Ngọt bùi với “Chiều nghiêng nắng xế"

01.03.2023
Nguyễn Nhã Tiên

Ngọt bùi với “Chiều nghiêng nắng xế"

Dường như cái quê xứ trong ký ức mỗi con người mới là xứ sở vĩnh cửu mở ra những lối vô tận, có khả năng vượt qua những biến dịch “biển đã xanh dâu”. Nông hay sâu, thưa thớt hay sa mạc, hay bóng dáng tình yêu tỏa che rợp mát trên mọi lối về “quê quán tôi xưa”, là tùy vào giọt máu tuần hoàn trong mỗi trái tim con người. Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu / Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa (Bùi Giáng). Hỏi như thế cũng có thể là nỗi khát khao tạo dựng lại một quê quán siêu hình trên con đường thời gian thăm thẳm.

Bằng nhiều cách thế khác nhau, thi ca - hội họa - âm nhạc… người nghệ sĩ đã thao thức từng bước chân hành hương tìm kiếm lại cái quê nhà đã bị thời gian tước đoạt. Cũng có thể, từ cái chân trời cũ càng ấy, quang ba của bến bờ cổ độ như một thứ lửa âm ỉ trong lòng cõi tro than bất ngờ cháy lên soi rọi từng quá khứ. Tôi đã gặp anh Việt An cùng với cái quê quán “Nội tôi - Một quãng đời” của anh. Vâng, một quãng đời thôi, những trang sách hồi ức của anh thôi, ấy vậy mà vô tận những lối về!

Những trang thơ “Nghiêng nghiêng nắng xế” của anh Việt An, tôi đọc sau tập hồi ký “Nội tôi - Một quãng đời” vừa được phép của Nhà xuất bản Văn học phát hành cách nay vài ba tháng. Và thú thật, cái thế giới rất thực, Việt An đã chép lại từ hồi ức của mình, đã cám dỗ tôi bởi một phong cách vừa hồn nhiên vừa tỉ mẩn đến thực lòng.

Nếu như ở vào tuổi mây bên kia đỉnh dốc, anh Việt An dốc lòng ửng lên cái quầng ráng “Nghiêng nghiêng nắng xế”, để từ bờ bến này đây ngân lên bao cung bậc “Bên dòng sông vắng, tịch liêu / Bờ lau gió kể dặt dìu chuyện xưa” (Bến đò xưa), thì những âm vang như thế hãy còn thưa thớt giữa chập chùng hồi quang “Nội tôi - Một quãng đời”. Nhưng thơ ở đây lung linh trong tâm hồn trong trẻo của anh Việt An, là sự chưng cất nỗi nhớ trên dòng sông lặng im tâm tưởng: “Sông lặng im mà ta cứ chờ mong” (Nhớ sông xưa). Được bao ngọc khoáng trên sông dài hay không, quả thực chẳng ai nói trước được điều gì. Mà tôi tin rằng, phẩm chất nghệ sĩ kiểu Việt An cũng không vì lý do lặn lội tìm ngọc khoáng trên dòng sông dằng dặc đời người kia để hoài vọng một giấc mơ huyền nhiệm nào đó xuất hiện.

Có thể trong văn xuôi của anh, mà cụ thể nhất là tập hồi ký của anh đã xuất bản, ta vô cùng ngạc nhiên, chẳng phải là chuyện lấp lánh văn chương hay hàm lượng triết lý của những ý niệm thăm thẳm về ý nghĩa thời gian, mà là cái tâm thế của anh sáng ngời đến từng tuổi tên con sông ngọn núi. Tìm lại quê hương tuổi thơ từng trải qua bao cuộc non dời bể lấp, chiến tranh - thiên tai - địch họa dằng dặc suốt con đường thế kỷ, chuyện nhớ quên là lẽ thường hằng. Ấy thế mà đối với Việt An, cái chất lửa của tình yêu xứ sở quê hương đã trở thành một thứ ánh sáng huyền nhiệm quang chiếu vào tâm thức để anh thuộc lòng đến từng thước tấc con sông, dòng suối chảy triền miên lặng thầm trong tâm thức. Có vẻ như mỗi từng chi tiết, từ bờ xe nước cho đến ông che đạp mía cũng trở thành một thứ ánh sáng không bao giờ chịu tắt trong tâm hồn của Việt An. Vâng, ta hãy nghe nhà thơ đo đếm từng quá khứ:

“Những bờ xe nước từ 8 đến 10 bánh xe bằng tre, ngày đêm cần mẫn lấy nước sông tưới cho các cánh đồng… Để hình thành một bờ xe nước 9 hoặc 10 bánh, đường bán kính 4 mét, tưới cho 70 hecta phải có 4000 đến 5000 cây tre và vô số dây rừng…, như dòng sông Trà xưa tính từ Nghĩa Lâm về đến ngã tư Ba La có đến 52 bờ xe nước…”. Và rồi lại đến lễ lạt: “Đầu mùa, bờ xe nước còn trắng tinh thì cúng thượng tụ…, xe nước bắt đầu chạy thì cúng lệ, khi nước lên đồng ruộng cúng mừng nước, khi lúa làm đòng cúng cầu bông. Cuối mùa…cúng mừng bông…”. Và rồi cho đến những cái chòi nấu đường, cái ông che đạp mía, tiếp đến là những mùa thu hoạch, Việt An cũng thông thuộc như thuộc lòng những con đường làng dẫn tuổi thơ anh đến trường: “Phần đầu của che trống, mái được đục thành những khớp răng gọi là bông tai… đây là hệ thống răng bắt xoay tròn 3 ông che. Che trống quay ngược chiều kim đồng hồ, hai che mái đều quay theo chiều kim đồng hồ…”.

Vậy đấy, trong cái thế giới quê xưa tưởng đến mồn một cành sương cọng cỏ, thời gian như chưa lấy đi bất cứ một thứ gì. Từ những nhân vật thân yêu máu thịt cho đến bãi chợ sân đình ruộng lúa nương dâu. Từ ấu thơ cho đến tuổi hoa niên đến trường lớp, hoạt động trong các phong trào sinh viên học sinh, rồi bước vào cuộc trường chinh kháng chiến. Tất cả thành cái bể trầm tích của đời người, để có dịp mỗi lần niềm xao xuyến hiện lên là tiếng thơ Việt An bổi hổi phơi mở tiếng lòng:

Thuyền qua lại bến sông xưa

Xin chèo nhè nhẹ buồn đưa vào hồn

(Bến đò xưa)

Thơ Việt An trong “Nghiêng nghiêng nắng xế” là lời kể lể tự tình trước hoàng hôn tuổi tác. Không kể bằng lối văn xuôi tỉ mỉ xuyên qua từng chi tiết tạo dựng lại một quê nhà, giờ đây Việt An kể bằng thơ - một thứ tiếng ngân vọng lên từ ký ức. Ví như cái chuyến đò định mệnh qua sông Trà Khúc, cái dấu vết thương tổn quá lớn của đứa con mất mẹ sẽ mãi mãi là lời kinh buồn nhà thơ viết lên ru mình. Hình như nắng xế cũng là thứ nắng hanh hao luôn đồng hành cùng hồi ức, có thể tự nó đã là thơ gieo một thứ mật ngôn hiệp thông riêng mỗi linh hồn. Với Việt An thì: “Nắng hoe vàng, ngớ ngẩn tưởng chiêm bao” (Nhớ sông xưa), tiếc là anh chưa rót đầy những giọt thơ hình tượng ấy để hòa điệu cùng quang ba trên dòng sông ký ức. Nhưng:

Cây tỏa bóng cũng là nơi bến đợi

Những mối tình năm tháng cứ dần trôi

(Nghiêng nghiêng nắng xế)

Vâng, cái bến đợi ấy có khi là quê chung để đón người về, tiễn người đi. Người về cố quận, muôn trùng ta đi, Huy Cận đã nói thế! Cũng như tôi, có ngày xưa nào ở Quảng Ngãi quê anh Việt An đâu mà con sông Trà Khúc lắm khi cũng chảy vào lòng mình xôn xao tiếng sóng.

Hạo hạo yên ba cổ độ thu (Nguyễn Du). Hóa ra cái bến thu xưa triền miên khói sóng ấy rồi ra có biên giới nào đâu. Đã hư vô trong mọi tâm hồn, đấy là quê nhà vĩnh cửu của mọi hồi ức, của những ai vô ý một lần chiều nào đó bất chợt nhận ra mình nghiêng nghiêng nắng xế!

N.N.T