Theo cách Đà Nẵng - Bùi Công Minh
Trước thềm những ngày kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trong tôi trở đi trở lại mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Tôi tin giấc mơ lành trong đêm có thể lấy lại được/ Miễn là dám bước qua giới hạn của mình/ Theo cách Đà Nẵng/ Trước thềm biển. Đó là những câu thơ trong bài Viết từ Đà Nẵng được ông ghi thời điểm là tháng 7 năm 1984. Mãi 15 năm sau, tháng 1/1997, Đà Nẵng mới đứng tên là một đơn vị hành chính độc lập cấp tỉnh, thành. Cái thời điểm mà Nguyễn Khoa Điềm viết ra câu thơ đó, Đà Nẵng chỉ là một thành phố được đầu tư nhỉnh hơn cấp huyện một chút, mặc dù nó là thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Kể cũng phải thôi. Đâu chỉ có thể tập trung đầu tư riêng cho đô thị Đà Nẵng. Còn bao nhiêu mối quan tâm khác dành cho 6 huyện miền núi, trung du và hàng núi công việc khổng lồ đặt ra trước mắt một tỉnh vừa rộng vừa nghèo, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Với cái nhìn nhạy cảm của một nhà thơ, đến với Đà Nẵng, Nguyễn Khoa Điềm đã nhận ra những điều mà có khi ai cũng cho là chuyện thường ngày, nhưng đó chính là cái chất của người dân Đà Nẵng, đó là cái chịu thương chịu khó, cái khát vọng đổi mới của con người nơi đây. Nó sẽ là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự đổi thay đầy ấn tượng của thành phố này sau hai mươi năm đổi mới. Chiến tranh vừa đi qua trên thành phố mới ngày nào còn ken dày những trại lính, nhưng nhà thơ đã nhận ra, đã nghe thấy “Tiếng động nghề nghiệp trong mỗi căn nhà”, “Tiếng sóng đằm nền, tiếng xe ben đổ đất”, và dự cảm được sự thôi thúc của công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa thế nào rồi cũng sẽ dội về cái thành phố trẻ trung năng động này: Điện lực, điện lực/ Nồng cháy hơi thở biển/ Đà Nẵng tự đẻ ra mình từ khơi xa... Đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao ông nhà thơ xứ cố đô lại có thể nhìn ra một Đà Nẵng “tự đẻ ra mình từ khơi xa”. Hay đó còn là một gợi ý, có thể là một dự báo? Hai năm sau những câu thơ viết từ Đà Nẵng, 1986, đất nước bước vào thời kỳ Đổi Mới. Đổi Mới toàn diện khiến cho cái nhìn cũng toàn diện hơn. Trước đó một thời gian dài, những địa phương ven biển mà gần như quay lưng với biển. Hầu hết các dự án, các kế hoạch phát triển thì vẫn chủ yếu tập trung cho đất liền, mặc dầu đã thuộc lòng câu “rừng vàng biển bạc”. Đến lúc này, Đà Nẵng cũng như cả nước bắt đầu nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của biển trong sự sống còn và hưng thịnh của dân tộc, của quê hương, trong hiện tại và tương lai. Từ đó, Đà Nẵng đã trở thành quen thuộc với danh hiệu thành-phố-cảng-biển. Danh hiệu ấy còn được đưa vào Nghị quyết của Trung ương, định danh cho Đà Nẵng “là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế...” là “cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông”1.
