Bí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã Tiên

22.12.2016

Bí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã Tiên

Con đường uốn lượn theo đồi dốc suốt vòng cung bãi Bắc bán đảo Sơn Trà tuồng như ngày nào cũng là ngày hội hè của những người đi săn ảnh “nữ hoàng linh trưởng” - voọc chà vá chân nâu. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ là người nhà Đà Nẵng mà còn từ

Huế - Sài Gòn - Hà Nội, và nhiều nơi khác tới. Và rồi họ tới chẳng phải ngày một ngày hai gì, mà có khi còn suốt cả tháng nọ năm kia.Voọc chà vá chân nâu, cái loài linh trưởng ngũ sắc quý hiếm từ thăm thẳm non ngàn bán đảo Sơn Trà từ bấy lâu, bỗng dưng một ngày giũ áo hồng hoang, khoe “nhan sắc” lộng lẫy trên nền “lá phổi xanh” Đà Nẵng cám dỗ bao nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, du lịch, các văn nghệ sĩ cho đến nhà đầu tư... Và, nổi bật hơn cả là loài linh trưởng voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà được chọn làm hình ảnh nhận diện thành phố Đà Nẵng nhân sự kiện năm APEC 2017.

Thực ra từ lâu Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã mê hoặc con người ta không chỉ là vị thế của một cảnh quan độc đáo, mà còn là hàng trăm giống loài động - thực vật quý hiếm được phân bổ trải rộng khắp núi rừng bán đảo. Bàn tay nhiệm màu của thiên nhiên kỳ vĩ đã vun đắp ban tặng cho Đà Nẵng một báu vật non xanh núi biếc suối khe chập chùng, lại nằm ngay trong lòng phố thị. Không phải cho đến bây giờ, từ những cuộc vui như trẩy hội của các nghệ sĩ nhiếp ảnh ngày ngày săn lùng hình ảnh bầy đàn voọc chà vá chân nâu mới truyền cảm hứng cho tôi, mà quả thực chính những niềm bí mật muôn đời của non cao rừng thẳm đất trời bán đảo đã kích thích bước chân ham hố của tôi tự lâu rồi. Khao khát khám phá thế giới là phải biết đắm mình nghe và cảm thấu mọi sự vật ẩn tàng bao điều bí mật của thế giới đó. Ngoài cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động - thực vật, còn có những giá trị văn hóa, lịch sử, cho đến cả những truyền thuyết mới là lý do vô tận gợi mở, tạo nên nguồn cảm hứng cho mọi bước chân tìm tới thực chứng vùng đất bán đảo huyền thoại này.

Đã bao lần tôi băng rừng lội suối, kể cả ăn ở cùng núi non Sơn Trà. Cũng có thể nói, tôi là một trong những láng giềng thân thiết với đất trời bán đảo từ buổi Sơn Trà còn hoang sơ chưa mở ra các dự án du lịch và con đường nhựa dẫn vòng quanh bãi Bụt - bãi Rạng - bãi Nồm -

bãi Bắc - Tiên Sa dài có đến bốn - năm chục cây số. Những chuyến rong ruổi sớm nọ chiều kia với núi đồi nơi đây, khi thì thực tế để tìm kiếm tư liệu văn hóa, lịch sử cho một kịch bản lễ hội, lúc thì làm “nhân vật” cho một phim chuyên đề nào đó. Nhưng thú thật, đa phần là những cuộc rong chơi tùy hứng, và chính bao lần như thế, Sơn Trà đã vén bức màn mây khói cho tôi hiểu ra, ngộ ra những bí mật không ngờ của thiên nhiên huyền diệu. Đơn giản ví như cây lá chẳng hạn. Vâng, tất cả vẫn trập trùng xanh biếc đấy thôi, nhưng sự sống, sức sống ở cái nơi được xem như là thường trực trước đầu sóng ngọn gió thì quả có khác.

