Nước mắt khô - Quế Hương
Hôm ấy thứ sáu - cô đang chùi cửa kính. Ở quê nhà một năm cô chỉ chùi một lần vào cuối tháng chạp để đón Tết. Bụi. Mặc. Quay cuồng theo cơm áo hơi đâu mà để ý cửa bẩn hay sạch. Nhưng đây thì khác. Cái ăn không lo thì lo cái sạch. Lịch hẳn hoi. Thứ sáu- lau cửa kính. Thứ bảy - mua sắm. Thứ tư - lau sàn. Thứ năm - chùi rửa bếp... Thoạt đầu cô chưa hình dung nổi cái gì bên ngoài. Chỉ nghe tiếng lá khô xào xạc. Cô ngừng tay nhìn ra. Trời ạ! Cả một bầy nai trước mắt! Một bầy nai lửng thửng dạo chơi trên thảm lá mùa thu, như đi ra từ câu thơ quen thuộc: “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô ”(1). Có con sừng mới nhú, phủ đầy lông tơ, gọi là nhung. Nhưng không ai đè cổ cắt như bên quê nhà. Nhung già thành gạc. Có lần cô thấy cái gạc sáng bóng trong phòng khách. Chồng cô giải thích cuối hạ nai về chơi cọ đầu vào cây sừng rụng và ông nhặt được. Xứ lạ nhiều cái lạ. Bên cô nai ở rừng cũng không yên chứ đừng nói nai về trước nhà. Thơ là nơi chúng sống lâu nhất.
- Mắt em giống mắt nai - to, hiền, ngơ ngác.
- Nhưng em không thích hiền. Hiền bị ăn hiếp. Mẹ em bảo thấy đứa con nào hiền là bà lo! Quen anh, ngơ ngác thêm trước thế giới con người. Thơ truyện, thú vật, thiên nhiên và lẩm cẩm!
- Thế em thích gì?
- Tiền. Để biến cái chuồng gà thành ngôi nhà. Những con gà suốt ngày bươi móc nhặt nhạnh thành con người sung sướng.
- Có tiền mà sung sướng ư? Con người mà sung sướng ư? Em có chắc họ hạnh phúc hơn cây cỏ, thú vật?
- Em không dư hơi tranh cãi với anh, gàn ạ!
Mẹ cũng bảo anh ta gàn, mở miệng là văng chữ. Nhà này cần tiền không cần chữ. Nhan sắc là vốn trời cho. Con phải tận dụng để vừa sướng thân vừa giúp được gia đình - Mẹ cô khuyên. Cô làm ở trung tâm môi giới hôn nhân và quen ông ở đó qua chat, mail, gặp nhau có một lần rồi cưới. Lẹ như một cuộc mua bán. May rủi như mọi cuộc phiêu lưu.
Cô lấy máy ảnh, mở cửa. Tiếng động làm đàn nai bỏ đi, cuộn theo chân chúng những đợt sóng vàng. Giá anh ta nhìn được cảnh này nhỉ! Anh ta... anh ta... cái anh chàng lạc thời đa cảm ấy cô đã quẳng khỏi đời cô rồi kia mà giờ vì mấy con nai chết tiệt lại trồi lên! Cô ngồi trên thềm nhà nghe tiếng nai xa dần và khóc. Mùa thu đến Virginia nửa tháng rồi mà cô chưa hết choáng. Đẹp hơn tranh, vượt quá tưởng tượng. Đỏ lộng lẫy. Vàng rực rỡ. Cam trầm tĩnh. Xanh tự tại... Một đại tiệc của sắc màu. Chết mà vẫn tưng bừng, lộng lẫy. Ngồi trong nhà nhìn lá rụng bời bời. Nhìn lên cao chập chùng màu sắc. Chồng cô bảo văn hóa phương Tây ví mùa thu như người đàn bà nhan sắc chín muồi được trang điểm bằng những thứ quả mọng đỏ. Đó là mùa đẹp nhất trong năm. Xe chạy dưới những vòm lá dát vàng, những tán lá đỏ rực cứ như trôi trong một giấc mơ dệt bằng màu sắc. Đẹp đến sợ. Cứ như cô không ở trong cõi trần nữa. Lúc đó cô cồn cào nhớ một mùa thu lá xanh bụi bám đầy...
