Văn hóa dân gian Đà Nẵng - 20 năm một chặng đường - Huỳnh Thạch Hà
Đà Nẵng là vùng đất có vị trí địa lý thuận lợi, là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của đại ngàn Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là Cảng biển Tiên Sa. Tại kỳ họp thứ 10, ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là về mặt hành chính, còn về mặt văn hóa dân gian thì vùng đất “trước sông, sau núi, biển kề một bên này” cũng nằm trong dòng văn hóa, văn nghệ dân gian, mang hơi thở của vùng đất, con người xứ Quảng.
Vùng đất Đà Nẵng dựa trên nền tảng của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa rực rỡ từ xa xưa đã hiện hữu trên mảnh đất này. Những thế kỷ về sau, Đà Nẵng trở thành thương cảng sầm uất, đã thu hút một bộ phận là thương nhân người Hoa, người phương Tây,… đến giao thương buôn bán. Và khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp thì quá trình Tây hóa ở Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ hơn. Thêm vào đó, tộc người Katu ở phía tây trên vùng núi cao cũng mang những nét văn hóa độc đáo, tất cả đã cùng giao lưu, hòa quyện vào nhau tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Đà Nẵng. Vì thế, khi nói đến giá trị văn hóa dân gian của Đà Nẵng thì chúng ta hiểu rằng, nó không chỉ riêng của người Kinh ở Đà Nẵng thôi mà còn bao gồm cả các tộc người khác cùng chung sống trên mảnh đất này từ thuở khai hoang, dựng nghiệp cho đến nay, họ đã đồng tâm hiệp lực chiến đấu, bảo vệ và xây dựng, tạo nên diện mạo đặc trưng cho mảnh đất Đà Nẵng.
Văn hóa dân gian Đà Nẵng là sự lắng đọng trong các lễ hội, trong phong tục tập quán, tâm lý truyền thống được kết tinh từ lao động sáng tạo, lối suy nghĩ, lối sống và cách ứng xử của các tộc người cùng cộng cư qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nó còn thể hiện ở văn hóa ẩm thực đó là mỳ Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bún chả cá... với những hương vị rất riêng không lẫn với những sản vật của nơi khác. Lễ hội cũng là nét đặc trưng của văn hóa Đà Nẵng, bao gồm nhiều yếu tố dân tộc, lịch sử, phong tục, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo,... mặc dù so với những nơi khác thì không gian lễ hội hẹp hơn, thời gian ngắn hơn, song cũng khá đa dạng và phong phú. Có các lễ hội truyền thống như: lễ hội đình làng, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm,... Văn hóa Đà Nẵng còn là sức sống, sức sáng tạo của người dân được thể hiện ở kinh nghiệm, tri thức được tích lũy trong quá trình lao động và đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, với kẻ thù. Tri thức và năng lực sáng tạo đó còn biểu hiện qua hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống như: đồ mỹ nghệ Non Nước, guốc mộc Xuân Dương, nước mắm Nam Ô, thuốc lá Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan,... Tất cả đã nói lên tài hoa và sự khéo léo, tinh xảo của người dân Đà Nẵng.
Văn hóa dân gian nơi đây còn có các làn điệu dân ca, hát hò khoan, bài chòi, lý, hò vè độc đáo, chân chất đồng hành cùng các câu hát đồng dao, hát bả trạo, các trò diễn dân gian như múa lân, múa sư tử, các vũ đạo có đường nét kinh điển của nghệ thuật Tuồng truyền thống mà người xưa gọi là hát Bội. Bên cạnh đó, âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng cũng rất phong phú, đa dạng, thắm đượm tinh thần nhân văn sâu sắc, phản ánh cuộc sống khó khăn vất vả nhưng không kém phần lạc quan yêu đời của những cư dân giàu ý chí, dũng cảm và đầy khát vọng. Những con người sống trên vùng đất được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, nơi mà lịch sử dân tộc luôn giao cho họ sứ mệnh nặng nề, thiêng liêng để luôn vững vàng và chống chọi nơi đầu sóng ngọn gió, những con người luôn trực tiếp đối mặt với bao hiểm nguy đe dọa từ Biển Đông.
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của đất nước, người dân nơi đây đã rèn luyện ý chí vượt lên để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần làm nên một diện mạo tươi đẹp đáng tự hào của Đà Nẵng như ngày hôm nay.
Với một kho tư liệu văn hóa dân gian như vậy, từ lâu, văn hóa, văn nghệ dân gian ở Đà Nẵng đã được nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm và giới thiệu, phổ biến rộng rãi. Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã hoàn thành và giới thiệu được khá nhiều công trình văn hóa văn nghệ dân gian như: Truyện kể dân gian đất Quảng; Tập tục lễ hội đất Quảng; Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng; Ẩm thực đất Quảng; Văn hóa dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tác giả tác phẩm; Văn hóa dân gian Đà Nẵng - cổ truyền và đương đại,... Những công trình này là tập hợp những quá trình điền dã, sưu tầm các tri thức dân gian của Hội và đã phần nào phản ánh được những tập tục, những làng nghề truyền thống, nét văn hóa đa dạng của người dân thành phố Đà Nẵng trong vùng văn hóa xứ Quảng. Trong 20 năm qua, Hội đã nỗ lực giới thiệu, lưu truyền vốn văn hóa văn nghệ dân gian địa phương, Hội cũng đã thực hiện 6 đặc san Văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, tạo diễn đàn cho hội viên trao đổi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.
Những hội viên trong Hội Văn nghệ dân gian đã rất tích cực trong công việc sưu tầm vốn văn hóa, văn nghệ dân gian và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu. Về lĩnh vực Ngữ văn dân gian với các thể loại cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian có các tác giả như Đinh Thị Hựu: Tiếng địa phương trong ca dao, dân ca đất Quảng, Hò khoan xứ Quảng, Vè đấu tranh ở Đà Nẵng; Phạm Hữu Bốn: Chuyện kể dân gian xứ Quảng; Phan Thế Tập: Câu đối dân gian và câu đối Hán - Nôm; Hoàng Hương Việt: Ca dao, dân ca kháng chiến; Nguyễn Phước Tương: Cảm nhận văn học dân gian đất Quảng; Phan Thị Miều: Trong vườn văn học dân gian, Bùi Văn Tiếng: Văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại... Có thể nói, lĩnh vực này đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, đi sâu phân tích, thể hiện rõ được tính địa phương vùng miền, đồng thời cũng thể hiện được cách hiểu, cách cảm của nhân dân trong quá trình sinh sống và lao động.
Lĩnh vực Nghệ thuật dân gian gồm nghệ thuật tạo hình dân gian, kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian... có các tác phẩm Đình làng Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn chủ biên); Đình làng Hòa Phú - di tích và lễ hội (Nguyễn Hoàng Thân chủ biên). Ở lĩnh vực này còn ít được quan tâm và nghiên cứu đặc biệt là hội họa dân gian. Nghệ thuật biểu diễn dân gian như âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn... có Âm nhạc Chăm - những giá trị đặc trưng (Văn Thu Bích); Hát bả trạo hò đưa linh (Trương Duy Hy, Trương Đình Quang); Ca nhạc kịch bài chòi (Trương Đình Quang); Bài chòi xứ Quảng (Trương Đình Quang, Đinh Thị Hựu); Hò đưa linh (Trần Hồng); Âm nhạc dân tộc Chăm - sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt (Trần Hồng); Sắc bùa xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn). Hầu hết, các tác giả đã giới thiệu được các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đặc trưng của xứ Quảng.
Về Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên như địa lý, thời tiết, khí hậu, tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất) Dân gian bia miệng lưu truyền (Lê Hoàng Vinh); Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa (Ngô Văn Ban).
