Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nay
PGS.TS NGUYỄN NGỌC THIỆN
1. Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh được ấp ủ và hoàn thành sau gần chục năm từ 1952 đến 1960, tuy ngắn gọn, nhưng là sự quan sát, rút kinh nghiệm, tổng kết của một tác giả tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, xung quanh quá trình từ viết đến đọc tiểu thuyết.
Trong Lời nói đầu, xác định mục đích viết cuốn sách này, Nhất Linh nhằm vào hai đối tượng: nhà văn viết tiểu thuyết và độc giả đọc tiểu thuyết. Đối với độc giả, tác giả hy vọng cuốn sách sẽ giúp họ "có thêm nhiều thứ thanh cao mà trước kia không được hưởng vì không biết đến”, một khi họ được nâng cao trình độ, thêm sáng suốt và có quan niệm đúng về nghệ thuật. Ông đã dành hẳn một phần của sách, tuy không dài bàn về việc đọc tiểu thuyết.
Theo ông, trong vấn đề đọc sách, phải tôn trọng sở thích cá nhân, ai thích đọc loại văn nào thì đọc loại ấy, đọc để tìm trong sách những điều bổ ích, đem lại sự thích thú, thỏa mãn cao nhất, trước hết là cho mình.
Theo nhận xét cuả Nhất Linh, đọc sách cũng có hai kiểu đọc: đọc thầm lặng, vừa đọc vừa suy nghĩ và đọc thành tiếng, hay nghe người khác đọc. Trong hai cách ấy, ông thiên về cách đọc lặng lẽ vì có như vậy mới có dịp bình tâm "thưởng thức được hết những cái hay, ý nhị, sâu sắc và để hồn phiêu diêu vào một thế giới thanh tao, hoặc để tâm suy nghĩ về những điều đương đọc” [1, tr. 429-430].
Ông nhấn mạnh: Đọc tiểu thuyết là nhằm đi tìm cái thú thanh tao - tức được "thanh lọc”, như chữ dùng của Arixtot trước đây, là được thỏa mãn về tinh thần, hướng về những điều cao đẹp, cao thượng của một con người có văn hóa, có nhân cách, văn minh chứ không phải là kẻ phàm phu tục tử, lúc nào cũng say mê truy tìm những thú vui vật chất tầm thường. "Đọc truyện nào tùy sở thích riêng, nhưng phải luôn luôn cố gắng tìm cái hay của những truyện hay, họ sẽ được hưởng những thú thanh tao, tâm hồn họ sẽ đẹp hơn và họ sẽ là những người văn minh hơn”[1, tr. 431].
Nhất Linh thừa nhận có sự phân hóa do địa vị xuất thân, về lứa tuổi, về sở thích cá nhân của người đọc khi xem tiểu thuyết. Với ông, độc giả là một khối không thuần nhất, tức khả năng tiếp nhận của mỗi người đọc tuy khác nhau, nhưng cái chung là họ đều cần phải tìm đến những cái hay trong truyện để nâng mình lên, làm cho con người mình thanh cao hơn, sống có ý nghĩa, đẹp hơn. Chính loại người đọc này là đối tượng lý tưởng nhất mà nhà văn tâm huyết cần hướng tới. Đồng thời họ cũng thúc đẩy sự phát triển của văn học vì họ luôn luôn đòi hỏi nhà văn nâng cao trình độ nghệ thuật không ngừng.
Quan sát đời sống văn học đương thời, Nhất Linh nhận thấy, trong khi nhà văn Việt Nam không thiếu gì bậc tài năng có thể sánh ngang với các nhà văn ở các nước khác trên thế giới, thì ngược lại, về phía độc giả của ta, nhìn chung trình độ của họ còn thấp kém. Do đó, nhiều khi nhà văn phải hạ thấp tiêu chuẩn, chiều theo trình độ và thị hiếu đó để sách có thể bán đến tay họ được.
Sách đến được với độc giả nhiều khi phải trải qua bao nỗi thăng trầm. Nhà văn cũng không nên vội chán nản khi sách của họ xuất bản ra, nhưng người đọc đương thời không vồ vập tìm đọc. Nếu sách quả là có giá trị thật, thì biết đâu vài ba năm sau, những cái hay, cái đáng quý của nó được phát lộ "như kim cương trong bóng tối lan mọc trong hang đá” đến ngày tỏa rạng ánh sáng long lanh và hương thơm ngào ngạt. Nhất Linh kết luận: "Văn hóa của một nước cao hay thấp không phải ở chính các nhà văn mà chính là ở độc giả” [1, tr. 432]. Nói như vậy không phải là hạ thấp vai trò của chủ thể sáng tạo văn bản tác phẩm; phải chăng ở đây Nhất Linh chỉ có ý đề cao thêm vai trò người đọc, xem họ chứ không phải ai khác là nhân tố quyết định trong việc nhận chân ý nghĩa và giá trị đích thực của văn bản tác phẩm. Người đọc ở đây đóng vai trò là kẻ đồng sáng tạo, tiếp sau sự sáng tạo văn bản mang tiềm năng ý nghĩa của nhà văn, biến văn bản đó trở thành một tác phẩm sống động bởi các tầng vỉa ý nghĩa ẩn dụ nơi tác phẩm như những trầm tích, nay được khám phá, biểu lộ dưới nhiều góc độ tiếp cận với cái nhìn nghệ thuật tinh tường, đa chiều.
2. Cùng khoảng thời gian xuất hiện của Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh ở miền Nam, trên miền Bắc, Nguyễn Đình Thi - cũng là một tác giả tiểu thuyết đã trình bày mấy ý kiến sắc sảo xoay quanh các vấn đề nội dung và nghệ thuật đặc thù của thể tài văn xuôi có vị trí đặc biệt này.
