc của một người làm công tác quân y và tổng hợp tài liệu trong ngành quân đội bao năm đã ăn sâu vào trong máu thịt: ít nói, cẩn trọng, ngăn nắp, chu đáo, rõ ràng…

Được chung vui với các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 trong ngày gặp mặt kỷ niệm 57 năm thành lập Tiểu đoàn năm nay đối với tôi là một vinh dự lớn. Ở đó nhiều trận đánh, tấm gương của chiến sĩ Tiểu đoàn 1 được tái hiện sinh động qua kí ức của những người còn sống hôm nay. Trong đó có tấm gương của đảng viên, cựu chiến binh, thương binh Bùi Hồng Khanh - hiện đang là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn 1.

Bùi Hồng Khanh sinh ra tại một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại làng Giáng La, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn La Huân, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 13 tuổi, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, cậu bé Bùi Hồng Khang tham gia làm giao liên tại địa phương. 16 tuổi, Bùi Hồng Khanh trốn nhà để theo cách mạng và chiến đấu trong vai trò là một chiến sĩ quân y, biệt động thành Đà Nẵng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong ngành quân đội ở nhiều vị trí, nhiệm vụ, địa bàn khác nhau với chức vụ cao nhất là Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Về hưu, ông lại nhiệt tình tham gia công tác hậu phương quân đội và phong trào tại địa phương nơi mình sinh sống. Ở vị trí nào Bùi Hồng Khanh cũng được cấp trên đánh giá cao và là tấm gương để đồng đội, nhân dân noi theo. Với những đóng góp của mình cho cách mạng, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3 và nhiều Huân huy chương vinh dự khác. Và hai mươi năm trở lại đây, Bùi Hồng Khanh còn được nhắc đến như là một trong những người “kể chuyện sử” bằng hồi ký “nhiều nhất” về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại bọn Mỹ - Ngụy tại địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa.

Người chế tạo ra “Chiếc võng khu 5”

Năm 1962, lúc này Bùi Hồng Khanh 16 tuổi, không thể tiếp tục làm giao liên dưới vỏ bọc “thiếu nhi” được nữa, biết ở lại quê nhà sẽ bị bắt đi lính nên cậu thiếu niên Bùi Hồng Khanh cùng người bạn vong niên là Lê Văn Thỏa quyết định trốn nhà thoát ly lên căn cứ Ô Rây (thuộc thôn Phú Túc, huyện Hoà Vang) theo cách mạng. Do trốn nhà nên lúc đi chỉ mang theo đúng hai bộ quần áo cộc tay, mà buổi tối phải ngủ trên sạp nên thường rất lạnh và nhiều muỗi. Nhân có mấy chú bộ đội công tác về xuôi, Bùi Hồng Khanh có nhắn về nhà xin mua giúp một chiếc võng. Nhưng thời đó việc mua võng thường bị kiểm soát rất gắt gao, nên người chị thứ ba là Bùi Thị Bường (cũng là một chiến sĩ du kích tại địa phương) đã gửi cho Bùi Hồng Khanh hai mét rưỡi vải nilon (loại kim tuyến) để lót nằm tạm. Sau khi nhận vải, Bùi Hồng Khanh không lót nằm mà quyết định xin dây dù của các chú để “mày mò chế tạo” ra chiếc võng nilon riêng cho mình. Thời đó chỉ có võng bằng vải kaki từ miền Bắc đem vào, vừa to, nặng mà lại dễ thấm nước và để vào ba lô thì rất choáng chỗ. Còn chiếc võng của Bùi Hồng Khanh gọn nhẹ, không thấm nước, đặc biệt là nằm rất êm lưng và chống rét tốt. Lãnh đạo tỉnh, huyện lên căn cứ Ô Rây họp thấy chiếc võng của Bùi Hồng Khanh rất tiện lợi, phù hợp chiến trường với ba tiện lợi chính: Nằm êm - giặt mau khô - bỏ ba lô gọn nhẹ nên quyết định phổ biến chiếc võng này cho bộ đội ở toàn chiến trường Quảng Đà. Không dừng lại ở đó, Bùi Hồng Khanh còn tiếp tục “nghiên cứu” dùng vải từ chiếc đèn dù của địch để may thêm chiếc bọc võng thành chiếc võng “hoàn hảo” bốn tiện lợi: Nằm êm - giặt mau khô - bỏ ba lô gọn nhẹ - ấm và chống muỗi tốt. Rồi từ đó “chiếc võng nilon 4 tiện lợi” dần dần được phổ biến khắp các chiến trường trên cả nước với tên gọi là “chiếc võng khu 5” mà người “sáng chế” chính là Bùi Hồng Khanh.

