Đà Nẵng, những ký ức đan xen... - Trương Điện Thắng
Tôi sống ở Đà Nẵng đến nay đã ngoài 50 năm. Vậy nhưng để hiểu về thành phố này cũng không là chuyện dễ. Có những hôm lang thang trên phố, tôi chợt nhận ra một Đà Nẵng hiện giờ, lúc nào cũng gắn liền với đất Quảng, là một bộ phận không thể tách rời. Thành phố luôn gắn liền quá khứ với những cơn đau quặn thắt, với những niềm vui chưa trọn...
1. Tôi lần đầu tiên từ một vùng quê Điện Bàn ra Đà Nẵng vào năm 1965. Xuống bến xe ở chợ Cồn rồi đi thẳng về kiệt 7 Hoàng Diệu, nhà
dì tôi.
Nhà dì ruột tôi nằm trong con hẻm đường Hoàng Diệu, gần khu cư xá kiệt 7. Con đường này ngày xưa mang tên một sĩ quan không quân Pháp gốc Việt là Đỗ Hữu Vị. Ông này nghe đâu chết trong thế chiến thứ nhất. Sau hiệp định Geneve 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi thành Hoàng Diệu cho đến ngày nay. Khoảng năm 1965, là đường nhựa cấp phối, hai bên lề toàn là cát và những cây xà cừ to lớn. Bọn chúng tôi tựa vào những gốc cây ấy để chơi trò đánh “giặc giả”. Trên đường dẫn từ chợ Mới huyện, tức chợ Hòa Thuận bây giờ về phía chợ Cồn, có những địa chỉ mà tôi không thể nào quên, đó là nhà ông chủ rạp hát Trưng Vương tên Long, Luật sư Trương Thị Thúy, đó là những ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp. Đối diện nhà bà Thúy là một ga ra ô tô có lẽ lớn nhất Đà Nẵng mang tên Nguyễn Đình Phùng, mà ngày nay là trụ sở của Cục Thống Kê.
Tôi đi học ban ngày và ban đêm đi phụ việc cho tiệm mì bò viên Thái Ngư của người chú bên bà nội. Trên đường đẩy xe phở hướng về chợ Cồn mỗi chiều, đến bót cảnh sát Hoàng Diệu và hãng nhuộm Đặng Mỹ Châu ngay ngã tư, có ba lối đi. Phần đường Hoàng Diệu bám sát bờ thành của nghĩa trủng Phước Ninh, sau này là nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương ở phía đông để dẫn về Ngã Năm. Đường về phía Tỉnh hội Phật giáo và chợ Cồn nguyên là đường Sabiella được đổi thành Ông Ích Khiêm từ 1955 và đường ở giữa là Triệu Nữ Vương mà trước đây người Pháp đặt tên là Labbeé, hoàn toàn chỉ mới lát đá. Lúc đó, đường từ chùa Tỉnh hội đến trường Sao Mai chưa có tên là Lê Đình Dương như bây giờ và hoàn toàn là con đường đất, hai bên nhà tôn lụp xụp...
Đi trên đường Ông Ích Khiêm khi gần đến chợ Cồn, phải vượt qua con đường sắt, ngày nay đã bị tháo dỡ và làm thành đường phố mang tên Nguyễn Hoàng. Vào năm 1965, thỉnh thoảng vẫn còn những chuyến tàu hàng chạy qua đây để ra cảng Tiên Sa hoặc vào sân bay. Nhưng ấn tượng nhất vì đây là đầu mối của một trong những ổ ăn chơi trụy lạc của Đà Nẵng mang tên xóm Đường Rầy, luôn nhộn nhịp những sắc áo lính Mỹ, Việt và những ả bán phấn; đôi lúc có những vụ nổ lựu đạn hoặc bắn nhau vì dành gái! “Xóm đĩ” thứ hai cách đó chỉ 500 mét đường chim bay mang tên Xóm Chuối, gần nhà thương Thí (trên đường Đoàn Thị Điểm, đoạn gần trường Y tế ngày nay), là một xóm lao động ẩm thấp!
Một lần vào giữa khuya khi đẩy xe phở quay về, ngang qua đường Rầy, tôi đã bị giật chiếc mũ nỉ vừa mới mua từ tích góp số tiền lẻ của khách hàng quán phở Thái Ngư cho hằng đêm. Hồi ấy những vụ cướp giật chỉ đơn giản là vậy, nhưng…vô phước lại rơi vào một đứa trẻ con nghèo như tôi!