Ngày thành phố Đà Nẵng mới chia tách trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, vấn đề đầu tiên về nhân sự phải giải quyết, đó là ai sẽ là người cầm lái chính để chèo lái con thuyền đô thị này phát triển. Nhiều phương án đặt ra. Nổi lên phương án Nguyễn Bá Thanh. Nhưng không ít ý kiến lo ngại rằng, Bá Thanh vốn là kỹ sư nông nghiệp, sao có thể đưa một anh chỉ có kiến thức nông nghiệp đi lãnh đạo một thành phố, khác nào đưa nông dân đi “cày đường nhựa”. Quả thật, chẳng cần nghiên cứu hồ sơ tổ chức làm gì, nhiều người Đà Nẵng lúc ấy dễ dàng tóm tắt “lý lịch trích ngang” của ông thị trưởng tương lai: Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp ở Hà Nội rồi về địa phương công tác, đã từng làm anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi Giám đốc nông trường, rồi phụ trách ngành nông nghiệp của một tỉnh 75% thuần nông, từng làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ nông nghiệp. Nhưng rồi qua rất nhiều cân nhắc, mọi người quyết định chọn cái phương án còn đôi chút phân vân ấy. Có lẽ lý do giản đơn là “nhân vô thập toàn”, và cái chính là chọn một người trẻ tuổi có chí khí, mạnh bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải chăng đó cũng là một sự lựa chọn “theo cách Đà Nẵng”.
Những người nghiên cứu kinh điển thường nhắc đến câu nói này của Lê Nin: “Hãy để cho người nông dân tự suy nghĩ trên chính luống cày của mình”. Đúng là vị Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh, anh kỹ sư- tiến sĩ nông nghiệp này cũng có thể nhìn thành phố này như một cánh - đồng - lớn cần phải quy hoạch sao cho người nông dân thu hoạch những vụ mùa năng suất, sản lượng cao, sản phẩm có giá trị mà lại bớt đi cái nhọc nhằn vất vả nghìn đời. Cũng không ngại khi ví von như vậy, bởi ở ta, một đất nước vốn có gốc gác 90% là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thì cái đô thị suy cho cùng cũng có khác chi một cánh đồng làng thật lớn. Người ta thường vẫn có tâm lý “quy ra thóc” tất cả công sức của mình, cho dù là làm ăn buôn bán ở các đô thị tấp nập đó sao!
Bây giờ đứng trước một thành phố bề bộn công việc như vậy, nếu không có cái tư duy “thu vào tầm mắt” toàn bộ không gian đô thị thì dễ bị rối lắm. Cũng như trước một cánh đồng mẫu lớn, phải nghĩ đến quy hoạch chung ra sao, phải “dồn điền đổi thửa” - hiểu là quy hoạch nhà cửa, đường sá, cầu cống ra sao, rồi giải tỏa thực hiện dự án thế nào; phải nghĩ đến chuyện “dẫn thủy nhập điền” cho cánh đồng tươi tốt, cũng giống như một thành phố muốn phát triển phải có nguồn lực, vốn đầu tư, kêu gọi dự án v.v... Giống như quá trình biến đất bạc màu thành đồng cao sản. Thế là bắt đầu bằng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng. Hạ tầng đi trước một bước. Thực ra hiểu thì ai cũng hiểu như vậy. Nhưng cái chính là xắn tay áo ra làm. Đụng chạm phải nói là ghê gớm. Động chạm không chỉ về quyền lợi kinh tế mà còn là phong tục, thói quen, lại có cả vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh. Nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo thành phố đổi thay nhanh chóng và đầy sức thuyết phục, khiến cho những người bị thiệt thòi đôi chút trong quá trình giải tỏa đền bù cũng thấy mát lòng bởi dù sao mình cũng đóng góp chút phần quyền lợi riêng cho cái chung của thành phố. Những tuyến đường xưa, vẫn tên gọi cũ nhưng bỗng trở nên rộng rãi khang trang. Bên cạnh đó là những tuyến đường mới dọc ngang trên những khu dân cư cũ bỗng xuất hiện bất ngờ khiến những người đi xa một thời gian trở về ngỡ ngàng lạc lối. Rồi đến các cây cầu, mà mỗi cây cầu có thể kể lại như một sự tích về quá trình hình thành ý tưởng và thi công nó ra sao. Đó là chưa nói đến nhiều công trình dân sinh khác, nhiều thiết chế văn hóa nghệ thuật được cải tạo, nâng cấp và xây mới.
