Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh

03.11.2011

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh

Tàu không số đầu tiên

Ông già Phan Thắng ( tên Hoàng tộc Triều Nguyễn là Vĩnh Mẫn, chắt nội của vua Hiệp Hòa) năm nay 81 tuổi, ở Huế , là cựu Trưởng ban tuyên giáo của D759 , tức Đoàn tàu không số xưa , gọi tôi đến nhà ông ở Đập Đá, bên bờ Sông Hương chơi, rồi ông say sưa kể cho tôi nghe chuyện về những con tàu không số mấy ngày liền. Ông nói năng minh mẫn, hoạt bát, giọng vang như chuông khánh. Có lần ông bảo , có nhà báo Đức nổi tiếng Hellmut Kapfenberger sang Việt Nam muốn viết về Đoàn tàu không số thời chống Mỹ . Ông ấy nêu mấy câu hỏi nhờ cán bộ lãnh đạo Lữ đoàn 125 Hải Quân ( tức D759) trả lời. Anh em ở Lữ Đoàn 125 mới điện vào tham khảo ý kiến ông Phan Thắng, là người cũ của Đoàn tàu không số , người am hiểu nhất về từng con tàu trên biển. Theo trình tự những câu hỏi của nhà báo Đức, ông Phan Thắng đã kể cho tôi nghe lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông vô cùng hấp dẫn và xúc động.

Một câu hỏi luôn ám ảnh mỗi người dân Việt : Đoàn tàu không số đã bắt đầu như thế nào ? Ai là người đã nghĩ ra con đường vận chuyển vũ khí táo tợn trên tuyến biển khơi ba bốn nghàn cây số suốt 14 năm ròng rất hiệu quả như thế ? Lịch sử ghi rằng : Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ( khóa II) đã ra nghị quyết 15 xác định rõ :” Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân ...”. Muốn khởi nghĩa giành chính quyền thì phải có quân đội, vũ khí, lương thực. Thực hiện Nghị quyết 15, ngày 2/5/1959, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Và ngày 19/5/1959 , "Đoàn quân sự đặc biệt được” thành lập với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn , vận chuyển tiếp tế cho cách mạng miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội vào Nam và từ Nam ra Bắc. Thượng tá Võ Bẩm được bổ nhiệm làm trưởng đoàn kiêm chính ủy. Sau đó "Đoàn quân sự đặc biệt” lấy tên là Đoàn 559.

16 năm hoạt động, hệ thống đường Trường Sơn phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các con đường đất, đá rộng cho ô tô, cho người đi bộ và xe đạp thồ, bãi đỗ xe tải….Đường Trường Sơn đã vận chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào chiến trường, chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt bộ đội vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường…

Còn đường vận chuyển trên biển Đông thì sao ? Đường biển Đông là đường mạo hiểm, là "hải tử”, nhưng lại nhanh hơn và vận tải được nhiều súng đạn hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi "Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những con tàu không số suốt 14 năm thu hút tâm trí của ông. Đó cũng là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ quân sự thiên tài Võ Nguyên Giáp. Sở dĩ Đại tướng dám mở đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên biển vì trong kháng chiến chống Pháp ông đã từng chứng kiến năm 1946, từ cửa sông Hàm Luông, Bến Tre, một chiếc thuyền buồm nhỏ đã nhổ neo vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho miền Nam đánh Pháp. Trong thuyền đó có bà Nguyễn Thị Định . Bà Nguyễn Thị Định sau này thành một nữ tướng của miền Nam đánh Mỹ. Thực tế, trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta đã từng tổ chức những con thuyền vượt biển để chuyên chở vũ khí từ khu 5, miền Bắc, từ Thái Lan, Cămpuchia vào chi viện cho Nam Bộ đánh giặc.

Từ thực tế đó, Đại tướng đã nhận ra lợi thế và hiệu quả của đường biển . Vì thế , tháng 7-1959, Đại tướng , bí thư Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu thành lập tiểu đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang biệt danh "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch , tỉnh Quảng Bình, ngay của Sông Gianh. Đại tướng dặn đi dặn lại :” Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn... . Phải dốc sức chi viện cho miền Nam , nhất là Nam Bộ và Khu 5 cán bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men, để anh em chiến đầu...” . Sau này Đoàn tàu không số gọi là D759, tức lấy tên ngày thành lập đầu tiên tháng 7-1959.

Sau gần nửa năm chuẩn bị, tiểu đoàn 603 đã đóng được bốn chiếc thuyền trọng tải 20 tấn theo kiểu "ghe bầu” Quảng Nam và sắm được 8 vàng lưới .Anh em chiến sĩ toàn người miền Nam tập kết. Có cả những người như anh Huỳnh Ba được điều từ Quảng Nam vượt tuyến Hiền Lương ra Bắc để bổ sung về " Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Anh em phải đi đánh cá để nghi binh và làm quen dần với sóng gió biển khơi.