Ông xuất phát từ quan niệm "Cái gốc của tiểu thuyết là ở việc kể chuyện bằng miệng”, tức là trong tiểu thuyết phải xem xét đồng thời cả hai phía người kể chuyện, người viết và người nghe, người đọc. Tiểu thuyết giúp vào việc thực thi giao tiếp giữa con người với con người bằng nghệ thuật kể chuyện được sáng tạo. "Kể chuyện là từ cái đã biết rồi mà làm cho nhận biết thêm những cái chưa biết, những sự vật mới, những tình cảm mới... Bằng cách kể chuyện, con người truyền kinh nghiệm cho nhau, và tìm cách cùng xúc động hòa hợp với nhau một tình cảm chung”.
Cái cốt yếu của nghệ thuật tiểu thuyết, theo Nguyễn Đình Thi, là nhà văn bằng tưởng tượng và ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo nên một thế giới mới làm cho người đọc bị cuốn hút, "như đang chính mình được sống thực với những sự việc con người trong truyện”, "lay động cả trí tuệ và tình cảm của người nghe”.
Tuy nhiên, Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh và cho rằng "Có lẽ cái tác động vào tình cảm ấy là cái chỗ sâu nhất của tiểu thuyết cũng như của các nghệ thuật khác”. Đó là một sứ mệnh hết sức quan trọng của nghệ thuật, nó "nuôi sống tình cảm, và làm cho tình cảm con người luôn luôn mới mẻ, như một bông hoa lúc nào cũng vừa mới nở ra xong, không bao giờ héo” .
Như trên đã nói, nghệ thuật tiểu thuyết là nghệ thuật hai phía, tay đôi. Hai phía ấy không chỉ giữa nhà văn và người đọc, mà còn là ở trong chính nhà văn nữa. Có người đọc vô hình và người đọc thực tế. Nhà văn trong khi viết tiểu thuyết đồng thời cũng là người đọc thực tế - người đọc đầu tiên tác phẩm của anh ta, đọc nhiều lần nữa. "Ngay khi ta lẩm bẩm kể chuyện một mình với ta, thì đó cũng là một công việc tay đôi giữa ta với ta”.
Còn người đọc khác, song song với người đọc - nhà văn, không phải đợi khi sáng tác được viết xong mới xuất hiện, mà đã xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác rồi. Đó là người đọc vô hình, như Nguyễn Đình Thi xác nhận. Họ luôn ám ảnh tâm tư nhà văn, cảnh tỉnh nhà văn, gợi ý nhà văn điều này điều nọ để tác phẩm được xuôi chèo mát mái. Giữa họ và nhà văn là một tình bạn thân thiết, tôn trọng nhau, tin cậy nhau. Nhà văn không thể coi thường, bất chấp người đọc vô hình này, cũng như không thể vì sợ sệt mà lấy lòng, mơn trớn họ. Tóm lại, nhà văn phải giữ được bản lĩnh thực của mình, nhưng phải coi trọng cái mà ngày nay chúng ta gọi là "sự phản biện” của người đọc vô hình, tìm tòi mọi cách để tác phẩm đi đúng theo ý đồ nghệ thuật đặt ra.
Như vậy trong quá trình viết tiểu thuyết, từ lúc bắt đầu đến khi viết xong, bao giờ cũng xuất hiện hai loại người đọc là người đọc thực tế đầu tiên là chính nhà văn và người đọc vô hình do nhà văn tưởng tượng ra. Họ chi phối quá trình viết khiến nhà văn hào hứng, phấn chấn, tay bút trơn tru, hoặc đắn đo, cân nhắc, chăm chút sửa sang bản thảo để được vừa ý.
Nguyễn Đình Thi viết: "Người kể chuyện và người nghe luôn luôn dính líu chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Người viết tiểu thuyết cũng vậy, lúc viết trên trang giấy là kỳ thực đang nói chuyện với bạn đọc của mình. Trước mặt nhà văn luôn luôn có người bạn đọc vô hình, một người bạn tin cậy nhất, thân thiết nhất, hết sức thông minh và đòi hỏi vô cùng nghiêm khắc, nhưng cũng lại biết thông cảm với mình. Có cảm thấy như vậy ngòi bút nhà văn mới viết được với trình độ cao nhất của mình. Nhà văn nào coi thường người đọc vô hình ấy, thấy như người đó là người ở thấp hơn mình, dốt hơn, dại hơn mình, nhà văn nào như vậy thì không thể viết ra được những ý nghĩ và tình cảm chân thật, quý báu nhất mà đáng lẽ mình có thể có. Ngược trở lại, nhà văn nào sợ sệt người bạn đọc vô hình của mình, dùng ngòi bút để chiều nịnh, mơn trớn người bạn đọc ấy, thì cũng đồng thời đã tự xóa bỏ mất những cái tốt đẹp mà đáng lẽ mình có thể đạt tới được” [2, tr. 118-119].
Còn sau khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành, đi vào đời sống xã hội, lúc bấy giờ xuất hiện nhiều hơn những người đọc thực tế, cụ thể, mà ta quen gọi chung là người đọc. Người đọc thực tế ngày hôm nay là đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Họ là những người hàng ngày sống trong thực tế và có trình độ văn hóa, từng trải, có nhận thức nhất định nên đòi hỏi văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng phải "vừa rất thực, vừa có những lý tưởng, những tình cảm lớn”, "có chiều sâu về tư tưởng”, đưa ra "một cách nhìn sâu sắc vào cuộc sống cách mạng mà người ta đã trải qua và đang sống”.
Người đọc tiểu thuyết hôm nay không mong mỏi nhiều ở các nhà viết tiểu thuyết chỉ viết về họ và ca tụng họ một cách dễ dãi, hoặc viết theo kiểu tô điểm vẽ vời, sơ lược, công thức mà không thực, xây dựng nhân vật lý lẽ nhiều, giảng giải nhiều, như thể lên lớp. Họ cũng xa lạ với lối viết theo kiểu câu khách, giật gân, kích thích những thị hiếu tầm thường, thấp kém...
Bao trùm lên trong các ý kiến về người đọc của Nguyễn Đình Thi là ông rất coi trọng người đọc. Theo ông cả người đọc vô hình lẫn người đọc thực tế đều tham gia vào quá trình sáng tạo tiểu thuyết một cách tích cực: trong khi viết cũng như sau khi viết trở thành một ấn phẩm lưu hành trong đời sống xã hội. Chính họ là lực lượng thúc đẩy tiểu thuyết của văn học cách mạng khắc phục sự yếu kém về chất lượng và các căn bệnh thường gặp, để trở nên phong phú hơn, đem lại những giá trị lâu bền và sâu sắc trong lòng người.
