Văn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)
Trong suốt chặng đường 20 năm qua, văn học Đà Nẵng vốn là sự tiếp nối dòng văn học Quảng Nam - Đà Nẵng thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là dòng văn học cách mạng hình thành và phát triển sau những năm 1975. Hiện nay, thế hệ các nhà văn vẫn tiếp tục sáng tác, trong đó các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến và trưởng thành sau những năm 1975 là những nhà văn có tác phẩm chất lượng về nội dung cũng như nghệ thuật, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền văn học Việt Nam và văn học thành phố.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng cho biết: “Lúc mới thành lập, Hội Nhà văn có 88 hội viên từ Phân hội văn học thuộc Hội liên hiệp VHNT Đà Nẵng. Đại hội lần thứ II năm 2007, Hội có 105 hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã kết nạp thêm 27 hội viên nâng số lượng hội viên hiện nay có 132. Trong số đó, số hội viên không gắn bó với Hội hoặc chuyển địa bàn làm việc trong 5 năm qua là 23, số hội viên qua đời 13. Số hội viên chính thức đang sinh hoạt hiện nay là 96. Các hội viên đều được cấp thẻ hội viên để tiện việc giao dịch, công tác. Hội tạo mọi điều kiện để hội viên đi thực tế sáng tác, phổ biến tác phẩm trên tạp chí, xuất bản thành sách hoặc ra mắt tác phẩm với công chúng. Trong nhiệm kỳ qua, có 5 hội viên của Hội được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Về thể loại sáng tác, hội viên chuyên ngành thơ chiếm số lượng cao hơn văn xuôi. Trong khi đó mảng nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thiếu các cây bút chuyên sâu và chuyên nghiệp. Về mảng sáng tác văn học cho thiếu nhi chưa có sự phát triển đáng kể về tác giả, tác phẩm”.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ gần đây (2007 - 2013), Hội Nhà văn quan tâm đến Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 5 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về công tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, góp ý sửa đổi Hiến pháp và một số chủ trương quan trọng khác trên lãnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Trong đó, Hội Nhà văn đã tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Hòn Kẽm - Đá Dừng (đầu nguồn sông Thu Bồn), phối hợp đi thực tế sáng tác tại một số huyện của tỉnh Quảng Nam; viết về nông thôn mới Hòa Vang. Tham gia cùng với Liên hiệp Hội đi 2 đợt thực tế sáng tác phục vụ chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” tại Quảng Tây (Trung Quốc). Tham gia các trại sáng tác và đi thực tế sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT thành phố tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Đại Lải, Tam Đảo và một số tỉnh thành ở Nam bộ, Tây bắc, Đông bắc. Đề xuất với Liên hiệp Hội về hỗ trợ sáng tác và xuất bản cho một số tác giả có bản thảo chất lượng hằng năm...
Về hoạt động đối ngoại, phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố, Hội đã có 2 buổi giao lưu với đoàn nhà văn Ấn Độ tại cơ quan Liên hiệp Hội, đồng thời nhận lời mời của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, Hội Nhà văn cử 2 hội viên tham dự Festival thơ Quốc tế và Hội chợ sách quốc tế tại Kolkata. Tổ chức buổi tọa đàm về văn học Nhật Bản do GS Numano Mitsuyoshi Khoa Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Tôkyô trực tiếp trao đổi về văn học Nhật và giao lưu giữa văn học Việt - Nhật trong xu hướng phát triển hiện nay. Hội cũng phối hợp và tham dự buổi tọa đàm về văn học Lào tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng; tham dự buổi trao đổi về văn học Hàn Quốc do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội VHNT tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố, Hội đã phối hợp cùng các đơn vị Chi nhánh NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học, NXB Quân đội nhân dân, Tạp chí văn hóa quân sự, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Thư viện Tổng hợp thành phố, các Trung tâm Văn hóa -Thông tin quận huyện và một số đơn vị khác... tổ chức trên 50 buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm, đi thực tế sáng tác và các hình thức sinh hoạt phong phú khác.
