Màu ký ức buồn không hề phai nhạt

01.03.2023
Hồ Sĩ Bình

Màu ký ức buồn không hề phai nhạt

Chân dung nhà thơ Tăng Tấn Tài

Trăng phơi màu gió, Tăng Tấn Tài cũng viết về mẹ nhưng bằng một bút pháp khác, tác giả ít tách bạch thành những bài thơ riêng lẻ có cùng một đề tài. Mẹ giờ đây là thi ảnh, là tâm tưởng cứ bàng bạc khuất lấp ẩn hiện hình như cứ dõi theo từng giây phút với đứa con, trải dài trong nhiều bài thơ. Những hình ảnh tuổi thơ nơi làng cũ, từ “tiếng chim, ngọn gió leo pheo, giun dế thả lời ca”, “con nước chảy lời xuôi, đom đóm vườn hoang, chim vịt kêu chiều”, lại nhớ về mẹ, về những tháng năm nơi miền quê thấm mùi hương cỏ mới, rơm rạ trổ đòng xuân trong những ngày giông bão để “tìm đâu vàng lên sợi nắng” và: Chăn chưa đủ ấm/ Cọng rơm mùa thắp lửa/ năm tháng vội vàng thao thức phía bàn tay/ Thoỏng bước chân khuya/ giục gọi mặt trời/ bàn tay mẹ, níu mùa vui rất khẽ/ bàn chân mẹ thả bàn chân rất nhẹ/ giấc ngủ con say… (Bước chân gọi mặt trời).

Ai cũng có mẹ, niềm yêu thương nhất không thể thay thế trong đời. Người mẹ của Tăng Tấn Tài lại ở vào một hoàn cảnh đặc biệt: Chồng bỏ đi sớm, một mình chịu đựng những thị phi, lặng lẽ lầm lũi với ruộng vườn nghèo khổ Kẽ chân tay/ nứt/ xuống ngày/ Một đôi gióng/ rạc/ cối xay/ rã/ mòn, che chở ấp iu con trẻ Vắt khô/ chỗ ráo/ con nằm/ Phía đời ẩm ướt/ nong tằm/ mẹ lo để chỉ sống với một niềm hy vọng duy nhất, vượt qua mọi gian nan khổ cực để nuôi con ăn học thành tài nhưng đứa con trai sau khi đã tạo dựng “sự nghiệp” thì mẹ đã không còn, “vòng tay/ báo đáp/ công danh/ chưa tròn”. Mẹ xuất hiện trong thơ anh bằng một tần suất khá dày, bất chợt thoảng qua những thật cụ thể hình hài, từ Mái chèo xuôi nghiêng bóng giữa bờ tre/ Con nước lặng lờ/ Con nước nhớ mùa mẹ về hái gặt/ Chao những thớt rau nhặt theo ánh mắt/ ngọn sóng sông con chưa với tới nụ cười…

Tháng Bảy nắng đã dịu đi, màu suối đã tím, ngày ngắn lại vành vạnh một vành trăng non, ấy là lúc bóng mẹ lại chập chờn theo về với những cảnh sắc hoang vắng đến nao lòng: Chim vịt kêu chiều tàn chợ vắng hoe/ nhặt nhạnh ngày vui xếp vào ngăn rảnh rỗi/ Ngọn núi làng xanh/ đường mòn theo lối/ Bồng ẵm tuổi thơ mùi sữa mẹ tan chiều… (Gam màu tháng Bảy).

Trong một tâm thức đồng vọng về mẹ, bài Ngọn gió mồ côi viết nhân mùa Vu Lan, Tăng Tấn Tài đã khắc họa một hình tượng trung tâm của chủ đề về Mẹ thật ấn tượng. Bài lục bát được sử dụng phát huy tối đa các biện pháp tu từ, trật tự cú pháp đổi chiều, vắt dòng, ngắt nhịp câu khá linh hoạt tạo nên nhạc điệu phức hợp, thanh âm vừa mềm mại, nhẹ nhàng lắng đọng vừa dữ dội, cay buốt: Mùa Vu Lan/ hồng nở hoa/ Trắng đâu nụ trắng/ vỡ òa niềm riêng/ Bông hồng/ tâm ngộ/ chốn thiêng/ Nhân gian đầy nỗi/ truân chuyên/ đọa đày.

Hình ảnh mẹ trong niềm cảm xúc nhìn lại, bước ra từ ký ức là niềm thương cảm, là nỗi chơ vơ đến nghẹn ngào, những câu thơ như thắt lại nỗi đau, như hiển lộ một cách cụ thể như những vết dao đâm vào nỗi nhớ làm trái tim thương tổn, đau đớn. Kẽ chân tay/ nứt/ xuống ngày/ Một đôi gióng/ rạc/ cối xay rã mòn… Vắt khô/ chỗ ráo/ con nằm/ Phía đời ẩm ướt/ nong tằm/ mẹ lo.

