Bên cửa sổ hay là chuyến du lịch từ danh thắng đến thăm thẳm nội tâm

01.03.2023
Lệ Hằng

Bên cửa sổ hay là chuyến du lịch từ danh thắng đến thăm thẳm nội tâm

Bên cửa sổ là tên tập thơ mới phát hành của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm. Tôi đọc Bên cửa sổ một mạch hết 137 trang thơ. Trước khi đóng tập thơ này lại, tôi quyết định ngồi vào bàn viết vài dòng khi những cảm xúc mà Bên cửa sổ mang lại còn nguyên vẹn, chưa vì những náo nhiệt xung quanh mà vơi bớt chút nào.

Phải nói thêm rằng, theo cảm tính, tôi chọn đọc Bên cửa sổ bởi tên tập thơ mang lại cho tôi một kỳ vọng đẹp, đơn giản nó gợi đến trong tôi hình ảnh của một khuôn cửa lộng gió, bên kia khuôn cửa là mảng trời trong biêng biếc, là tiếng lá tiếng chim tiếng thiên nhiên rộn ràng mời gọi. Và con người khi nhận được tín hiệu của lời mời gọi ấy sẽ vì niềm yêu mến sâu sắc với thế giới ngoài khuôn cửa mà cảm xúc thăng hoa, say sưa như thể đã hòa vào thế giới ấy nhưng đồng thời vẫn không đánh mất cái riêng tư thâm trầm mang đặc trưng bản thể con người. Chỉ là chút cảm nhận từ trong tâm thức mơ hồ như sương sớm, nhưng đọc đến bài thơ cuối cùng của Bên cửa sổ tôi ngẫm lại và thấy dường như mình đã đúng. Quả thật, Bên cửa sổ, nhìn một cách tổng quát, là sự giao hòa giữa thế giới bên ngoài và nội tâm của nhà thơ. Ở đây, tôi không muốn tách riêng từng bài mà tôi tiếp cận Bên cửa sổ với góc nhìn rộng hơn và cảm nghiệm sâu hơn, toàn bộ tập thơ là một chỉnh thể được xây đắp, sắp đặt từ từ và có chủ ý của người sáng tạo, từ phần 1 mở đầu bằng hai câu: “Lòng tôi tĩnh, lắng, vọng, vang - Mặt hồ soi thấu không gian thiên hà…” cho đến phần 3, phần cuối cùng, với hai câu “Trong hoang vắng trái tim tôi thức dậy… Còn lại tình yêu là gương mặt cuối cùng”.

 Trong những trang thơ đầu tiên, điều nổi lên khiến tôi ghi nhớ và xúc động chính là cách nhà thơ viết về những nơi anh đã đi qua. Tôi cảm nhận rõ ràng vẻ đẹp của quê hương và vẻ đẹp của tình yêu mà con người dành cho xứ sở mình đang sống. Quê hương trong lòng ai cũng nhất, nên một người yêu nơi mình sống chẳng có gì là đặc biệt. Điều khiến tôi chú ý là với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, tình yêu này không chỉ gói gọn cục bộ cho thành phố anh sống mà trải rộng khắp mảnh đất hình chữ S này. Dường như mỗi nơi anh ghé qua, mỗi nơi lưu lại dấu chân thì cũng lưu lại kỷ niệm và niềm yêu mến dành cho sông núi cỏ cây, cho con người, cho nếp sống… nơi ấy.

“Cang Chải, Cang Chải -

Mù Cang Chải

Em gái địu con lưng núi xa

Em địu hồn quê lên từng bậc núi

Suối nối mây trời khúc du ca.”

(Mù Cang Chải)

 

“Rồi mai mốt ta không còn trẻ nữa

Vị sấu còn chua ngọt ở trong nhau?

Với Hà Nội là hương là ánh mắt

Mỗi nhớ thương là một mối tình đầu.”

(Nhớ Hà Nội)

Thơ phản ánh cái nhìn cảm xúc của nhà thơ với thế giới bên ngoài, và luôn có một bước nhảy hay là một sự thăng hoa trong quá trình tương tác giữa nhà thơ và ngoại cảnh, ngoại cảnh và nhà thơ để sau đó ngoại cảnh mang một đặc điểm hay một phẩm tính mới như một dấu ấn cá nhân mà nhà thơ để lại. “Nắng khai sinh” là một hình ảnh đẹp đặc trưng cho mối tương tác này.

“Trong bức tranh sơn dầu anh hình dung có đôi môi đỏ

Cháy giữa trời Cồn Cỏ nắng khai sinh.”

(Bài thơ tình viết ở Cồn Cỏ)

Mỗi nhà thơ đều có một lý do và động lực hay niềm vui cho việc sáng tác của mình, ở nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, có lẽ niềm vui và động lực chính là viết ra được những cảm nhận tinh tế của mình về thế giới xung quanh như lời ca tiếng nhạc làm đẹp quê nhà.

