Văn học Đà Nẵng 20 năm - Một đội ngũ tác giả kế cận định hình
Một số nhà văn Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm nhân họp mặt xuân Quý Mão 2023. Từ trái qua: Bùi Xuân, Lê Huy Hạnh, Quế Hương, Đinh Thị Như Thúy, Vĩnh Quyền, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Lê Anh Dũng, Bùi Công Minh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Nho Khiêm, Hồ Sĩ Bình.
Hai thập kỷ đã trôi qua, kể từ 2001 đến 2021, thành phố bên bờ sông Hàn đã tiến những bước dài trong lịch sử phát triển của mình, nhiều công trình mới vươn cao, những con đường mới mọc lên…, mở ra những yêu thương và khát vọng. Thực hiện sứ mệnh phản ánh những sôi động của hiện thực cuộc sống, văn học nghệ thuật Đà Nẵng trong suốt thời gian trên đã theo sát nhịp điệu phát triển của một thành phố trẻ trung, năng động. Minh chứng rõ nhất kết đúc trong Tác phẩm văn học đoạt giải (2001-2021) của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng vừa phát hành trong những ngày đầu xuân Quý Mão 2023. Tập sách được trình bày đẹp, trang trọng, dày trên 600 trang với sự góp mặt của 25 tác giả thơ, 19 tác giả văn xuôi…
Những “nhan sắc” thi ca
Thật vậy, theo dõi 20 năm phát triển của thơ ca Đà Nẵng, ta nhận ra sự đổi thay của đội ngũ người làm thơ kế cận trong sáng tác cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Từ trang thơ của tác giả đạt giải những năm trước, cách diễn ngôn lập ý giản dị, cụ thể thì càng về sau, các cây bút được xếp giải có ý thức cách tân, đổi mới trong cách diễn đạt, thơ đã đi vào chiều sâu với sự đa tầng, đa nghĩa của ngôn từ, hình ảnh.Thấp thoáng trên trang viết của các thi sĩ, ta nhận ra sự hòa quyện giữa chất trữ tình và chất tự sự; niềm ý thức về nghề, nỗi trăn trở về thân phận con người giữa bão lốc của cuộc đời, tình yêu và niềm gắn bó máu thịt với cái đẹp, với quê hương cội nguồn. Họ đã ý thức đổi mới thơ bằng việc tạo tính nhạc, thi ảnh mới lạ, cách kết hợp từ ngữ bất thường nhưng hợp lí; tạo sự mới mẻ ở thơ lục bát bằng cách vắt dòng hay linh hoạt khi hài thanh. Theo chiều dài của thời gian, các cây bút được xếp giải càng về sau càng có ý thức cách tân, đổi mới trong cách diễn đạt, thơ đã đi vào chiều sâu với sự đa tầng, đa nghĩa của ngôn từ, hình ảnh. Mỗi nhà thơ hiện diện trong tập sách là một thanh âm, một sắc điệu riêng biệt. Nguyễn Kim Huy tinh tế dịu dàng nhưng sâu lắng: “Em về giữ lấy mai sau/ Những vần thơ đã nát nhàu biệt ly” (Thức dậy). Nguyễn Ngọc Hạnh cùng nguồn năng lượng thơ dồi dào kết đúc niềm say mê đầy hệ lụy với thơ: “suốt một đời vắt kiệt/ như sông kia cạn dòng” (Mòn). Nguyễn Nho Khiêm dành nhiều ưu ái cho ký ức tuổi thơ nơi mảnh đất quê hương: “Sau làn khói