3. Ngoài Nhất Linh, ở miền Nam Việt Nam, trong thời kỳ 1954-1975 còn có hai tác giả là nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề người đọc nói chung, người đọc tiểu thuyết nói riêng, đó là Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Văn Trung.
Trong cuốn Nghề viết văn, tác giả tự xuất bản năm 1956 tại Sài Gòn, Nguyễn Hiến Lê đã dành hẳn chương VI để khảo luận về Tâm lý độc giả và chương V về Lời phê bình của độc giả. Ở các đô thị miền Nam do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, nền kinh tế phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa chịu sự tác động nghiệt ngã của quy luật thị trường, tự do cạnh tranh. Đương thời, đặc sắc của ý kiến Nguyễn Hiến Lê là ông nhìn thấy ở sách cũng như tiểu thuyết, chúng là một loại hàng hóa đặc biệt, bị chi phối bởi thị trường.
Người đọc tìm đến sách, tiểu thuyết đã đành là do sở thích cá nhân, trình độ của họ khác nhau nên thị hiếu đọc sách cũng khác nhau, không thể san bằng theo một kiểu được. Vì thế nhà văn, nhà tiểu thuyết, phải nắm được trình độ và sở thích của từng hạng độc giả để sáng tác của mình có thể đến được với họ.
"Mỗi tác phẩm khi đã bày ở trên sách là tìm những độc giả thích hợp với nó: chẳng hạn loại tiểu thuyết là loại tìm độc giả bình dân; khảo cứu tìm hạng trang lứa có học. Nếu chính những độc giả đó phải chê là viết thiếu nghệ thuật hoặc khó hiểu quá thì nhà văn không còn tự bào chữa gì được nữa” [3, tr. 207].
Theo Nguyễn Hiến Lê, trình độ của độc giả chi phối cách viết của nhà văn, nhưng nhà văn cũng phải chủ động nâng cao trình độ của độc giả lên từng bước, từ phổ thông bình dị mà lên dần trên con đường học vấn cao.
Nguyễn Hiến Lê chủ trương lối viết rõ ràng, minh bạch là điều cần chú ý đầu tiên, vì đại đa số trình độ người đọc còn thấp, nếu viết cao xa quá họ đọc mà không hiểu rồi tránh xa, thì viết để làm gì!
Song Nguyễn Hiến Lê cũng đã cho thấy kinh tế thị trường chi phối sách, tiểu thuyết một cách nghiệt ngã như thế nào. Không thể chỉ tính đến việc viết hay, hấp dẫn mà còn phải tính đến giá thành của sách hợp với túi tiền của người mua, việc phát hành phải thuận tiện cho người đọc nữa. Bởi khi đến hiệu sách, mấy ai đã biết ngay được giá trị của nó, mà, chẳng hạn sách lại nêu giá đắt quá, thì người ta khó có can đảm rút tiền trong hầu bao để mua.
Vậy phải làm thế nào trong tình hình đó?
Nguyễn Hiến Lê khẳng định chỉ có một cách duy nhất là nhà văn phải chủ động đến với độc giả, tìm được loại độc giả của riêng mình, không thể tham vọng đáp ứng được mọi loại độc giả. Loại độc giả đó được Nguyễn Hiến Lê gọi là nhóm độc giả trung thành và thông minh. Ông viết: "Được một nhóm độc giả trung thành và thông minh, có lẽ là phần thưởng quý nhất của nhà văn... Nếu nhóm độc giả đó là thanh niên thì trách nhiệm nhà văn khá nặng, phải hướng dẫn cả một thế hệ, nhưng cái vui cũng cao hơn mà công việc cũng dễ kết quả hơn vì bạn trẻ vốn nhiều nhiệt huyết” [3, tr. 210].
Trong việc tìm đến độc giả, nhà văn cần một nhân tố trung gian là nhà xuất bản, nhà sách. Họ sẽ bỏ vốn để in sách và phát hành sách trên cơ sở đã tìm hiểu kỹ nhu cầu của độc giả, xác định số lượng in, thực hiện quảng cáo về sách, để độc giả tuy chưa xem, song đã được biết qua về nội dung sách, từ đó dễ bề lựa chọn và quyết định khi mua.
Nhìn chung, Nguyễn Hiến Lê xem xét sách, tiểu thuyết trong mối quan hệ của nền kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh. Nhà văn và sách phải tìm đến người đọc, hấp dẫn họ, đem đến cho họ niềm tin về ấn phẩm. Giá cả phải chăng, phát hành thuận tiện đến tay độc giả... Và một khi đã tạo thành mối quan hệ gắn bó thân thuộc rồi thì nhà văn sẽ tìm cách nâng cao trình độ của người đọc lên từng bước. Cứ thế, nhà văn và độc giả, sách và người đọc luôn gắn bó với nhau, đồng hành cùng tồn tại trong mối giao tiếp thẩm mĩ hướng tới sự phát triển của tiền đồ văn học đất nước, xây đắp nền tảng tinh thần cao đẹp trong đời sống con người.
Ở chương VI của sách, Nguyễn Hiến Lê còn bàn đến loại độc giả đặc biệt là nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhà phê bình có vị trí quan trọng đối với tác phẩm bởi sự đánh giá của anh ta. So sánh một cách hình ảnh, Nguyễn Hiến Lê ví lời khen của nhà phê bình có thể ví như ngọn gió làm căng cánh buồm của văn nhân, cũng có khi lại là ngọn sóng đánh úp chiếc thuyền ấy.
Vậy nhà phê bình phải như thế nào để công việc của anh ta "có tính chất kiến thiết và ích lợi cho văn học”?