Cô lau cửa kính thật chậm. Ngày quá dài và cô chẳng biết làm gì cho hết. Coi tivi không hiểu. Chẳng chuyện trò được với ai. Tứ phía bủa vây người xa lạ. Nhà nào cửa cũng đóng. Thấy xe mới biết có người. Qua đây đã mấy tháng mà cô chưa dám đi dạo một mình. Sợ dẫm lên cỏ nhà người vì không rào chắn. Sợ lạc. Sợ sự khác biệt... Khi lau cửa kính ở tầng sát mái, cô dừng tay ngắm thế giới riêng của chồng. Cả upstairs là chốn riêng của ông ta - nơi làm việc, phòng ngủ, toilette... Tất cả không khóa ngoại trừ cái khóa vô hình. Cô đã vào đó lau chùi nhiều lần nhưng chỉ khi ông đi làm. Mà cũng chưa bao giờ ông gọi cô vào đó. Khi có nhu cầu ông xuống downstairs, vào phòng cô. Dường như bao giờ ông cũng ngạc nhiên trước một cơ thể đàn bà nhỏ nhắn, mịn màng như trẻ con. Người vợ trước to gấp ba cô. Dềnh dàng choáng hết giường, bóng phủ hết nhà. Còn cô mảnh như chiếc lá phong gió cuốn vào đây. Trong bóng tối lờ mờ, ông vẫn thấy đôi mắt đen mở to. Một đôi mắt nai ngơ ngác trên khuôn mặt nhỏ nhắn màu ngà gối trên mái tóc dài đen như bóng đêm. Tóc cô để thẳng, suôn mượt, không duỗi, không uốn. Ngón tay ngón chân cũng màu hồng hồng như trẻ con chưa hề đụng tới sơn móng, vẽ móng. Tuổi trẻ và tự nhiên giản dị làm nên sắc đẹp của cô. Ông ganh với điều đó vì ông gấp đôi tuổi cô.
Cô mở tủ lạnh, đứng thừ trước những gói thức ăn đông cứng, uể oải nhón quả trứng. Cô đang mắc bệnh biếng ăn. Khi mới qua cô mắc bệnh ăn. Ông đi làm và cô ở nhà một mình, mở tủ lạnh ăn hết thứ này qua thứ khác để quên cô đơn, nhớ nhà và sợ hãi. Cô ăn cho cả tuổi thơ đói khát, cho cả những đứa em chưa biết mùi vị của chocolate như thế nào. Hết thèm thì qua chán. Rồi sợ. Giờ chỉ cần nghe mùi xúp là cô ói. Khi no, mới biết nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói. Có lần cô đi mua gà nướng. Đứng cạnh cô là một người đàn bà Mỹ phốp pháp đang đút cho con chó có khuôn mặt ngắn cũn, đầy nếp nhăn đùi thịt gà thơm phức. Con Vá mẹ cô nuôi để dọn cứt cho tụi em bỗng hiện lên đứng cạnh. Hiếm khi nó được ăn cơm. Thức ăn của nó là thứ tụi nhỏ thải ra. Đến khi nó chết vì bị quật gậy sắt vào đầu cô nhớ nó vẫn chưa hề được ăn chén cơm nào ra hồn ngoài chút cơm thừa cá cặn còn sót trên mâm. Và thế là cô khóc... Ngày thứ bảy mỗi tuần ông lái xe đưa cô đến siêu thị, chất đầy thức ăn bổ dưỡng ngon lành tươi rói lên xe đẩy. Cô mua sắm thỏa thuê không so đo tính toán từng xu một vì có ông trả. Ở quê nhà, cô chỉ được đi chợ 20 ngàn mỗi ngày tức khoảng 1 dollar cho 5 người.Với chút tiền còm cô vẫn giỏi tính toán để có được bát canh rau nấu tép, đĩa cá khô mặn mòi và đĩa xào đầy màu sắc. Còn ở đây thức ăn thật sạch và ngon nhưng đến khi ăn thì đã chết cứng, chẳng có vị ngọt như ở quê nhà. Ở quê nhà... Ở quê nhà... Bất cứ nơi đâu 3 tiếng đó cũng hành hạ cô.