Không giản đơn chút nào để có sự đổi thay ngoạn mục như vậy. Nếu không có một cách nghĩ, cách làm mạnh bạo, mới mẻ, đầy khát vọng đổi thay. Có thể gọi cách làm cách nghĩ ấy là “theo cách Đà Nẵng” được chăng?
Thực ra, “theo cách Đà Nẵng” cũng không phải là cái gì quá độc đáo, quá đặc biệt, khác người. Chỉ có điều là chọn việc, chọn thời điểm để làm, và đã làm là tới nơi tới chốn, khó mấy cũng phải làm, vì sự phát triển chung. Phải chăng, suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, mình mắc nợ dân nhiều quá. Ngày ấy gần dân. Hiểu dân quá khổ cực, quá hiểm nguy mà vẫn một lòng một dạ gắn bó với cách mạng, bất chấp hy sinh, chấp nhận mất mát. Nhân dân là đất sống, là bệ đỡ cho những chiến công. Bây giờ chỉ còn cách làm sao cho dân sướng hơn, mình cũng sướng mà dân cũng sướng. Đi đây đi đó, thấy họ phát triển rầm rầm mà dân mình cứ khổ mãi, phải tìm cách làm cho thành phố phát triển, cho đời sống nhân dân được nâng lên. Cái lý chỉ giản đơn như vậy.
Cái lý giản đơn nhưng sự đời phức tạp. Đâu phải ai ai cũng nghĩ như nhau. Chỉ nhắc lại một chuyện cũ, đó là lúc chuẩn bị xây chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn. Quyết định mới mẻ và táo bạo quá so với tư duy ở thời điểm ấy. Dư luận băn khoăn cũng nhiều. Cử tri có người chất vấn: “Ai quyết định xây chiếc cầu này và nếu thất bại thì ai chịu trách nhiệm?”. Câu trả lời trực diện và khẳng khái này của ông Chủ tịch thành phố lúc ấy là Nguyễn Bá Thanh phải chăng cũng “theo cách” của người xứ Quảng, của người Đà Nẵng: “Quyết định là tập thể thường vụ Thành ủy và người chịu trách nhiệm là tôi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố!” Một khi đã thực sự gần dân, thấu hiểu nguyện vọng bức xúc của người dân; một khi đã chọn lựa để ra quyết định đúng thì quyết tâm làm, ít vòng vo, khách sáo. Và phải qua thời gian mới thấy hết giá trị. Vấn đề là việc làm ấy có cần thiết, có lợi cho số đông hay không.
Việc lớn lo được rồi, thì lo đến những việc chi li hơn. Chiến tranh để lại hậu quả khôn lường, nhất là cái chất độc da cam quái ác, hại đời cha, hại đến đời con, đời cháu. Mà đến các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thấy người bệnh nằm la liệt, huống chi người miền Trung nghèo khổ, tiền đâu để đi đến những nơi ấy, đành ngồi nhìn chồng, nhìn con, nhìn cháu đau đớn chết dần chết mòn. Thế là quyết tâm xây dựng một cái bệnh viện ung bướu cho Quảng Nam - Đà Nẵng, cho những ai nghèo khổ của miền Trung. Khó khăn muôn vàn để có vốn. Nhưng rồi cũng thành công. Lúc đầu miễn phí hoàn toàn, lo cả chỗ ở cho người thăm nuôi, còn bây giờ qua cơ chế mới, chưa rõ thế nào, nhưng điều quan trọng là cái bắt đầu, đó cũng là cái cách của Đà Nẵng.
Cũng liên quan đến con người. Vào bệnh viện, kiểm tra nhà vệ sinh, thấy hố xí của khoa sản dành cho các bà bầu mà lại cũng là hố xí “xổm” như các bệnh nhân khác thì làm sao các bà bầu có thể ngồi được, thế là yêu cầu thay, mặc dù biết là đầu tư kinh phí sẽ tốn kém hơn. Đến khu cấp cứu, thấy 4, 5 bệnh nhân cấp cứu chung nhau 1 cái máy thở, có khi chẳng cứu được ai mà rồi cả 4,5 người đều ngột thở, nguy hiểm sinh mạng. Thế là dù kinh phí khó đến mấy cũng bàn với bệnh viện tính toán để mua thêm máy thở... Nghe người ta nói chuyện thuế má đối với những người buôn bán nhỏ lẻ còn có chỗ thiếu hợp tình hợp lý, vậy thì thử ngồi hàng ốc hút vỉa hè vừa ăn vừa gợi chuyện xem thực hư thế nào. Từ đó mà bàn trong tập thể lãnh đạo điều chỉnh.
