Biển - Một biểu tượng đa nghĩa trong trường ca Thu Bồn
Trường ca Bài ca chim chơ rao Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1986.
Với trên 3.000 km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, từ lâu, biển đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức người Việt. Với miền Trung, tất cả các tỉnh đều nằm dọc bờ biển, và vì thế, nó có những nét riêng so với hai miền Nam, Bắc. Dải đồng bằng hẹp do núi choài ra tận biển đã khiến các dòng sông miền Trung ngắn nguồn và độ dốc cao, chính vì vậy, bao nhiêu nước nguồn, nước sông ở đây cơ hồ như từ trên trời rơi xuống là òa ra gặp biển. Các đặc điểm địa lý trên đã khiến biển và những hiện tượng tự nhiên gắn liền với biển (sóng, gió, lốc, bão, cát...) trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức những nhà thơ miền Trung thời hiện đại, đặc biệt là thời chống Mỹ - cái thời mà các tỉnh ven biển miền Trung trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đề cấp đến âm vang biển trong tâm thức một nhà thơ tiêu biểu của quê hương Quảng Nam nói riêng và của miền Trung và cả nước nói chung - nhà thơ Thu Bồn.
Ám ảnh về biển khi xa biển
Đặc điểm văn hóa - địa làm nên khí chất của con người ở từng vùng đất. Và vì vậy, hình ảnh biển, sóng luôn được Thu Bồn đề cập đến với nhiều bình diện khác nhau mang theo nhiều trường nghĩa làm nên một đặc trưng thơ miền Trung khó pha lẫn. Trường ca Bài ca chim chơ rao, mặc dù viết ở Tây Nguyên và lấy bối cảnh, chủ đề cuộc chiến đấu bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên làm cảm hứng, song, biển vẫn được Thu Bồn thể hiện rất sâu sắc thông qua tâm trạng nhân vật Hùng trước khi bước ra pháp trường: “Nỗi tâm sự của người con nước mặn/ Cũng dào lên như sóng biển dạt dào”. Đó là tâm thức sâu kín trong lòng "dào lên" thành sóng. Tâm thức ấy lan tỏa ngay chính giờ phút thiêng liêng về người vợ biển: “Cô gái biển quanh năm chài lưới/ Trên bàn tay có nắng mặt trời/ Cô gái có tâm hồn sóng biển/ Hứa yêu anh yêu mãi trọn đời”, về người mẹ biển: “Tấm áo mẹ con không bao giờ mặc nữa/ Để dành cho em con mặc buổi ra khơi/ Tấm áo quê nghèo che bao nắng lửa/ Vững mái chèo bão táp chớ buông lơi”, về cả những sinh hoạt biển: “Những gánh cá ngời ánh bạc/ Bàn chân thoăn thoắt chạy đi nhanh/ Bờ biển lặng em cao tiếng hát/ Nước thủy triều lên dào dạt ghe mành”. Ngay cả những lúc hoạt động tại rừng sâu gian khổ, biển vẫn như một ám ảnh thường trực: “ăn trái gắm nhớ trái dừa tha thiết/ Uống ngụm nước suối trong nhớ biển biếc bao la/ Những đêm mưa rừng sấm động/ Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà” (Bài ca chim chơ rao). Khi so sánh vách đá trên Trường Sơn, Thu Bồn cũng lập tức liên tưởng ngay đến biển: “Vách đá như lồng ngực người chiến sĩ/ Đập vào biển Đông sóng dội gấp trăm lần/ Và đêm ngày tuôn chảy dưới bàn chân” (Vách đá Hồ Chí Minh).
Quan hệ núi - biển như một đặc trưng văn hóa - địa của dải đất miền Trung cũng được Thu Bồn thể hiện rất sâu sắc. Vốn là những người lính Trường Sơn làm thơ, họ đi từ rừng và hướng về biển với bao khát vọng về một ngày chiến thắng, vì thế họ thấm thía đến tận cùng mối quan hệ máu thịt này. Gắn bó đời lính và đời thơ mình với vùng rừng núi Tây Nguyên, Thu Bồn cảm nhận rằng: “hiểu biển nhiều nên ta yêu quý núi núi ơi!/ biển mênh mông và núi cao vời/ nhìn thấu biển phải trèo lên tận núi” (Ba dan khát).