Nguyễn Hiến Lê cho rằng nhà phê bình phải kết hợp hai tư cách: vừa là ngự sử trên văn đàn, vừa là nghệ sĩ học rộng, có công tâm và không thành kiến. Tuy số lượng nhà phê bình như trên thời nào cũng hiếm, nhưng đó luôn là cái đích phấn đấu của những người làm phê bình chân chính.
Nguyễn Hiến Lê phê phán loại phê bình thiếu khách quan, nặng về cảm tính cá nhân, vì tiền, vì lợi ích vật chất mà thiên vị trong khen chê hoặc bày đặt những trò ma giáo, diễn trò để đánh lừa dư luận.
Phê bình chuyên nghiệp có quan hệ đến nhà văn như thế, có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh mệnh của tác phẩm sau khi nó ra đời, có tác động đến người đọc rộng rãi. Vậy thái độ của nhà văn phải như thế nào?
Nguyễn Hiến Lê cho thấy nếu sáng tác nhằm vào người đọc, thì phê bình do nhằm vào tác phẩm mà hướng cả về người sáng tác lẫn người đọc. Phê bình làm cầu nối giữa nhà sáng tác và người đọc. Người sáng tác phải có bản lĩnh cao, phục thiện mà cũng biết khoan hồng trước sự phê bình. Nếu mình có lỗi thì nhận và sửa chữa, nếu không thì cần biết bảo vệ, bênh vực mình và tác phẩm của mình một cách hòa nhã, bình tĩnh, không vì sự ngộ nhận, thiên kiến của nhà phê bình mà phản ứng, nổi đóa lên với những lời lẽ cử chỉ thiếu văn hóa, thiếu lịch sự. Và cái chính là phải biết bình thản, an nhiên tự tại làm việc, giữ được lòng yêu mến của người đọc một cách lâu dài; không vì được khen mà vội mừng, bị chê mà sớm buồn rầu! Thời gian và sự công tâm của công chúng rộng rãi, sẽ là người đánh giá chân xác giá trị tác phẩm của nhà văn, nhà tiểu thuyết. Họ sẽ xóa đi những sự bất công không rõ vì nguyên cớ gì mà nhà văn phải cam hứng chịu một thời gian dài.
Nguyễn Hiến Lê kết luận: "Khi lựa chọn nghề viết văn, bạn đã mặc nhiên ký giao kèo với xã hội, chịu nhận trước mọi sự bất công rồi, không được ân hận gì cả”. Vì vậy, hãy bằng tài năng đích thực thể hiện qua sáng tác, và với bản lĩnh nghệ thuật kiên định của mình lại gây dựng được một lớp người đọc trung thành, gắn bó, thì tương lai và tiền đồ của nhà văn nhất định sẽ được bảo đảm.
4. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Văn Trung trong công trình Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Nam Sơn xuất bản tại Sài Gòn, lần thứ nhất, 1962, lần thứ 2, 1965) cho rằng người đọc, nhà phê bình phải nhìn nhận tác phẩm văn chương, tác phẩm tiểu thuyết là loại công trình xây dựng bằng chất liệu đặc thù là ngôn ngữ văn tự, chữ viết. Nếu không nhìn nhận được như vậy thì nhà phê bình, người đọc chỉ có thể đứng ở bên ngoài tác phẩm mà thôi, không thể đi vào lãnh hội trọn vẹn tác phẩm với tư cách là tác phẩm văn chương được.
Vậy ngôn ngữ, chữ viết đóng vai trò như thế nào trong sáng tác văn chương? Nguyễn Văn Trung viết: "Nhà văn, đã đành chủ đích là nhằm nói lên những hình ảnh cuộc đời nhưng bởi vì những hình ảnh đó là cái gì gắn liền với cái khả xúc (le sensible), và ngôn ngữ gồm những khả năng đặc biệt để gợi cảm, rung động, cho nên cũng có thể nói chủ đích của nhà văn là làm văn. Nói cách khác, ngôn ngữ, chữ viết đóng vai trò quan trọng trong văn chương vì nó xuất hiện ở đây không phải chỉ như một phương tiện diễn tả mà là yếu tố cấu tạo của tác phẩm văn chương. Thế giới của văn chương không phải gồm những sự thực, những chân lý chính xác của suy tưởng hay khoa học, nhưng là thế giới của hình ảnh, của tưởng tượng. Mà ngôn ngữ chính là khả năng đặc biệt để thể hiện lên thế giới đó. Do đó, có thể nói: ngôn ngữ, chữ viết là thế giới của nhà văn. Ông tựa như nhà phù thủy chú ý xếp đặt các chữ thế nào để chúng có thể, thể hiện lên những hình ảnh” [4, tr. 28].
Về bản chất ngôn ngữ văn chương là chất liệu phi vật thể, nhưng lại có khả năng tạo hình trong tưởng tượng và khả xúc, gợi cảm nơi người đọc. Mà tưởng tượng lại là yếu tính của tác phẩm nghệ thuật, như Nguyễn Văn Trung diễn giải: "Yếu tính của tác phẩm nghệ thuật là cái tưởng tượng cái phi thực, cái phi thực không phải là cái thực vì nó xuất hiện như một phủ định cái thực trong tác động tưởng tưởng, nhưng cũng không phải là cái không thực (non-réel) hư vô tuyệt đối” [4, tr. 35].
Nghệ thuật, nói cách khác là thế giới của cái hình như, dường như.
Tiểu thuyết là một nghệ thuật, cốt yếu để đọc. Người đọc khi đọc tiểu thuyết qua những con chữ trong văn bản, không thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy trực tiếp bằng các giác quan như khi xem tranh, nghe nhạc, chiêm ngưỡng một công trình của kiến trúc nghệ thuật, xem biểu diễn sân khấu… Người đọc văn chương, tiểu thuyết phải nhìn bám vào các con chữ trong tác phẩm mà tưởng tượng về cảnh, người, vật được nói đến trong câu chuyện và cảm nghĩ, lãnh hội về nội dung cùng những điều tác giả gửi gắm trong thiên truyện. Đọc truyện phải tuân thủ nguyên tắc về trật tự thời gian của sự miêu tả tuyến tính, trước sau mà nhà văn thực hiện, chứ không phải như khi xem trên sân khấu, cùng một lúc người xem có thể lãnh hội tất cả những gì hiện diện trong tầm mắt. "Trên sân khấu, mắt có thể thấy trong một giây những cái phải đọc trong nhiều phút, nhiều giờ” [4, tr. 27].