“Biển chiều trải cát vòng cung

Bước chân dáng lụa vô cùng thi ca…”

Trong tập Bên cửa sổ có nhiều câu thơ đẹp mà tôi cảm nhận được rằng chúng bật ra từ một tâm hồn dạt dào trong trẻo. Một điều nữa khiến tôi thấy thoải mái và đồng cảm nhiều hơn khi đọc tập thơ này đó là người viết không gồng mình triết lý, cũng không nặng nề gieo vần bẻ chữ hay biểu diễn tu từ mà ngược lại, thơ giữ được cái đẹp duyên dáng và sâu sắc, chân thật theo cách riêng của mình.

“Đời cộng cho ta ngày mưa tháng nắng

Thời gian trừ tất bật, trở về không

Thân tàn mục đốt thành tro khói

Thơ còn chăng? - Gió thoảng

phiêu bồng.”

(Cộng)

 Đọc Bên cửa sổ, tôi như bước vào một hành trình du lịch xuyên Việt, đi hết danh thắng này đến danh thắng khác, gặp gỡ hết con người này đến con người khác, và đến cuối cùng, rõ ràng nhất và sâu lắng nhất là gặp gỡ chính tâm hồn tác giả - một tâm hồn tinh tế, sâu sắc, đa cảm, thâm trầm.

“Đung đưa mình tự ru mình

Chợt nghe mặt đất chất tình ru nhau

Nghe từng tinh tú nhiệm màu

Ru tròn mấy cõi cơn đau thật dài.”

(Võng ru)

Càng đọc, Bên cửa sổ càng dẫn người đọc hướng vào nội tâm, đi qua nhiều cung bậc để khám phá bóc tách những chấn động bên trong. Dù rằng nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm viết thơ bằng lối tường thuật nhẹ nhàng, đôi khi còn là dí dỏm đời thường nhưng hầu như bài thơ nào đến câu kết cũng để lại một dấu hỏi hoặc một dấu chấm than, một ám ảnh trong đầu người đọc. Và ám ảnh về thời gian là ám ảnh thường trực nhất. Ý niệm về vòng tròn sinh - tử là điều mà Thượng Đế đã đặt sẵn trong tâm thức mỗi người, là con người thì không thể nào cất đi “gánh nặng” này được. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm ý thức về thời gian đang trôi qua trên từng sợi bạc, “Mùa đông ở lại bao lâu? - Khi tóc đà chớm bạc…” và ý thức về sự vô thường của kiếp sống.

“Đêm chong mắt nhớ rong chơi

Từ trong huyệt bạch chân trời

hiện ra...

Phiêu bồng con mắt rất xa

Nhìn tôi và thấy như là bóng tôi.”

(Con mắt phiêu bồng)

Nhưng dường như anh vẫn đang loay hoay trong ý niệm, trong suy tư mà chưa đi đến một phát kiến nào để vượt qua vòng tròn sinh - tử vô thường ấy. Và đây là điều mà tôi - một người đọc - chờ đợi, tôi tin rằng khi cuộc đời ướp muối mặn cho thơ, khi càng cảm nghiệm nhiều hơn những thâm trầm trong cuộc sống, thơ sẽ càng đẹp, càng sáng hơn nữa.

Có một điều rất đặc biệt tôi nhận ra khi đọc tập thơ này đó là nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm dường như rất ngẫu hứng, rất hồn nhiên khi đặt tên cho mỗi bài thơ. Tôi đã kiểm chứng cho cảm nhận của mình bằng cách đọc mục lục khi đã đọc xong 137 trang thơ này, và tôi nhận ra quả thực mình đã đúng. “Thăm Ngũ Hành Sơn” “Đêm Thuận Phước” “Mù Cang Chải” “Tắm sông Kiến Giang” “Dừng lại ở Lăng Cô”… Tựa các bài thơ như những dòng viết vội vào nhật ký, tự nhiên và thành thật. Ngoài ra, cách người thi sỹ này mở đầu những bài thơ của mình thường cũng nhẹ nhàng chân phương như một dòng nhật ký hay một lời thì thầm kể chuyện với tri âm.

“Gần 50 năm, quán cà phê Lê Lợi

Mỗi sáng chúng tôi đến ngồi

như điều tất nhiên…”

 Bài thơ “Quán cà phê Lê Lợi” được mở đầu như thế và phải đọc đến cuối cùng mới cảm thấu trọn vẹn cái “nhoi nhói” đau trong lòng tác giả.

“Mỗi sáng quán cà phê Lê Lợi

Anh em về ngồi bàn ghế thân quen

Tôi thấy ai đến đây không phải để uống

Mà đang nhấm điều gì nhoi nhói

phía ngoài kia.”

(Quán cà phê Lê Lợi)

 Các bài thơ trong Bên cửa sổ hầu như có chung kiểu mở - kết như thế. Khởi đầu là một dòng vắn tắt tường thuật cụ thể thời gian và địa điểm nhà thơ đang đứng, rồi cứ thế các biến cố lần lượt diễn ra, biến cố trong ngoại cảnh và biến cố trong tâm thức, có khi chúng tách biệt, có khi chúng được kéo gần hòa nhập với nhau rồi dẫn đến một câu hỏi hay một thông điệp sâu sắc. Thoạt đầu, tôi tưởng như mình đang cầm một cuốn nhật ký trên tay nhưng càng đọc, thế giới trong cuốn “nhật ký” ấy càng mở rộng ra, mở rộng ra… Và đó là cách nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc là tôi.

L.H