Mỹ thuật Đà Nẵng: Mong muốn đưa tác phẩm đến công chúng ngày một gần hơn - Đình Hiệp
Trong 20 năm qua, tình hình Mỹ thuật Đà Nẵng có những thăng trầm đáng kể. Đáng chú ý, thời gian đầu, sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành hai đơn vị hành chính độc lập, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều công trình tượng đài Quảng Nam và Đà Nẵng được xây dựng và phát triển, nên nhiều nhà điêu khắc hoạt động khá sôi nổi.
Đây cũng là thời điểm Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa vào chương trình triển lãm hằng năm, gọi là triển lãm khu vực. Qua đó, giới Mỹ thuật Đà Nẵng đã gặt hái nhiều thành công, tạo nên tên tuổi nhiều họa sĩ... Cho đến những năm 2008, 2009, 2010..., tình hình mỹ thuật bắt đầu lắng xuống, ba năm liền triển lãm mỹ thuật khu vực, Đà Nẵng không có giải thưởng chính thức, thậm chí 2011 không có giải thưởng nào. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống anh chị em giới mỹ thuật nói chung và hội họa nói riêng, những người sưu tầm tranh, chơi tranh hay yêu chuộng nghệ thuật thị giác vắng bóng dần. Thị hiếu thẩm mỹ của người dân miền Trung nói chung và người dân thành phố nói riêng còn hạn chế. Quần chúng chỉ thích chơi tranh thêu Trung Quốc, hay tranh giá bèo vài ba trăm nghìn hay loại tranh Souvenir...
Nguyên nhân chủ quan, là các họa sĩ Đà Nẵng nay tuổi tác đã cao (hội viên Trung ương), đa phần là U60, U70, do đó lòng đam mê, nhiệt huyết nghệ thuật có giảm sút nhất định. Trong đó, có những họa sĩ mấy năm liền không tham gia triển lãm, nhất là triển lãm khu vực. Có người loay hoay một năm chỉ vài ba bức chất lượng sáng tác yếu dần, không trau dồi bút pháp, tìm kiếm chất liệu và phát triển phong cách của riêng mình. Phần đông anh chị em họa sĩ làm việc nhà nước công sở hay giáo viên, những người sống bằng nghề đếm trên đầu ngón tay, so với những năm đầu mở cửa... Từ những nguyên nhân đó, BCH Hội Mỹ thuật kêu gọi anh chị em hội viên (nhất là anh chị lớn tuổi) giúp đỡ, tư vấn Hội, một lòng đoàn kết xây dựng Mỹ thuật Đà Nẵng phát triển cho đúng với một thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị loại một... Hội bắt đầu kêu gọi anh chị em cộng tác viên tham gia triển lãm mỹ thuật, kết nạp một số hội viên trẻ, tạo lớp kế thừa. Hằng năm tổ chức nhiều đợt trại có chất lượng (vẽ tại chỗ), mục đích là làm sao trong đợt trại anh chị em học hỏi lẫn nhau, tạo hưng phấn sáng tác. Do đó, những năm gần đây, cụ thể năm 2014, 2015, 2016, Mỹ thuật Đà Nẵng đạt nhiều giải thưởng cao, mà trước đây Mỹ thuật Đà Nẵng chưa từng mơ đến.
Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, trong thời gian qua, mỹ thuật Đà Nẵng có những gương mặt tiêu biểu và thân quen gần gũi với quần chúng yêu nghệ thuật thị giác, phải kể đến như: Họa sĩ Vũ Dương, Nguyễn Duy Ninh, Từ Duy (đã mất), Nguyễn Tường Vinh, Trần Nhơn, Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Thị Dư Dư, Trần Thị Cúc... Cũng như các họa sĩ trẻ lớp kế thừa như: Họa sĩ Thân Trọng Dũng, Quang Huy, Phan Thanh Hải, Trần Hữu Cân... Về những tác phẩm hoành tráng, công trình tượng đài tiêu biểu, phải kể đến nhà điêu khắc Phạm Hồng, nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính (đã mất), nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh... Và còn nhiều, nhiều anh chị em khác trong giới mỹ thuật thành phố.
Những thành tựu đạt được Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng bao gồm: 01 giải thưởng Nhà Nước, 01 huy chương vàng, 02 huy chương đồng triển lãm toàn quốc, 01 huy chương bạc tiểu vùng sông Mê-Kông, 02 giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, 29 giải thưởng khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, 04 giải thưởng đề tài LLVT chiến tranh cách mạng, 23 giải thưởng 5 năm VH-NT thành phố Đà Nẵng, 18 giải thưởng Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng và nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen khác...
Nhắc lại một kỷ niệm thú vị đáng nhớ về những hoạt động mỹ thuật, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha kể: “Trong năm 2012 (lúc đó tôi là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng), một lần thuê thuyền cho anh chị em đi thực tế sáng tác với chủ đề “Về chiến khu xưa” trên dòng sông Thu Bồn trong 4 ngày 3 đêm... Hôm đó, vừa bước lên thuyền, tôi nghe một số anh em bàn tán, đi chuyến này không ra gì thì tẩy chay nó luôn. Tôi vừa buồn vừa lo. Buồn là vì mình cố gắng hết sức cho anh em đi thực tế mà họ không hiểu. Lo là lo trong hành trình đi có sự việc xảy ngoài ý muốn hay không, có tư liệu để ký họa thực tế không, chương trình hoạt động giải trí không có thì mất mặt với anh em quá... May sao, ông trời không phụ người có tâm, tối đó chúng tôi được xem và dự lễ hội “BÀ THU BỒN” gồm rước kiệu, dâng hương, hát bài chòi v.v... Ngày hôm sau hai bên dòng sông còn diễn ra nhiều lễ hội khác... Và ngày chúng tôi đến xã Đại Bình thực tế, lúc quay về còn có lễ hội Đua Thuyền vui nhộn, đây là chuyến thực tế đáng nhớ nhất của tôi...”.
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, điều trăn trở lớn nhất với hoạt động mỹ thuật, là làm sao đưa tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật nhiều hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng, lòng mong mỏi của quần chúng yêu nghệ thuật thị giác và phát triển thị hiếu thẩm mỹ của người dân lên một tầm nhận thức mới. Thứ hai là làm sao để anh chị em họa sĩ Đà Nẵng có nhiều sân chơi hơn nữa, và nhất là sống được bằng tài năng nghệ thuật của mình.
Đ.H