Màu đỏ trong thơ Chế Lan Viên

28.02.2023
Huỳnh Văn Hoa

Màu đỏ  trong thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Chế Lan Viên và tác phẩm

Thế giới thơ Chế Lan Viên là thế giới đa dạng, biến hóa. Ở đó, có một thứ ngôn ngữ thơ đầy ảo diệu, nhiều phép sử dụng từ linh hoạt, sáng tạo, gây ấn tượng sâu đậm nơi người đọc. Con đường nghệ thuật do Chế Lan Viên vẽ ra bao giờ cũng lấp lánh một thứ ánh sáng nhiều màu, ánh xạ nơi tâm hồn người đọc, gợi nên bao xao xuyến, bao tâm tình, bao nghĩ suy. Về phương diện nghệ thuật, có thể nói đến màu sắc, nhất là màu đỏ trong nhiều bài thơ của Chế Lan Viên là một sáng tạo độc đáo, ít có người sánh kịp.

Về hội họa, màu đỏ là một trong các màu chủ đạo, thuộc gam màu nóng. Trong đời sống tinh thần của nhân loại, nhất là tôn giáo, tín ngưỡng và văn chương nghệ thuật, màu đỏ luôn ở vị trí quan trọng. Màu đỏ là biểu trưng cho tình yêu, hạnh phúc, năng lượng và cảm xúc cao. Trái tim màu đỏ là hình tượng tình yêu trong văn học đông tây, xưa và nay.

Trong văn học Việt Nam, có những màu sắc thơ ca cổ điển dùng đến như tía, thắm (Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều) thì thơ ca hiện đại ít dùng. Ngược lại có những màu dễ tìm thấy trong thơ ca hiện đại như hồng, đỏ, vàng, thì chỉ có rải rác đó đây trong thơ ca cổ điển. Trong Chinh phụ ngâm, màu đỏ xuất hiện: 2 lần, Cung oán ngâm khúc, màu đỏ: không có. Lạ nhất, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không sử dụng màu đỏ lần nào, chỉ nói đến màu hồng. Chưa thể lý giải về hiện tượng này.

Chế Lan Viên đã sử dụng màu đỏ trong thơ như một tín hiệu nghệ thuật quan trọng, qua nhiều thời kỳ sáng tác, làm nên nét độc đáo trong thơ ca Việt Nam hiện đại, chưa thấy nhà thơ nào sánh kịp. Chế Lan Viên còn có cách gọi khác về màu như màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu rách xé, màu hoa lau, màu cuồng tín, màu liễu, màu yên chi, đôi cánh đỏ ái ân, trái tình ngon miếng đỏ, treo đỏ tin mừng,...

Thống kê từ Chế Lan Viên toàn tập (Tập I, Tập II, NXB Văn học, 2002), có đến 303 lần nhà thơ sử dụng màu đỏ và các biến đổi của màu đỏ. Đó là: máu đào, máu đỏ, son nếp áo, xe son, đôi cánh đỏ ái ân, trái tình ngon miếng đỏ, dấu đỏ, thuyền đỏ, đỏ tấy, lòng cháy đỏ, đỏ nụ lòng ta, anh yêu đỏ hoa hồng, đỏ áo vinh quang, đỏ chiến công, treo đỏ tin mừng, cờ đỏ, ráng đỏ, vì sao đỏ, ngói đỏ trăm ga, sắc đỏ tương lai, đỏ chói màu phù sa, màu son đỏ chói hồn, cá đỏ trong thơ, người áo đỏ, thơ đỏ chói, lá đỏ, sắc đỏ trái tim,...

Sự chuyển hóa của màu đỏ, theo thời gian sáng tác, đưa lại những cảm xúc khác nhau. Điều này chỉ có ở thơ Chế Lan Viên. Cuộc sống luôn vận động và phát triển thì màu sắc vào thơ cũng không thể nhất thành bất biến được. Nó là bộ phận, là yếu tố để chuyên chở tâm hồn nhà thơ đến với người đọc. Nếu quan niệm cái nhìn nghệ thuật là tổng hòa tất cả các yếu tố nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, thì màu sắc trong thơ Chế Lan Viên quả là yếu tố quan trọng để nhà thơ cảm thụ và biểu hiện thế giới khách quan. Bởi vì, sự tái hiện nào của đời sống cũng đều gắn liền với một cái nhìn. Cái nhìn ấy sẽ chi phối việc sử dụng các thành tố nghệ thuật về màu sắc.