Từ đường Rầy đến chợ Cồn, trong suốt nhiều năm từ khoảng 1973 đến 1985, nghĩa là trước giải phóng và đổi mới, là đoạn đường bày hết ra những gì của kinh tế Đà Nẵng. Nếu từ 1973 đến 1975 là nơi người ta bày bán tất cả những gì có trong nhà để đắp đổi một nền kinh tế khó khăn của cuối cuộc chiến tranh, thì sau 1975 được gọi một cái tên không còn giấu diếm: chợ trời! Từ quần áo, quân trang chế độ cũ, dụng cụ gia đình, cọc ấp chiến lược, kẽm gai đến phụ tùng xe máy, xe đạp, ô tô cũ và cả đồ ăn cắp.
Ngã tư chợ Cồn
Tiệm phở, mì bò viên Thái Ngư của chú tôi bày bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm ngay trước hiệu sách Văn Hóa, nhìn qua kiosque cà phê Xướng bên phía chợ Cồn, xéo chút nữa trên đường Khải Định (tức đường Edouard de L'Horlet được đổi thành đường Khải Định vào năm 1954) là chiếc cổng chợ xây dựng theo lối cách tân giữa kiến trúc cổ và kiến trúc Pháp cao vòi vọi. Trước năm 1946, cha tôi thường kể đây là cái cồn đất rộng khoảng hơn 2 hecta nằm trước Kho Đạn. Không có đường lên cồn nhưng có hàng trăm lối mòn bởi những bước chân cư dân ở gần lên đó trồng tỉa rau hoặc đi băng qua. Trên cồn không có cây cao, nhưng nhiều bụi rậm. Cái nhà vệ sinh lộ thiên không biết do ai làm. Thỉnh thoảng lính Pháp bắn chết một “ông Việt Minh” đâu đó, lại đem bêu đầu ở đây để thị uy dân chúng. Có lẽ việc hình thành bến xe từ Huế vào, Quảng Nam ra ở khu vực này đã tạo ra một cái chợ trên cồn đất ấy và dân gian tự đặt tên là chợ Cồn tồn tại đến nay chăng! Nhưng đến năm 1965, khi tôi ra Đà Nẵng thì ở đây có hai bến xe: Bến xe từ Quảng Nam ra và các loại xe Lam ba bánh, xe Daihatsu đậu ở phía trên ngã tư, nay là Vĩnh Trung Plaza, bến xe đường dài và từ Huế vào đậu ở ngay cây xăng Chợ Cồn, tạo thành một khu thương mại, vận tải nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng. Vì vậy mà con đường từ ngã tư này lên phía Tây ngày ấy có con đường mang tên Rue de Huế (đổi thành Lý Thái Tổ từ năm 1958) và ngã ba Huế ngày nay!
Ngã tư chợ Cồn, chỉ một đoạn trên đường Khải Định đã có hai hiệu sách nổi tiếng là Văn Hóa và Ngày Mới bán tất cả các loại sách, báo từ Sài Gòn chở ra và dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm mà chủ nhân là hai gia đình người Huế. Bên khu chợ Cồn, bao quanh các nhà lồng mở cửa ra hai đường Khải Định (nay là Ông Ích Khiêm) và Hùng Vương (tên cũ là Rue de la Républic) là nơi buôn bán của các nhà buôn tạp hóa, hiệu vàng lớn của Đà Nẵng. Một trong các kiosque nổi tiếng và nhiều kỷ niệm với tôi chính là hiệu cà phê Xướng. Ở đây quy tụ mỗi sáng hầu như tất cả những viên chức, lái xe, thợ thuyền đến uống cà phê, ăn sáng. Cà phê pha trong những bao vải gọi là cà phê bít-tất, kèm theo những bình thủy tinh đựng bánh tiêu, bánh rán trên bàn. Phía góc chéo bên kia gần khu gia binh là vài quầy bán đồ ăn, giải khát, nhưng nổi tiếng đến ngày nay là quầy bánh mì Ông Tý luôn thu hút bọn học trò nhỏ bởi hai lý do: Chả do tự tay ông Tý làm thơm ngon, sạch sẽ, không bỏ phèn sa và ai mua nửa ổ cũng bán. Tiếc là tôi không còn nhớ giá cả ra sao. Nghe rằng con cái ông Tý bây giờ đều đã thành đạt và thương hiệu ấy bây giờ vẫn tồn tại và ăn khách ở nhiều điểm khắp thành phố, nhất là khi các loại thực phẩm có hóa chất hay tẩm phèn sa (formon) nguy hiểm ngày càng nhiều hiện nay...