Về Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội: Lễ hội ở Đà Nẵng (như đã nói ở trên) là không lớn và không kéo dài như ở các tỉnh phía Bắc nhưng không phải kiểu lễ hội trình diễn mà là lễ hội được người dân tổ chức theo xuân thu nhị kỳ. Đặc biệt, lễ hội thường thể hiện những tín ngưỡng dân gian rất đặc sắc. Đó là sự giao hòa giữa tín ngưỡng của người Chăm, người Hoa, người Việt. Do đó lĩnh vực này được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Một số công trình tiêu biểu như: Văn hóa dân gian Hòa Vang (Võ Văn Hòe); Lễ hội - văn hóa dân gian đất Quảng (Lê Duy Anh); Văn hóa xứ Quảng Một góc nhìn (Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô); Lễ hội văn hóa dân gian xứ Quảng (Lê Duy Anh); Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam bộ (Võ Văn Hoàng); Văn hóa Đà Nẵng từ những mảnh ghép (Chi hội VNDG Trường ĐHSP Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Thân chủ biên); Tìm hiểu miếu thờ quận Ngũ Hành Sơn (Đinh Thị Trang); Văn hóa dân gian Việt - Chăm nhìn trong mối quan hệ (Võ Văn Hòe, Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn), ...
Những tri thức, phong tục tập quán, hay các lễ hội còn được các nghệ sĩ lưu giữ lại bằng phim tư liệu. Cho đến nay đã có một số tác phẩm có giá trị như: Hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (Trịnh Tuấn Khanh, Thiện Tâm, Đặng Dợm); Giai điệu miền Trung (Trần Hồng, Thiện Tâm, Trịnh Tuấn Khanh); Lễ hội Ka tê Ninh Thuận (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thiện Tâm, Đặng Dợm, Đỗ Vinh); Lễ hội Phong Lệ mục đồng (Nguyễn Thiện Tâm); Hát sắc bùa (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng); Người Ve nơi đại ngàn (Trịnh Tuấn Khanh, Đỗ Vinh); Nét đẹp dân gian Chăm (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thanh Minh); Nghệ nhân dân gian - báu vật văn hóa sống (Trịnh Tuấn Khanh); Hương sắc bản làng (Trịnh Tuấn Khanh)... Những tác phẩm này lưu lại được những lễ hội, phong tục bằng hình ảnh, rất cần thiết cho công việc lưu giữ và phục dựng vốn văn hóa dân tộc. Hội đã tích cực góp phần truyền dạy, phục dựng các di sản văn hóa đã mai một cho cộng đồng, trao truyền hướng dẫn kiến thức bản địa của cộng đồng này với cộng đồng khác.
Trên đây là điểm lại quá trình lao động, đóng góp của Hội Văn nghệ dân gian trong 20 năm qua. Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế nhưng nếp sống văn hóa, đạo đức lại không “song hành”, đô thị hóa lại dẫn đến nguy cơ suy tàn của nông nghiệp và nông thôn, “làng đã lên phố”; tăng trưởng kinh tế nhưng lại làm môi trường tự nhiên bị suy thoái, vấn đề xói mòn đạo đức... thì vấn đề bảo tồn văn hóa dân gian càng có ý nghĩa thiết thực. Văn hóa, văn nghệ dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các tập quán, phong tục, nếp sống của người dân, của cộng đồng. Vì vậy, vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian cực kỳ quan trọng. Việc lưu giữ và trao truyền các tri thức đó là hết sức cần thiết với mỗi người dân. Văn hóa văn nghệ dân gian sẽ thông qua các môi trường cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng xóm, tộc người,...) tác động đến việc hình thành các ứng xử của mỗi thành viên hướng đến việc giáo dục lớp trẻ tốt hơn.
Ngoài ra, những yếu tố của văn hóa, văn nghệ dân gian như lễ hội, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, múa, sân khấu, trò diễn dân gian,... là nguồn lực, tài nguyên và là linh hồn là nguồn lực của du lịch, phát triển kinh tế. Hy vọng trong tương lai, các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian dành nhiều tâm huyết hơn nữa trong việc lưu giữ, phát huy những tri thức dân gian góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
H.T.H