Tường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHÃ TIÊN)
Nếu có ai đó hỏi rằng: tự bao giờ thơ Tường Linh đã neo đậu vào trí nhớ của tôi, trả lời câu hỏi đó cũng tức là tôi trả lời, cây trái trong vườn nhà mẹ tôi đã biết trèo lên hái ăn tự bao giờ, con sông quê tôi đã biết hò reo ngụp lặn tắm gội tự bao giờ. Có những giá trị tinh thần mà khi soi rọi vào tự nội (immanence), dẫu biết đó là phản ảnh của thế giới, nhưng càng truy tìm càng thấy thăm thẳm bởi năm tháng đã nhận chìm tất cả vào dĩ vãng. Trên những lối về quê xứ ngày mỗi thêm dày khói sương kia, cùng với cái thiên đường hư ảo của tuổi thơ tôi xuất hiện, những triền dâu xanh ngát bãi bờ, cánh đồng mía mênh mông ngọt lịm, con sông chảy về mù khơi chân trời xa vắng…, lắng nghe trong tiếng gió vời vợi man mác thổi qua từng bờ bãi ấy, tôi lại mơ hồ nghe ra tiếng mẹ mình, tiếng chị mình ngân nga thơ Tường Linh: Sông thu chẳng thiếu đò đưa. Bùi khoai Tiên Đỏa, mát dừa Kiến Tân. Quế Sơn núi liếp mấy tầng. Thương bòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My…
Từ độ ấy, tức là từ cái thuở mắt sáng môi hồng tươi rói cỏ non ấy cho đến bây giờ, tôi cầm trong tay cái Tuyển tập thơ Tường Linh vừa mới được NXB Văn học cấp phép xuất bản, thời gian đã già hơn quá nửa thế kỷ. Và có lẽ, cũng bằng ngần ấy thời gian trĩu nặng trong tuyển tập thơ có bề dày hơn 650 trang in này. Vậy là, tôi có thể vịn vào mỗi bài thơ để lần dò từng quá khứ. Ví như lần theo những tên làng tên xóm, những địa danh trong thơ Tường Linh nó không chỉ là tên, là địa chỉ cụ thể của một vùng miền, mà là tiếng ngân có sức vang hưởng lay động thời gian. Và vì thế, quê hương trong thơ Tường Linh còn chất chứa ý niệm quê nhà thời gian. Nó vượt ra ngoài tầm một địa lý, để mỗi khi lần giở thơ thi sĩ ra đọc, tôi mãi suốt đời là thằng bé con chạy rong chơi trong quê hương vô tận của mình.
Nhà thơ Tường Linh thuộc lớp các thi sĩ Đất Quảng xuất hiện trên văn đàn vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chin năm chống Pháp (1945-1954). Những bài thơ: Chị Điện Hòa, Năm cụm núi quê hương… của anh đã được viết vào những năm tháng đó. Thời kỳ này, báo chí trong nước còn thưa thớt, ở miền Trung và vùng đất Quảng còn hiếm hoi hơn, vậy mà thơ Tường Linh người đọc khắp nơi thuộc nằm lòng. Có những câu chuyện kể về thơ anh, hiện thực mười mươi mà nghe cứ ngỡ như là giai thoại. Thời nhà thơ Tường Linh lên đường theo kháng chiến đánh Tây, có lần anh cùng đồng đội trên đường xa công tác. Biết tài thơ Tường Linh, và cũng để quên bớt nỗi nhọc nhằn đường xa, đồng đội thách nhà thơ "ứng khẩu thành thi” góp vui văn nghệ. Yêu cầu được đặt ra là, mỗi câu thơ phải gắn được một địa danh nào đó trên quê hương Quảng Nam, và với điều kiện làm giàu ý nghĩa câu thơ chứ không gượng ép tối nghĩa. Nhà thơ Tường Linh hào hứng nhận lời. Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh như thế, vậy mà mấy chục năm sau, trong khi tác giả của nó quên khuấy chẳng còn nhớ một câu nào, thì bạn cũ của nhà thơ có người còn thuộc lòng, bài thơ ấy đã được chép lại đăng lên báo hẳn hoi. Hóa ra cái bản in trong lòng người thưởng ngoạn thơ có khi còn hơn cả những bản in, bản khắc trên đá.