Hãy bắt đầu từ Điêu tàn. Trong Điêu tàn, có không ít câu thơ mang màu đỏ. Chỉ có điều, màu đỏ này gắn với máu đỏ, máu đào của sọ người, xương khô, mồ không, mồ sâu, mộ trống, chiến tượng, cô hồn, mộ tàn, xương tàn, tha ma, bãi chém, đầu lâu, pháp trường, chiến địa, âm giới, tháp Chàm, tượng Chàm, voi Chàm, với: Nơi đã khô của mi bao máu đỏ (Mồ không), Hay im lặng chuyển mình trên máu đỏ (Chiến tượng), Ta muốn trông từ mắt mi, máu đỏ (Xương khô), Với máu đỏ, tủy hồng, mờ sắc rượu (Máu xương), Để những giọt máu đào còn đọng lại (Cái sọ người), Ai trần gian không uống máu đào tươi (Máu xương), Lấy máu đào tô thắm nét môi tươi (Đầu rơi). Điêu tàn ra đời năm 1937. Đây là thời kỳ phát triển "rực rỡ" của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực giai đoạn 1932 - 1945. Khác với những tác phẩm đương thời, thường khai thác chủ đề tình yêu, Điêu tàn đi vào ngã rẻ của hư linh ma quái. Ở đó, con người hoàn toàn vắng mặt. Một thế giới ngập chìm bóng đêm xuất hiện.

Nỗi buồn thương về nỗi sầu vong quốc bị đẩy đi quá xa, không thấy đâu là ánh ngày và tương lai. Nhiều chi tiết, nhiều hình ảnh mang trạng thái u uất được thi vị hóa, nhiều hình tượng mang dáng dấp của cuồng loạn, nhục thể ra đời. Và, một kiểu tư duy về màu sắc hoàn toàn xa lạ với các nhà thơ cùng thời và cũng xa lạ với các giai đoạn sáng tác sau 1945 của Chế Lan Viên.

Như chính tác giả viết: "Khi đã buồn hiện tại/ Thì quay về tháp xưa" (Ngoảnh

lại mười lăm năm), Chế Lan Viên triền miên trong những tháp, những tượng, những đền đài đổ nát, vì thế, ông đã đi quá xa cuộc đời này. Trần gian, với ông, là "ga sầu vĩ đại của đêm đen" (Vàng sao).

Màu đỏ gắn liền với sự mạnh mẽ, quyết đoán. Màu đỏ là màu mang lại năng lượng, khát khao và tích cực, là ngọn lửa chống lại sự cô đơn, cô độc. Sự hồi sinh, phục sinh tâm hồn thơ Chế Lan Viên từ sau 1945, nhất là giai đoạn từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, màu sắc chuyển sắc độ. Đây là chỗ độc đáo của Chế Lan Viên. Như một họa sĩ tài năng, nhà thơ pha trộn màu rất tinh tế. Bên cạnh gam màu đỏ, có tím, có trắng, có hồng. Các màu đứng cạnh nhau, không đối lập, bổ sung nhau, tôn lên nhau, thành bức tranh đa sắc, thu hút sự chú ý của người đọc.

Với Chế Lan Viên, màu sắc ở những bài thơ tứ tuyệt, ngắn gọn ấy được pha màu khá tinh tế, làm cho không khí của bài thơ như được phủ một lớp sương lung linh, kỳ ảo. Chúng ta không thể hình dung sẽ như thế nào, nếu những bài thơ này thiếu yếu tố màu sắc. Nhưng chắc rằng, thiếu nó, cái hồn của bài thơ cũng mất. Vì thế, từ Ánh sáng và Phù sa, Hoa ngày thường - Chim báo bão đến Đối thoại mới, Hái theo mùa, Chế Lan Viên rất có ý thức trong việc sử dụng màu sắc, nhất là màu đỏ, màu hồng. Và cũng từ dấu mốc này, Chế Lan Viên có thêm một hơi thơ riêng, đậm tính chất đời của nó.