Chuyến tàu đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa hàng vào đèo Hải Vân lúc 18 giờ 30 Tết Canh Tý gồm 6 thủy thủ do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, xuất phát từ cửa Sông Gianh mang theo 5 tấn vũ khi, thuốc men vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho Khu 5. Tỉnh ủy Quảng Nam cử đồng chí Nguyễn Chơn, lúc đó trưởng ban quân sự tỉnh đi đớn , sau này là Phó Tổng tham mưu trưởng. Chờ đợi cả tháng trời không thấy thuyền đâu. Sau này mới biết, trên đường đi thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, mặc dù anh em hết sức chèo chống, nhưng thuyền bị trôi dạt vào Cù Lao Ré ( Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nhằm giữ bí mật, thuyền trưởng quyết định thả hàng xuống biển để phi tang. 6 thủy thủ trên thuyền bị tàu địch bắt mặc dù giấy tờ hợp lệ .Thế là chuyến vận tài đường biển Bắc-Nam đầu tiên không thành.

Chuyến đi không thành, nhưng qua đó Tổng Quân ủy và Bộ tổng tư lệnh đã rút ra được bài học lớn là không thể dùng thuyền buồm để vận chuyển chi viện cho chiến trường , vì đường đi thì xa, sóng gió bất thường, thuyền chở nặng lại hoàn toàn phụ thuộc vào sức đẩy của gió và khả năng bơi chèo của các thủy thủ , thì chuyến đi khó có thể thành công. Đại tướng Tổng tư lệnh giao cho Bộ Tổng tham mưu tiếp tục nghiên cứu Đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải chi viện chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Trung tướng Trần văn Trà , lúc đó là Phó Tổng tham mưu trưởng được Quân ủy phân công trực tiếp phụ trách việc mở tuyến vận tải chiến lược Bắc- Nam trên biển. Trong lúc chưa có lực lượng để thực hiện đề án của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở Nam Bộ, Trung Bộ chủ động chuẩn bị bến bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra Bắc, vừa nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí về cung cấp cho quân ta đang "đói súng”. Được lời như cởi tấm lòng, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu , Bà Rịa đã tổ chức ngay nhiều đội thuyền đóng giả thuyền đánh cá vượt biển ra Bắc. Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, 5 chiếc thuyền của các tỉnh trên đã ra được miền Bắc, trong đó Bến Tre có 2 thuyền. Toàn bộ 20 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện của 5 thuyền đó được điều về Đoàn 759 và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, vốn ban đầu của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định số 97/QP do thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái ký , thành lập Đoàn 759 đặt dưới sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược theo đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam . Trụ sở của Đoàn 759 đặt tại 83-Lý Nam Đế, Hà Nội. Từ đây, ngày 23/10 trở thành cột mốc lịch sử, là ngày truyền thống thành lập đơn vị Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải Quân. ( Năm nay, Ban bí thư đã quyết định cả nước kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển 1961- 2011 ). Sau hơn một năm chuẩn bị, bí mật đóng mới được 4 con tàu gỗ hai đáy, trọng tải 30 tấn . Và 22 giờ ngày 11 tháng 10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên, gọi là tàu không số, là không số ghi tên mũi tàu, chứ trong sổ sách tàu có ký hiệu "Tàu 41”, được anh em gọi là "Phương Đông 1” . Tàu gồm 13 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy . Có người giải thích sự tích tàu không số là do tảu ta mới đóng xong, không mang biển số, xuất xưởng , anh em mừng quá lái tàu vèo vèo ra biển, gặp công an vũ trang đi tuần, họ nghi là tàu buôn lậu hoặc tàu địch thế là họ đuổi theo, bắn cảnh cáo, tạo nên mấy viết đạn trên đuôi tàu. Từ đó có cái tên "tàu không số”.