Biển - Biểu tượng Mẹ, Tổ quốc và Nhân dân
Biển dữ dội nhưng cũng rất bình yên. Tìm được bình yên nơi vốn đã bình yên là chuyện thường tình, nhưng tìm được một khung trời bình yên trong muôn ngàn sự dữ dội mới chính là những khoảnh khắc bình yên tuyệt đích. Trong tâm thức Thu Bồn, biển cũng bao dung như lời ru, như tấm lòng của mẹ: “sông đã về đến biển nhận lời ru/ sông đã về đến biển được mẹ nuôi” (Oran 76 ngọn). Biển còn là biểu tượng của Tổ quốc, dân tộc. Đây là lời của Lạc Long Quân dặn dò các con trong buổi chia tay: “để tạc ra hình dáng non sông/ tìm cha con hãy đến biển Đông”. Một cuộc chia tay diễn ra ngay trong thuở hồng hoang của lịch sử dựng nước: “ngực biển Đông căng yếm xanh đằng trước/ sau lưng còn vọng mãi tiếng Âu Cơ” (Người gồng gánh phương Đông). Một dân tộc luôn luôn mở rộng chân trời khát khao, mở rộng vòng tay thân hữu, hòa bình dù có phải trải qua trăm cay nghìn đắng: “bè bạn qua đây con sóng lặng/ cánh chim thay sóng lượn quanh tàu/ anh vẫn nói với lòng tôi anh nói/ về những hòn đảo xa nối biển liền trời/ con ngọc trai bám vào thềm lục địa/ một loài sao biển sáng lân tinh” (Campuchia hy vọng).
Tổ quốc, dân tộc là của nhân dân nên biển, sóng còn là biểu tượng về sức mạnh cuồng phong và sức sống vĩnh cửu của nhân dân. Chính ở những vùng biển ấy, trên những bãi cát trắng mênh mông kia đã sinh ra những con người “sống trong cát chết vùi trong cát” (Tố Hữu) mà chẳng mảy may toan tính… Tất cả đó đã dồn tụ để Thu Bồn khái quát thành những biểu tượng thơ tạo nên một quan điểm thẩm mỹ mới về nhân dân thầm lặng mà mạnh mẽ vô song.
Biển - Biểu tượng của sự hào phóng và khát vọng
Trằn mình trong gian khổ, khắc nghiệt, bị “thắt lưng buộc bụng” bởi khúc eo giữa hai đầu đất nước nên hơn ai hết, các nhà thơ miền Trung cảm nhận rất rõ tâm hồn hào phóng của biển: “thân ngang tàng trên mặt biển xanh lam/ thả phóng tâm hồn theo ngọn gió” (Người gồng gánh phương Đông). Biển bao la là thế nhưng họ hiểu được lòng biển, rốn biển, nên chỉ cần đưa lên bờ môi một vỏ ốc nhỏ nhoi, người miền Trung vẫn có thể điều khiển cả dàn giao hưởng với nhiều âm thanh của đại dương bất tận: “ta lấy con ốc đại dương làm tù và rúc/ triệu hồng cầu như bọt biển đang sôi” (Người vắt sữa bầu trời). Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, biết bao nhiêu người con Việt đã được biển chở che, để cả đến lúc hi sinh vẫn hòa mình vào lòng biển. Vì vậy, biển như một chứng nhân lịch sử, lặng lẽ ghi gương mặt những người con đã hy sinh: “biển hãy thức cùng ta biển nhé/ mùa mưa sắp đến rồi lòng biển sẽ dâng lên/ biển sẽ đến những vùng đất góa/... biển ghi mãi những khuôn mặt này lên mặt biển” (Oran 76 ngọn). Biển đã thấm vào tâm hồn người Việt, hóa thành nỗi khát thèm đem máu xương mình hòa vào những đợt sóng đại dương vỗ mãi nghìn năm. Ám ảnh bởi tâm thức biển đã khiến thơ Thu Bồn tràn đầy những biểu tượng bão, gió, cuồng phong, lốc cát: “Cơn bão tràn vào đất liền/ lũy tre gầy rạp mình chống trả/ hàng cau hàng dừa đập vào gió xác xơ” (Chim vàng chốt lửa). Đó là một quê hương của nước, của sóng, của gió và bão: “quê của nước và quê của gió/ sóng đánh giạt bờ/ làng đánh giạt người trôi/ sóng biển dâng lên từ phía mặt trời”. Rồi lại gió cát, biển sóng thét gào với tất cả nỗi khắc nghiệt của một dải đất nghèo, cằn cỗi: “ruộng hai mùa chua mặn/ người hai mùa hè đông/ con sông gầy khô không với tới những cánh đồng/ cơn mưa nước trút trơn ra lòng biển” cùng sự chiến đấu để giành giật sự sống của người miền Trung trước những đe dọa của biển cả: “chống quỷ chống ma giờ ta chống biển/ lồng ngực trai cày rám nắng ngư dân/ cây sú vẹt tỏa từng chùm rễ cứng/ bom giặc ném bờ đê/ biển hùa vào áp đảo/ cánh đồng ta mòn mỏi những bờ chua”. Và tất nhiên, trong cuộc chiến đấu này, phần thắng vẫn thuộc về con người yêu nước, yêu quê hương, cho dù quê hương có cỗi cằn, khắc nghiệt: “biển hung hăng nhưng biển không thể tràn/ qua lồng ngực những người chiến sĩ” (Ba dan khát).