Nguyễn Văn Trung cũng lưu ý người đọc tiểu thuyết là không nên ngộ nhận tiểu thuyết với cái thực của đời sống hoặc đòi hỏi sự cầu toàn đối với tác giả. "Tác phẩm không nói lên hết được những điều muốn nói, vì nó cũng là một sáng tạo của ngôn ngữ, của văn tự. Do đó không thể coi tác phẩm chỉ là phản ánh hoàn toàn cả một cuộc đời, một xã hội, một lịch sử hay của bất cứ cái gì là có thực trong thực tế… Cho nên những hàng chữ kia chỉ như là những dấu hiệu, những vết tích của một thực tại đã biến mất của một hiện diện đã trở nên vắng mặt, như thể là vết tích còn để lại của một người đã ra đi…” [4, tr. 62].
Và với cảm quan của triết học hiện sinh, Nguyễn Văn Trung nói về sự cô đơn của tác giả, của người đọc, về vết tích và sự hiện diện, về cái giới hạn của con người, sự vật.
Nhà văn luôn cảm thấy cô đơn và sự bất mãn thường xuyên về tác phẩm của mình, bởi trong thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết, nhà văn không hoàn toàn làm chủ mà bao giờ cũng có một quãng cách giữa cái thực sự nhà văn muốn nói và hình ảnh chỉ thị nó trong tác phẩm. "Một tác phẩm không bao giờ nói lên hết toàn thể một cuộc đời hay mặc khải toàn vẹn một kinh nghiệm sống thực phong phú luôn luôn còn tiếp diễn” [4, tr. 66].
Người đọc cũng vậy, "khi đi vào tác phẩm, cũng tìm thấy một cô đơn tương tự. Đi vào tác phẩm, không phải là bắt gặp được tác giả trong một thông cảm tuyệt hảo, cũng không phải là bắt gặp được kinh nghiệm về cuộc đời thực toàn vẹn, nhưng chỉ là bắt gặp những vết tích làm cho tưởng nhớ tới một hiện diện không còn nữa” [4, tr. 66].
Tiểu thuyết như vậy chỉ là một mảnh vỡ của cuộc đời toàn vẹn được tái hiện lại như một dấu ấn góp vào sự hồi nhớ của độc giả chút ít mà thôi. Mảnh đời để lại qua cảm thụ và sáng tạo của tác giả như một vết tích ấy là có giới hạn trong khuôn khổ của thế giới văn chương, thế giới của tưởng tượng giữa thực tại đời sống không cùng, vô hạn: "tác phẩm văn học cũng chỉ là vết tích của tác giả. Người đọc có thể tự do giải thích tìm hiểu, nhưng vẫn đinh ninh rằng không thể nào lĩnh hội được thực tại của những vết tích, vì vết tích chính là giới hạn của một thế giới, là thế giới văn chương, mà bản chất của giới hạn là không bao giờ vượt khỏi được” [4, tr. 66].
Nhìn chung, ý kiến của Nguyễn Văn Trung đã lưu ý một hướng tiếp cận tác phẩm văn chương, tiểu thuyết từ những đặc trưng riêng của chất liệu biểu hiện và tư duy nghệ thuật tạo hình bằng ngôn ngữ chữ viết; phân biệt đọc tiểu thuyết khác với cảm nhận các tác phẩm của các loại hình nghệ thuật bằng chất liệu vật thể. Hình tượng nghệ thuật mà tác phẩm văn học và tiểu thuyết tạo nên là những hình tượng phi vật thể, khơi dậy sự tưởng tượng mạnh mẽ để cảm nhận của người đọc. Thế giới văn chương của tiểu thuyết là cái phi thực có giới hạn, là một mảnh, một vết tích mà nhà văn để lại giúp cho người đọc có thêm một góc độ cảm nhận lãnh hội về đời sống thực tại vô biên, vô lượng mà thôi.
5. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, ở nước ta đã từng bước hình thành và đặt được những cơ sở lý thuyết chung nền tảng cho một vấn đề bao trùm là vấn đề đọc văn học, hay còn gọi là lý thuyết tiếp nhận, do các nhà lý luận Việt Nam tiếp thu thành quả của lý thuyết hiện đại này từ phương Tây.
Có lẽ người đầu tiên đặt nền tảng của lý thuyết này ở ta là Nguyễn Văn Trung (ở miền Nam) trong cuốn sách biên soạn cho sinh viên Văn khoa Đại học ở Sài Gòn. Đó là cuốn Lược khảo văn học tập I, Nam Sơn xuất bản, 1963. ở chương VI của sách, nhan đề Viết cho ai?, Nguyễn Văn Trung viết: " Tác phẩm như con quay… Nó chỉ thực sự là tác phẩm, trong lúc nó được đọc, được xây dựng lại trong trí óc của độc giả, cũng như con quay chỉ là con quay thực sự trong lúc nó quay. Tác phẩm văn chương thiết yếu đòi hỏi có sự tham dự của độc giả… Độc giả là một yếu tố cấu tạo của tác phẩm, vì nếu không có độc giả, thì không thể có tác phẩm được.Tác giả, tác phẩm, độc giả là một, hay nói cách khác là những yếu tố cấu tạo vũ trụ văn chương” [5 , tr 211-212].