Vào bếp, cô nhận ra hai lọ muối tiêu cô để xa nhau hôm qua nay lại sóng đôi bên nhau. Nếu cô để sai chỗ, ngày mai nó lại về chỗ cũ. Ông muốn mọi thứ vào chỗ của chúng, bất di bất dịch. Trưa nay ông không về và cô có thể xắm trứng vào nước mắm thật cay để chấm với cải luộc. Ông không chịu nổi mùi nước mắm nên có ông cô không ăn. Ở nhà cô, chưa bao giờ ai được ăn quả trứng một mình. Xắm đều, trộn kỹ để cả nhà cùng chấm cải, cùng “khoắng đũa, rửa đũa vào một tô canh”. Mất vệ sinh mà không chết. Sạch như thế này có thể chết buồn. Nhà 2 người nhưng có đến 20 cái ly uống nước. Mười cái hoa đỏ của ông. Mười cái hoa xanh của cô. Uống hết 20 cái ly bỏ vào tủ rửa chén rửa hấp sấy. Khi ông ở nhà, cô và ông cũng ngồi ăn chung nhưng đồ ăn múc riêng để ở hai bàn nhỏ đối mặt nhau. Cô cũng dùng dao nĩa. Nói tiếng Mỹ, ăn đồ Mỹ, coi phim Mỹ dù chả hiểu. Nhưng ông mắt xanh còn cô mắt đen. Ông trắng như ổ bánh mì chưa nướng còn cô vàng như nắng nhạt. Ông gọt táo đưa lưỡi dao từ ngoài vào trong còn cô từ trong ra ngoài. Bữa ăn yên lặng và vô vị đến nỗi cô ước có một con ruồi vo ve. Cô chưa thấy con ruồi nào ở nhà ông nên cô không biết ông sẽ phản ứng thế nào. Mắm nêm, rau lang luộc và ruồi. Cô uể oải quệt bánh mì vào xúp, nhớ chúng tê người. Ăn xong của ai nấy dọn. Phòng ai nấy ở. Tiếng ai nấy xài bởi khi không có ông, cô nói tiếng Việt. Tay dọn dẹp, miệng nói với thằng cu Tọ về những hộp chocolat. Với con em gái về phấn son, áo quần. Với mẹ về tiền đô sẽ gửi khi cô đi làm... Hết nói một mình cô lại hát, đọc nghêu ngao những thứ... học từ chàng ngố! Khi nhận ra mình đang “ lối cũ ta về”, cô stop lại đi làm chuyện khác. Qua đây thèm nói tiếng mình chi lạ! Có lần đi mua sắm, cô chợt thấy một cái đầu đen nhấp nhô thế là đuổi theo. Lần ấy cô gặp được đồng hương. Cả hai khoan khoái đứng xổ từng tràng tiếng Việt. Chị ta cho cô biết cứ xuống Eden Center sẽ gặp rất nhiều đầu đen, da vàng. Người đàn bà ấy làm nail ở đây. Chị ta cho cô số điện thoại bảo khi nào muốn đi làm nail gọi cho chị ta. Người Việt mình qua đây làm nghề ôm chân thiên hạ nhiều lắm. Tiền tip đủ gửi về nhà. Nếu đã học trước một khóa làm móng tay bên nhà càng dễ. Tốn mấy trăm đô, học ít tuần lấy cái bằng manicurist là hành nghề.
Dưới đáy ngăn tủ, nơi cô giấu chai nước mắm mua ở chợ người Việt, cô sững người khi thấy một đôi mắt tròn xoe đen nhánh đang nhìn cô. Một con chuột nhắt! Sau phút sững sờ cô bật cười. Ông ta mà biết căn nhà sạch bóng, kín như bưng của mình có chuột thì sao nhỉ? Lâu rồi mới thấy lại con chuột. Như gặp cố nhân! Nhà cô nhiều chuột lắm. Chúng ị đầy bếp và chiếc bẫy là giải pháp. Nhưng khi xách bẫy lên nhìn con chuột nhảy nhót hoảng loạn trong bẫy, cô không nỡ dội nước sôi như cha cô. Cô lén xách bẫy ra thùng rác, rút thanh cài.
Cô khép cánh cửa tủ. Đó là ngăn đựng đồ gia vị Việt Nam của riêng cô, ông không mó tới.
Trưa ngồi ăn cơm với nước mắm trứng cô bỗng nhớ con chuột. Cô hé cửa tủ, sẽ sàng để vào đó hạt cơm.