Biển - Biểu tượng của đích đến thời chiến và trăn trở thời bình
Trong tâm thức tất cả các nhà thơ miền Trung hiện đại trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và Thu Bồn nói riêng, biển còn là một biểu tượng của ngày về chiến thắng, của quá trình vận động gian truân từ núi rừng đi về biển cả: “Tôi đứng trên cửa biển, quân thù vừa tháo chạy hôm qua/ nòng súng tôi còn dính biển và bao năm rồi súng dính muối ta” (Chim vàng chốt lửa). Reo hò vui, hạnh phúc, tự hào khi qua bao gian truân được về với biển, nhưng trong cảm nhận của thơ, về với biển, những ngọn suối, dòng sông vượt qua muôn thác ghềnh không phải để tìm nơi ngơi nghỉ. Hòa bình rồi, thắng lợi rồi, nhưng còn bao nhiêu day dứt; bao nhiêu phức tạp nẩy sinh ngay những ngày đầu thanh bình của đất nước. Nếu không bình tĩnh để nhìn nhận mà lại sớm thoả mãn với chiến thắng của chính mình, thì rồi sẽ có những con thuyền đã từng đi đúng “hoa tiêu” nhất quán xuôi chỉ một dòng giữa suối nguồn cuộc chiến để chảy xuôi về biển, bỗng chốc lại ngả nghiêng trước sóng gió, bão giông ngay giữa thời bình: “đảo hoang vu sẽ xanh tốt cuộc đời/ nhưng chớ biến cuộc đời là đảo vắng/ dù trời xanh, dù biển lặng/ chớ quên từng ngọn sóng khát lòng tham” (Ba dan khát). Chính vì lẽ đó mà sự liên tưởng giữa giông tố tự nhiên và giông tố cuộc đời như là một ám ảnh tất yếu trong tâm thức nhà thơ Thu Bồn: “Tôi đã đồng hành cùng gió bão, biết mặt từng đám mây khi giông tố nổi lên, nhưng cuộc đời ôi thật mông mênh” (Người vắt sữa bầu trời).
Khi biển đã nhập vào tâm thức thì cho dù ở đâu, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, hễ khi thơ tuôn ra là tất có hơi hớm của sóng, gió, bão, giông và hoa của loài cây miền Trung đặc sản. Đây là nỗi nhớ từ ký ức hiện về giữa trận đánh lớn hòa trong “trận nhớ” lớn lao, rực sắc hoa xương rồng trên cát, gan góc trổ hoa, khiêm nhường khoe sắc trong “sóng biển âm vang” đậm chất miền Trung: “Chỉ có trận đánh là nơi tôi được nghỉ ngơi cho đỡ mỏi nỗi nhớ em, trận nhớ dài lê thê qua sa mạc có cây xương rồng tôi trồng trong ký ức” (Người vắt sữa bầu trời).
Chính phải luôn đối mặt với biển Đông, phải hứng chịu hàng năm bao nhiêu cơn bão lốc mà miền Trung trở thành một vùng thơ đầy khí chất. Đó là cái chất ngang tàng như gió lào, khó chịu như gió chướng, rát mặt như cát xoáy và mạnh mẽ, ầm ào như sóng biển nhưng cũng nhân hòa, bao dung và thâm trầm đầy triết lý biển khơi. Trong đó có lẽ hình ảnh “cây xương rồng”, “màu đỏ hoa xương rồng” là loài cây và sắc hoa ám ảnh nhiều nhất. Đây là loài “thực vật đặc sản”, một “sắc hoa đặc sản” của dải cát ven biển miền Trung. Nó xuất hiện nhiều như chính cái dáng hình còm cõi, chịu đựng một cách khắc khổ mà đầy kiên cường và vô cùng lãng mạn, yêu đời của những người con miền Trung kiên cường, bất khuất mà cũng vô hạn bao dung và tột cùng độ lượng.
M.B.Â
Chú thích: Thơ minh họa trong toàn bài trích từ: Thu Bồn - Người vắt sữa bầu trời, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1986 và Thu Bồn - Thơ và trường ca, Nxb Đà Nẵng, 2003.