Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nhớ lại những ngày đầu năm 1997 - Thanh Quế
Trước ngày 1/1/1997 độ một tuần, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn nghệ 10 năm (1985 - 1995) cho các tác giả Quảng Nam - Đà Nẵng và những tác giả ngoại tỉnh viết về Quảng Nam - Đà Nẵng như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Bảo... Người đứng ra trao giải là ông Trương Quang Được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Vào cuối buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân níu tôi đứng lại ở hành lang hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh (nơi trao giải) nói:
- Cậu Quế này, hẳn cậu biết thông báo của Quốc hội là từ ngày 1/1/1997 sẽ chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Về Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, chúng mình điều cậu Hồ Duy Lệ vào làm Tổng biên tập báo Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Cậu sẽ ở lại thành phố, làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, cho đến khi Đại hội tới (tổ chức vào năm 1998). Tất cả mọi tài sản hiện có của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ giao lại cho Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. (Sau này, chúng tôi thấy có một quỹ bán sách độ 70, 80 triệu, chúng tôi đã chia đôi cho Hội Văn nghệ Quảng Nam).
Ban đầu, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng được giao biên chế 10 người (thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng). Sau đó, Ban Tổ chức Thành ủy chuyển cô Sương, kế toán của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (cũ) qua Hội. Độ vài ba tháng sau, nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương cũng được chuyển về Hội công tác.
Hồi ấy, số hội viên thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ về Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam hay Đà Nẵng theo cư trú của từng người thuộc địa phận nào. Công việc dần dần ổn định như trước đây. Chúng tôi tiếp tục ra tạp chí Đất Quảng được 2 số...
Vào một buổi sáng, chị em ở văn phòng Hội gọi tôi xuống tầng dưới có người gặp điện thoại. Tôi vừa cầm máy lên thì nghe một giọng nói vui vẻ, hồ hởi ở đầu dây bên kia:
- Mình là Mai Thúc Lân đây (lúc đó, ông chuyển vào làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) Này, cậu Quế, vừa qua chia tách tỉnh chúng mình chỉ lấy có mỗi cậu Hồ Duy Lệ. Tất cả mình không yêu cầu chia ra mà để hết cho Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. Nay mình có một đề nghị vầy: Cậu giao cái tên tạp chí Đất Quảng lại cho Quảng Nam thì hợp hơn. Tạp chí văn nghệ ở Đà Nẵng cậu tìm một cái tên khác, ngừng lại một lát, ông nói tiếp, lại một đề nghị nữa, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam chỉ có một mình cậu Lệ, cậu cử cho mình một người có năng lực để làm phó cho cậu Lệ, trực cơ quan và tạp chí vì cậu Lệ còn là Tổng biên tập báo Quảng Nam nữa.
- Cử Nguyễn Bá Thâm được không anh?
- Tùy cậu bàn với cậu Thâm và anh em ngoài đó. Cử cho chúng mình một người “thật ngon” nhé.
Sau khi nghe chỉ thị của Bí thư Tỉnh ủy, tôi tổ chức họp Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (là những ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng còn ở lại trên đất Đà Nẵng) bàn chuyên đề đổi tên tạp chí thay cho tạp chí Đất Quảng. Có ý kiến đề nghị lấy tên là Người Đà Nẵng kiểu như tên tờ báo Người Hà Nội của Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Có ý kiến lấy tên là Ngũ Hành Sơn. Có ý kiến lấy tên là Sông Hàn. Cuối cùng thống nhất lấy tên là Người Đà Nẵng. Tôi nói với anh Nguyễn Bá Thâm:
- Ông sắp vào Quảng Nam (sau khi bàn với anh được anh đồng ý), ông đi một chuyến Hà Nội, đến Bộ Văn hóa xin giấy phép mới cho tạp chí nhé.
Anh Thâm đi được vài ngày thì điện về cho tôi:
- Ông Quế ơi, anh Nguyễn Khoa Điềm (lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) nói tên Người Đà Nẵng có một nhóm người hoạt động báo chí ở nước ngoài đặt rồi. Ảnh đề nghị đặt tên là tạp chí Sông Hàn có được không?
Tôi lại mời họp Ban chấp hành Hội gấp để bàn về tên tạp chí. Kết quả, anh em đề nghị đặt tên là tạp chí Non Nước. Non Nước vừa là tên một địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng vừa có ý nghĩa là non sông đất nước chúng ta. Tháng sau đó, trong lời mở đầu tạp chí, tôi có viết bài giải thích ý nghĩa ấy của tạp chí.
Tạp chí Non Nước bắt đầu ra đời từ tháng 4/1997.
Như vậy, tới lúc này, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng có 12 người trong biên chế (mấy tháng sau cô Sương xin chuyển công tác. Biên chế còn lại là 11 người) và tôi vừa là Chủ tịch Hội vừa là Tổng biên tập tạp chí, chưa có Phó chủ tịch Hội và Phó Tổng biên tập tạp chí.
Trong thời gian này, chúng tôi thực hiện công tác thường xuyên của Hội là tổ chức cho tất cả các phân hội (Lúc này phân hội là tổ chức của các bộ môn văn học, nghệ thuật) sáng tác theo nhiệm vụ của mình. Anh chị em sáng tác Âm nhạc, Mỹ thuật và Múa tổ chức những đợt đi thực tế sáng tác và phục vụ bà con ở quận Liên Chiểu và các xã vùng núi Hòa Vang. Anh chị em Tạp chí Non Nước được đi thâm nhập thực tế ở Hòa Vang, tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp; đi quận Sơn Trà tìm hiểu về hoạt động thủy sản, đi Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu tìm hiểu về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nói chung, các tổ chức của Hội đều hoạt động tích cực để chào mừng Đại hội lần thứ nhất của Hội vào tháng 3/1998.
Sau một năm hoạt động, Đại hội lần thứ nhất của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (cũng là dịp Đại hội Văn nghệ lần thứ 5, của Hội Văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng nếu chưa tách tỉnh). Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành, do nhà viết kịch Hồ Hải Học làm Chủ tịch. Tôi làm Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng biên tập Tạp chí (vì anh Hồ Hải Học còn đang giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin). Để hỗ trợ cho tôi trong công tác, Ban chấp hành Hội cử nhạc sĩ Trần Hồng, làm Thường vụ thường trực, giúp đỡ cho tôi trong công tác Hội. Tạp chí cũng đã cử nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương làm Phó Tổng biên tập tạp chí Non Nước để giúp đỡ tôi trong công tác tạp chí.
Lúc này, số hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng (cũ) cũng đã sáp nhập với số hội viên Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng đang có mặt trên địa bàn Đà Nẵng, thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. Do đó, số lượng hội viên đông hơn, các hoạt động của Hội cũng phát triển đa dạng. Vì thế, vào cuối nhiệm kỳ 1998 - 2003, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố, Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng được chuyển thành Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. Liên hiệp Hội gồm các hội chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Kiến trúc. Các hội có đông hội viên, hoạt động khá sôi nổi và sáng tác nhiều tác phẩm tốt. Hầu hết các Hội chuyên ngành đều có tác phẩm chất lượng cao, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hai mươi năm qua, văn học nghệ thuật của thành phố có những bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển đi lên của thành phố Đà Nẵng yêu quý của chúng ta.
T.Q