Nhiều năm sau, cho đến ngày đổi mới, chợ Cồn được xây dựng lại cao tầng và đổi tên thành Trung tâm Thương Mại Đà Nẵng, nhưng rồi phải quay về tên cũ vì nhiều ý kiến không đồng tình của tiểu thương. Nhưng trước đó, chợ đã không đủ sức chứa so với sự phát triển dân số cơ học ngay trong thời chiến, nên hàng trăm sạp bán hàng dã chiến đã được làm thêm bên phía bến xe Vĩnh Trung, cùng với những người bán hàng vặt ngồi bên ngoài, chiếm cả con đường trước bến xe...
Cũng vậy, sau 1975, trong một thời gian dài, ngã tư chợ Cồn bỗng nhiên trở thành nơi buôn bán thuốc tây, thuốc lá các loại của nhiều người có học vấn, nguyên là vợ của các viên chức và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa vừa đi học tập về chưa có công ăn việc làm…trong đó có những người là chỗ quen biết của tôi!
2. Rue Edouard de L'Horlet tức đường Khải Định rồi Ông Ích Khiêm ngày nay là con đường dẫn thẳng ra biển Thanh Bình. Con đường này qua những ngã tư Lê Duẩn (trước là Pigneau de Béhane thời Pháp rồi Thống Nhất thời Việt Nam Cộng hòa), Hải Phòng (tức Nguyễn Hoàng cũ), Quang Trung (đại lộ Boulevard Clémenceau)... cũng có nhiều điều đáng nhớ đối với lịch sử phát triển của Đà Nẵng…
Ngã tư Thống Nhất và nhà thờ Tin Lành
Con đường Thống Nhất trước năm 1950 mang tên một vị giáo sĩ người pháp, Linh mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc). Theo chính sử, ông này là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp viện trợ cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến cùng 1.600 lính bộ binh, pháo binh và lính gốc Phi cùng các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp có chiến tranh ở khu vực Viễn Đông. Sử gia Tạ Chí Đại Trường từng cho đây chỉ là tờ giấy lộn!
Cha tôi kể bên cạnh ngã tư Thống Nhất và Khải Định gần nhà thờ Tin Lành có một cái giếng gạch cũ đã trở thành địa danh trong một thời gian dài là ngã tư Giếng Bể, không biết nó là giếng Chàm hay giếng Việt và người ta đã đập bỏ từ bao giờ. Nhưng nhà thờ Tin Lành thì có lẽ gắn liền với nhiều sự kiện của Đà Nẵng... Một người bạn của tôi theo đạo Tin Lành kể rằng, năm 1902, Bonnet đến Tourane để thành lập cơ sở phân phối kinh Tân Ước và các sách Phúc âm chữ Hán trong tỉnh Quảng Nam, mười năm sau những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp là Jaffray cùng Paul M. Hosler đặt chân đến Tourane để thiết lập cơ sở truyền giáo tại đây. Tháng 9 năm 1921, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được thành lập và Hội đồng Tổng Liên hội Tin Lành tổ chức tại Đà Nẵng trước đệ nhị thế chiến đã góp phần phát triển đạo Tin Lành ở Việt Nam lên 1,5 triệu tín đồ như hiện nay... Và mỗi lần đi qua con đường này, đứng trước ngôi nhà thờ này, tôi không thể không nhớ đến một nhà văn Quảng Nam nổi tiếng đã cùng với vợ chồng Cadman, nhà truyền giáo người Mỹ từng miệt mài trong nhiều năm để dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt từ ngày chữ Quốc ngữ còn non yếu, mà ngày nay vẫn còn được sử dụng, cụ Phan Khôi, một “Ngự sử trên văn đàn Việt” như người ta từng xưng tụng!
Nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng được tôn tạo bề thế như hiện nay trên đoạn đường này cho thấy là một bằng chứng những hoạt động tôn giáo ở Đà Nẵng đã được rất thoải mái và tôn trọng như các tôn giáo khác, ít nhất là từ 20 năm đổi mới trở
lại đây!
