Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương Mai
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng, so với các Hội chuyên ngành khác, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng ra đời khá muộn. Năm 2000, bấy giờ vẫn chưa có Chi, Phân hội Văn nghệ dân gian thành phố. Sau đó ít lâu, được sự thống nhất của Hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tổ chức vận động thành lập Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng. Trên cơ sở vận động của Hội văn học nghệ thuật, sự nhất trí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, được UBND thành phố Đà Nẵng ra Quyết định giao cho Nhạc sĩ Trần Hồng làm Trưởng ban vận động thành lập Hội Văn nghệ dân gian (bấy giờ NS Trần Hồng
là Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT
TP. Đà Nẵng).
Hồi chưa có Phân, Chi Hội văn nghệ dân gian, tập thể 5 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, gồm các ông, bà: Trần Hồng, Trương Đình Quang, Văn Thu Bích, Hoàng Hương Việt và Thái Nghĩa, sinh hoạt tại các Hội: Âm nhạc, Sân Khấu, Nhà Văn. Sau một năm vận động, tiến đến thành lập Hội, ông Trần Hồng tổ chức lập hồ sơ xin kết nạp thêm 4 hội viên vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, gồm: ông Võ Văn Hòe, Phạm Hữu Bốn, Trịnh Tuấn Khanh và ông Bùi Văn Tiếng.
Được sự cho phép của UBND thành phố Đà Nẵng, và sự nhất trí của Hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tập thể 9 hội viên là Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Đại Hội thành lập (Đại hội lần thứ I) Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tại Phòng họp Nhà xuất bản Đà Nẵng. Tại Đại hội, công bố Quyết định số 410 ngày 16 tháng 01 năm 2002 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng; thông qua Điều lệ Hội và Phương hướng nhiệm vụ Hội nhiệm kỳ 2002 - 2007. Đại hội bầu Ban Chấp hành, gồm 5 thành viên: ông Hoàng Hương Việt (Thư ký Hội); ông Bùi Văn Tiếng (Phó Thư ký); ông Trương Đình Quang (Ủy viên); bà Đinh Thị Hựu (Ủy viên), bà Văn Thu Bích (Ủy viên).
Sau Đại hội thành lập, tại Trung tâm văn hóa Thông tin thành phố (84 Hùng Vương), Hội tổ chức tập huấn cho hội viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, theo chủ đề Phương pháp điều tra sưu tầm văn nghệ dân gian. Trên cơ sở đó, từng bước phát triển hội viên mới đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng tổng số thành 45 hội viên. Hội đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm quan trọng, đánh dấu sự phát triển của Hội: Men rượu hồng đào (nhiều tác giả); Giai thoại đất Quảng (tác giả Hoàng Hương Việt); Tết xứ Quảng (tác giả Võ Văn Hòe),...
Phát huy những thành tựu của nhiệm kỳ I, tháng 8 năm 2007, Hội tổ chức Đại Hội II. Tại Đại Hội toàn thể hội viên thông qua Điều lệ Hội, Phương hướng hoạt động của Hội và bầu Ban Chấp hành gồm 5 thành viên: ông Võ Văn Hòe (Chủ tịch Hội); ông Lê Quang Đức (Phó chủ tịch), 3 tháng sau Đại hội, ông Lê Quang Đức chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn thể hội viên cử ông Hồ Tấn Tuấn thay cho ông Lê Quang Đức; bà Văn Thu Bích (Ủy viên); ông Phạm Hữu Bốn (Phạm Hữu Đăng Đạt - Ủy viên); bà Nguyễn Thị Xuân Hương (Ủy viên, một tuần sau Đại hội, bà Nguyễn Thị Xuân Hương xin ra khỏi BCH và thôi sinh hoạt Hội, Hội nghị toàn thể hội viên nhất trí cử ông Lê Hoàng Vinh thay bà Nguyễn Thị Xuân Hương). Sau Đại Hội, triển khai thực hiện Phương hướng Đại hội lần II, Hội vận dụng điều kiện xã hội hóa các hoạt động, vận động các cá nhân hội viên tham gia xây dựng Hội vững mạnh, từng bước kết nạp hội viên mới, nâng số lượng hội viên thành 50 hội viên. Để trang bị công cụ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ cả về lý luận và thực tiễn, tại