Khúc hát tình người - Hoàng Hương Việt
1. Cũng không tình cờ gì, tôi quen rồi thân với anh từ hồi hai chúng tôi còn công tác ở hai cơ quan khác nhau cách không đầy một trăm mét. Anh đấy, Nguyễn Bá Thanh (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Còn tôi làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy. Cả hai cơ quan đều ở đường Trần Phú - Đà Nẵng. Rồi cả hai lại được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IV năm 1989 và Ban chấp hành Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vài nhiệm kỳ từ những năm 1984.
Những chuyến công tác xuống huyện thị, những phát biểu trên diễn đàn hội trường trong các cuộc họp ở nhiều nơi đều gây chú ý cho nhau. Có những ý kiến đồng nhất, giống nhau về một vấn đề nào đó càng cuốn hút sự quan tâm gần gũi nhau hơn. Về sau này, khi anh Thanh đã là lãnh đạo cấp Ủy ban, Tỉnh ủy, rồi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng từ những năm 1997, khi chia tách tỉnh, thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có một số phát biểu ở các hội nghị, lễ lớn anh thường gửi cho tôi đọc để có gì tham gia (đó là theo ý của anh), cũng có bài anh gọi tôi sang gợi ý cho tôi viết hộ. Nói chung, hầu hết đều do anh viết, sửa là chính. Ai đã từng nghe anh nói chuyện hoặc đọc thì phong cách viết của anh cũng hao hao như vậy. Có một “phong cách Nguyễn Bá Thanh” không lẫn vào đâu được. Cả khi nói và viết chen danh ngôn, ca dao, tục ngữ và chuyện kể đông tây kim cổ dí dỏm để dẫn chứng, ví dụ cuốn hút người nghe. Nghe rồi mới thấm thía cái đa nghĩa của vấn đề.
Con người có tác phong hơi lạ, đạo mạo, trầm lặng, có khi gay gắt, lạnh lùng, ít cười; đi nhiều hơn ngồi một chỗ ở “ghế quan” để làm việc. Và việc gì cũng đến tận nơi, gặp mặt từng người và quyết đoán giải quyết tận cùng. Nói là làm. Làm thật sự, kể cả khi còn lăn tăn, gặp phải phản ứng từ phía chưa đồng tình. Nhưng sự thuyết phục nhất là ở mặt thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người, thể hiện trên các công trình kinh tế, xã hội, phúc lợi dân sinh. Cả tập thể lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân, trong đó có anh cùng nhân dân thành phố đã biến khu nhà chồ ổ chuột dọc triền sông Hàn trở thành con đường Bạch Đằng Đông tráng lệ. Tạo dựng sáu cây cầu huyền thoại bắc qua sông Hàn như Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, Nguyễn Tri Phương trải dọc sông Hàn, mà mỗi cây cầu là một mô hình kiến trúc lạ mắt, kỳ vỹ, làm nên cung bậc, diện mạo “thành phố của những cây cầu”. Xây dựng Bệnh viện sản khoa 600 giường, Bệnh viện ung bướu chữa bệnh cứu người miễn phí. Phục sinh một Bà Nà - Núi Chúa thu hút khách thập phương. Xây cụm cầu vượt ngã ba Huế lộng lẫy và tòa nhà Trung tâm hành chính hiện đại bậc nhất Việt Nam... Đặc biệt, là những khu dân cư và những con đường dáng dấp đại lộ của một thành phố mở, ra đời chóng mặt. Rồi cung thể thao Tuyên Sơn, Hòa Quý, Bảo tàng, Thư viện và còn nhiều dự án tương lai. Có người lần đầu đến Đà Nẵng về đêm hoặc đi xa lâu năm trở lại quê nhà, họ ví nơi đây là Hồng Kông của Trung Quốc muôn màu, náo nhiệt sức sống của phố thị. Nhưng điều đáng nhắc và ghi đậm dấu ấn Nguyễn Bá Thanh bởi những quyết sách táo bạo, được sự đồng thuận của nhân dân, xây dựng “Thành phố 5 không, 3 có” (không có hộ đói, không mù chữ, không lang thang, ăn xin, không ma túy, mại dâm, không giết người, cướp của), (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh). Tất nhiên có việc còn phải bàn và phải có thời gian. Nhưng trước hết thành tựu và triển vọng là có thật. Từ sự thật hiển nhiên đó được nhiều nước ca ngợi và thế giới bình chọn là miền đất tiềm năng, điểm sáng của khu vực, luôn có những chính sách cởi mở đón nhận sự liên kết đầu tư, giúp đỡ từ trong nước và nước ngoài, thu hút khách du lịch ngày càng đông đảo.