Các CLB sáng tác như CLB Hàn Giang, CLB Thái Phiên, CLB thơ phường Mỹ An, phường Hòa Cường, phường Thanh Khê Đông, Hòa Khánh Bắc, CLB thơ Đường luật... hằng năm đều tổ chức bản thảo, xuất bản các tập thơ của CLB cũng như của hội viên và tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt khác góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học của thành phố.
Nhằm đánh dấu những chặng đường phát triển văn học thành phố, đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng trong thời gian qua, Hội Nhà văn đã chủ động tổ chức bản thảo, xuất bản các tập sách: “Văn học Đà Nẵng 1997 - 2007”, Tuyển thơ “Đà Nẵng 1997 - 2012”, “Gửi lòng con đến cùng Cha” (thơ viết về Bác Hồ), “Ngàn năm thương nhớ” (tập thơ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội), “Giao hưởng và đốm lửa” (thơ văn các tác giả trẻ). Ngoài ra, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng đã xuất bản một số tuyển thơ văn có chất lượng của các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng, một số tác giả cũng xuất bản một số tập sách về các vùng đất thành phố như thơ văn viết về Hải Vân Quan, danh thắng Ngũ Hành Sơn và một số địa danh khác. Các hội viên tích cực tham gia các tuyển văn, tuyển thơ khác như “Truyện ngắn hay Tạp chí Non Nước” và các tuyển tập thơ lục bát, tuyển thơ của các nhà xuất bản, các CLB trong và ngoài thành phố.
Đáng chú ý, từ năm 2007 đến nay, sáng tác của các nhà văn thành phố tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới. Thế hệ nhà văn thời chống Pháp, chống Mỹ và một số nhà văn trưởng thành sau 1975 tiếp tục lấy đề tài lịch sử và chiến tranh làm cảm hứng sáng tác chính của mình. Qua ngòi bút của Lưu Trùng Dương, Hồ Hoàng Thanh, Đoàn Xoa, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Đông Trình, Lê Khôi, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Đỗ Xuân Đồng, Cao Hữu Chuyên,... đề tài về lịch sử và chiến tranh được chú trọng khai thác với nhiều góc nhìn đa dạng, nhân văn. Trong đó, nhà thơ Ngân Vịnh có nhiều tác phẩm chân thực về chiến trường Cam-pu-chia ác liệt, nơi anh trực tiếp cầm súng bảo vệ đất nước.
Cùng với sự phát triển “thay da đổi thịt” của thành phố, giai đoạn vừa qua văn học đã góp tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp của thành phố qua những công trình mới, đồng thuận cùng nhân dân thành phố xây dựng Đà Nẵng ngày một đẹp hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn. Phê phán tiêu cực của xã hội cũng là một đề tài phản ánh sâu sắc trong văn học. Các hiện tượng tham nhũng, quan liêu, đi ngược lại lý tưởng của dân tộc,... được các nhà văn đưa vào tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ khá đậm nét. Thơ viết về tình yêu, chiêm nghiệm về cuộc sống cũng là một đề tài được thể hiện khá đa dạng trong các tác phẩm của hầu hết các tác giả trong thời gian qua. Văn học viết cho trẻ em tiếp tục được một số tác giả quan tâm như Thanh Quế, Ngân Vịnh, Đông Trình, Trần Trung Sáng, Trương Văn Ngọc, Huy Lộc, Nguyễn Kiên,... Riêng về sáng tác của thiếu nhi trong thời gian qua cũng được Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Nhà văn thành phố quan tâm. Hằng năm đều tổ chức trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, thu hút trên 120 em tham dự và có khoảng 300 sáng tác của các em hoàn thành trong quá trình dự trại. Trên cơ sở những tác phẩm chất lượng của các em đã xuất bản tập sách như tuyển thơ văn “Tháng 13”, “Chong chóng gió”,... đồng thời một số tác phẩm của các em được gửi dự thi ở Trung ương và đăng tải ở một số báo chí trong và ngoài thành phố.