Có lần tôi ngồi hàng giờ trên ghềnh đá phía đông bắc, ngắm một vùng biển

cả mênh mông suốt từ Hải Vân cho

đến vùng biển đối diện khu du lịch InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Ngoài xa khơi kia hòn Sơn Chà mờ ảo giữa mây khói trùng dương. Chợt nhớ ra đây là cái cửa gió. Bao trận bão lớn nhỏ từ biển Đông tràn vào cũng đều qua cái cửa này đây. Quay lại nhìn dọc theo vòng cung chân núi bãi Bắc, rồi chót vót trên cao kia là ba cái chóp Mũi Diều, Hòn Nghê, Cổ Ngựa, thì ra bức trường thành vững chãi chở che gió bão từ biển đông hung hãn quét vào Đà Nẵng từ xa xưa cho đến bây giờ chả xê dịch một chút nào. Ấy vậy mà khi nói đến ưu thế của Sơn Trà đối với Đà Nẵng, dường như tôi chỉ nghe người ta thường nói đến ba yếu tố: quốc phòng, kinh tế và bảo tồn thiên nhiên. Sự vô tình, cho dẫu vô tình trước thiên nhiên, hay sự lãng quên đến ráo hoảnh những tâm hồn khiến con người ta vô tâm trước bà mẹ thiên nhiên vĩ đại chăng? Trong phút giây thoáng niềm ưu tư đó, vô thức hay là gì chẳng rõ, tôi cúi nhặt một cây khô trốc rễ nằm bên ghềnh đá. Nhặt vu vơ thôi chứ chẳng làm gì. Nào ngờ khi nhìn bộ rễ cái cây khô nhỏ nhoi còi cọc, tôi phát hiện ra từng thớ cây ở phần gốc xoắn bó lại cuộn tròn xuống tận rễ. Quan sát một số cây xanh khác chung quanh, dù chỉ mới lớn bằng cổ tay người, phần gốc cũng từng vồng gân guốc nổi lên dưới lớp vỏ xù xì, có cây thớ gỗ gốc tách ra làm ba (như kiềng ba chân) cắm sâu xuống đất thành cả bộ rễ. Hóa ra để tồn tại trước đầu sóng ngọn gió từng giống loài cỏ cây sinh vật đã tự biết hoàn thiện sức vóc ngay từ lúc còn nhỏ để chống chọi  lại bao phong ba bão táp.

Tôi đem chuyện vừa mới phát hiện các loài cây trên bãi Bắc kể cho một anh bạn đang làm việc cho Tổ chức động vật hoang dã quốc tế, trong một chiều tôi và anh lang thang ở Sơn Trà, liền bị anh cho là chuyện vặt. Ngồi trên chiếc mô tô 150 phân khối anh chở tôi lượn vòng khắp núi đồi bán đảo. Đi với một chuyên viên động vật hoang dã tôi mới khám phá ra bao bí mật của Sơn Trà. Giữa lúc xe đang chạy lên dốc máy nổ ồn ã, gió thổi rì rào bên tai, vậy mà anh nghe ra tiếng voọc chà vá di chuyển trên tầng xanh cây lá trước mặt cách xa có đến hàng trăm mét. Lên một đoạn, anh dừng xe lại, rồi giả tiếng voọc giọng đục trầm trầm: “voọc...voọc...voọc”. Xong, quay lại bảo tôi: “Ba con chúng ngồi trên cành cây phía trước kìa”. Bước xuống xe, theo hướng tay anh chỉ tôi căng mắt ra nhìn, nhưng chả thấy con voọc nào. Nhẹ nhàng bước chân, cả anh và tôi khẽ khàng bước tới... bước tới. Chỉ cách độ mười mét thôi, trên cành cây cao giữa vòm xanh rậm, ba chú voọc ngồi thõng mấy đôi chân màu đỏ như người ta mang bít tất. Khác với loài khỉ  tôi gặp trên đường, hễ thấy người là vụt chạy đu nhanh lên cây, loài voọc chà vá chân nâu con mắt đen nhánh hiền từ nhìn chúng tôi thân thiện như quen biết tự bao giờ.

Phải công nhận là ba chú voọc ngồi trên cành cây cao kia đẹp thật. Mũ đen, áo xám, ngực trắng, chân bít tất đỏ... Chừng như chúng muốn khoe cái đẹp cho chúng tôi hiểu thế nào là “nữ hoàng linh trưởng” như người ta thường xưng tụng. Theo các nhà nghiên cứu động vật hoang dã thì voọc chà vá chân nâu là loài khôn ngoan nhất trong các loài linh trưởng. Tuy nhiên nếu bảo căn cứ vào đối chứng gen, hay dựa trên giống phả hệ để cho kết quả, rằng loài “nữ hoàng linh trưởng” này có 96% giống con người, thì có lẽ đây mới là bí mật chưa có lời giải đáp cuối cùng. Trước khi lên xe tiếp tục cuộc rong ruổi ngẫu hứng với Sơn Trà, chúng tôi thi nhau chụp hàng loạt ảnh. Mấy chú voọc hình như đã khá quen thuộc với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hoặc đời sống hoang dã của chúng đã tập tành một thứ bản năng ứng xử tự nhiên trước ống kính, kiểu như các loài thú đã được các nghệ sĩ xiếc thuần hóa dạy dỗ biểu diễn trên các sân khấu. Chỉ tiếc là, tôi chưa gặp bầy đàn voọc nào đi lại trên những chiếc thang dây được bắc qua đường, để ghi lại vài hình ảnh “giao thông” an toàn của chúng do các nhà bảo tồn thiên nhiên nơi này đã sáng tạo ra.

