Câu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá Lợi
BBT: Nhà văn Thái Bá Lợi vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Câu chuyện Đà Nẵng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2016, dày hơn 300 trang gồm 14 chương. Nội dung viết về Đà Nẵng hôm nay - mảnh đất mà anh đã chọn làm nơi cư trú hơn 40 năm. Tiểu thuyết được viết theo phong cách “tiểu thuyết bình dị”, theo kiểu một câu chuyện kể đôi lúc rề rà, đôi lúc ngẫu hứng và không hẳn đặt trọng tâm vào nhân vật chính với cái nhìn tản mạn, đầy bất ngờ của cuộc sống nhưng đã tạo nên sức sống Đà Nẵng với những thăng trầm, biến động trong hơn bốn thập niên qua. Tạp chí Non Nước trích giới thiệu cùng bạn đọc chương 14 - chương kết thúc của tiểu thuyết.
Vào buổi chiều ngày đại lễ, Trần Dạ đến thăm tướng Nguyễn Chơn. Ông hỏi:
- Ông có được mời dự lễ không?
- Nếu mời cỡ em thì phải mời gần hết thành phố.
Tướng Nguyễn Chơn rót nước mời Trần Dạ:
- Lần này được ngồi đoàn chủ tịch. Lúc đầu chẳng thấy ai hỏi han chi. Anh em trẻ họ nói chuyện với nhau. Toàn chuyện làm ăn cả. Chỉ đến khi Ba Danh đến có hỏi chuyện tui. Việc của thế hệ tui xong rồi, giờ là của anh em. Nhưng quy luật vẫn vậy, chiến đấu và xây dựng gì cũng là mạnh được yếu thua. Mỹ mạnh vậy mà mình vẫn thắng có nhiều yếu tố, nhưng việc mình mưu mẹo tập trung sức mạnh vào đúng thời điểm, địa điểm để thay đổi thế trận. Năm nay dự lễ còn có người giới thiệu hỏi han chứ năm ngoái, tui đến ngồi một cục, chẳng ai nói năng gì. Cũng đúng thôi mình đã thuộc về
quá khứ.
- Thủ trưởng ơi, ai bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn đại bác vào họ. Có ông nhà thơ Liên Xô nói vậy đó. (Hồi còn Liên Xô thì dân ta gọi là Nga. Khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga chính chủ thì dân ta lại gọi là Liên Xô).
- Nói chuyện hiện tại thôi. Tui có hai chai rượu anh em cho. Hôm trước Ba Danh đến đây uống hết một chai, đòi uống chai nữa. Tui giữ lại nói chai này của Trần Dạ. Ông cầm về uống ngày lễ cho vui.
- Cảm ơn thủ trưởng. Thú thật em không ham hội hè lắm, đặc biệt em không thích Tết. Nhà gần chợ Hàn, chiều Ba mươi em ghé chợ. Lúc ấy chỉ còn lại những người buôn bán lẹt xẹt thu dọn hàng ế rồi tất tưởi mua những bó hoa héo, những thứ trái cây xấu nẫu vội vàng rời chợ lúc nhá nhem tối về đón ông bà. Cảnh tượng ấy não lòng lắm thủ trưởng ạ. Khi về nhìn bàn thờ dù chưa sung túc nhưng tươm tất nhà mình lại nghĩ tới cảnh những chiều Ba mươi ấy. Tết dù vui nhưng sao cứ thấy xót xa thủ trưởng ạ.
Trần Dạ không ngờ rằng chỉ tối nay thôi, ngay trong đại lễ, sự xót xa một dạng khác đang chờ những nhân vật của câu chuyện này.
Cũng trong những ngày lễ ấy, Khiết rời Đà Nẵng vào tận Đồng Nai, tìm đến ngôi chùa mà Thu đã xuất gia. Đây là một tịnh viên trong rừng. Khiết biết ở đây hàng trăm hành giả đang tu hành nhưng khi bước qua các cổng bằng những khúc bạch đàn đơn sơ thì gặp một không gian im lặng, chỉ có tiếng gió vi vu trên ngọn cây và tiếng tụng kinh ở một cốc nào đó xa xăm nhưng lại như gần bên tai. Tịnh viên phải rộng đến mấy chục hecta. Một con suối làm ranh giới cho hai khu tu hành của tăng và ni. Chẳng thấy có ngôi chính điện đồ sộ nào cả, chỉ có những căn nhà lợp lá dừa nước ẩn dưới những tán cây. Nắng tháng Ba trải vàng khắp các lối đi của tịnh viên. Một sư cô còn rất trẻ hỏi Khiết.