Bãi biển Thanh Bình
Năm 12 tuổi, tôi từng đi bốc gạch ngói trên những chuyến xe tải chạy từ Thanh Quýt ra Đà Nẵng cùng với những người lớn tuổi vào dịp nghỉ hè. Giao hàng xong, trời đã tối. Xe chạy một mạch ra bãi biển Thanh Bình, tấp vào khoảng đất rộng trồng dương liễu để hóng gió và ngủ lại cho đến sáng hôm sau...
Bãi biển lúc đó vắng lặng, nghe vị gió biển trong tiếng gió vi vu thổi qua những hàng dương liễu tạo ra một âm thanh mới lạ, hấp dẫn mà sống ở thôn quê đâu bao giờ có được. Ngoài xa kia là Đầm Long Loan, Vũng Thùng, là Đệ nhất hùng quan Hải Vân, là cửa Hàn bỗng trở nên huyền bí đối với trí óc non nớt của một đứa trẻ vừa học xong tiểu học như tôi. May ra. Lúc đó tôi có biết những câu ca dao: Tai nghe súng nổ cái đùng/ Mới hay Tây lại Vũng Thùng hôm qua... mà những người phụ nữ nông thôn vẫn từng hát ru em. Để sau này hiểu thêm về những trận chiến khốc liệt của nghĩa binh Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, biết thêm về Đồi hài cốt của liên quân Pháp Y Pha Nho còn bỏ lại sau những năm 1858-1860.
Đứng trên bãi biển Thanh Bình hồi đó, chú bé tôi vẫn không hết ngạc nhiên bởi ánh sáng từ những bóng đèn tròn chao nghiêng trong gió giữa công viên, rồi bị cuốn hút vào những người phụ nữ, tay xách đèn dầu, tay bưng mủng hàng, cất tiếng rao lanh lảnh: Hột...vịt... lộn...đây...! Ngửi, nghe, nhìn những cảnh vật phố phường đầu đời của tôi là trên bãi biển này. Rồi sau đó, chìm vào giấc ngủ trên thùng xe lúc nào không hay... Để rồi, nhiều thập niên sau, tôi lại nhiều lần ra bãi biển Thanh Bình, cùng với các nhà văn xứ Quảng ngồi nói chuyện bể dâu. Nhà văn Cung Tích Biền đọc thơ Đường và nói chuyện thư pháp, nhà nghiên cứu Trương Duy Hy nói về những dự án văn học mà ông đang ấp ủ ở tuổi ngoài... cổ lai hy! Lại nhớ những lần cùng Vũ Hữu Định, Hoàng Trọng Dũng, Phạm Phú Hải, Đoàn Huy Giao... cùng những anh em văn nghệ Đà Nẵng cụng ly trước thềm biển. Lại nhớ những nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Thị Kim Cúc cùng tôi chân trần trên bãi tắm Thanh Bình một sớm mai yên ả và đọc thơ tình sau chiến tranh...
Bây giờ con đường Nguyễn Tất Thành thênh thang vẽ ra một cung biển dài mấy chục cây số từ phía cầu Thuận Phước lên Phú Lộc rồi Xuân Thiều, Nam Ô, lên tận đèo Hải Vân từ sau đổi mới, với những nhà hàng, khách sạn sang trọng rực sáng ánh đèn nhiều màu sắc từng đêm. Rồi mai mốt đây một khu đô thị mới hình “mặt trăng” sẽ xuất hiện, nghe nói có cả sân golf, rạp hát... Cung đường hiện đại nhưng đã vô tình lấy mất của tôi hình ảnh một Thanh Bình của ký ức, vô tình xóa mất dấu vết một bãi biển mang tên Redbeach mà năm 1965, những chiếc tàu há mồm lần đầu tiên chở các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa kỳ đặt chân vào một cuộc chiến thảm khốc nhất Đông Dương!
Đường dẫn tôi ra bãi biển Thanh Bình suốt hơn 50 năm qua, hóa ra lại là con đường bao hàm cả không gian và thời gian của đổi thay của bao người Đà Nẵng...
3. Con đường dọc bờ tây sông Hàn có lẽ là một đường phố được hình thành sớm nhất của Đà Nẵng, đồng thời với con đường song song ở phía tây, nay là Trần Phú, được toàn quyền Paul Doumer mô tả từ đầu thế kỷ 20 khi ông đến Đông Dương nhậm chức năm 1897, với những tòa nhà đầu tiên được xây dựng và bắt đầu công cuộc xây dựng cảng sông Hàn...