Tiếp sau đó là các nhà lý luận khác: Hoàng Trinh (Ký hiệu nghĩa và phê bình văn học, Nxb. Văn học, 1980); Lê Ngọc Trà (Lý luận văn học, Nxb. Trẻ, 1990); Huỳnh Như Phương (Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ, cùng viết với Nguyễn Văn Hạnh, Nxb. Giáo dục, 1995); Lý luận văn học (nhập môn), Nxb. ĐHQG TP Hồ Chí Minh, 2010), Đỗ Đức Hiểu (Đổi mới phê bình văn học, Nxb. Khoa học xã hội, 1993), Nguyễn Thanh Hùng (Văn học- Tầm nhìn- Biến đổi, Nxb. Văn học,1996; Đọc- Hiểu tác phẩm văn chương trong nhà trường, Nxb. GD, 2008); Trương Đăng Dung (Tác phẩm văn học như là một quá trình, Nxb. Khoa học xã hội, 2004; Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb. Khoa học xã hội, 1998); Phương Lựu (Lý luận văn học- chủ biên, Tập I, Nxb. ĐHSP, 2002; Giáo trình Tiếp nhận văn học, Nxb. Đà Nẵng ,2004); Trần Đình Sử (Giáo trình Lý luận văn học- chủ biên, Tập I, II, Nxb. ĐHSP, 2004-2006; Lý luận văn học – chủ biên, Tập II, Nxb. ĐHSP, 2008)…
Đó là những tiểu luận, chuyên luận, giáo trình lý luận văn học bậc Đại học. Mỗi người ở những góc độ tiếp cận và sự dẫn giải rộng hẹp, nông sâu khác nhau đã gắn việc đọc, sự đọc của người đọc với quan niệm mới về văn bản tác phẩm văn học do nhà văn sáng tạo, dưới góc nhìn của chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học. Chung quy lại, được nhấn mạnh các luận điểm như sau:
* "Xét tác phẩm văn học ở phương diện ký hiệu học với tư cách là một sáng tạo có tính ký hiệu, một phương tiện giao tiếp thì tác phẩm có hai mặt: Cái biểu đạt và Cái được biểu đạt, văn bản và ý nghĩa. Nội dung tác phẩm được mã hóa vào các phương tiện biểu đạt là văn bản ngôn từ và hình tượng văn học, làm thành ý nghĩa của chúng. Người đọc giải mã văn bản ngôn từ và hình tượng để nắm bắt ý nghĩa của tác phẩm. Do đó nội dung tác phẩm được thực hiện và mở ra qua ý nghĩa mà người đọc phát hiện, nội dung tác phẩm chính là tổng hòa mọi ý nghĩa của tác phẩm do hoạt động đọc mở ra”.
- "Trong tiếp nhận, tác phẩm văn học được đọc và cảm nhận theo nhiều hướng khác nhau, có nhầm, có sai, có đúng và phải lựa chọn cách hiểu đúng, tránh ngộ nhận. Văn bản nói chung không thay đổi, nhưng tác phẩm lại thay đổi theo lịch sử, do điều kiện xã hội, văn hóa, tư tưởng khác nhau, tác phẩm được khám phá ở các bình diện khác nhau, tạo thành quá trình của tác phẩm, tạo thành số phận của bản thân tác phẩm. Đối với các tác phẩm có giá trị văn học lớn, ý nghĩa của nó là vô tận” [Trần Đình Sử – Giáo trình lý luận văn học, tập II, tr. 26-27].
Những ý kiến khái quát lý luận nêu trên về sự đọc và người đọc rộng rãi đối với tác phẩm nói chung, cũng có thể xem là thích hợp với việc đọc tiểu thuyết và người đọc tiểu thuyết nói riêng.
6. Bên cạnh các nhà lý luận đưa ra các quan điểm học thuật, có tính hệ thống và khái quát được tập hợp nói trên, các nhà văn sáng tác tiểu thuyết của ta vào đầu thế kỷ XXI, khi tham gia cuộc hội thảo về "Đổi mới tư duy tiểu thuyết” do Hội Nhà văn Việt Nam (tổ chức XI-2002), cũng có những ý kiến tập trung, sâu sắc, xuất phát từ kinh nghiệm sáng tác và sự trải nghiệm viết tiểu thuyết của mỗi người.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì Hội thảo. Hội nghị đã nghe 12 bản tham luận và 6 ý kiến phát biểu của các nhà văn viết tiểu thuyết và nhà lý luận phê bình, nhà quản lý sự nghiệp văn học. Dưới đây là những ý kiến tham luận và phát biểu có khía cạnh bàn về vấn đề đọc và người đọc tiểu thuyết.
Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, nhà tiểu thuyết Ma Văn Kháng trình bày quan niệm về tiểu thuyết trên thế giới và ở ta hiện nay, tình trạng sáng tác tiểu thuyết những năm gần đây của Việt Nam "còn ở trình độ non yếu và trung bình, thiếu độ kết tinh, còn yếu về tính toàn mỹ, thiếu sức hấp dẫn của chất đời và men say của khát vọng”. Theo ông, tiểu thuyết nếu chưa là bạn đồng hành được với bạn đọc thì ít ra cũng phải ngang tầm với họ. Muốn vậy phải tránh đi theo những con đường mòn, dễ dãi, sơ lược trong khi viết; phải tìm tòi "có một cái gì mới lạ, vượt lên, mới mong hấp dẫn được người đọc”.
Người đọc hôm nay có xu hướng không thật mặn mà với sáng tác dựa trên hư cấu đơn thuần như trước đây. Thị hiếu họ đã thay đổi, khát khao được qua đọc tiểu thuyết, tiếp cận tối đa sát sạt với cuộc đời ở dạng nguyên khởi, chất phác, mộc mạc, không trau chuốt, trang trí, tô điểm. Họ tìm đến "tiểu thuyết hướng nội” đi vào khám phá thế giới bên trong phức tạp với những ẩn ức, vô thức không dễ nắm bắt của con người thân phận.
Nhà văn không thể chỉ dừng lại kể lể, săn đón sự kiện mà cần thể hiện mạnh mẽ vai trò của chủ thể sáng tạo, lý giải đời sống từ cái nhìn nghệ thuật riêng độc đáo của mình, cho thấy sự công phu trong lao động nghệ thuật, một tài năng đặc biệt, dấn thân tìm đường riêng, không để mình lẫn vào những người đi trước, mà phải làm khác, thậm chí vượt qua được họ.
