Những ám gợi về tình yêu trong “Trăng hạ huyền đã cháy”

01.03.2023
Hồ Loan

Những ám gợi về tình yêu trong  “Trăng hạ huyền đã cháy”

Lê Hải Kỳ tên thật Lê Hải, sinh năm 1983 tại Huế. Hiện sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tháng 11 năm 2022 vừa qua anh đã cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Trăng hạ huyền đã cháy”. Anh đến với thơ đầy ngẫu hứng. Sống theo đức tin của chính mình và viết theo lý lẽ nồng đượm của con tim là lời anh bộc bạch.

Điều đầu tiên ám ảnh tôi khi cầm tập thơ “Trăng hạ huyền đã cháy” của Lê Hải Kỳ là hình ảnh vệt trăng cháy nham nhở lên bóng dáng nàng thơ. Hé lộ những vụn vỡ, những ám gợi và cả những lung linh của tình yêu đầy bí hiểm…

Hình như khi đến với thơ, Lê Hải Kỳ đã bộc lộ tận cùng cảm xúc chân thực từ đáy tim mình. Từng câu chữ riết róng. Từng dòng ngôn quằn quại. Thứ khó tìm thấy ở một con người có cá tính như Lê Hải Kỳ!

Và tôi ngưỡng mộ “Em” - nhân vật trữ tình xuyên suốt tập thơ, người đã khiến tác giả ngu ngơ điêu đứng. Người duy nhất có thể biến anh thành kẻ đau tình điên dại mĩ miều.

Đã có lúc, anh tự ngộ nhận đã để lại những dấu ấn với người ấy: “tôi tạc tượng chính mình trong trí nhớ của em” (Khối vô hình). Nghĩa là người thơ của chúng ta đã có lúc ở được “thế thượng phong”. Nhưng rồi, “xin em! thỉnh vào tôi một tiếng chuông để phân định u minh” (Khối vô hình). Lúc này thì tôi hả hê, hả dạ lắm lắm. Tôi đáng đời kẻ ngu ngơ có “trái tim học đòi thi sĩ chẳng bao giờ biết tự vệ trước hương hoa” (Kiêu hãnh xanh).

Thật ra, hương hoa có làm đau ai bao giờ, chỉ trừ những loài có độc dược. Mà thứ hoa gã đắm mê muội mẫn kia lại không có thật, là “Hoa thiên sứ” - loài hoa cánh trắng tinh khôi trong khu vườn địa đàng!

Thì ra cái vỏ mạnh mẽ bên ngoài đang che giấu một trái tim yếu đuối: “xin nhẹ tay đừng làm nước rách/ mỗi con sóng từ khi sinh đều quặn nỗi mênh mông” (Nhắn người từ Hà Nội). Chỉ khi quá mẫn cảm với cuộc đời, người ta mới có thể cảm nhận hết được cả những nỗi đau tưởng như chưa hề tồn tại.

Đôi lúc hoài nghi lẫn tuyệt vọng “tưởng rằng muối mặn gừng cay/ con đường vỡ/ hút bóng…” (Núi thở), nên thảng thốt hỏi với chính mình: “phép màu nào dành cho tôi?” (Hoa thiên sứ).

Cũng nhiều khi Lê Hải Kỳ lại thành kẻ khất thực bến tình: “chỉ xin em/ nửa sợi niềm tin còn sót nơi máng cỏ” (Mưa từ bài thơ mưa em viết), “xin đừng dối lòng vì nỗi đau là rất thật/ sao em nỡ mài dao trên những vết thương” (Em trả lời tôi đi), “mắt em màu mưa đổ/ anh ướt sũng một đời” (Mùa thu bội ước)

Tình yêu, luôn là thứ hiện hữu trong từng lời thơ, trong từng phút giây trôi qua cuộc đời gã, để rồi “những dấu tích có em, tôi đều bảo tồn nguyên vẹn trong thơ” (Nhớ vùi nhớ).

Đọc một mạch hết thi tập “Trăng hạ huyền đã cháy” (Nhà xuất bản Đà Nẵng) dày 108 trang với 54 bài thơ “ròng tình” - Lê Hải Kỳ thú nhận vậy, tôi có cảm giác rằng nhân vật trữ tình của chúng ta nợ tác giả một lời “yêu” thực thụ. Hay “em” ấy cũng bị “trời đày” như chính tác giả khi “thương nhớ thắt nút con tim mà phải nói lời câm” (Lời thương còn bỏ ngỏ)?

Và chắc hẳn em cũng đau khi nghe hắn tha thiết: “giết mòn trái tim tôi mà biết đâu em cũng rướm máu ngực mình”. Em có thao thiết lòng khi một đêm đông nào đấy, có một người ngồi vẩn vơ nghĩ về em: “mèo ngoan vẫn thức cùng cô chủ/ đêm có lạnh không?” (Thương người ngủ muộn).

Tôi ngưỡng mộ tình yêu trong thơ của gã! Thứ tình cao quý lộng lẫy mà chỉ khi kiệt cùng yêu, người ta mới muốn dành hết thảy cho người ấy đến vậy. Tôi đinh ninh là gã “thương” nhiều hơn yêu. Thương đến độ tôn thờ hình bóng đóa hoa thiên sứ do chính gã vẽ nên, rồi xót xa khi ai đó mãi chong đèn dệt giấc mơ “cho nương dứa chín vàng/ nhánh lan rừng em trồng đã bắt đầu nẩy nụ/ bên ổ rơm, gà cục tác trứng tròn” (Thương người ngủ muộn).

Dường như vào những đêm đông, trái tim si tình của gã kêu gào thống thiết hơn, đến nỗi phải tự thú thật thà rằng: “anh đã yêu bằng hết thảy dại khờ, ngu ngơ, hâm dở…/ nhưng khởi nguồn từ trái tim chân thật, chỉ một lòng một dạ hướng về em” (Trái tim em sẽ gọi tên ai?). Yêu nhiều thì đau nhiều, để rồi đành lặng im nghe cuộc tình mình chơi vơi.

Gã cũng từng mơ có em chung một tổ ấm: “anh là chú rể/ em là cô dâu/ sớm tối bên nhau, đi qua cơ cầu, cùng vun hạnh phúc” (Bài tình ca Chija), từng khao khát được “Làm rể quê em” bởi “thương tiếng dế nơi đầu rừng cuối bãi”, nhưng, dường như mọi thứ đều bị “trời đày” trắc trở.

Sẽ không ít người tò mò, thắc mắc về hình ảnh “em” trong “Trăng hạ huyền đã cháy” sao mà trong sáng, sao mà thánh thiện. Nhưng tôi hiểu, bởi “nếu được đời chọn làm thi sĩ” thì gã sẵn sàng tuyên ngôn: “em là Rome. em là kiêu hãnh/ là cột mốc vời vợi trong trái tim anh” và “nếu thi ca là vũ trụ tâm hồn/ thì em. chính em là cái rốn của thành Rome!” (Cái rốn của thành Rome).

Với tôi, gã đã là thi sĩ rồi. Một thi sĩ thực thụ với trái tim nồng nàn bỏng cháy dành cho “em”. Một thi sĩ biết yêu và trân quý những giá trị chân - thiện - mĩ của cuộc người mỏng manh này.

Nhân đây, tôi muốn nhắn gửi với Lê Hải Kỳ rằng hãy cứ yêu, cứ đau, và cứ thơ như trong “Trăng hạ huyền đã cháy”…

H.L