Mảng văn học dịch trong thời gian qua chưa thật sự phát triển mạnh, vì thành phố Đà Nẵng chưa có nhiều dịch giả. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ qua, Hội ghi nhận tâm huyết của nhà thơ Bùi Xuân đã bỏ nhiều công sức dịch các tác phẩm đặc sắc của nhà thơ Tagor từ tiếng Anh sang tiếng Việt và đã xuất bản 3 tập. Về thơ tiếng Việt chuyển ngữ sang tiếng Anh có tập thơ của Mai Hữu Phước xuất bản năm 2013. Ngoài ra, có một số bài thơ, truyện ngắn khác chuyển ngữ sang tiếng Anh tại festival thơ quốc tế, hoặc sử dụng trên báo chí, trang thông tin điện tử.
Về thể loại nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học tiếp tục có những bước tiến mới so với thời gian trước. Các tập sách chân dung văn học “Gương mặt và cảm nhận” của Thanh Quế, “Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ 4 số ít” của Nguyễn Minh Hùng, “Thu Bồn - Nhà thơ xứ Quảng” của Nguyễn Kim Huy, “Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng” của Đinh Lựu, Chuyên luận “Thời xa vắng - Một góc nhìn”, “Cảm thụ và Tư duy văn học” của Nguyễn Thuận, “Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt”, “Điểm nhìn nghiên cứu văn học” của Lê Đức Luận,...
Nhìn chung, trong sáng tác đã chú ý những tác phẩm có độ dài và sức khái quát, đã xuất hiện một số tác phẩm đáng chú ý về tiểu thuyết, trường ca, thơ trữ tình, đặc biệt giai đoạn này nở rộ hơn trước về những tác phẩm phê bình, lý luận, chân dung văn nghệ và dịch.
Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, Hội viên Hội Nhà văn thành phố vinh dự có 3 nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước gồm: nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Thái Bá Lợi.
Nhắc về định hướng phát triển của hoạt động văn học trong thời gian tới, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nói: “Trong những năm qua tình hình văn học trong thành phố cũng như cả nước có nhiều hướng phát triển khá đa dạng, phong phú, bên cạnh những mặt tích cực còn tiềm ẩn nhiều mặt tiêu cực, hạn chế. Nhiều tác giả khao khát đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật nhưng còn lúng túng. Có tác giả vẫn trung thành với cách viết cũ theo kiểu “bình cũ rượu mới”, có tác giả cắt đứt với lối viết cũ muốn bứt phá, thể nghiệm với cách viết mới hơn và đã có một số thành công nhất định, có tác giả đi nửa đường đổi mới phong cách nhưng không tìm được lối thoát đành quay lại với lối viết truyền thống... Các nhà văn của thành phố dù ở lứa tuổi nào cũng đều khát khao nâng cao chất lượng tác phẩm bằng nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Phát huy những kết quả đã đạt được và với tiềm năng sẵn có, chúng ta hy vọng, trong giai đoạn tới văn học Đà Nẵng sẽ có nhiểu chuyển biến sâu sắc, sẽ có những bước phát triển mới đóng góp vào nền văn học chung của đất nước”.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nhấn mạnh: Thành phố Đà Nẵng là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, là một thành phố động lực của miền Trung và Tây Nguyên. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội có nhiều bước phát triển ngoạn mục, không có lý do gì chúng ta để cho văn hóa, văn học của thành phố tụt hậu. Với tinh thần “Đoàn kết, tâm huyết, sáng tạo”, Hội Nhà văn thành phố tiếp tục phấn đấu vươn lên có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào quá trình phát triển đời sống văn học của thành phố chúng ta”.
L.T