Ma Văn Kháng đã đặt ra các yêu cầu mà nhà viết tiểu thuyết cần phải nỗ lực vận động vượt lên, đổi mới tư duy nghệ thuật, thủ pháp kỹ thuật viết, do phía đòi hỏi người đọc ngày nay đã khác trước. Họ đã có điều kiện đọc nhiều tiểu thuyết ưu tú của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt hoặc đọc từ bản gốc của ngôn ngữ nước ngoài, họ so sánh và đòi hỏi tiểu thuyết ta phải vươn lên phong phú hơn, hay hơn, nếu không muốn bị tụt hậu, nghèo nàn [6, tr. 31-34].
Nhà văn Đỗ Chu lo ngại tiểu thuyết viết ra nằm im trên các quầy sách bị người đọc thờ ơ, không đủ dũng khí để đọc, vì biết rằng đó chỉ là những cuốn sách dớ dẩn mạo danh là tiểu thuyết. Tiểu thuyết hay, có giá trị thật sự khiến cho người đọc phải reo lên vì thích thú - đó là ao ước của ông. Theo ông, nhà văn viết tiểu thuyết phải biết xấu hổ, sượng sùng nếu như mình bất lực, lười biếng, tự ru mình, lừa phỉnh mình về sự lạc lõng, buồn tẻ của ngòi bút mình đã không vượt qua được những thách thức để đáp ứng những đòi hỏi mới, chính đáng của người đọc [6, tr. 47].
Tác giả tiểu thuyết Chu Lai nhấn mạnh qua tiểu thuyết, nhà văn phải thể hiện sự nhập thế của văn chương nghệ thuật- đó là yêu cầu chính yếu từ phía người đọc. Họ không mấy để ý "anh đang tuân thủ theo thủ pháp sáng tạo nào đâu”, anh viết thế nào cũng được, "miễn là anh truyền được nỗi niềm xúc động của cõi nhân tình thế thái càng nhiều càng tốt”, để "khi gập sách lại buồn một mình, vui một chút, thậm chí giật mình, tủi phận, lo sợ, rùng mình một chút nhưng sau đó là cái dư vị ngọt ngào của sự tin yêu cuộc đời, yêu tin con người hơn lặng lẽ nhen lên” [6, tr. 79]. Có nghĩa là tiểu thuyết cần phải rốt ráo đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người để con người sống có ý nghĩa, sâu sắc hơn, đúng với bản chất nhân văn, bản chất người của nó trong một thế giới còn bao điều bất như ý, hiểm nguy rình rập.
Hoàng Quốc Hải, cây bút tiểu thuyết lịch sử, thấy rằng tư duy của con người hiện đại đã thay đổi nhiều trên cơ sở cấu trúc xã hội đã đổi thay. Viết tiểu thuyết là đụng đến con người- con người được miêu tả và thể hiện trong tác phẩm; con người là các tầng lớp người đọc. Vì vậy để đáp ứng sự thay đổi của con người- đối tượng và con người- độc giả nói trên, "nhà văn phải đổi mới tư duy của chính nhà văn chứ không phải đổi mới tư duy của tiểu thuyết”. Nói cách khác, theo ông điều chính yếu là đổi mới tư duy sáng tạo hoặc đọc tiểu thuyết, chứ không nên dừng lại loay hoay tranh cãi để độc tôn hay phê phán một kiểu loại tiểu thuyết nào. Nhà viết tiểu thuyết cần có bản lĩnh, tự tin, tự chủ về ngòi bút của mình.
"Vậy đổi mới tư duy tiểu thuyết là nhà văn hãy cứ viết, viết và viết, không lệ thuộc vào hình thức thể hiện, cũng như không lệ thuộc vào sự cho phép hay không cho phép của bất kỳ ai, nếu như ta lấy phương châm Tổ quốc, Dân tộc và Nhà văn làm kim chỉ nam cho ngòi bút” [6, tr. 100].
Ông báo động về sự xuống cấp của văn hóa đọc ở ta, so với các nước ở thế giới, ở Châu Âu chẳng hạn. Trong khi ở nước ngoài mỗi đầu sách, kể cả tiểu thuyết, thường được in ít nhất 3000 bản, còn ở ta mỗi đầu sách tương tự chỉ được in khoảng 500-700 đến 1000 bản. Việc phát hành cũng buông lỏng, sách mới in đầu năm, cuối năm đã bán xôn- trách nhiệm này có phần chủ yếu thuộc về sự quản lý của nhà nước. Ông cho rằng một khi văn hóa đọc, trong đó có đọc tiểu thuyết, văn chương bị suy giảm, thị phần sách văn chương bị co hẹp lại so với phương tiện truyền thông đại chúng khác, sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng nền tảng tinh thần, nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội văn minh, "nếu không muốn nói, đó sẽ là thảm họa tiềm ẩn” [6, tr. 101].
Là người làm công tác biên tập ở một nhà xuất bản ở Thủ đô, nhà thơ Phạm Đức trong tham luận ngắn, nhấn mạnh vế thứ hai của Hội thảo cần được làm rõ là vấn đề "đổi mới tư duy tiếp nhận tiểu thuyết”. Những người làm công tác biên tập xuất bản thuộc vào hàng những người đọc tiểu thuyết từ khi nó còn đang ở dạng bản thảo, chưa được in. Họ có nhiệm vụ thẩm định giá trị và chất lượng của tập bản thảo tiểu thuyết kia. "Đầu đi đuôi lọt”- trách nhiệm thật nặng nề. Phạm Đức bày tỏ lòng kính trọng các nhà văn viết tiểu thuyết phải lao tâm khổ tứ, tâm huyết nhọc lòng vì nó, qua mỗi trang viết. Vì thế những người biên tập cũng cần đổi mới tư duy xem xét thẩm định tiểu thuyết ở dạng bản thảo, để là những bà đỡ, giúp các tiểu thuyết- con đẻ tinh thần của nhà văn- đến được với công chúng rộng rãi, mở rộng chân trời cho sự tiếp nhận nó, bình giá nó.
Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú nhắc nhở các nhà văn cần nhận ra sự phân hóa rõ rệt trong các tầng lớp độc giả. Bên cạnh những độc giả tìm đến những tiểu thuyết hay về nội dung cũng như nghệ thuật, thì rất đáng tiếc vẫn còn không ít những độc giả dễ dãi. Họ tìm đến những cuốn truyện giải trí tầm phào, viết về những mối tình tay ba, tay tư "lê thê dài dòng đến phát ngán”. Thế mà các sách loại đó vẫn bán chạy, nhiều người đọc, trong khi những sách của những cây bút tiểu thuyết có tiếng thì ít người mua, ít người đọc” [6, tr. 155].
Vấn đề ở đây là: sách bán chạy, được nhiều người đọc chưa chắc đã là những sách có giá trị đích thực. Đơn giản loại sách đó phù hợp với thị hiếu của loại người đọc với trình độ và tâm lý, kiến văn như vậy. Thừa nhận sự phân hóa người đọc trong xã hội hiện đại, thị hiếu đa dạng; sự ăn khách của loại tiểu thuyết tầm tầm. Nhưng mặt khác cần hướng tới loại người đọc lý tưởng của tiểu thuyết. ở họ có một trình độ thẩm mỹ cao, sự am hiểu về các đòi hỏi thuộc chất lượng tác phẩm và sự công phu trong lao động viết văn, một sự kinh lịch và từng trải về cuộc đời. Họ sẽ là bạn tri âm tri kỷ của dòng tiểu thuyết đang vươn tới những đỉnh cao của văn học dân tộc, đáp ứng kỳ vọng của người viết tiểu thuyết có tài năng, hết lòng với nghề nghiệp.
Trong kết luận Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định tiểu thuyết ở ta đang ở trong thời điểm vận động để đổi mới với sứ mệnh là một thể loại không thể thay thế trong đời sống văn học hiện đại. Mặc dầu đã có nhiều cố gắng, những thành tựu đã đạt được là cần được ghi nhận, nhưng ta không thể bằng lòng mà cần nỗ lực vươn tới những đỉnh cao với những đổi mới về tư duy nghệ thuật, cách tân về phương thức biểu hiện, hình thức thể loại.
Thuyết phục và làm cho người đọc thích thú khi đọc tiểu thuyết, điều đó là tốt, nhưng chưa đủ. Hữu Thỉnh cho rằng tiểu thuyết phải chinh phục và làm bàng hoàng người đọc. Đó phải là những "tác phẩm hay, có khả năng thay đổi trạng thái tâm lý của người đọc; công phu mà lại làm cho người ta quên công phu, khó nhọc mà lại làm người ta quên khó nhọc, để, chỉ cảm thấy cái lồng lộng của tài năng, cái choáng ngợp trước một kỳ quan” [7, tr. 175].
Ông nhận ra tâm lý người đọc bây giờ đã khác trước, nhịp điệu cuộc sống đã khác trước. Không thể dềnh dàng, phục phịch, đặc quá, tận ngôn "bao cấp” mọi liên tưởng, nghĩ ngợi của người đọc. Phải tạo được những khoảng trống, "đó là đất trống tiếp theo của người tiếp nhận văn chương”. Và phải đa dạng "ngày nay, người đọc muốn tiếp nhận nhiều kênh thông tin, trong cùng một văn bản”. Phải chăng, không chỉ là thông tin thẩm mỹ, mà còn có thể còn là những thông tin có vẻ vặt vãnh, đời thường nhưng lại quan thiết đến con người, góp vào sự tồn tại và tiến triển của nó. Và phải chăng trong sự thông tin, còn bao hàm tính đa phương, đa chiều, không áp đặt mà mở ra sự dân chủ đối thoại, phản biện, thừa nhận quyền sở hữu tư duy?
Văn học cũng như tiểu thuyết không thể đánh mất mình bằng sự dễ dãi với mình, cũng tức là đánh mất người đọc. Nói tóm lại, tiểu thuyết chỉ cần một chữ hay, và vươn tới trở thành những cơ thể sống với vẻ đẹp và sức mạnh thiên phú để người đọc chiêm ngưỡng, khâm phục, nể trọng và chia sẻ [7, tr.178-180].
Cuộc hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết” diễn ra vào đầu thế kỷ XXI ở ta đã tiếp tục xới lên và đào sâu vào những vấn đề bức xúc của thể loại tiểu thuyết đương đại ở ta cũng như trên thế giới. Những ý kiến tham luận và phát biểu của các nhà sáng tác tiểu thuyết, lý luận phê bình và quản lý đã cho thấy sự nhạy cảm của nhà văn chúng ta để đáp ứng yêu cầu mới của người đọc trong thời bình, giữa một thế giới mà các quốc gia muốn tồn tại và phát triển, một mặt phải độc lập, giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình, lại phải hội nhập vào thế giới chung của loài người. Nói như nhà tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu: "Con người vừa dễ hiểu vừa đầy bí ẩn. Chúng ta đào bằng ngòi bút cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồn cơn của con người đất nước mình thì sẽ gặp con người nhân loại, con người Việt Nam sẽ giao hòa với nhân loại.” [8, tr. 121]
N.N.T
(1) Nhiều tác giả - Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến 1945, (Vương Trí Nhàn sưu tầm, biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, 2000, 448 tr.
(2) Nguyễn Đình Thi - Công việc của người viết tiểu thuyết, in lần thứ 2, Nxb. Văn học, 1969, 188 tr.
(3) Nguyễn Hiến Lê - Nghề viết văn, Nguyễn Hiến Lê xb, SG, 1956, 224 tr.
(4) Nguyễn Văn Trung - Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nam Sơn xb, SG, in lần thứ 2, 1965, 232 tr.
(5) Nguyễn Văn Trung - Lược khảo văn học, tập I, Nam Sơn xb, SG, 1963, 242 tr.
(6) Đỗ Đức Hiểu - Thi pháp hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn, 2000, 402 tr.
(7) Nhiều tác giả - Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2002, 324 tr.
(8) Nguyễn Minh Châu - Trang giấy trước đèn (Phê bình, tiểu luận), Nxb. Khoa học Xã hội, 1994, 290 tr.