Đêm nay ông không xuống downstairs dù cô đã tắm rửa sạch sẽ, đánh răng kỹ, lẩm bẩm những câu cần nói bằng tiếng Anh và chờ đợi. Cô cần mua xe, tập lái xe và đi làm, cần có tiền gửi về nhà và vì điều đó mà cô qua đây... Đợi mãi cô vẫn không nghe tiếng chân xuống cầu thang. Chỉ có tiếng róc rách của nỗi nhớ nhà, tiếng nai gọi từ rừng gần. Nai. Nai ơi!... Cô mở cửa bước ra ngoài như kẻ mộng du, dẫm lên lá, bơ vơ, ngơ ngác như một con nai lạc bầy, lạc rừng. Mùi lá tươi lẫn mùi ẩm mục của những cái chết sâu thẳm sộc vào mũi. Lạnh lẽo và lộng lẫy, trăng lênh láng dát bạc đường mòn, rừng cây, thảm lá. Ánh trăng làm những vòm lá phong đỏ như lửa cháy dịu lại. Chúng đang đợi gió để cùng lìa cành. Những chiếc mỏng mảnh trên mặt đất lại phập phồng đợi gió bay lên.
Một cơn gió cuộn lên. Lá miên man trút. Miên man xoay tròn, bay bổng, chao liệng trong vũ điệu chết.
Lạy trời cho gió nữa đi! Cho lá bàng rụng - Để làm chi? Cho hai con bé trong cái truyện nhặt chụm. - Đừng nói chuyện đói nghèo với em dù là trong truyện. Bưa(2) quá rồi!- Gì? Nói lại đi! Từ này anh chưa nghe bao giờ! - Bưa anh thật! Từ đó em nhặt của o Sưa ngoài Huế!
Giờ chẳng ai nhặt những từ cô nói!
Khi gió ngừng thổi cô ở giữa bốn bề lá. Con đường nhỏ dẫn cô đến đây đã vùi trong lá. Cô hoảng hốt tìm trên nền trời ngôi nhà gỗ mái nâu màu xanh nhạt nhưng chỉ thấy những vòm lá đỏ, vàng dát trăng bạc lộng lẫy. Mái tóc đen dài của cô bay cuồng loạn trong gió. Hoảng sợ cô bật khóc. Mình qua đây không phải để chết dẫu chết đẹp như lá thu! Mình qua đây để được sung sướng, sống giàu có và giúp gia đình. Cô lắc lắc cái đầu cho tỉnh táo rồi đi ngược lại. Cô nhận ra con đường mòn bởi hàng cây trút hết lá trong đêm đầy gió.
Ông thức giấc giữa tiếng lá đổ ào ào. Rụng dữ. Ngày mai phải cào. Mùa thu cào lá. Mùa đông cào tuyết. Cô bảo bên cô chỉ có hai mùa mưa nắng không có mùa lá rụng. Sực nhớ đến cô, ông ngồi dậy. Gió thế này, ôm ấp tấm thân nhỏ nhắn ấm áp mịn màng ấy thật là tuyệt. Gió thế này chắc cô sợ. Cô như đứa trẻ xa nhà, nỗi sợ cứ tràn trong mắt. Khi người vợ bỏ ông, ông muốn có một người vợ thứ hai đối cực với bà. Một người không làm chủ ông, biết chăm sóc ông, biết nấu ăn và đầy nữ tính. Người ta bảo phụ nữ Việt Nam làm vợ rất tuyệt. Khi nhìn thấy cô ông mê ngay. Trẻ đẹp, thùy mị, nhỏ nhắn. Mái tóc đen dài của cô làm ông choáng ngợp. Dịu mượt, đen nhưng nhức, dài vô tận, trải rộng dưới tấm thân màu ngà tuyệt mỹ. Cô nói ít nhờ sự khác biệt ngôn ngữ. Đàn bà ít nói thật dễ chịu. Lặng lẽ như một bức tường đầy bí mật và cũng đầy ngăn cách. Ông biết cô nôn nóng đi làm để có tiền gửi cho gia đình nhưng ông chần chừ chưa mua xe cho cô. Ông muốn giữ cô trong nhà để cô chờ đợi tiếng xe ông về. Ông đã từng đề nghị đưa cho cô tháng 500 dollars để cô gửi về nhà, khỏi đi làm nhưng cô bắn ra một tràng No...No...No...
Phòng cô mở toang, đầy gió. Gió cuốn chiếc lá phong nhỏ bé của ông đi đâu? Choàng vội chiếc áo khoác ông định lao ra ngoài nhưng rồi ông thấy con chuột chạy vào tủ bếp...