cánh đồng tháng ba tôi đã gieo xuống đấy ý nghĩ của tôi, tình yêu của tôi” (Bên ngoài cánh đồng). Hồ Sĩ Bình đau đáu nỗi niềm tha hương: “Dừng bước thị thành đêm trở gió/ Nghe lộng phù vân lạc mất nhau” (Nhiều khi). Nguyễn Minh Hùng chạm trái tim người đọc bởi nỗi cô đơn rợn ngợp của một cánh thiên di: “Chỉ thương một góc trời cô lẻ/ Nhận riêng mình trận trận thu phong” (Bay ngược). Nguyễn Nhã Tiên cùng niềm nhớ thương da diết về mẹ: “Quảy trĩu hai đầu quang gánh gió sương/ Mẹ lẫn vào mây lam giăng giăng đỉnh núi” (Đường về nhà mẹ tôi). H’Man với những câu thơ tình giàu tính nhạc: “Ngày vui chìm khuất người xa xôi rồi/ Đường quen ngày cũ giờ riêng bóng tôi” (Mùa vàng). Hoàng Tư Thiện cùng những vần thơ nhịp 2/2 nhưng thấm đẫm chất triết luận: “Cái hư/ cái thực/ Cái mất/ cái còn/ Cái có/ cái không/ Chập chờn/ cái bóng/ Tắt đèn/ mất bóng/ Tôi tìm/ thấy tôi” (Cái bóng). Trần Tuấn là một cá tính thơ: “Chiếc bình gốm đựng tro than/ ngày tháng trên tay, sắc lửa cháy lan đường cong cơ thể/ người đàn bà-thỏi đất không tuổi tên-Ngân rung sáng” (Trầm tích nắng). Ngân Vịnh, Thanh Quế, Hoàng Thanh Thụy, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Văn Tám, Trần Trúc Tâm, Lưu Trùng Dương, Phụng Lam, Lê Anh Dũng, Bùi Xuân, Mai Hữu Phước… mỗi người hiện diện trong tuyển tập với một dáng vẻ riêng. Có năm nhà thơ nữ có mặt trong tập sách này, mỗi người một “nhan sắc”: Phan Hoàng Phương đắng đót trước những nỗi đau của phận nhi nữ: “Có những lúc, chẳng thể nào ta nghĩ/ Niềm thương đau rồi sẽ hóa ngọt ngào/ Những xao xuyến tưởng chẳng còn tha thiết nữa/ Giữa đất trời, hạnh phúc vẫn nâng niu” (Quê người), Thụy Sơn với hồn thơ phảng phất nét cổ xưa: “Người vẽ bóng tôi trôi/ Ngược dòng trên hoang lộ/ Rừng phong đêm thác đổ/ Bóng người che bóng tôi” (Chân dung buồn), Đinh Thị Như Thúy giàu ẩn ngữ nhưng tiềm tàng nội lực thơ: “Dịch chuyển không làm nên ngăn cách/ Sông Hàn ban mai kéo một vệt sáng/ Cơn rùng mình bén ngọt/ Cắt vào ngày” (Ban mai đi dọc sông Hàn), Võ Kim Ngân với nỗi buồn trong trẻo: “Thời gian rồi như sương khói/ Đời người bện mấy sợi tơ/ Cúi đầu ngẩng lên tóc bạc/ Mây bay xa tắp cuối trời” (Sợi khói sương), Vạn Lộc với những bài thơ bốn câu đầy suy tư: “Cho ta gói sương khuya vào vạt áo/ Gói chút trăng mờ trên đỉnh non cao/ Với tay chạm muôn vì sao xanh biếc/ Ôm Bà Nà về giữa phố xôn xao” (Bà Nà). Tiếp xúc với những trang thơ của các tác giả trong Tác phẩm văn học đoạt giải (2001-2021), độc giả hoàn toàn đồng ý với nhận định: “Các nhà thơ trong tuyển thơ văn được giải thưởng của Đà Nẵng trong 20 năm qua đã tạo ra con đường thơ ca sống động, đa dạng và mang chiều sâu triết lý” (Nguyễn Quang Thiều).