Phải đi đến tận cùng của nỗi cay cực của lòng mẹ mênh mang trời biển, Tăng Tấn Tài mới tạo dựng một không gian thơ đầy biểu cảm của những câu thơ lục bát ngắt dòng tạo nên âm ba những giọt lệ thương xót, rơi chậm nhưng bật lên những thanh âm đứt quãng, mạnh mẽ, hằn lên trong ký ức với những thanh âm đầy sức ngân vang như khắc vào trí nhớ đầy chua xót bởi chưa hề báo đáp ân nghĩa với mẹ hiền  “kẽ chân tay/ nứt, Một đôi gióng/ rạc/ cối xay rã mòn, Vắt khô/ chỗ ráo/ Phía đời ẩm ướt”…

Trong nỗi niềm ấy, như một ý thức phản tỉnh tác giả như rơi vào một trạng huống chơ vơ uất nghẹn trước hoàn cảnh của đứa con mất mẹ, thế giới trở nên hoang vu mà chủ thể trữ tình lại cảm thấy mình nhỏ bé cô đơn như một “ngọn gió mồ côi” phất phơ trôi dạt giữa đường trần trong một thi ảnh đầy tính ẩn dụ: Triền sông/ lẻ bóng/ thân cò/ Mồ côi ngọn gió/ bến đò/ mồ côi… (Ngọn gió mồ côi). Chủ đề về mẹ chiếm một dung lượng khá lớn có mặt trong nhiều bài thơ khác: Màu của mẹ, Cơn giông tháng Bảy, Bước chân gọi mặt trời, Dòng sông qua đời, Thầm nghe, Đoản khúc tháng Sáu, Ngọn núi làng quê, Hạt lúa tôi, Ví như, Chiêm bao và nỗi nhớ… Có một nhà thơ khi đọc tập thơ Trên Dòng Vu Gia trước đây của Tăng Tấn Tài từng nói rằng: “Hầu như cuộc đời sáng tác của một nhà thơ ai cũng hơn một lần nhắc đến mẹ, nhưng thơ viết về mẹ của Tăng Tấn Tài luôn làm tôi xúc động nhất”. Tôi nghĩ bạn đọc khi tiếp cận với Trăng phơi màu gió cũng chia sẻ nhận định ấy.

Xét về nội dung Trăng phơi màu gió vẫn là những đề tài muôn thuở, là một bức tranh hoành tráng nhiều sắc màu, cung bậc tình cảm thường được thể hiện bằng những khung cảnh thiên nhiên đầy nhân tính, gần gũi quen thân, giàu cảm xúc của ngôi làng, con sông quê hay giữa phố phường phù hoa. Với mối tình vợ chồng đã hơn 40 năm với một tâm trạng hoài cổ về một không gian tĩnh lặng, mang phong vị dân dã, đơn sơ nồng đậm: … Như buổi đầu anh và em cũng vội/ hoa trổ bông/ hàng chè tàu mở lối/ một chút ngập ngừng/ xuân thầm thỉ bờ vai. Đó là một tình yêu đầy “mộng mị” của đôi lứa ngày đầu gặp gỡ để muốn cùng bay lên khỏi mặt đất trần trụi anh muốn tháo chiếc vòng tục lụy/ để cùng bay thăm thẳm tận trời xanh (Lời em thì thầm). Tác giả vẫn thường sử dụng phép ẩn dụ khi chỉ nhắc đến những kỷ niệm xưa cũ nhưng thể hiện một niềm say đắm của tình yêu vợ chồng vẫn luôn bền chặt thủy chung, “thương nhau tình cứ chất chồng”. Lần khác, trong một bài viết cho vợ, vẫn là giọt nắng, vạt áo chiều, hoa cau trổ đầy trước ngõ, cánh mỏng hoa quỳnh… những câu thơ đã âm vang giai điệu của một cuộc tình sương khói mông lung nhưng lại thiết tha neo đậu bền lâu: giọt nắng rót vào lòng/ mùa chưa hết mà tình trao duyên phận/ Gió cứ bâng khuâng đợi chờ ngơ ngẩn/ ngơ ngẩn vạt áo chiều, dậy màu trắng hoa chanh/ ngày tháng đơm bông, ngọn gió ngọt lành/ bồng mái tóc bay mùa xuân trẩy hội/ Hạt thóc vàng thơm, ngọn nồm ngang vai vui mùa gió nổi/ chiều xuống ngọt ngào, hạnh phúc cầm tay… (Anh hỏi em).

Cảnh sắc thiên nhiên ở vùng cao đầy hoang dại, đắm say, nồng nàn với những câu thơ đạt đến giới hạn của sự rung cảm thẩm mỹ: Gợi tình chông chênh đá núi/ Gom ánh lửa điệu cồng chiêng mùa cao nguyên trẩy hội/ giọt mồ hôi phơi lên gùi nhánh rừng khô đánh đổi/ gom góp những âm vang xa dội một góc đầy. Đọc bài thơ Trăng phơi màu gió, có vẻ như tứ thơ cứ chập chờn, ẩn hiện vì chủ đề của bài thơ tưởng chỉ là vẻ đẹp Tây Nguyên nhưng những khổ thơ sau lại chuyển qua một không gian khác “biển vẫn hát lời sóng vỗ ngàn khơi”. Hình như sơn nữ “tuổi mười sáu rộn ràng” từ non cao đang xuống đồng bằng “trẩy hội” cồng chiêng trong một tâm thế giao cảm với trời biển xanh trong, tạo nên một thi ảnh huyền mị làm xao xuyến lòng người, để ché rượu cần men dậy lửa hồng hoang/ Trên đỉnh trời/ màu gió sang ngang/ Mái tóc dài hương đồng vô tận/ mùa thu lá chớm vàng dậy màu ngơ ngẩn/ vạt nắng chiều thao thức vạt áo bay. Tứ trong thơ của Tăng Tấn Tài có khi bao quát toàn bài, có khi chỉ đọng lại một, hai khổ nhưng không lặp lại mà luôn mở ra một tâm cảm mới.