Hội trường Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng, Hội tổ chức tập huấn cho hội viên và cộng tác viên theo chủ đề Nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian. Hội tiếp tục Chương trình hoạt động của Hội từ Đại Hội I chuyển tiếp và Phương hướng Đại hội II, với quyết tâm vươn tới tầm cao, Hội tổ chức thực hiện Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng trên cơ sở tầm nhìn năm 2000 do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát động, gồm 5 tập: Ca dao, dân ca đất Quảng; Chuyện kể dân gian đất Quảng; Tập tục lễ hội đất Quảng; Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng; Ẩm thực đất Quảng. Tổng tập đạt giải B toàn quốc, giải A Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng 2011, giải C, 5 năm Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Trước đó, tập Tập tục lễ hội đất Quảng đoạt giải đồng sách hay Việt Nam năm 2010. Đồng thời với sáng tạo tập thể, nhiều hội viên phát huy năng lực chuyên môn, thực hiện nhiều lần điền dã trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, tổ chức ghi chép tư liệu văn nghệ dân gian, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng: Văn hóa dân gian Đà Nẵng (tác giả Võ Văn Hòe, đoạt giải B toàn quốc và giải B, 5 năm Văn học nghệ thuật của UBND thành phố Đà Nẵng 2011); tác phẩm Men rượu hồng đào (tác giả Trương Đình Quang, đoạt giải B toàn quốc và giải B, 5 năm Văn học nghệ thuật của UBND thành phố Đà Nẵng 2011); tác phẩm Âm nhạc kịch dân ca (tác giả Trần Hồng, đoạt giải B toàn quốc và giải B, 5 năm Văn học nghệ thuật của UBND thành phố Đà Nẵng 2011). Nhóm tác giả Hoàng Hương Việt, Võ Văn Hòe tổ chức tái hiện Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ (nay là làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đạt hiệu ứng xã hội cao trong cộng đồng dân cư làng Phong Lệ (cũ) và đồng thời, nhiều hội viên đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng khác nữa, đoạt tặng thưởng các mức A, B, C của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng Hội vững mạnh về số lượng và chất lượng.
Tháng 12/2013, Hội tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ III. Tại Đại hội toàn thể hội viên thông qua Phương hướng hoạt động của Hội, thông qua Điều lệ Hội và bầu Ban Chấp hành, gồm 5 thành viên: ông Võ Văn Hòe (Chủ tịch Hội); bà Văn Thu Bích (Phó Chủ tịch); ông Nguyễn Thuận (Phó Chủ tịch); ông Nguyễn Hoàng Thân (Ủy viên), ông Võ Văn Hoàng (Ủy viên). Hội triển khai phương hướng Đại hội trên tinh thần vươn tới những tầm cao mới, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao: Tiếng địa phương trong ca dao (tác giả Đinh Thị Hựu, giải B, 5 năm văn học nghệ thuật của UBND thành phố Đà Nẵng 2015); tác phẩm Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (tác giả Đinh Thị Trang, giải B, 5 năm VHNT của UBND thành phố Đà Nẵng 2015); tác phẩm Địa chí văn hóa dân gian làng Phong Lệ (tác giả Võ Văn Hòe, giải C, 5 năm VHNT của UBND thành phố Đà Nẵng 2015); tác phẩm Hò khoan đất Quảng (tác giả Đinh Thị Hựu, giải C, 5 năm VHNT của UBND thành phố Đà Nẵng 2015); tác phẩm Hò đưa linh (tác giả Trương Đình Quang, Trương Duy Hy, giải C, 5 năm VHNT của UBND thành phố Đà Nẵng 2015); tác phẩm Sắc bùa Quảng Nam (tác giả Phạm Hữu Bốn, giải C, 5 năm VHNT của UBND thành phố Đà Nẵng 2015).
Hội kịp thời tổ chức tập huấn cho hội viên và cộng tác viên theo chủ đề Nâng cao năng lực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đến nay đã có nhiều tác phẩm thể hiện nhiều chủ đề khác nhau được hội viên sáng tạo nên đoạt nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương, góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng phong phú và đa dạng.
P.M