Khi cô bước vào nhà, căn bếp tiện nghi và sạch bóng như bãi chiến trường. Mùi nước mắm sực nức còn ông đang la hét bằng những tràng tiếng Mỹ, đôi mắt xanh tóe lửa.
Đó là lần duy nhất cô khóc với mùa thu. Mùa thu sau, sau nữa, chúng chẳng làm cô khóc và quan tâm. “Mỗi khi mặt trời lên, bạn cần phải chạy”(3), cô chỉ nghe câu đó trong đầu. Cô đã chạy như con hươu, nhanh đến nỗi làm ông kinh ngạc. Mái tóc dài vô tận, đen như bóng đêm chỉ còn trong ảnh. Giờ cô uốn và nhuộm như những phụ nữ khác thời nay. Cô đánh móng, lái xe đi làm, học tiếng Mỹ, hòa nhập nhanh. Cô là một manicurist giỏi vì chịu khó tỉ mỉ. Cô vẽ bướm và hoa lá trên móng rất đẹp. Thường cô chọn tay mình để thử nghiệm mẫu mới. Bàn tay đẹp như một tác phẩm nghệ thuật thế là khách theo. Chỉ tội để giữ nó, cô tránh làm bếp. Cô đã quen ăn kiểu Mỹ, tiện và nhanh. Khi đi ăn ngoài, đưa thực đơn cô chỉ chọn món ít tiền dù ông trả. Cô cũng đòi ông trả tiền làm vợ. Chúng có bill như mọi thứ khác. Tốt thôi. Ông sợ nhất là khi cô im lặng hoặc nói một tràng tiếng Việt. Lúc ấy cô đứng sau bức tường tự xây.
10 năm sau, ông ly dị cô. Ông muốn một người vợ Việt Nam biết chăm sóc nấu ăn cho chồng chứ không muốn là một người vợ Việt ăn thức ăn Mỹ ông nấu.
Cô chẳng buồn. Giờ cô đã là chủ tiệm nail, thu nhập cao. Cô có thứ mình muốn. Tiền và công việc. Tình yêu, hạnh phúc là những thứ xa xỉ, mơ hồ. Lạ một điều là cô không hề khóc. Mắt ráo hoảnh. Lòng như giếng cạn mùa khô. “Đứa nào làm tao khóc tao cho nguyên tháng lương”. Một lần cô buột miệng với đám thợ trẻ toàn người Việt. Có đứa làm chui đi học. Đứa nuôi chồng học. Đứa mới qua... Chúng là hình ảnh của cô 10 năm trước.
Con Hương, cô thợ trẻ và có học nhất đám, xuất cảnh theo gia đình bỏ lại mối tình đầu như cô ngày nào cho cô mượn cái đĩa nhạc. “Hễ nghe là em khóc”.
“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà...” (4)
“Về đây đứng ngồi. Đường xa quá ngại để lòng theo chút nắng bên ngoài.
Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (5)
Giọng Khánh Ly rã từng mảnh, cứa tứa máu nhưng cô vẫn không khóc. Hôm sau cô bảo:
- 10 năm trước nghe nhạc Trịnh là tao khóc. Giờ ... - cô lắc đầu - Rồi mày cũng thế.
- Không khóc thì good chứ sao! - Cô khác chen vào.
- Tao cũng nghĩ thế nhưng rồi lấy làm lạ tại sao mình không khóc lâu thế? Biết bao chuyện mà vẫn trơ trơ, không khóc! Hay khô tuyến lệ?
- Chỉ có người chết mới không khóc! - Con Hương quả quyết - Tình yêu kết thúc ở đâu, cái chết bắt đầu ở đó(6).
- Mày nói hay ai nói?
- Em đọc ở đâu đó.
- 10 năm trước tao cũng như mày. Mở miệng là thơ thẩn. 10 năm sau mày cũng như tao! Mở miệng là chuyện tiền bạc, làm ăn.
- Tiền không bù đắp nổi cho thiếu vắng tình yêu. Em sẽ về lấy anh ấy! Anh ấy đợi em. - con Hương khăng khăng.
- Con này quả ảo tưởng! - Cô phá lên cười.