“Cha đẻ” của bài thuốc “Rượu ngâm tiêu” chống choáng dành cho thương binh nổi tiếng khắp các chiến trường

Nhờ khả năng tự học cao và tính cẩn trọng trong công việc nên Bùi Hồng Khanh được chọn để tham gia học quân y từ rất sớm khi tham gia cách mạng. Trong quá trình công tác với vai trò là một chiến sĩ quân y, ông đã trực tiếp cứu chữa nhiều thương binh ngay tại chiến trường và cũng là người nổi tiếng với việc “sáng chế” ra bài thuốc “Rượu ngâm tiêu chống choáng cho thương binh” là một trong những bài thuốc vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho đến hôm nay.

Bắt đầu từ năm 1965, địch tăng cường các hoạt động đánh phá khắp chiến trường Quảng Đà, gây cho ta không ít những tổn thất. Qua công tác trực tiếp tại chiến trường, nhận thấy các thương binh thường hay bị choáng và lạnh sau khi bị thương, nhất là vào mùa đông. Việc chống choáng (giữ tĩnh táo) và lạnh cho thương binh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ được tính mạng cũng như sức khỏe tinh thần về sau cho họ trong những giây phút nằm giữa “ranh giới sự sống và các chết”. Đúc kết từ những kinh nghiệm từ ngày còn theo cha đi cày và đánh cá cùng với kết quả tự học, tự nghiên cứu của mình, Bùi Hồng Khanh đã sáng tạo và xin phép chỉ huy để đưa bài thuốc “Rượu ngâm tiêu” dùng cho thương binh. Kết quả bài thuốc đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi, vừa chống choáng, chống đau, chống viêm và giữ ấm được cho thương binh trong cấp cứu tại chiến trường. Nhờ bài thuốc này mà Bùi Hồng Khanh được nhận bằng khen và đi báo cáo điển hình tại hội nghị quân y toàn tỉnh. Về sau đây cũng là bài thuốc có mặt ở hầu hết các trạm cứu chữa thương binh ở khắp các chiến trường trên địa bàn Quân khu 5.

Người “tuyển quân xuất sắc” cho Biệt động thành

Bùi Hồng Khanh là một trong những chiến sĩ đầu tiên khi thành lập lực lượng Biệt động thành Đà Nẵng (sau này ông là một trong năm chỉ huy của lực lượng phụ trách cánh Trung) và chính ông cũng là một trong những người “tuyển quân” nhiều nhất cho lực lượng này. Những năm tháng tham gia chiến đấu, Bùi Hồng Khanh hoạt động “con thoi” giữa địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam. Bên cạnh công tác quân y, ông còn được giao việc xây dựng cơ sở và “tuyển quân” cho lực lượng Biệt động thành. Với lợi thế thông thạo địa bàn và khả năng phán đoán tình huống đặc biệt xuất sắc qua quá trình chiến đấu, Bùi Hồng Khanh thường xuyên xuất hiện giữa địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng để tuyển quân mà chưa bao giờ bị địch bắt hoặc làm lộ bí mật quân sự. Bọn địch gian xảo bày đủ các “mưu hèn kế bẩn” tìm mọi cách để bắt Bùi Hồng Khanh và phá hủy các cơ sở cách mạng, nhưng Bùi Hồng Khanh vẫn cứ như có “thuật tàng hình” trước mọi cái bẫy của chúng. Còn những đội, chiến sĩ biệt động được Bùi Hồng Khanh tuyển chọn, huấn luyện đều là những chiến sĩ cực kì xuất sắc, anh dũng như: Lê Văn Nuôi, Lê Văn Tam, Lê Thị Hồng, Phan Thị Tuyết, Phan Thị Bảy,… trong đó K20 - một trong những đội trực thuộc lực lượng Biệt động thành cánh Trung do Bùi Hồng Khanh tuyển chọn và huấn luyện đã tạo được tiếng vang ở nhiều trận đánh và là nỗi khiếp sợ của quân địch tại nội thành Đà Nẵng. Với những chiến sĩ biệt động năm xưa, Chú Mười (tên gọi thân mật của cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh) là người luôn giữ lời hứa và hành động vì nhân dân, đồng đội nên khi chú nói họ đều răm rắp nghe theo. Biệt động thành Đà Nẵng có khoảng 300 chiến sĩ thì trong đó có đến hơn 60 người là do Bùi Hồng Khanh trực tiếp gặp gỡ vận động tham gia. Cho đến hôm nay, với  những cựu chiến binh Biệt động thành này thì “Chú Mười” vẫn luôn là chỗ “tin tưởng” nhất để họ có thể chia sẻ những khó khăn của cuộc sống đời thường.