Mỗi khi nghĩ về Tăng Tấn Tài, tôi thấy một người đàn ông sáng sáng thường ngồi uống cà phê nhìn vu vơ lên mây trời rồi thả hồn về một cõi xa xăm để ngậm ngùi nhớ thương. Anh nhớ về Hội An “Bóng trổ Chùa Cầu/ trầm vương nỗi nhớ” của “Màu rêu bao mùa cất giữ” của một gặp gỡ tình cờ mà vang động mãi trong lòng bằng những câu thơ mang tính tượng trưng đầy sức gợi cảm của sóng lòng trong một nụ hôn nồng cháy Thầm thì lời yêu trước ngõ/ Trăng lên trăng lặn chưa về/ Chia tay sao mà vội thế/ Lăn tròn đá cuội bùa mê/ Nụ hôn chồng lên ánh sáng/ Chèn nhau hai nửa vo tròn/ Sóng lòng tình không ngơi ngớt/ Nắng chiều đã ngập hoàng hôn (Giọt thương). Hơn một lần anh nghĩ về tháng Bảy mưa Ngâu với nỗi xót xa của sự chia li cách trở như bi kịch của tình yêu đôi lứa. Tháng Bảy đã đánh thức trong anh lời thề hẹn xa xăm: Chiều hoang/ gió lốc tanh bành/ Chim không kịp trú/ quẩn quanh lối về/ Chớp, giông/ đánh thức lời thề/ Ầm ào mưa dội/ triền đê/ cỏ cười…(Cơn giông tháng Bảy). Nếu thơ tự do thường dàn trải thì lục bát Tăng Tấn Tài lại tập trung cô đọng hơn. Từ kỹ thuật gieo vần với hệ thống thanh điệu tạo nên nhạc điệu lúc êm ái thỏ thẻ lúc mạnh mẽ dữ dội tùy vào hoàn cảnh, tâm trạng buồn vui của chủ thể. Cách ngắt nhịp khi 2/2, khi 2/4 đôi lúc lại là 1/3 hoặc 1/2/4 nhằm tạo ra sự mới lạ cho cấu trúc, đồng thời dẫn dụ người đọc vào trường liên tưởng, ví như: Dội vào/ nỗi nhớ chiêm bao/ choàng ôm giấc mộng/ Mẹ/đào cõi sâu/ Mẹ ơi !/ Từ giọt sữa đầu/ chiêm bao/ nụ lớn/ dãi dầu năm canh… Nợ duyên/ giọt máu/ ngọt lành/ Vòng tay/ báo đáp/ công danh/ chưa tròn/ Nợ đầu non/ núi mãi xanh…(Chiêm bao và nỗi nhớ).

Trong nhiều ngày ở Huế có lúc anh chợt khám phá dòng Hương có lúc lóe sáng lên màu tím. Người ta chỉ nói tím Huế của màu áo chứ dòng sông sao là màu tím. Có một nhà văn của Huế nói với tôi, đã có vài lần ngồi trên tầng lầu khách sạn Hương Giang nhìn lên núi Kim Phụng, sông Hương chợt biến sắc chuyển qua màu tím, thời khắc chỉ có một giây thôi rồi biến mất. Thế đấy, trên dòng sông thơ ấy đã làm chết lặng trái tim thi sĩ Nắng vàng/ ngả tím dòng sông/ Gió vương ngực áo/ giọng đằm Huế ơi/ Tay chèo buông nhịp rất lơi/ Dòng sông chết lặng/ không lời/ đã yêu… (Sắc tím Huế yêu).

Không gian thơ của Tăng Tấn Tài trải rộng, đề tài phong phú đa phần là những cảm xúc được khơi dậy từ ký ức với mối cảm hoài và đó là đặc trưng thẩm mỹ của thơ anh được định dạng trong cấu trúc tổng thể. Nói như ngôn ngữ của một nhà thơ, thi ca là giấc mơ của con người luôn luôn khao khát tìm về thời thơ ấu của mình trong vườn địa đàng ký ức. Màu của ký ức trong thơ Tăng Tấn Tài, là màu của mẹ, màu thời gian, màu của gió, của hoa dã quỳ, màu của tình yêu đầu đời, buồn nhưng ấm áp yêu thương không hề phai nhạt, dễ tạo nên mối đồng cảm trong lòng người đọc.

H.S.B