Vậy đó, cảng Đà Nẵng đã khai sinh ra thành phố Đà Nẵng, từ con đường này!
Quai Courbet
Đầu thế kỷ 20, Toàn quyền Đông Dương trích ngân sách 50 ngàn quan cho xây dựng con đường dọc bờ sông và bến cảng, đặt tên là Quai Courbet, mà trước đó vẫn là con đường đất.
Năm 1955, Quai Courbet được đổi tên thành đường Bạch Đằng và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó Rue Jules Ferry (đoạn từ Đống Đa đến chợ Hàn) và Avenue du Musée từ chợ Hàn đến Bảo tàng Chăm-pa được ghép làm một đổi tên thành Độc Lập và từ năm 1975 đến nay là Trần Phú. Hai con đường tạo ra diện mạo đầu tiên cho thành phố.
Chạy theo hướng bắc-nam, thuở học trò tôi vẫn thích đi xe đạp trên con đường Bạch Đằng để nhìn cảnh ghe thuyền tấp nập và những dinh thự cổ xây dựng theo kiến trúc Pháp nhìn ra sông. Nào là dinh thự của Nha Thương Cảng, hải quan, cơ quan đại diện chính phủ “miền bắc Trung nguyên Trung phần” thời Ngô Đình Diệm, Cơ quan văn hóa Pháp (nay là thư viện), hãng rượu Sica (công ty foodinco), khách sạn Bạch Đằng, Tòa thị chính, ngân hàng Công Thương (nay là cơ quan Thành ủy), Bưu Điện... rồi đến hàng loạt kho hàng của các thương gia Hoa kiều bên cạnh một nhà ga xe lửa gần chợ Hàn…Con đường sắt chạy từ ga xe lửa, men theo bờ sông lên cầu De Lattre để qua Tiên Sa và một nhánh nữa đi thẳng Hội An (đã bị trận lụt bão lớn năm 1905 phá hỏng). Một nhà hàng nổi duy nhất dưới sông mang tên Kim Đình, nghe nói của bà vợ tướng vùng Việt Nam Cộng hòa Hoàng Xuân Lãm xây dựng và bến phà ngang qua sông gần đó... Vào những mùa nghỉ hè, tôi theo gia đình đi giữ vịt nên vẫn thường chở trứng về theo những chuyến ghe chở rau quả từ phía Hói Kiểng, Hòa Xuân, Nước Mặn về Bến Mía gần chợ Hàn. Những ngày đi học, lại cùng chúng bạn xuống nô đùa, tắm rửa dưới sông Hàn.
Lớn lên một chút, khi học đến đệ nhị cấp, tức cấp ba bây giờ, thì ra bờ sông uống nước mía để được ngồi trên những cái ghế nhựa hóng mát hoặc ngồi ôn bài. Ngoài kia là những chuyến tàu tuần giang của hải quân Mỹ, to gấp nhiều lần những chiếc ghe đánh cá của ngư dân ngược xuôi, rẽ sóng làm xáo động cả một dòng sông vốn yên tĩnh. Bên kia sông là một sân bay trực thăng luôn nhộn nhịp máy bay lên xuống sau khi hoàn tất một phi vụ tuần tiễu nào đó. Quang cảnh đường Bạch Đằng, cũng như sông Hàn lúc ấy, là một khuôn mặt khác thường của chiến tranh. Những đoàn quân cảnh người Việt hoặc MP (Mỹ) lăm le súng ống tuần tiễu trên những chiếc xe Jeep mui trần...
Cảng sông Hàn
Vịnh Đà Nẵng dù trong lịch sử được gọi là Hiện Cảng, Toron, Tourane…thì đó vẫn là một ưu đãi của thiên nhiên. Các mô tả của nhiều sử liệu cho thấy, chính điều kiện tự nhiên thuận lợi đó đã tạo cho Đà Nẵng một lợi thế trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, thương mại. Có thể nói không sai rằng: Cũng như các đô thị lớn ven biển khác, chính cảng Đà Nẵng đã tạo ra thành phố Đà Nẵng!
Từ một tiền cảng của Hội An, nếu lấy ngày 01 tháng 9 năm 1901, khi Toàn quyền Pháp ký quyết định xây dựng cảng Đà Nẵng làm mốc, thì đến nay (năm 2016), cảng này đã có 115 năm tuổi trở thành một cảng thương mại lớn của miền Trung.