Đã nhiều lần có dịp đi ngang qua cái làng Trung Phước – quê của nhà thơ Tường Linh. Chẳng có ngày xưa nào của tôi ở xứ sở này, vậy mà mênh mông một nỗi nhớ, vậy là dừng lại, khi thì bến đò lúc trong quán chợ… Cố nhiên cái làng Trung Phước bây giờ la phố xá thị trấn của huyện lị mới Nông Sơn, chứ chả phải cái làng Trung Phước eo óc tiếng gà gáy trưa bên sông như tự thuở nhà thơ còn là cậu bé học trường làng. Tôi đã nhiều lần được hầu chuyện cùng nhà thơ, được nghe anh kể chừng như không dứt về chuyện xưa của làng mình. Hình như cái quê nhà chon von một góc trời dưới chân núi Cà Tan ấy chưa một lần rời xa thi sĩ, mà thường hằng, ẩn đâu đó, khuất đâu đó trong anh, hễ có dịp , ví như gặp bạn đồng hương là lập tức bao chuyện làng ngày xưa tuôn trào. Đã hơn nửa thế kỷ xa quê, tuổi tác nhà thơ cũng đã quá "bát thập”, thế nhưng trí nhớ của anh lại chẳng hoang vu một chút nào. Một trong những chuyện anh kể tối nhớ đời nhớ thuở ấy là chuyện "tờ báo làng” có một không hai, không chỉ vào thời xưa mà cho đến tận cả bây giờ. Đó chỉ là một tờ báo viết thôi, mỗi năm ra một số đúng vào dịp tết, và được treo lên ở đình làng. Ngày nay người cả nước biết đến những tuổi tên như: Giáo sư Hoàng Lý, Giáo sư Hoàng Châu Ký, và các nhà thơ Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh, nhưng ít ai biết rằng tất cả họ đều là những người ra đi từ cái làng quê này. Tờ báo làng mà nhà thơ Tường Linh kể tôi nghe là nơi gieo cấy giấc mộng văn chương đầu tiên của các anh. Thì ra thơ Tường Linh còn cả thời cổ tích đó nữa. Nối liền một đời thơ từ buổi gieo hạt giống ở đầu nguồn cho đến tận cuối bể, liệu cái tuyển tập thơ của anh đã là tất cả "khắc nét đời thơ chiếc bóng gầy” hay chưa, hay chân trời ấy vẫn còn thênh thang một chân trời, như nhà thơ từng nói "gừng càng già càng cay”.
Tôi lại nhớ tới bài thơ "Khúc ca quy ẩn” của anh. Vâng, nhớ chứ không cần phải dò tìm trong tuyển tập mà đọc Rượu rót chờ người không hiện nữa. Bài thơ chiêu niệm ý hao gầy.Gấp cuốn sách dày lại để trí nhớ tôi lạc đường lạc ngõ trên cánh đồng chữ mênh mông của một đời nhà thơ cày cấy gieo trồng. Trong khoảnh khắc đó, chữ vượt thoát chữ, biến thành vô vàn thanh âm bất tận, biến thành những tượng số hướng tới siêu việt. Nghìn câu nguyện ước tan theo mộng. Ráng đỏ mây phai nắng cuối ngày. Hiên vắng ta ngồi đêm nguyệt tận. Mắt buồn người hiện giữa cơn say. Hình như tôi đã đọc đâu đó những bài viết về thơ Tường Linh, có người phong cho anh là nhà thơ kiện tướng viết về quê hương. Nói thế cũng không có gì là nói quá, tất cả đều xuất phát từ lí do hiện thực của những tâm hồn đồng điệu. Nhưng dường như, những bài thơ nào của Tường Linh, đọc xong có cảm giác như ta nghe được những thanh âm của nó văng vẳng nỗi một mình nhất, thì đấy mới là ngọn thi sơn nhà thơ đắp lên Vang mãi dư âm triều hệ lụy. Thơ chào tuyệt tích gởi ai đây? Nhà thơ hỏi hay là anh gởi lời cho vô tận, gởi cho nắng sớm mưa chiều, cho mọi địa chỉ trái tim như lòng thi sĩ suốt đời hoài vọng. Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn. Không gặp ai cả chiếc bóng của mình. Đi tay trắng thì trở về tay trắng. Thơ một đời gởi lại phía bình minh !
N.N.T