Tàu 41 chở hơn 30 tấn hàng hóa rời bến Vạ Sét , Đồ Sơn 10 giờ đêm 11/10/1962, lên đường đi Cà Mau. Sau 9 ngày đến vượt biển, tàu Phương Đông 1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà Mau, trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Ngày 19/10, đồng chí Phạm Thế Bường, bí thư Khu ủy khu 9 đã điện cho Quân ủy Trung ương :” Tàu Lê Văn Một- Bông Văn Dìa đã về đến nơi an toàn...” Tiếp theo Phương Đông 1, Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 lần lượt vượt biển thắng lợi. Đoàn tàu không số đã mưu trí, quả cảm, vượt qua bốn năm ngàn hải lý sóng gió biển khơi, vượt qua sự tuần tra, kiểm soát gắt gao của địch , để vận chuyển cho Miền Nam một khối lượng vũ khí lớn, tạo nên những thắng lợi to lớn của quân dân ta trên chiến trường. Từ năm 1962- 1972 , đã có gần 200 chuyến tàu không số vào Nam, vận chuyển được gần 7000 tấn vũ khí, hàng ngàn lượt cán bộ công tác. Cùng với Lữ đoàn 125, bằng phương thức hoạt động hợp pháp bất ngờ , từ đầu năm 1972 đến cuối năm 1973, Đoàn 371 ( Khu 9) đã cho 37 chuyến tàu ra Bắc, chở 600 tấn vũ khí vào chiến trường Nam Bộ an toàn. Trong chiến dịch Tổng tấn công Mùa Xuân 1975, Đoàn 125 Hải Quân đã vận chuyển 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng , xe bọc thép và pháo lớn cùng 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường. Đặc biệt đã góp phần chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam Tổ Quốc.

Các đoàn tàu không số không chỉ chở vảo cho miền Nam vũ khí, khí tài, đạn dược để chiến đấu, mà còn chở vào hàng vạn cán bộ có chuyên môn cao trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, cơ khí, y tế, văn hóa, văn nghệ..để phát triển vùng giải phòng ; và chở vào rất nhiều chủng loại hàng hóa như điện, đài , kỹ thuật thông tin, dụng cụ tiểu-đại phẫu, cùng y cụ, thuốc men, dược liệu, hóa chất, các loại sách chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, máy chiều phim, các bộ phim truyện, phim tài liệu cách mạng của miền Bắc, Liên Xô, Trung Quốc.v.v..Đúng là những con tàu không số đã vượt ngàn dặm biển khơi, chở cuộc sống vào với nhân dân miền Nam kháng chiến .

Trong quân sự, người ta tính hiệu quả của một trận đánh hay một chiến dịch hành quân bằng hai yếu tố : Thứ nhất thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ đề ra, Thứ hai là số thiệt hại về con người và phương tiện ít nhất . Xét trên hai góc độ đó, Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường hiệu qủa nhất. Tỷ lệ số chuyến tàu đến bến vượt quá những dự ước ban đầu mà những người vạch ra nó tính toán. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một con đường chiến lược thực sự, gây kinh hoàng cho địch.

Theo tài liệu lịch sử lưu tại Bảo tàng Hải Quân Việt Nam, từ tháng 10/1962 cho đến 4/1975, đoàn tàu không số D759 và sau này là Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải Quân đã vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam 16.300 tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn , nhiều loại hàng hóa quân sự ,cùng 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường. Số vũ khí và cán bộ chiến sĩ đó đã từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho cách mạng. Số vũ khí đó đã góp phần quan trọng tạo nên những trận thắng lớn như Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Ấp Bắc, Tổng tiến Công Mậu Thân, đánh bại "chiến tranh đặc biệt” và "Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào đám phán và ký Hiệp định Paris. Rồi cuối cùng là chiến thắng Xuân 1975 "đánh cho Mỹ cút. Đánh cho ngụy nhào”. Có thể nói chiến trường Khu 9 Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Khu 8, Khu 5 mà không có con đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số lừng danh thì không thể có vũ khí để đánh giặc . Con đường vận tải chiến lược ấy trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phát triển. Từ tàu võ gỗ đến tàu vỏ sắt, từ tàu trọng tải 30, 50 tấn đến tàu 100, 200, 500 tấn tốc độ cao, từ đi gần bờ đến đi trên hải phận quốc tế, từ đi bí mật đến đi công khai đều có kết quả.