Tiếng cười tung tóe loảng xoảng như tiếng vỡ của pha lê. Lâu rồi cô không thế. Làm việc kiếm tiền để dành, gửi về. Nhu cầu bên nhà gần như bất tận. Bàn chân này đến bàn tay khác, nâng lên, để xuống, xin lỗi, cám ơn...12 tiếng đồng hồ ở tiệm. Lái xe về lúc 9 giờ tối ăn uống, tắm rửa rồi ngủ. Cũng đã lâu rồi cô không thức giấc nửa đêm vì nhớ nhà. Mệt mỏi đã vùi cô vào giấc ngủ sâu đến sáng rồi công việc vùi cô đến tối. Có đêm những bàn chân kéo nhau vào tận giấc mơ. Chúng đủ màu, đủ dáng, đủ kiểu hoạnh họe. Có lần cô chạm tay vào một đôi chân không giống ai - xấu xí, gầy giơ xương, lấm tấm dấu vết lầm than như lệ ứa. Một đôi chân lạc lõng bởi những bàn chân như thế không đến tiệm. Khi thức giấc, nghĩ mãi cô mới nhớ đó là chân mẹ. Suốt buổi sáng ấy, cầm bàn chân múp rụp của khách, bàn chân gầy đen điu đầy vết chai vết xước, vết bẩn ấy lại hiện ra chồng lên bàn chân trắng bạch, sạch bong. Khách càu nhàu sự lúng ta lúng túng của cô, không bo đồng nào. Sau này làm chủ tiệm, những bàn chân thôi hành hạ cô. Cô chỉ lo giữ khách, cạnh tranh.
Giờ thì cô đã có thứ cô muốn. Tiền. “Chuồng gà” đã phá để cất thành nhà hai tầng và những con người sống trong đó không còn bươi móc suốt ngày để có cái ăn nữa. Họ hay cãi cọ và gọi điện cho cô không phải vì nhớ. Cô vắt kiệt mình. Họ vắt kiệt cô. Phải chăng tiền làm người ta bớt yêu nhau, nghĩ đến nhau? “Có tiền mà sung sướng ư? Con người mà sung sướng ư? Em có chắc họ hạnh phúc hơn cây cỏ, thú vật?”. Trên xa lộ thênh thang 10 làn xe cô nghe tiếng anh ta. Qua tin nhà, cô biết anh ta đã lấy vợ, chạy văng dép vì cơm áo. Lãng mạn sống khó hơn thực dụng. Cuộc phiêu lưu của cô nói chung là good nhưng sao cô không cảm thấy happy?
Vẫn đang mùa thu, xe cô chạy dưới những vòm lá vàng dát nắng chiều lộng lẫy. Hôm nay về sớm cô mới nhận ra thu hay lòng cô lãng mạn đã chết ?Mấy thu đầu còn nhặt mỗi năm một chiếc lá đỏ đẹp nhất cất vào hộp như giữ một mảnh thời gian lưu lạc. Rồi thấy vớ vẩn vô nghĩa, cô quẳng đi. Đó là những chiếc lá thu phai, nhợt nhạt màu chết. Tình yêu kết thúc ở đâu, cái chết bắt đầu ở đó. Từng từ ném xuống lòng cô hun hút rêu mốc như giếng bỏ hoang, tiếng vọng xa xăm như từ kiếp trước. Mình khóc lần cuối khi nào nhỉ? - Cô nhớ lại - Khi nhìn thấy con chuột nằm im, nhỏ nhoi, dúm dó trong ngăn đựng gia vị của cô. Cuối cùng ông cũng giết được nó bằng thức ăn tẩm độc. Lần khóc đó cách đây đã 10 năm, giữa tiếng cười của ông. Mà khóc vì một con chuột nhắt chết! - Cô bật cười. Rồi cười ra nước mắt... Những giọt lệ khô vỡ toang cứ thế chảy tràn. Cô tìm chỗ đổ xe và ngồi khóc thỏa thuê như khóc cho cả 10 năm nín lặng, hoang vắng yêu thương, khóc cho tuổi trẻ và tình yêu đã chết, cho nỗi cô đơn chì chiết lặng câm.
“Are you OK?”(7) - Một anh chàng police gõ vào cửa xe khi thấy cô gục đầu trên volant.
Cô ngước đôi mắt phương Đông đen muồi được rửa bằng nước mắt, trong như hồ thu khiến anh chàng cảnh sát thoáng sững sờ.
Khóc là sống lại.
Mùa thu cũng đang khóc. Lá là nước mắt.
Q.H