Các tác giả Eugène Teston và Maurice Percheron trong cuốn Indochina moderne ( Paris, 1931) khi mô tả về Cảng Đà Nẵng đã cho biết: “Vịnh Tourane tuy có thể là một bến cảng tuyệt vời, nhưng trên thực tế, nó chỉ là tiếp nhận duy nhất những con tàu trọng lượng 1.500 đến 2.000 tấn... Nơi tàu neo đậu gắn liền với dòng sông Tourane (nay là cảng Sông Hàn) bởi một con kênh được nạo vét, được mở cửa lần đầu tiên vào năm 1907 ở bờ biển, cho phép các con tàu chênh 5m vào cửa sông, con kênh đã được nạo vét, từ khi xây dựng lại năm lần khác nhau và hiện nay nó mới bị chặn lại: chỉ có những chiếc tàu sà lan mới có thể hoạt động được...”.
Trên sông Hàn người Pháp lần lượt cho xây dựng 12 cầu tàu có chiều sâu 7 đến 8m nước cho các con tàu lớn với trọng lượng từ 1.500 đến 2.000 tấn có thể cập bến và hoạt động mỗi khi con kênh từ cửa sông cho phép tàu đi qua, tức những lúc triều cường. Đa số tàu lớn đến từ châu Âu và nhiều tàu nhỏ chở hàng ven bờ, xa nhất là Hồng Kông đã vào sông Hàn.
Tài liệu của Khâm sứ Trung kỳ ngày 31 tháng 5 năm 1931 cho biết “đã trông thấy trong thành phố ấy những người An Nam đã thành lập những công ty thương mại...”.
Cũng theo dự báo của Maurice Percheron thì giao thông, buôn bán vào những năm 30 thế kỷ trước trên cảng Đà Nẵng chỉ khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Ông cho rằng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ phát triển khi tuyến đường sắt mới từ Tourane đến Nha Trang xây dựng xong; mỏ than Nông Sơn khôi phục việc khai thác, xuất khẩu thóc gạo và đường của Quảng Nam, Quảng Ngãi tăng lên; giao thương buôn bán một phần hoặc có nguồn gốc từ Lào khi tuyến đường sắt Tanap - Thakhek được xây dựng và khai thác du lịch đường biển từ Huế vào...
Dự báo của các nhà nghiên cứu Maurice Percheron đã đúng khi trong 115 năm ấy, lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đã tăng lên hơn 60 lần trong khi dân số từ hơn 3 vạn người đã tăng lên một triệu người. Từ sau năm 1986 đến nay, các điều kiện hạ tầng như đường sắt, đường liên Á, xuất khẩu, công nghiệp, du lịch biển đã phát triển vượt bậc ngoài trí tưởng tượng của hơn một thế kỷ trước. Đặc biệt các tuyến bay thẳng xuyên lục địa của ngành hàng không và làn sóng du lịch quốc tế đã tạo cho thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới (top 50) trong năm 2015. Nhiều mô tả trên các mạng xã hội gần đây còn cho thấy nhiều du khách tỏ ra thích thú với đô thị này, coi Đà Nẵng không những là thành phố đẹp mà cả con người Đà Nẵng cũng thanh lịch hơn nhiều nơi khác.
Tuy vậy, với trên 6-7 triệu tấn hàng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng nay chỉ còn ở Tiên Sa, khi toàn bộ các cầu cảng dọc sông Hàn không còn nữa, đã bắt đầu bộc lộ những bất cập về giao thông, kho bãi và năng lực nói chung. Cũng vậy, với lượng dân số 1 triệu người, thành phố Đà Nẵng cũng bộc lộ những hạn chế về không gian đô thị, xử lý môi trường, ngập nước và ô nhiễm cục bộ. Các nhà phân tích kinh tế và quy hoạch đang hối thúc đẩy nhanh đầu tư cảng Đà Nẵng về phía Liên Chiểu, trong lúc các quan tâm về môi trường, mật độ xây dựng, mật độ dân số không đồng đều, cảnh quan đô thị, thiết chế văn hóa và các di tích lịch sử của thành phố Đà Nẵng cũng đang đứng trước những thách đố nhãn tiền. Tất cả những vấn nạn đó là hiển nhiên của lịch sử và phát triển, nếu không được tiên liệu và xử lý thỏa đáng; nếu không có vai trò của một “kiến trúc sư” về phát triển và hoạch định chính sách dẫn dắt.