Vào Đà Nẵng

Đêm ngày 28 tháng 3 năm 1975, tiền phương Đặc khu ủy Quảng Đà và Bộ tư lệnh Mặt trận 4 giao mệnh lệnh khẩn phải vào thành phố để chỉ huy các lực lượng giải phóng, ổn định tình hình thành phố trước khi quân chủ lực vào. Nhận nhiệm vụ, tổ công tác đặc biệt do đồng chí Nguyễn Ngọc Phỉ, Phó tham mưu trưởng chỉ huy chung, và đồng chí Bùi Hồng Khanh là Phó chỉ huy tác chiến là những người đầu tiên mặc quân phục quân giải phóng tiến vào thành phố để chỉ huy các lực lượng. Đây là tổ công tác thực hiện nhiệm vụ có tính chất quan trọng bậc nhất khi tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng như: Liên lạc, thống nhất hành động với các lực lượng tại chỗ; chỉ đạo lực lượng biệt động đánh chiếm các mục tiêu quan trọng; chỉ đạo quần chúng nổi dậy kêu gọi binh lính địch đầu hàng; và đặc biệt là ổn định tình hình an ninh trật tự trước khi quân giải phóng tiến vào thành phố. Nhờ sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, mưu trí, thông thạo địa bàn và hiệp đồng chặt chẽ trong chỉ huy mà đồng chí Nguyễn Ngọc Phỉ, Bùi Hồng Khanh và các đồng đội đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đến 10 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, với phương châm “trong nổi dậy, ngoài tiến công” của quân và dân ta, thành phố Đà Nẵng đã được hoàn toàn giải phóng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để quân giải phóng vào tiếp quản thành phố vào chiều cùng ngày.

 

Người kể chuyện sử bằng hồi ký

Về hưu sớm (năm 49 tuổi) do những vết thương “chí mạng” trên người hành hạ (1 mảnh đạn ở trên đầu và 9 mảnh bom trong lồng ngực - tất cả đều nằm ở những vị trí “hiểm” nên không thể phẫu thuật để lấy ra) nhưng đảng viên, cựu chiến binh, thương binh Bùi Hồng Khanh luôn phát huy tinh thần Người lính Cụ Hồ, thực hiện nghiêm túc lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế” tích cực tham gia các công tác nghĩa tình đồng đội như tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở chiến trường xưa, vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho những cựu chiến binh còn khó khăn hôm nay, ngoài ra ông còn tích cực tham gia công tác đảng, phong trào ở địa phương nơi mình  sinh sống, tạo được niềm tin lớn từ nhân dân.

40 năm cuộc đời binh nghiệp, trong đó có 15 năm cầm súng trực tiếp chiến đấu, Bùi Hồng Khanh có mặt ở rất nhiều chiến trường ác liệt trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Điều buồn nhất đối với Bùi Hồng Khanh khi đất nước giải phóng đó là nhiều đồng đội của ông đã nằm xuống nhưng chưa tìm được hài cốt. Xuất phát từ tình đồng đội, đồng thời xem đây như là trách nhiệm của một người đảng viên, hơn 40 năm qua Bùi Hồng Khanh đã nhiều lần “chiến đấu” với vết thương “chí mạng” trên đầu để “lục lọi” lại trí nhớ, ghi lại địa điểm những trận đánh và các vị trí mà quân y ta đã từng chôn cất liệt sĩ trước đây, nhằm phục vụ cho công tác tìm kiếm quy tập.