 

Trong Cành phong lan bể, có hai câu thơ thật hay:

Như tháng giêng, hai mình xuân

trái chín

Mỗi trái đào mọng đỏ gọi lòng ta

Tháng giêng hai của mùa xuân trái chín khiến ta nhớ đến Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, song, ở đây, lại thêm mỗi trái đào mọng đỏ, gợi lòng ta, bồi hồi với đất trời vào xuân.

Lại một bài Hoa gạo son trong tập Đối thoại mới (NXB Văn học, Hà Nội, 1973), viết theo thể ngũ ngôn, ngắn gọn, đầy chất suy tư, nói về sự tuôn chảy của thời gian, mùa xuân đi qua nào biết, chỉ khi nhìn thấy những chùm hoa gạo đỏ nở, mới hay:

Thời gian trôi lặng thinh

Mà tháng ngày chảy hết

Xuân qua mình chẳng biết

Hoa gạo đỏ thình lình  

Cái thảng thốt trước tháng ngày lặng thinh trôi là nỗi niềm đầy chất trầm tư về thời gian của Chế Lan Viên.

Trong tập thơ Đối thoại mới (NXB Văn học, 1973), có một bài thơ viết vào những ngày lửa đạn, bài Im bớt màu hoa:

Giữa Tết đoàn quân biệt thủ đô

Trường Sơn chờ họ cuối đường xa

Hãy im nước biếc, im màu liễu

Im bớt màu hoa đỏ cạnh hồ!

Chiến tranh có gam màu riêng. Nhà thơ chia sẻ với những người lính mùa xuân giã biệt thủ đô, vào Trường Sơn, vì thế, tất cả nén lại, im bớt, im nước biếc, im màu liễu, im màu hoa đỏ cạnh hồ.

 Hoa đại đỏ, một bài thơ ngắn, nhiều cung bậc, nằm trong tập Hái theo mùa (NXB Tác phẩm mới, 1977):

Đây là hoa đại đỏ

Như tình yêu bình yên

Dù bừng lên sắc lửa

Vẫn cháy ở bên thềm.

Vào ngay câu đầu của bài thơ, nhà thơ giới thiệu: Đây là hoa đại đỏ. Cây đại hoa đỏ có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ. Cây cho nhiều hoa quanh năm, có màu đỏ thắm, năm cánh tươi đẹp, có mùi thơm, thường làm cây cảnh trong khuôn viên nhà, công viên, chùa chiền, giữ không khí bình yên, tĩnh lặng. Sắc lửa của hoa đại đỏ, cháy ở bên thềm, khiến không gian: Như tình yêu bình yên.

Nhiều sắc màu các loài hoa trong thơ Chế Lan Viên đưa lại vẻ đẹp riêng của tâm hồn, làm nên bao rung động, bao nỗi niềm thương nhớ, bao trạng thái hồi hộp, chờ mong, bao ấn tượng khó quên:

Anh hái tặng em chùm hoa sắc trắng,

Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng

Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ

Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng

như không.

 (Hoa trắng đỏ)

Bài thơ có hai gam màu chủ đạo: trắng và đỏ. Hai màu đan xen, xoắn quyện vào nhau, chỉ ngọn lửa tình yêu nồng cháy, đầy thi vị. Thi vị ở chỗ, tuổi năm mươi, qua rồi thời tuổi trẻ, nhưng vẫn nồng nàn, đằm thắm, mãnh liệt. Màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao. Màu đỏ, biểu hiện sự mãnh liệt, rực cháy. Hai lần nhà thơ dùng từ "nhưng" nhằm nhấn mạnh độ nóng của tình yêu. Chất triết luận toát ra từ hình tượng bài thơ, đưa đến cho người đọc một cảm nhận sâu sắc về năng lượng bất diệt của tình yêu. Hiếm thấy một bài thơ tình tinh tế, thiết tha như thế ở tuổi năm mươi trải nghiệm.

Điều này giải thích vì sao như ông đã viết trong Chân dung tự họa: Thơ tình, thơ về hoa, về cuộc đời bình thường rất cần thiết. Cần núi cao (haute montagne) của chủ nghĩa anh hùng cách mạng (héroisme) nhưng cần các đồng bằng (plaine) của đời sống hằng ngày (quotidienne).  