4. Tôi may mắn được rời Đà Nẵng bằng nhiều đường hàng không bay thẳng ra nước ngoài từ trước và sau ngày đất nước đổi mới: Đà Nẵng - Stung Treng (Campuchia), Đà Nẵng- HongKong, Đà Nẵng- Singapore, Inchon (Hàn Quốc), Nikita (Nhật), Bangkok (Thái Lan)…. Rồi từ những chuyến bay đó, đi xa hơn đến châu Úc, châu Mỹ. Trên những chặng bay dài như vậy, tôi thường đọc và ngẫm nghĩ về nhiều chuyện để quên đi thời gian...
Từ một căn sứ quân sự đến sân bay quốc tế
Từ năm 1930, sau sân bay Tân Sơn Nhất, chính phủ thuộc địa Pháp bắt đầu cho xây dựng nhiều sân bay nhỏ ở Việt Nam phục vụ cho ngành hàng không bắt đầu phát triển ở Đông Dương, trong đó có sân bay Đà Nẵng, tức Tourane. Sân bay này nằm trên đất của các làng Cẩm Lệ thuộc tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn và làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Đó là một vùng đất cát dạng phù sa cổ màu mỡ được người dân canh tác hoa màu, lương thực hoặc đất rừng hoang hóa...
Vào những năm 1935 đến 1939, trước khi Đệ nhị thế chiến xảy ra, cơ sở vật chất của sân bay Tourane cũng chỉ mới có phòng liên lạc điện đài, kho xăng dầu và xưởng sửa chữa, thay thế, rồi có thêm các nhà kho, phòng làm việc, nhà ga đi và đến, chỗ ở cho hành khách dân sự...
Trong chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954), sân bay được sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng các chuyến bay dân sự vẫn được thực hiện đến và đi từ sân bay này thường xuyên hơn, nhất là từ năm 1951 trở đi. Những năm 1953 - 1954, công binh Pháp được huy động để mở rộng một đường băng có chiều dài 2.400m cho nhiều loại máy bay của Mỹ hỗ trợ tác chiến cho quân đội Pháp.
Đến cuối năm 1957, sân bay Tourane bắt đầu được gọi là sân bay Đà Nẵng và trở thành Căn cứ Yểm trợ Không quân 4, cung cấp và hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động quân sự của phần phía bắc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Trong 2 năm 1962 - 1963, sân bay được mở rộng lên 950 ha, có một đường băng dài 3.048 m và một sân bay trực thăng, trở thành căn cứ không quân lớn nhất kiểm soát toàn bộ hoạt động trên không thuộc “vùng I Chiến thuật” của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Chiến tranh càng leo thang, sân bay Đà Nẵng trở thành một căn cứ hoạt động chung của cả dân sự và quân sự với các phi đội máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng của quân đội Mỹ và không quân Việt Nam Cộng hòa. Đà Nẵng, từ một sân bay có một đường băng nhưng tần suất hoạt động rất cao (những ngày cao điểm có đến 1.500 lượt máy bay hạ cánh và cất cánh) được báo chí nước ngoài mô tả là một sân bay “bận rộn nhất thế giới” từ năm 1966 đến 1974, dù đã có hai đường băng (trung bình số máy bay cất cánh và hạ cánh đến trên 55.000 lượt mỗi tháng)...
Về mặt dân sự, chỉ có một hãng hàng không duy nhất là Air Việt Nam khai thác, từ các loại máy bay DC 4, 6; Cravan, Boeing 727 và các chuyến bay thuê của quân đội Mỹ từ Hồng Kông, Thái Lan, Nhật đến không theo lịch...
Sau năm 1975, sân bay Đà Nẵng vẫn sử dụng chung giữa quân sự và dân sự. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam khai thác các loại máy bay của Liên Xô cũ cỡ nhỏ như AN, Tu... Từ sau đổi mới, sân bay Đà Nẵng dần trở thành một trong ba cảng hàng không Quốc tế của Việt Nam và có những đường bay trực tiếp đi nhiều như một cửa ngõ giao thương, du lịch quan trọng cho cả miền Trung đồng thời với việc hiện đại hóa ngành hàng không dân sự Việt Nam... Đến nay, đã có hàng chục hãng bay có các chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng. Sân bay được nhiều lần nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày một tăng lên. Đặc biệt, với sự kiện APEC 2017 mà Đà Nẵng là thành phố Việt Nam đăng cai, sân bay quốc tế Đà Nẵng một lần nữa được mở rộng với quy mô và tiện nghi chưa từng thấy...