Cùng với đó, do làm công tác tổng hợp trong ngành quân đội lâu năm nên ông được đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến chiến tranh và có kĩ năng thực hành viết sách rất tốt. Do đó, hơn 20 năm qua, đảng viên, cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh luôn nỗ lực hết sức mình trong việc sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, tìm về chiến trường xưa và bắt cơ thể mình phải “chiến đấu mạnh mẽ” với những vết thương để hoàn thành gần 20 đầu sách về hồi ký, truyện ký do ông là tác giả hoặc tham gia biên soạn chính liên quan đến đề tài chiến tranh tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng do các nhà xuất bản: Quân đội nhân dân, Văn học, Văn nghệ, Đà Nẵng xuất bản. Trong đó có rất nhiều đầu sách được ngành quân đội và các cơ quan Đảng, Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng đánh giá cao như: Dấu son lịch sử, Sông Hàn dậy sóng, Huyền thoại một Tiểu đoàn, Người chỉ huy Biệt động thành, Kí ức người chiến sĩ… Các tác phẩm của Bùi Hồng Khanh đã phản ánh được sự khốc liệt của chiến tranh và làm sống dậy được tinh thần, khí thế của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều trận đánh diễn ra tại nội thị Đà Nẵng cùng nhiều tấm gương anh dũng trong chiến đấu tưởng chừng đã bị quá khứ lãng quên thì qua sách của ông người đọc lại có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về họ. Bên cạnh đó, sách của Bùi Hồng Khanh là sự lồng ghép hài hoà tinh tế, trong đó không chỉ có chiến tranh mà còn có lao động sản xuất, có những quan hệ xã hội bình dị như tình làng nghĩa xóm, tình cảm nam nữ trong sáng, và có cả những cảnh đẹp về quê hương đất nước… Trong từng trang viết của Bùi Hồng Khanh, người đọc luôn cảm nhận được một tình yêu rực lửa, đó là tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng đội và tình yêu  lứa đôi thuần khiết của một thế hệ chiến chinh vì nền độc lập dân tộc.

 

76 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, mang trên người 10 mảnh bom, đạn do chiến tranh và trải qua 3 cuộc đại phẫu trong 5 năm qua, nhưng đến hôm nay đảng viên, cựu chiến binh, thương binh Bùi Hồng Khanh vẫn luôn âm thầm sưu tầm, viết sách lịch sử về chiến trường Quảng Đà năm xưa. Ông xem viết sách là nhiệm vụ và cũng là cách để giữ cho mình luôn khỏe mạnh, minh mẫn. Ngôi nhà của ông giờ cũng chính là một thư viện thu nhỏ với rất nhiều những sách, tài liệu, kỷ vật, tranh ảnh liên quan đến đề tài này. Đây là nơi thường xuyên lui tới của những người viết sử trong ngành quân đội, những người đam mê tìm hiểu về lịch sử và cũng là nơi mà nhiều thân nhân liệt sĩ tìm đến để nhờ trợ giúp tìm kiếm hài cốt các anh.

Chia tay các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 sau cuộc gặp mặt kỷ niệm 57 năm thành lập tiểu đoàn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi biết với họ, dù ở đâu, làm gì, giai đoạn nào thì tinh thần, phẩm chất của Người lính Cụ Hồ vẫn luôn cháy mãi trong tim, họ sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để Tổ quốc được trường tồn và phát triển. Riêng đối với đảng viên, thương binh 2/4 Bùi Hồng Khanh, tôi tin chắc rằng với ông, còn sống là còn cống hiến cho Đảng, cho ngành quân đội và cho nhân dân qua những trang viết về lịch sử chiến trường Quảng - Đà năm xưa như lời Bác đã dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế!”.

T.N.Đ