Hội Điện ảnh Đà Nẵng Dấu ấn phim tài liệu - Huỳnh Hùng
Hội Điện ảnh Đà Nẵng là một trong 3 Hội Điện ảnh ở địa phương trong cả nước (cùng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh). Hội ra đời tháng 9 - 2007, đến nay có 53 hội viên, trong đó có 26 hội viên Trung ương. VTV Đà Nẵng và DRT là hai đơn vị có số hội viên nhiều nhất, chiếm 80%. Đây là lực lượng nòng cốt để sáng tác các chương trình thiếu nhi, khoa giáo, văn nghệ, phóng sự, đặc biệt là phim tài liệu chính luận, tài liệu nghệ thuật - thể loại mà Đà Nẵng luôn khẳng định thế mạnh so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Hoạt động điện ảnh bao gồm sự sáng tạo của người nghệ sĩ gắn với hạ tầng khoa học - công nghệ về sản xuất, phát hành, phổ biến các thể loại phim (phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, phim khoa học), vì vậy, nó chỉ tập trung phát triển ở các đô thị lớn. Đến nay, cả nước chỉ mới có 3 địa phương thành lập được tổ chức Hội Điện ảnh là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Anh chị em hội viên điện ảnh Đà Nẵng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, và một số nghệ sĩ đã vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình không chỉ ở địa phương mà còn trong phạm vi cả nước. Đó là diễn viên Hoàng Hải tham gia đóng vai chính hàng chục bộ phim truyện cho các hãng phim của Trung ương. Anh từng nhận được Huy chương Vàng, từng nhận giải “Diễn viên được khán giả yêu thích nhất” và đã được phong là nghệ sĩ ưu tú. Đó là Nhà biên kịch Đoàn Triệu Long, tác giả của nhiều kịch bản phim hoạt hình được VTV đưa vào sản xuất, phát sóng, trong đó có phim “Đứa con của Rồng” giành giải Cánh Diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Và đội ngũ nhiều nhất, mạnh nhất, mang giải thưởng nhiều nhất về cho Đà Nẵng thời gian qua là những người làm phim tài liệu.
Phim tài liệu là thể loại phản ánh người thật, việc thật thông qua góc nhìn riêng, cảm nhận riêng và cách thể hiện riêng của từng nghệ sĩ. Vùng đất nào có bề dày về văn hóa - lịch sử, có nhiều biến động, đổi thay về xã hội, thì đó sẽ là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những người làm phim tài liệu. Miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có đất Quảng, có Đà Nẵng là một vùng đất như vậy, nên các tác giả phim tài liệu ở đây tha hồ “dụng võ múa gươm”. Hầu hết các tác giả làm phim tài liệu đồng thời cũng là nhà báo của các đài truyền hình Trung ương và địa phương (VTV8, DRT) nên có nhiều thuận lợi trong việc thâm nhập thực tế, sử dụng phương tiện, thiết bị làm phim, có điều kiện phổ biến tác phẩm đến công chúng. Điều đáng quý nhất là đội ngũ này luôn có tinh thần say mê lao động, sáng tạo nghệ thuật, miệt mài tìm tòi, nghiên cứu tiếp cận các phương pháp làm phim hiện đại trong và ngoài nước.
Nhờ những yếu tố trên mà đội ngũ làm phim tài liệu Đà Nẵng không ngừng trưởng thành, từng bước dò đường ra biển lớn, tự tin đến với các sân chơi phim tài liệu cấp quốc gia và quốc tế.
Gần hai mươi năm qua, các nghệ sĩ làm phim tài liệu Đà Nẵng mang về không dưới một trăm giải thưởng các loại ở Trung ương, nhiều nhất là qua các Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải Báo chí quốc gia, Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam và các giải thưởng chuyên ngành khác. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu đoạt Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc như: Bình Dương - Chân dùng vùng cát, Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong (Hồ Trung Tú - Nguyễn Miên), Làng chồ, Huyền thoại lá (Trương Vũ Quỳnh - Trí Trung), Tây Nguyên trong vòng tay Tổ quốc (Phạm Xuân Hùng), Một đời bên Bác (Trà Xuân Phương), Trong yên lặng, Bên ni - bên nớ (Đoàn Lê - Xuân Quang), Trang đời huyền thoại, Nhớ đảo, Một tấm gương - một tấm lòng, Người giữ thành Hà Nội (Huỳnh Hùng - Trí Trung).
Không chỉ thành công tại các cuộc liên hoan, các “sân chơi” trong nước, những năm gần đây, một số tác giả làm phim tài liệu Đà Nẵng còn mạnh dạn mang phim của mình đến với các liên hoan phim quốc tế, như phim của Đoàn Lê đi Pháp (phim Đất đai thuộc về ai), đi Malaysia (phim Khu rừng của tổ tiên), đi Hàn Quốc (phim Lời cuối của cha); phim của Trương Vũ Quỳnh đi Pháp (phim Người đưa linh); Mộng Thu đi Nhật (phim Chiếc chiếu của bà Bứa - Giải Nhất Liên hoan phim tài liệu tại Nhật)...
Điều lớn hơn các liên hoan, các chuyến đi, các giải thưởng, là các nghệ sĩ làm phim tài liệu đã góp phần giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, các câu chuyện về văn hóa, về đất nước, con người Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đến với bạn bè trong và ngoài nước. Đó cũng là đóng góp có ý nghĩa của Hội Điện ảnh vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng suốt hai chục năm qua. Trong thời gian đến, anh chị em hội viên sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
H.H