Ráng chiều ửng một màu hồng hào chiếu xuống khu du lịch InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Đây là khu nghỉ dưỡng 5 sao thuộc loại hàng đầu châu Á, nằm tách biệt gần cuối bãi Bắc - Sơn Trà như thủ phủ của một vương quốc bên bờ biển Đông. Thấp thoáng trong các hoa viên, những biệt thự, villa, hồ bơi thơ mộng ấn mình dưới vòm xanh cây lá. Con đường nhựa êm ái dẫn sâu vào những vườn cây râm bóng như dẫn vào xứ sở cổ tích nào đó. Khác với những nhà hàng, khách sạn, resort được xây dựng ở các bãi Bụt, bãi Nam, lối kiến trúc của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort mang dáng dấp đường nét phương Đông pha lẫn phong cách châu Âu cổ điển. Tất cả trên một vị thế độc lập, hít thở bầu không khí trong lành, cách xa sự ồn ào náo động của phố thị. Đấy là sự mô tả qua cái nhìn một thoáng lướt qua thôi. Nhưng tôi hiểu, để dừng chân bên bờ bãi Bắc bán đảo này, đối diện với biển Đông, thì một cái cây nhỏ của núi rừng cũng phải biết xoắn thân gỗ, từng thớ vững chãi như đá cắm sâu vào lòng đất để tồn tại. Huống là cả một khu du lịch trải dài dưới chân núi, dọc theo bờ biển rộng có đến vài ba chục hec - ta, lại nằm ngay trong cái cửa gió như tôi từng đã có lần quan sát. Có lẽ chủ nhân của tập đoàn SunGroup là người có cái nhãn quan siêu nghiệm mới đủ sức khám phá ra cái vị thế độc đáo trên vùng núi non bán đảo này. Và như thế với tôi, Sơn Trà lại thêm một bí mật. Là cung mệnh phù trầm thổ nhưỡng đất đai hay là gì, thật khó lòng mà lý giải những vấn đề thuộc về siêu lý.

Rời khu du lịch bãi Bắc - Sơn Trà, trên đường về ngập ngụa bóng núi hoàng hôn, tôi chợt nhớ tới một danh ngôn của Siaduobulian - một nhà văn hóa, một triết gia người Pháp: “Rừng rậm trước khi có cư dân. Hoang mạc sau khi cư dân xuất hiện”. Mượn câu nói của một hiền triết tôi ký thác tâm tình cho đất trời bán đảo, như tình yêu của tôi thì thầm cùng cây lá bên đường những mong ngày ngày cắm rễ sâu vào lòng đất!.

 

N.N.T

Bài viết khác cùng số

Nước mắt khô - Quế HươngNgười yêu cũ - Thanh QuếCâu chuyện Đà Nẵng - Thái Bá LợiBí mật Sơn Trà - Nguyễn Nhã TiênĐà Nẵng trong trái tim tôi - Phạm Thị Hải DươngĐà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện ThắngĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung SángLiên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh QuếVăn học nghệ thuật Đà Nẵng -Hai mươi năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngKhúc hát tình người - Hoàng Hương ViệtThương nhớ anh Trương Quang Được - Người Bí thư Thành ủy đầu tiên của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - Bùi Văn TiếngTheo cách Đà Nẵng - Bùi Công MinhĐà Nẵng - Thành phố của những danh hiệu - Dân HùngCởi phăng cúc áo cỏ mật - Nguyễn Thị NhiênChiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh ĐàoLau một tiếng nói - Trần TuấnÁm ảnh - Ngô Liên HươngDưới bóng quê nhà - Nguyễn Hoàng ThọGió ở Nại Hiên Đông - Nguyễn Đông NhậtVới Bà Nà - Vô BiênNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcSao không nhìn bình minh - Thái Bảo - Dương ĐỳnhCùng em thăm lại sông Hàn - Lê Đình HùngĐà Nẵng thu - Nguyễn Hải LýThức nhớ làng quê - Trường KhánhLên Yên Tử - Nguyễn Xuân TưTrường cũ yêu thương - Nguyễn KiênThơ Vạn LộcGiữa trơ trụi - Bùi Công MinhVăn học Đà Nẵng khát khao vươn đến cái mới - Linh Thy (lược ghi)Nghệ sĩ múa Đà Nẵng hòa cùng nhịp điệu phát triển của thành phố - Lê HuânYêu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhân dân ngày càng cao - Nguyễn Trường HoàngHội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh HùngPhim tài liệu và lựa chọn mới của những người làm phim trẻ - Trương Vũ QuỳnhMỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình HiệpNhiếp ảnh Đà Nẵng: Những nỗ lực không mệt mỏi - Đình Hiệp Kiến trúc Đà Nẵng: Hướng đến một nền kiến trúc xanh - Linh ThyHội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: Chú trọng những chuyến đi thực tế - Phương MaiNhạc trẻ Đà Nẵng hướng đến cái mới, lạ... - T.T.SHội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng: Những bước đầu hình thành và phát triển - Phương MaiVăn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà