Thương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn Tiếng
Cách đây hơn ba năm, tình cờ đọc bài phát biểu của anh Trương Quang Được tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất họ Trương Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội ngày 21 tháng 4 năm 2013 - tức ngày 12 tháng 3 năm Quý Tỵ, tôi hết sức chú ý đến một chi tiết được anh dụng công lặp lại những hai lần: “Thật may mắn cho tôi còn sống để đến dự cuộc gặp mặt hiếm có này” và “Tôi nói may mắn còn sống để dự cuộc gặp mặt này”. Anh là người hay làm thơ, nói và viết đều coi trọng sự hàm súc, cho nên lặp lại câu chữ như vậy chắc không phải chuyện ngẫu nhiên. Tự dưng tôi cảm thấy lo cho sức khỏe của anh và quả nhiên khi gặp anh lần cuối cùng vào ngày 29 tháng 1 năm 2015, lúc anh đến Bảo tàng Đà Nẵng để tặng bản thư pháp do đích thân anh viết bằng chữ Hán hai câu thơ rất thời sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình (Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay/ Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình), tôi thấy anh gầy yếu hơn mấy năm trước rất nhiều. Đôi mắt vẫn tinh anh, nụ cười vẫn đôn hậu và hóm hỉnh, nhưng dường như anh đang phải căng mình chống chọi với bạo bệnh...
Anh Trương Quang Được trở về công tác ở quê hương đất Quảng vào năm 1994 với cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Từng trải qua chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, anh nhanh chóng nhập cuộc và cùng với Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân, anh đã góp phần đưa tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn trong phát triển. Nhiều lần đi Hải Phòng, trên đường ra thị xã Đồ Sơn, tôi được nghe anh em đồng nghiệp tổ chức xây dựng đảng ở thành phố hoa phượng đỏ chỉ vào khu đất quai đê lấn biển kéo dài hàng chục cây số và bảo đó là sản phẩm thời anh Trương Quang Được làm Chủ tịch đất Cảng, lòng tôi dâng lên niềm tự hào về người đồng hương đất Quảng của mình. Rời Hải Phòng, anh về công tác ở Tổng cục Hải quan, giữ chức Tổng cục trưởng, và không chừng nhờ mấy chữ Hải này mà khi tách Quảng Nam Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, anh được phân công ở lại làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - một thành phố cảng biển đang rất cần tư duy đại dương/tầm nhìn vọng hải của người đứng đầu Đảng bộ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà anh tâm đắc với hai câu thơ về biển của cụ Trạng Trình...
Anh Trương Quang Được được kể là người thành đạt trên chính trường, được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách ở địa phương và ở Trung ương. Năm 1991, anh trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trong cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Năm 1996, anh tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII trong cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 2001, anh tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trong cương vị Trưởng ban Dân vận Trung ương và được bầu giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị. Anh được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII vào năm 1987 khi anh còn công tác ở Hải Phòng. Năm 1997, anh tham gia Quốc hội khóa X trong cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Năm 2002, anh tái đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XI ở đơn vị tỉnh Quảng Nam và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong những năm anh làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tôi đang công tác ở Ban Tổ chức Thành ủy cho nên có điều kiện được gần anh và do vậy mà có nhiều ấn tượng tốt đẹp về một người lãnh đạo có nhân cách rất đáng ngưỡng mộ.
Theo tôi, anh Trương Quang Được là một người lãnh đạo giàu chất nhân văn. Tôi còn nhớ hôm khánh thành nhà máy xi măng Hòa Khương ven Quốc lộ 14 cách nay chừng hai mươi năm, Bí thư Thành ủy Trương Quang Được tới dự và đương nhiên được mời phát biểu chỉ đạo. Thường thì phát biểu ở những trường hợp như thế, người lãnh đạo chủ yếu nhấn mạnh đến sản lượng tiêu thụ, đến nguồn vốn đầu tư, đến đổi mới công nghệ, đến đào tạo đội ngũ, đến xây dựng tổ chức... Anh cũng không ngoại lệ, nhưng bởi anh là Trương Quang Được nên ngoài những điều không thể không nói, anh đã không quên nhắc nhở lãnh đạo nhà máy phải coi trọng việc trồng cây xanh trong khuôn viên không chỉ để tạo bóng mát cho công nhân ngồi nghỉ sau giờ làm việc/ngồi chờ trước giờ làm việc, mà còn để giảm bớt bụi bặm không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong vùng. Câu chuyện trồng cây xanh hôm ấy của Trương Quang Được ấn tượng đến mức hai mươi năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in, và nếu văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên tất cả thì cũng có thể nói đó cũng chính là câu chuyện về văn hóa và về một nhà văn hóa.
Trong công tác tổ chức xây dựng đảng, anh rất ủng hộ những ý tưởng mới do cơ quan tham mưu giúp việc đề xuất. Có lần anh trực tiếp sang cơ quan Ban Tổ chức Thành ủy để chủ trì một hội nghị bàn về việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ phường xã ở Đà Nẵng, theo đó ngay từ mấy năm cuối cùng của thế kỷ XX, các chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân phường xã chỉ được quy hoạch và bố trí đối với những cán bộ còn trong độ tuổi lao động. Chủ trương sáng suốt này đã mở đường cho sự thành công của Đề án tạo nguồn hai chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân phường xã - còn gọi là Đề án 89 - khởi sự vào đầu năm 2008. Mới đây trong cuộc họp bàn về thành tựu của hai mươi năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, anh Phan Như Lâm đánh giá chủ trương trẻ hóa cán bộ phường xã của Thường trực Thành ủy hồi đó là một trong những việc cần được ghi nhận trong công tác cán bộ hai mươi năm qua. Và khi rời Đà Nẵng về công tác ở Ban Dân vận Trung ương, bản thân anh Trương Quang Được cũng dặn dò Ban Tổ chức Thành ủy phải theo dõi tổng kết và phát huy chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ phường xã mà anh từng ủng hộ và trực tiếp chỉ đạo.
Tôi còn nhớ trong một cuộc họp do anh Trương Quang Được chủ trì ở trụ sở Sở Thủy sản Nông lâm trước đây - chỗ góc ngã tư Pasteur và Nguyễn Thị Minh Khai, tôi đến muộn nên bị... ngồi gần bên anh. Lúc giải lao, anh quay sang bảo tôi: Này, tên cậu là Tiếng cũng hay đấy chứ! Tôi thưa: Anh ơi, hay gì đâu, em chỉ có Tiếng mà không có Miếng! Anh cười rồi bảo tiếp: Thời buổi này có Tiếng là có Miếng đó em - trong kinh tế, chẳng phải người ta rất đề cao thương hiệu đó sao? Tôi nghĩ ông này quá thâm thúy, từ chuyện cái tên mà liên tưởng đến chuyện giá trị trong kinh doanh và không chừng là giá trị làm người/giá trị ở đời: phải giữ cho được thanh danh, đừng để mua danh ba vạn bán danh ba đồng... Viết đến đây, ký ức về anh càng lúc càng ùa đến trong tâm trí tôi. Vậy là đã hai ngày trôi qua kể từ khi anh bỏ lại mọi thứ sau lưng để đi về phía vuông tròn (mượn chữ của nhà thơ Trương Nam Hương). Xin anh xem những lời dung dị trong bài viết này như một nén nhang lòng thắp lên để tưởng nhớ anh - người bí thư thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Mong anh luôn được thanh thản và bình an trong cõi vô cùng!
B.V.T