Ngày nay, nhìn Đà Nẵng ở góc độ, phương diện nào, khía cạnh nào, cũng có thể khẳng định, sự đổi thay thần kỳ, đã làm sáng lên, tỏa ngời một bộ mặt thành phố hiện đại từ nếp sống, lối sống của thị dân công nghiệp đến sinh hoạt văn minh, giữ gìn nét đẹp và truyền thống bản sắc văn hóa dân gian dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, là điểm cộng của sự phát triển năng động, tăng trưởng toàn diện với định hướng đúng đắn là thành phố có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trọng điểm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương với một số nước trong khối Asean và Đông Nam Á.
2. Sở dĩ tôi nói dài dòng, từ một tình bạn thân tình giữa tôi và anh Thanh, sang việc lãnh đạo, chỉ đạo công việc cơ quan cấp ủy của anh và những thành công của thành phố đã cuốn hút hết thời gian và tâm lực của anh ấy. Thế mà anh lại có thì giờ ngồi làm thơ, có thơ, lại là thơ hay được phổ nhạc và phổ biến rộng rãi trên làn sóng phát thanh, đến cả các cuộc lễ lạc, hội thi, hội diễn cấp thành phố, cấp quốc gia, ca khúc trở thành tiết mục được nhiều người yêu thích.
Bài thơ “Đà Nẵng tôi yêu” được anh Nguyễn Bá Thanh “công bố” đầu tiên tại Đêm thơ Nguyên tiêu năm 2009 do Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành phố phối hợp tổ chức tại nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Đêm đó anh Thanh đến dự rất đúng giờ mặc bộ veston đen. Sau phần khai mạc, anh Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin thay mặt Ban tổ chức giới thiệu anh Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy phát biểu. Anh Thanh bước lên sân khấu, anh chỉ nói một vài câu chúc mừng rồi... đọc bài thơ “Đà Nẵng tôi yêu”. Anh đọc bài thơ trong tâm trạng xúc động và cảm xúc nhanh chóng lan rộng đến từng người trong nhà hát.
Bài thơ này được nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm chuyển cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp (TP.Hồ Chí Minh) phổ nhạc. Sau đó nhạc sĩ Đình Thậm cũng có phổ nhưng anh thích bài phổ của Quỳnh Hợp hơn. Ca khúc được người nghe đón nhận thiết tha bởi giai điệu và lời ca sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Có lần tôi nói với anh: “Với bài thơ này, và chỉ cần một bài này thôi “Đà Nẵng tôi yêu” là Khúc hát tình người, anh đã có quà tặng cho thành phố rồi”. Anh cười: “Mình chỉ viết chơi thôi. Tức cảnh sinh tình mà!”.
Mỗi sáng, nơi tôi đang sống, phường Thanh Bình, các ông bà, cô chú trong Câu lạc bộ Người cao tuổi mở băng nhạc chọn ca khúc “Đà Nẵng tôi yêu” của anh làm nền cho các buổi tập thể dục buổi sáng kéo dài một đến hai tiếng đồng hồ. Tôi nghe, rồi thuộc nằm lòng từng lời, từng đoạn. Tôi tâm đắc những câu thơ như rút ruột của anh:
Đà Nẵng ơi! Sao mà yêu đến thế
Gian khó quá nhiều nay tỏa sáng
lung linh
Công sức tình người dựng xây
thành phố trẻ
Đẹp những con đường rạng rỡ
ánh đèn đêm
Đó là sự rung cảm và độ nhạy của một tâm hồn sống trong hiện thực cuộc sống đầy ắp sự háo hức, ngổn ngang của cái chí, cái lý, cái tình đòi hỏi ở người cầm nắm, lèo lái vận mệnh của một vùng đất chỉ có xốc tới, vươn lên, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm mới xoay chuyển, đổi đời thấm đẫm tình người. Nếu không thì chẳng có gì để mà ca ngợi.
Đó là tâm hồn thơ đích thực. Không có sự thẩm thấu rung cảm sâu lắng nhất, không có cái nhìn nhân hậu, không hòa mình vào nỗi vất vả lo toan của nhân dân thì không thể giải bày, cất lên, vỡ òa niềm vui kiêu hãnh ấy được. Nhưng rồi tác giả cũng dự báo được rằng:
Dẫu phía trước không chỉ là
nắng đẹp
Đường ta đi đâu chỉ có hoa hồng
Qua năm tháng những gì ta có được
Xứng đáng tự hào, Đà Nẵng của
tôi ơi!