- Chú là gì của cô Lạc Quả? (Bây giờ Khiết mới biết pháp danh của Thu).
- Thưa cô, tôi là bạn của Thu.
- Chú ở đây chơi mấy ngày. Hiện cô Lạc Quả đang có công chuyện chưa gặp được. Chùa cũng có nhiều thầy có quê ngoài Trung. Để con đưa chú sang cốc tăng nghỉ.
Khiết định đến thăm Thu rồi về ngay, nhưng anh đã ở trong chùa cả tuần. Cơm chay đạm bạc, ngày hai lần lên pháp hội nghe kinh, giảng đường là một căn nhà bát giác, lợp tranh. Thầy trụ trì ngồi chính giữa, còn tăng ni, phật tử theo thứ lớp ngồi xung quanh, tràn ra cả các gốc cây. Khiết ngạc nhiên không biết vì sao mình lại hòa nhập với gia phong của chùa nhanh như vậy. Anh cũng không hỏi Thu đang có công chuyện gì mà chưa gặp được.
Sang ngày thứ tám, vẫn sư cô tiếp anh lần đầu:
- Chú có duyên với cảnh chùa. Có ở chơi thêm được không?
- Vui lắm. Nhưng tôi phải về Đà Nẵng còn một vài việc.
Sư cô nói chậm lại.
- Cô Lạc Quả đã nhập thất rồi. Cô ấy phát tâm nhập thất qua Hạ.
Chập tối ngày đại lễ Văn Minh chuẩn bị ra mắt tập thơ ở một khách sạn trung tâm thành phố thì xe công an ập vào sảnh lễ tân. Một thiếu tá đọc lệnh bắt Văn Minh với tội danh tham ô tài sản nhà nước. Cùng lúc hai người nữa cũng bị bắt, họ đều là cánh tay của Ba Danh trong cuộc phát triển thành phố. Sự kiện diễn biến rất nhanh, chỉ nửa tháng sau khi Trung ương điều ông Tam lớn về làm Bí thư Thành ủy. Với khẩu hiệu chống tham nhũng để làm trong sạch đội ngũ, việc bắt Văn Minh và những người thân tín của Ba Danh trong ngày đại lễ như một quả bom lớn nổ trên bầu trời Đà Nẵng. Một quả lựu đạn nổ ngày thường người ta cho là ném cá, còn trong ngày đại lễ là một chuyện khác. Sự việc đã được tính toán kỹ càng. Giám đốc Công an Hà Sanh có gọi điện báo cho Ba Danh biết chuyện khi việc bắt giữ các đối tượng đã xong.
- Tôi là chủ tịch thành phố tại sao không được hỏi ý kiến chuyện này? Ba Danh hỏi. Tiếng đầu máy bên kia: - Đây là chuyện của ngành anh ạ... Tắt máy. Khi bị bắt trong xe của Văn Minh còn hai tấm bằng khen, một của Chính phủ, một của thành phố về thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển Đà Nẵng. Bà Phó chủ tịch nước nói: Mời khách về dự tiệc lớn, tiệc chưa kịp tàn chủ nhà lôi con ra đánh.
Sau lễ một ngày, Ba, Nhì, Lệ quyết định giải tán cái cơ sở xay nước đá. Chẳng phải chuyện mâu thuẫn, nội bộ gì, cũng chẳng phải chuyện tiền bạc, kinh doanh. Vì chuyện này cả ba hảo hán thường coi là chuyện nhỏ. Vậy thì điều gì làm họ chia tay nhau. Không ai biết được, chỉ biết trong một bữa rượu, tự nhiên Lệ nói: Anh em mình sống mấy chục năm với nhau, có nên chia tay nhau không? Có lẽ cũng nên vậy, Ba nói. Còn Nhì nâng ly rượu lên ngang chân mày: Thế lớn trong thiên hạ, hợp tan tan hợp là thường. Sáng hôm sau họ nhượng lại cơ sở xay nước đá đang làm ăn trôi chảy cho một người khác. Ai về nhà nấy, nhẹ nhàng như không.
Nhiều năm sau nữa, khi có ai hỏi ba người về chuyện chia tay, họ đều trả lời cùng nhau làm nghề xay nước đá thì phải ở bến Phà Đen. Nay bến Phà Đen không còn nữa chẳng còn hứng thú gì, đi chỗ khác chơi, vậy thôi.