Theo cách của Đà Nẵng, suy cho cùng cũng không khác mấy với cách làm mọi nơi. Việc khó thì phải giải thích cho dân hiểu. Không chỉ trên giấy tờ, văn bản, mà phải đến tận nơi, nhìn tận mắt. Có khi đang ngồi họp, nghe đủ các báo cáo nhưng thấy vẫn chưa yên tâm, thôi thì kéo luôn cả “bầu đoàn” xuống tận hiện trường “mục sở thị”. Có trường hợp chỉ vì vài mét vuông đất mà thấy bất hợp lý thì cũng phải giải quyết cho thấu đáo, nhưng có trường hợp mất hàng trăm mét đất nhưng vì lợi ích chung phải giải tỏa thì cũng phải giải thích cho bà con đồng thuận. Một lần không được, thì hai ba lần. Không gặp được trong giờ hành chính thì đến vào ban đêm, gặp đông đủ gia đình. Phải thu phục lòng dân. Thu phục bằng lý lẽ. Nhưng trên hết là bằng sự chân thành.
Một thực tế khá phổ biến trong công tác giải tỏa đền bù, phát triển đô thị như ở Đà Nẵng, là giá đất được định ra ban đầu để đền bù cho người dân ở mức thấp, sau khi thành phố đầu tư phát triển hạ tầng hoàn chỉnh tất nhiên phải tính giá đất tăng lên để bán cho nhà đầu tư. Nhưng với người dân thì họ chỉ biết là “ông nhà nước” mở đường thì tui ủng hộ, nhưng lấy đất giải tỏa của tui bán lại cho người khác giá cao thì không được. Phải thuyết phục, phải giải thích. Lý lẽ thì cũng không cao siêu gì đâu. Chỉ lấy cái chân tình và đứng trên lợi ích chung để thuyết phục bà con thôi. Chẳng hạn có lần một nữ cử tri xúc động nói về ước nguyện của người cha đã mất nhưng chưa nhìn thấy lá đơn kiện của mình được giải quyết, vì bị mất một số diện tích đất sau khi bị giải tỏa. Lời giải thích được nêu ra một cách chân tình: “Xóm nhà của bác và gia đình mình trước đây ở trong vùng sâu không có đường đi lại. Nhà tuy rộng nhưng có giao lưu được với bên ngoài đâu. Nay nhà nước mở đường rộng, nhà mình ra mặt tiền, giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Nếu người dân nào sau khi nhà nước làm đường ra trước mặt nhà mình mà rồi cũng đòi nhà nước trả lại diện tích đất bằng y như hồi còn ở trong hẻm kiệt thì lấy đâu ra đất xây trường, xây chợ, xây công viên...”. Lại nói chuyện cầu qua sông Hàn. Ngày cây cầu mới khánh thành, người xe qua lại tấp nập, thuận tiện, nhưng vẫn có một số ít bà con lâu nay kiếm sống nhờ chèo đò ngang qua sông bị mất công ăn việc làm. Đâm ra tâm tư, thắc mắc. Trong một lần tiếp xúc cử tri, vị lãnh đạo thành phố cứ nói thẳng băng ra thế này: “Cho tôi hỏi thiệt bà con, bây chừ không lẽ thành phố phải phá cái cầu đi cho các bà có việc làm hay sao?”. Câu hỏi thật thà quá, động thấu quá. Tất cả im lặng. Tất nhiên giải pháp cuối cùng là nghĩ cách giải quyết cho mỗi người một khoản tiền hỗ trợ để có vốn chuyển đổi việc làm, để cái chung không làm ảnh hưởng quá nhiều đến niêu cơm riêng của bà con nghèo! Cách của Đà Nẵng trong từng bước phát triển là vậy.