Hay như Hoa đỏ màu yên chi, một bài thơ xinh xắn, nhẹ nhàng. Hoa yên chi là hoa bông phấn, một loại hoa có mùi thơm nhẹ, nở thành nhiều sắc và đổi màu. Hoa có nhiều thời kỳ, như nội dung bài thơ: cây dậy thì, cây đến tuổi, cũng hờn dỗi, thay sắc, tất cả, vẽ nên nét đẹp của hoa, của người con gái, như Đường thi mô tả, mỹ nhân là hoa:

Hoa như cây dậy thì

Như nhựa cây đến tuổi

Mỗi cành hoa hờn dỗi

Đỏ một màu yên chi

Cây vải với những chùm quả chín đỏ, nằm trên các triền đê, thắm sắc hương, chạy dọc theo ven sườn các sông thuộc hệ thống sông Hồng, vừa làm nên vẻ đẹp của tự nhiên vừa đánh đắm tâm hồn con người vào độ mùa vải chín đỏ, cùng với sự trở về của loài chim di cư, dân gian thường gọi với tên thân quen - quả tu hú, khi những con chim tu hú bay về, ríu rít trên những chùm quả, tình tự, như anh và em, như thơ và đời, như giữa tiếng chim và màu vải đỏ:

Rặng vải bên sông

Trái đã ướm hồng

Chỉ chờ một tiếng chim thôi

Là trái ngọt

Tu hú ơi, sao mày chưa chịu hót

Màu đỏ nóng lòng, mày có biết không?

 

Tiếng chim chói ngời ở cổ

Chỉ chờ cho sắc đỏ chín muồi...

Tương quan giữa anh và em giữa

thơ và đời

Là vậy đó.

Như giữa tiếng chim và màu vải đỏ.

(Tương quan)

Khi ngọn triều cảm xúc vươn cao trong cơn lốc của trí tuệ đã làm màu sắc trong thơ Chế Lan Viên có được vẻ đẹp riêng. Khi ấy, có sự chuyển đổi cảm giác và thị giác. Bài Hoa gạo son (Hái theo mùa) là một dẫn chứng:        

Đứng ngã ba đường cây gạo son

Người tình nhân đỏ chói môi hôn

Xe ta qua mãi mà không dứt

Chiều tối màu son đỏ chói hồn.

Có sự tương quan giữa các sắc đỏ: sắc đỏ của cây gạo son và sắc đỏ của môi son, cộng với sắc đỏ của nắng chiều rực chiếu. Ba sắc thái màu hòa trộn, lung linh, làm cho bức tranh thiên nhiên hòa cùng bức tranh tâm trạng, gợi nên cảnh đẹp và lạ. Xe đã qua, cây gạo son ngã ba đường vẫn đứng đấy, chói đỏ một góc trời, rực lên ráng đỏ, khiến thi sĩ qua đường, bị níu giữ bởi màu son chói đỏ, như không nỡ đi tiếp, day day nhìn, "qua mãi mà không dứt".

Trong những bài thơ tình của Chế Lan Viên, như một họa sĩ, nhà thơ phối màu hết sức điệu nghệ. Đọc bài Thử thách nằm trong Chế Lan Viên toàn tập, Tập II, NXB Văn học, HN 2002, sẽ thấy. Đó là những câu thơ viết về cái xanh nõn của lộc cây, cái sắc đỏ màu son của môi em, cái màu trắng của hoa lau và đặc biệt màu mây của xa cách. Phương thức đối lập giữa các màu đã góp phần tạo nên hiệu quả của nghệ thuật, tạo nên một không gian đất trời của nỗi nhớ:  

Anh ngang tầm lộc nõn, viết về cây

Đỏ màu son, viết về môi em đỏ

Trắng màu lau đã cho mình nỗi nhớ

Chịu cách xa mình để nói một

màu mây.

Chế Lan Viên, qua màu sắc, đã kiến tạo nên một con đường thơ riêng trong nền văn học hiện đại. Ở đó, nhà thơ đã tạo được sức ám ảnh nơi người đọc khi tiếp xúc với những sáng tác của mình.

H.V.H