Thật vậy, cuộc đời này đâu chỉ có hoa hồng và nắng đẹp, mà còn phải trải qua nhọc nhằn, hoạn nạn chông gai, mưa sa bão táp mới nên người, nên sự nghiệp được.
Ở bản thảo viết tay, câu cuối của bài, anh viết chữ “Cũng” (Cũng đáng tự hào...), sau đó anh xóa sửa lại thay bằng chữ “Xứng” (Xứng đáng tự hào...). Đúng vậy, khúc hát này về thành phố của chúng ta có được hôm nay là xứng đáng biết bao!. Nó phải thế, đúng với lẽ thường tình. Có tin, có yêu mới nên men cảm xúc dạt dào...
Với bài thơ “Đà Nẵng tôi yêu” của anh Nguyễn Bá Thanh cũng là tên của ca khúc, sau đó trở thành bài hát “ruột” của ca sĩ Quang Hào. Hình như chỉ có Quang Hào mới thể hiện, lột tả hết được màu sắc, ý tứ vừa chân thành, vừa sâu xa của tác giả gửi gắm vào tác phẩm như dồn hết vào trái tim bàng bạc, tâm hồn bộc khởi được sinh thành trong bối cảnh giữa đất và người hiển lộ trọn vẹn vẽ đẹp toàn mỹ của thơ ca.
3. Trong những ngày Đà Nẵng tưng bừng kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, với những bước đi kỳ diệu, trong đó có công sức lớn lao của anh Nguyễn Bá Thanh - nhưng anh đã đi xa, mãi mãi không về.
Tôi ngồi lẩn thẩn nhớ anh. Mỗi lần Tết đến, độ 25 tháng Chạp, trong cái se lạnh báo mùa và sắc lá bàng đỏ sẩm lả tả rơi trong khuôn viên Ủy ban nhân dân thành phố đường Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh lại gặp anh chị em văn nghệ, trí thức, các nhà khoa học thành phố để tâm sự nhiều điều. Năm nào, ngày đầu năm tôi cũng lên chúc Tết gia đình anh, có chuyện vui anh lại kể. Nhưng Tết này chỉ còn nghe bài hát về Đà Nẵng mà anh yêu vang lên đâu đó, như tôi đang ngồi đọc lại bài thơ của anh viết tay còn tươi nét mực và ghi vội mấy dòng xao xuyến này trong thanh âm sâu nặng, ngậm ngùi thương nhớ anh. Nhớ anh trong “thành phố đáng sống” mà anh hằng kỳ vọng, làm nhiều thêm “những công trình gần lại với trăng sao”.
Rất nhiều người không biết anh có bài thơ để đời, ngoài ca khúc ít được nhắc tên:
ĐÀ NẴNG TÔI YÊU
Đà Nẵng bây giờ đẹp lắm em ơi!
Biển vẫn rất xanh bên bờ cát trắng
Gió miên man, gió hoài chẳng lặng
Sóng hôn bờ, hôn mãi không thôi
Đà Nẵng quê mình đẹp lắm em ơi!
Có núi, có sông, ruộng đồng, biển cả
Mảnh đất, con người ngày đêm hối hả
Cho một sông Hàn thành nhạc,
thành thơ
Đà Nẵng ơi, sao mà yêu đến thế
Gian khó quá nhiều nay tỏa sáng
lung linh
Công sức tình người xây
thành phố trẻ
Đẹp những con đường rạng rỡ
ánh đèn đêm
Mắt nhìn thẳng và chân ta bước tiếp
Xây thành phố này vươn tới những
tầm cao
Thêm những chiếc cầu cho đôi bờ
nối nhịp
Thêm những công trình gần lại với
trăng sao.
Dẫu phía trước không chỉ là
nắng đẹp
Đường ta đi đâu chỉ có hoa hồng
Qua năm tháng những gì ta có được
Xứng đáng tự hào, Đà Nẵng của
tôi ơi!
Thế là anh đã sống trọn vẹn rồi. Mấy dòng thơ của anh đã được hát lên hằng ngày. Âu đó cũng là kỷ niệm nhỏ của anh gửi lại xứ sở này. Xứ sở bên sông Hàn đã có 20 năm (1997 - 2017) lớn lên từng ngày trong tâm thức mọi người.
Đà Nẵng, Những ngày đón Xuân Đinh Dậu 2017.
H.H.V