Dự án đưa vợ con rong chơi sau khi khánh thành cầu sông Hàn của Quí kỹ sư phá sản. Giám đốc bị bắt, công ty đang trên bờ vực tan nát thì vui chơi cái nỗi gì. Quí kỹ sư tiễn vợ con về Hà Nội, nhưng anh ở lại Đà Nẵng. Chẳng còn việc gì cho anh ở đây nhưng anh muốn hằng ngày được ngắm cây cầu và chiêm nghiệm sự trớ trêu của thân phận con người. Anh cũng muốn ở lại Đà Nẵng nếu công an có triệu tập thì đến làm việc ngay, chứ về Hà Nội, hoặc đi một công trường khác, khi có lệnh phải quay vào Đà Nẵng thì rắc rối quá. Anh cũng muốn nếu có điều kiện vào trại giam thăm Văn Minh cho trọn nghĩa. Cả hai điều đó đều không xảy ra. Người ta không cần triệu tập anh nữa còn Văn Minh đang trong quá trình điều tra không ai được vào thăm. Anh gom góp tiền lương, tiền thưởng, tiền tiết kiệm mấy năm qua cùng với sự trợ giúp của Ba, Nhì, Lệ mua lô đất ủ mưu làm một căn nhà để lấy nơi đi về. Có người nói Quí kỹ sư có công xây cầu, có bằng khen của thành phố hẳn hoi, cứ lên gặp Ba Danh chuyện đất đai đâu có gì khó khăn. Ba Danh thường hào sảng giải quyết cho những người ở xa đến muốn gắn bó với Đà Nẵng đất đai đàng hoàng dù công trạng với vùng đất này của họ cũng vừa vừa thôi, mà sự gắn bó đó mới chỉ là lời nói. Quí kỹ sư cũng biết nhiều người thân cận với Ba Danh dù hoàn cảnh khó khăn họ cũng không mở lời cầu cạnh, nhưng họ lại sốt sắng đề đạt nhiều hoàn cảnh của người đời để Ba Danh giải quyết, số này không phải là ít.
Quí kỹ sư muốn ở lại đây với những người này, để hằng ngày ngắm cây cầu, sống tận cùng với nỗi niềm vui buồn, trớ trêu, xót xa của con người, của núi sông, của biển cả ở đây.
Mấy ngày sau lễ, Ba Danh được một người bên Sở Công an cho biết Văn Minh đã khai với cơ quan điều tra đã hối lộ cho Chủ tịch thành phố nhiều lần, không thể nhớ nổi, có đến hàng tỉ đồng trên cả mức án tử hình. Diễn biến vụ án rất xấu cho Ba Danh. Ba Danh im lặng trước người sĩ quan công an vài phút rồi nói: Đặt mình vào hoàn cảnh của Văn Minh, chắc tui cũng phải khai vậy. Người ta sẽ nói án ông là tử hình, nếu thành thật khai báo mới có căn cứ để giảm án, có thể chỉ xử lý hành chính. Phải thông cảm với Văn Minh.
Ba Danh cũng biết có đến năm cơ quan chức năng đề xuất bắt anh nhưng chưa được Bộ Chính trị chuẩn y.
Buổi chiều, Ba Danh sang resort F. nói với Phó tổng giám đốc Vinh:
- Ông cho tui nghỉ mấy ngày.
- Anh là Chủ tịch thành phố sao sang đây nghỉ?
- Không phải nghỉ mà núp.
- Núp cái gì anh?
- Núp pháo, pháo bầy.
Một tuần sau lễ, Xuân Thống đến gặp thầy Hạ.
- Con có gặp sư Chúc, ông chửi con là đồ súc sinh, đồ con heo. Con nói thầy chửi con là súc sinh thì đúng, nhưng con không phải heo, con tuổi sửu.
Thầy Hạ:
- Ông lớn rồi, không nên bông lơn mãi.
- Nhưng sau khi sư chửi, con ngộ ra và thấy mình hết khổ. Con hết khổ thật.
- Ông lại bông lơn. Tui sống từng này tuổi rồi, chưa từng thấy ai không khổ, cũng chưa từng thấy ai không chết.
- Nhưng con hết khổ thật thầy ạ.
- Đời đã bông lơn rồi. Ông còn quá bông lơn.
T.B.L