Trải qua 86 năm tồn tại, ngoại trừ vài giai đoạn phục vụ chiến tranh, các nhà nghiên cứu hàng không đều nhận định chung: Trước sau, Đà Nẵng vẫn là một sân bay dân dụng phục vụ cho phát triển và giao thương!
Những tấm lòng đã mở ra
Nhìn lại lịch sử phát triển Đà Nẵng từ khi bắt đầu là nhượng địa của Pháp đến nay, tuy việc xây dựng có khác nhau về thời gian, quy mô và chịu những tác động của những điều kiện cụ thể, nhưng cả ba “trụ cột” hạ tầng là đường bộ-đường sắt qua Hải Vân, cảng biển và sân bay Đà Nẵng đều đã trở thành những công cụ mang tính động lực giúp thành phố đẩy mạnh việc mở rộng giao thương với bên ngoài. Có thể nói, vì vậy, đây là những cơ sở vật chất tạo ra đà canh tân trong hơn một thế kỷ qua cho một đô thị mà ngày nay chúng ta gọi là “đô thị động lực” của một vùng trọng điểm kinh tế miền Trung...
Nhưng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật luôn là những điều kiện cần mà chưa đủ. Chúng ta vẫn còn nhớ những than phiền của du khách nước ngoài về việc Đà Nẵng thiếu những sinh hoạt giải trí vào ban đêm, du khách chỉ ghé qua mà chưa ở lại nhiều ngày và chưa chi tiêu cho những dịch vụ mà ngành du lịch và thương mại hằng mong muốn. Chúng ta cũng từng nghe một bãi biển nhiệt đới đẹp hoang sơ, những bãi cát mịn màng tựa hồ powder milk nhưng lại thiếu vắng những khách sạn tiện nghi trong khi đó lại dày đặc, lúc nhúc những đứa bé ăn xin, đánh giày, bán hàng rong và những người chạy xe ôm, xích lô tranh giành khách. Nhiều du khách và các nhà phân tích hoạt động lữ hành từng nói, đó chính là những anti-marketing (phản tiếp thị) trong kinh doanh du lịch. Lại có những thị trường du khách tiềm năng bỏ rơi Đà Nẵng chỉ vì thiếu đường bay thẳng, thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước họ...
Tất cả những thiếu sót ấy đang được điều chỉnh từng ngày của người Đà Nẵng bởi giờ đây doanh thu du lịch - thương mại đã chiếm đến gần một nửa GDP hằng năm của thành phố. Người kinh doanh khách sạn, lái taxi, tiểu thương buôn bán ở các chợ, những doanh nhân đầu tư vào nhiều hoạt động giải trí, hàng lưu niệm mỗi ngày đều đã hưởng lợi từ các nguồn thu từ du khách trong kinh doanh của mình. Những người bạn tôi có các chuỗi cửa hàng mỹ nghệ Non Nước, mì Xứ Quảng, thịt heo cuốn bánh tráng mang thương hiệu Mậu, Trần hay cả kinh doanh mắm cá cơm Dì Cẩn, hải sản khô, trầm hương và cả dịch vụ tắm nước ngọt trên bãi biển ở Đà Nẵng đều cho biết “văn minh và hiếu khách trong kinh doanh giờ đây đang trở thành những bài huấn luyện mỗi ngày cho các nhân viên của mình...”. Những người lái taxi hay đạp xích lô mỗi ngày mỗi cố gắng trau dồi tiếng Anh. Anh bạn phụ xe ở xóm tôi bây giờ ăn mặc tinh tươm ra đi mỗi sáng, luôn ghé vào quán cà phê đầu hẽm kể chuyện về đặc điểm của từng đoàn du khách: anh ấy đã chuyển sang phụ xe đưa đón khách du lịch cho một hãng lữ hành và thu nhập tăng lên thấy rõ!
Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng đã mở ra những lối hòa nhập với thế giới, nhưng tấm lòng của con người Đà Nẵng nếu chưa mở ra để đón bè bạn phương xa bằng phong cách mới, vừa hiện đại lại vừa biết hãnh diện bởi truyền thống của mình, thì e rằng khát vọng phát triển cũng chỉ là những giấc mơ!
T.Đ.T