Tình yêu rơm rạ vô bờ
Có một thời không thể nào quên, thời của những người viết trẻ mới ngoài hai mươi tuổi còn thơm mùi sách vở văn chương học trò ngày ấy. Báo chí văn học miền Nam một thời đã làm chúng tôi đắm say ngây ngất. Từ những đam mê đầy ấn tượng với lớp nhà văn nổi tiếng ngày xưa, họ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm của mình từ những ngày chúng tôi còn cắp sách đến trường.
Bạn tôi, Phạm Viết Thiên là một trong những người làm thơ như thế. Sau những tháng năm dài trôi qua, mỗi người một ngã, tha hương biệt xứ, chẳng còn mấy kẻ làm thơ, vậy mà cái nợ văn chương cứ bám riết lấy số phận mỗi người. Tôi may mắn còn lận đận miệt mài với công việc làm thơ từ ngày ấy đến tận bây giờ, cho dù chưa biết mình sẽ đến đâu, về đâu! Còn với Phạm Viết Thiên, cứ ngỡ bạn tôi đã “rũ sạch rồi/ lòng nhẹ như không”1 sau mấy mươi năm xa xứ, anh đã chọn cho mình con đường tu học. Nào ngờ đến tuổi xế chiều, Phạm Viết Thiên lại “bị” mấy tình thân ở quê nhà cám dỗ, bắt anh ngồi chép lại gần 50 bài thơ của mình với mục tiêu duy nhất của bầu bạn là muốn lưu giữ “một chút gì để nhớ để thương” trong ký ức bạn bè.
Vậy đó, biết đâu là duyên - nghiệp, cho dù bạn tôi đã từng trải lòng mình ra, dằn vặt xót đau với cuộc đời này: “Phải chi ta như là thanh củi/ Cháy phứt một lần xong quách thôi/ Ước chi thân như là cát bụi/ Ném cái xòa trước gió tả tơi”. Cháy phứt đi rồi thì còn gì nữa Thiên ơi, bởi “đời không đốt cũng ngùn ngụt cháy/ tôi bây giờ như rạ như rơm/ tôi bây giờ có cũng như không” như Thiên đã viết. Thôi hãy cứ lang bạt kỳ hồ trong Cơn mộng mị”2, cứ “điên đảo đi trong không, trong có/ đau đáu một nỗi niềm xứ sở/ tròn giấc chiêm bao”. Biết đâu đi cũng là cách quay về, trở về với những hoài niệm xa xưa thời mới bước chân vào đời. Bởi “đời hồ dễ mấy người tri kỷ/ buổi ra đi tóc cũng tang bồng”. Nơi ấy đã bao lần “mời em một chốc sầu nghiêng chén/ đời mấy khi được một lần say/ ta lưu lạc chân trời góc biển/ bể dâu xin dừng lại nơi này”. Phạm Viết Thiên bạn ơi, hãy quay về với bao hồi ức của thời trai trẻ, “thuở ấy người đi thoang thoảng như là khói/ nên bây giờ ký ức cứ bay bay”…
Vẫn biết rằng giấc mơ ấy chỉ là ngọn gió đầy vơi thương nhớ quê nhà, là chiếc bóng nhỏ mơ hồ sương khói..., nhưng hồn thơ Phạm Viết Thiên vẫn chan chứa yêu thương, đầy ắp vui buồn. Và hồn chữ ấy nhất định là của Phạm Viết Thiên, của một người đã đắm đuối với văn chương cả một thời trai trẻ. Cho dù bạn có muốn đốt những bài thơ ấy cháy phứt đi, cháy một lần cho xong quách mà đâu dễ gì cháy được. Có phải cái nghiệp của chữ nghĩa, của thơ là vậy không Thiên?
Vẫn biết rằng chỉ là Cơn mộng mị, nhưng biết đâu đó chính là tình yêu, là hơi thở hồn quê mà Phạm Viết Thiên đã mang theo suốt cuộc đời mình. Đến bây giờ tuổi chiều bóng xế, Phạm Viết Thiên mới giật mình, ngỡ đã quên đi một thời trai trẻ trong tình yêu “rơm rạ” vô bờ…
N.N.H