Những phong cách văn xuôi đa sắc màu
Đọc tập sách ở phần văn xuôi, dễ nhận ra, các nhà văn không tự giam hãm, bó buộc mình trong khuôn khổ mà mỗi cây bút là một giọng văn, bút pháp và phong cách đa màu đa sắc; nhiều cây bút có ý thức tiếp cận thi pháp truyện hiện đại. Thể loại truyện ngắn chiếm dung lượng chủ yếu trong tập sách; nhiều tác giả có cách tổ chức cốt truyện, nghệ thuật tạo tình huống đặc sắc; trần thuật lôi cuốn. Tôi ấn tượng với tình người ở các nhân vật trong truyện ngắn của Bùi Công Dụng. Một anh xe thồ nhìn bề ngoài rất bụi đời nhưng sẵn sàng giúp đỡ cô gái đuổi theo chuyến tàu về quê kịp chăm mẹ ốm (Đón đường), một cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam để tìm hài cốt đồng đội, nhưng thực ra anh tìm cho được hài cốt của người chiến sĩ - nhạc sĩ ở phe đối lập đã bị John sát hại năm xưa (Hãy giữ bản tình ca)… Trang văn Nguyễn Thị Anh Đào sâu lắng, giàu chất nhân văn, đằm sâu chất triết luận. Ba truyện ngắn “Nàng ở cổng trời”, “Qua cầu Bay”, “Vạt cải hình chữ nhật” của cây bút nữ này luôn để lại những dư vang trong lòng độc giả; đặc biệt trước khi khép lại trang sách nhà văn luôn gửi những chiêm nghiệm giản đơn nhưng vô cùng lắng sâu: “Ký ức là điều đáng trân trọng và quý giá, hiện tại là cuộc sống thực của mỗi người và tương lai là những điều hôm nay không thể chạm tới” (Vạt cải hình chữ nhật). Nhà văn Quế Hương với cách kể nhẹ nhàng, mang đậm nét Huế dù chị đang sống ở Đà Nẵng: “Năm sau ngôi nhà vườn tuyệt đẹp biến thành quán Hương Huế chuyên bán bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, bánh canh... Bánh nậm xếp theo hình quạt, 10 cái một đĩa. Mở lòng mỏng mảnh, phơi dạ trắng ngần, điểm nhụy tôm hồng, chấm nước chấm ngọt thanh, ăn kèm chả tôm cắt hình thoi, xếp thành đóa hoa vàng, gắp cứ tần ngần vì quá đẹp. Đĩa bánh ướt nhụy tôm cũng 10 cái, uốn cong thành 10 cánh hoa. Bánh bèo chén để trên mẹt tre, rắc nhụy hồng, điểm tóp mỡ giòn, ăn bằng chèo tre vót mảnh…” (Đáo bỉ ngạn). Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng, Hoàng Minh Nhân, Phan Thu Loan, Phạm Phát, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Thị Thu Sương, Đoàn Xoa… mỗi nhà văn có một cách kể và hấp dụ độc giả theo một cách thức riêng. Tôi ấn tượng với lối kể trong các trích đoạn truyện ngắn có yếu tố dã sử, hấp dẫn người đọc bởi nghệ thuật tạo tình huống trong trích đoạn tác phẩm: “Truyện tình duyên thời nhà Trần” (Lê Khôi), “Trong vô tận” của Vĩnh Quyền, “Kỳ nữ họ Tống” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân… Mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng với sự vươn dậy thần kỳ trong quá trình đấu tranh và hội nhập hiện lên qua trang viết của Trương Điện Thắng, Thái Bá Lợi cùng mảng bút ký của tác giả Bùi Văn Tiếng, Đà Linh… Mỗi tác giả trong tuyển tập là một bông hoa đầy hương sắc góp cho khu vườn văn xuôi Đà Nẵng thêm phong phú, rực rỡ.Tình yêu cái Đẹp, ý thức cội nguồn, thân phận con người trong chiến tranh và thời bình, sự hòa quyện giữa chất cổ điển và hiện đại được tái hiện khá rõ nét. Chỉ tiếc, mảng văn xuôi dành cho thiếu nhi còn ít tác giả có mặt ở tập sách.
Nhìn lại 20 năm phát triển của văn học Đà Nẵng qua Tác phẩm văn học đoạt giải (2001-2021), ta nhận ra một diện mạo mới của đội ngũ người cầm bút sống và làm việc ở một thành phố trẻ trung, năng động. Họ không ngừng sáng tạo, đổi mới để hòa nhịp cùng sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Nhiều cây bút đã khẳng định sức lan tỏa của tác phẩm trên những phương tiện thông tin đại chúng và tồn tại lâu bền trong lòng của độc giả. Hy vọng, trong thời gian đến, văn học của thành phố đầu biển cuối sông sẽ có những bước tiến thật dài với sự kế thừa và phát huy của thế hệ cầm bút kế cận, đặc biệt những người viết trẻ đầy nhiệt huyết và giàu sức sáng tạo. Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dành những lời nhận xét xác đáng khi đọc tập sách này: “Bạn hãy đọc từng tác phẩm trong tập tuyển này và hãy lắng nghe. Bạn sẽ thấy vẻ đẹp của ngôn từ, của những hình ảnh sáng tạo, của những biểu tượng đẹp đẽ, của những triết lý sâu sắc trong từng thể loại hiện ra từ mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn, mỗi chương tiểu thuyết, mỗi ghi chép, mỗi tản văn cùng những vẻ đẹp NGƯỜI đang bị chôn vùi thức dậy”. (Trích “Như những tiếng sóng đại dương”).
T.N