Theo cách Đà Nẵng. Như vậy có “địa phương”, “cục bộ” chăng? Thực ra trong “thế giới phẳng” hiện nay, không có gì có thể khư khư của riêng mình. Và cái nhìn của xã hội bây giờ cũng mới và thoáng. Mọi người đều mong muốn mỗi địa phương cố gắng tìm một cách đi bứt phá, sáng tạo để những bước đi của cả nước thêm phong phú, đa dạng. Thực tế, trên chặng đường 30 năm Đổi Mới đất nước kể từ 1986 đến nay, đã có bao nhiêu cách làm mới, quyết liệt, táo bạo “dám bước qua giới hạn của mình”, đâu chỉ riêng Đà Nẵng. Tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về ông Chín Cần, nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An, người được gắn với những câu chuyện “xé rào” khi chưa có những chủ trương chính thức cụ thể về “giá lương tiền”, “bù giá vào lương” v.v... Đó là vào khoảng những năm 80 thế kỷ XX, “đêm trước của Đổi Mới”. Cái thôi thúc nhất đối với Chín Cần lúc ấy là đất nước thống nhất rồi mà sao người dân không vui. “Hồi đó, tôi chỉ nhìn vào gương mặt người dân. Gặp người dân, sao tôi thấy họ không còn vui vẻ thân tình với mình như hồi còn chiến tranh, như hồi mới thống nhất”. Ông cùng với cộng sự của mình cảm thấy cần phải có những chủ trương có tính đột phá, mặc dù biết rằng đó là việc làm mạo hiểm. Nhưng điểm tựa vững chắc cho sự thay đổi ấy - dù mới chỉ manh nha - là bắt nguồn từ thái độ người dân. “Làm đúng, họ vui, họ thương, họ ủng hộ; làm sai, họ khó chịu, xa lánh. Tất cả hiện lên gương mặt liền...”. Phải chăng có một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên giữa cái “cách” của Đà Nẵng với những khao khát đổi mới trong cả nước, một khi đã được người dân đồng thuận. Cách làm hay dở ra sao, chủ trương đúng sai thế nào, cứ nhìn vào gương mặt người dân để kiểm nghiệm. Chẳng thế, trong các Báo cáo chính trị, trong các diễn văn quan trọng nhân các dịp kỷ niệm lớn của thành phố, khi nói đến cái được lớn nhất, người ta không nói nhiều đến những công trình, những tuyến đường, những cây cầu mới, mà Cái được lớn nhất đó là được lòng dân.
1 NQ 33 ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng
BBT: Anh Trương Quang Được sinh ngày 10/2/1940, quê ở
xã Cẩm Kim, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954 là học sinh miền Nam ra miền Bắc học tập. Anh trở về công tác ở quê hương đất Quảng vào năm 1994 với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh
Quảng Nam - Đà Nẵng, cùng với Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân, đã góp phần đưa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn trong phát triển. Năm 1997 khi chia tách Quảng Nam
Đà Nẵng, anh được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng. Ông Mai Thúc Lân làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam.
Anh Trương Quang Được được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII vào năm 1987 khi còn công tác ở Hải Phòng. Năm 1997, anh tham gia Quốc hội khóa X trong cương vị Bí thư Thành ủy
Đà Nẵng. Tháng 2 năm 2000 anh chuyển ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Năm 2001 anh được bầu làm
Ủy viên Bộ Chính trị và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Anh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX.
Anh Trương Quang Được vừa mất vào ngày 27/10/2016. Trong 20 năm xây dựng và phát triển Đà Nẵng, trong vai trò là Bí thư đầu tiên của thành phố, anh đã để lại những dấu ấn khó quên. Tạp chí Non Nước gửi đến bạn đọc bài viết của anh Bùi Văn Tiếng như một lời tri ân về những cống hiến của anh Trương Quang Được trong những ngày xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.
B.C.M