Hiệu năng của Đường Hồ Chí Minh trên biển còn thể hiện ở chỗ ta tốn rất ít người, tốn rất ít thời gian mà làm được việc lớn . Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyễn Giáp đã tổng kết sau chuyến đi thành công của con tàu không số đầu tiên :”...Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí, trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày với một tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn A trong 5 tháng...” Theo số liệu tổng kết của Lữ đoàn 125, thì trong suốt từ 1962- 1972, 10 năm vận tải vũ khí vào Nam bằng đường biển, ta chỉ có 97 cán bộ , chiến sĩ hy sinh, ba bốn chục chiến sĩ bị địch bắt , sau đó trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973, 9 chuyến tàu và hàng ta tự nổ mìn phá hủy để xóa dấu viết, chỉ 2 tàu bị địch bắt , 100 lượt chuyến phải quay trở lại miền Bắc, vì địch ngăn chặn, không vào bến được, nhưng sau đó lại xuất phát. Qua những con số trên ta thấy thiệt hại của Đoàn tàu không số là rất nhỏ so với những gì mà nó làm được . Tháng 8-1962, Quân Ủy Trung ương họp, sau khi nghe trung tướng Trần Văn Trà, phó tham mưu trưởng báo cáo tóm tắt về công tác mở đường vận tải chiến lược trên biển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi :” Liệu có bảo đảm chắc chắn được 50 phần trăm những chuyến đi không ?”. Đồng chí Trần Văn Trà trả lời :” Đạt 100 phần trăm thì khó chứ 50 phần trăm thì tôi chắc được .”.Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói thêm :” Chỉ cần nửa số chuyến đi vào được bến cũng đã là thắng lợi to rồi ". Nhưng trên thực tế, từ năm 1962- 1973, tàu của D759 đi 168 chuyến ( có 6 chuyến trinh sát, không chở vũ khí); tàu của D371 của Khu 9 đi 31 chuyến. Thế mà chỉ có 9 chuyến tàu phải nổ mìn phá hủy, 2 tàu bị địch bắt, tỷ lệ tổn thất như thế là rất nhỏ. Thật ngoạn mục !

Có được sự tổn thất ít như thế là nhờ công tác đảm bảo bí mật và ý thức trách nhiệm , tinh thần quyết tử của từng chinh trị viên, thuyền trưởng và các thủy thủ trên mỗi con tàu . Mỗi con tàu và hàng chục tấn vũ khí chở trên tàu là một tài sản lớn, giá trị có khi lên đến vài ba triệu đô-la. Nên việc phá hủy tàu chỉ xảy ra khi tàu bị tàu địch bao vây, tấn công, không thể tiếp tục hành trình, để giữ bí mật của con đường. Mỗi con tàu hai đáy khi lên đường đều có gắn một khối bộc phá lớn, từ 500 đến 1500 cân tùy theo trọng tải tàu. Khi điểm hỏa tàu sẽ nổ tan thành khói bụi . Địch không thể xác định được tung tích con tàu. Theo quy định thì thuyền trưởng và chính trị viên là người lãnh đạo, chỉ huy đánh bộc phá phá hủy tàu. Thuyền trưởng chỉ huy chung. , nhân viên hàng hải lái tàu, còn máy trưởng chịu trách nhiệm điểm hỏa. Ba người này phải chịu trách nhiệm thay thế nhau để đánh bộc phá hủy tàu bằng được. Để bạn đọc hiểu thêm về hiệu quả của con đường bí mật trên biển, tôi xin kể về chuyện nổ mìn phá hủy tàu và vũ khí để bạn đọc biết thủy thủ những con tàu không số đã sống chết với con tàu, bảo về sinh mệnh của anh em thủy thủ như thế nào.

Ngày 26/9/1963, chiếc tàu gỗ chở 18 tấn vũ khí từ Đồ Sơn , Hải Phòng vào Bà Rịa do thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy. Qua vĩ tuyền 17 thì bị sóng gió cấp 6, cấp 7. Ai cũng bị say sóng, trừ máy trưởng Năm Sao, chính trị viên Thanh và thủy thủ Thắng Rô. Tàu lắc đến nỗi, anh em nấu ăn phải cho màn vào nồi cháo để cháo đỡ sánh ra ngoài. Nấu 5 tiếng đồng hồ mới chín được nồi cháo.Vào đến bến Sông Ray, Lộc An ( Bà Rịa) thuyền trưởng cử người bơi vào bờ bắt liên lạc cũng không được. Tàu bị mắc cạn. Tình hình hết sức nguy hiểm. Chỉ huy tầu phải thuyết phục bà con ngư dân chuyển hàng giúp . Bà con đồng ý, ghé thuyền đánh cá vào mạn tàu, nhanh chóng chuyển hàng vào bờ. Lúc này địch đang tập trung quân và xe thiết giáp ở đồn Phước Hải để càn quét vùng này. Chỉ huy bến Lộc An yêu cầu khẩn trương hủy tàu để giữ bí mật Chỉ huy tàu hội ý. Có ý kiến cho rằng bến đã có lệnh thì phá , để tàu nằm ở đây ngày mai lộ thì gay. Máy trưởng Nam Sao khóc, bảo rằng :” Đảng, Nhà nước trao cho ta con tàu này. Phá hay không, phá lúc nào là do chúng ta chịu trách nhiệm. Ai sợ thì lên bờ. Tôi xin ở lại quyết sống chết với con tàu !”. Chính trị viên Thanh ra lệnh thuyền trưởng Lê Văn Một dẫn anh em lên bờ sơ tán, còn anh và máy trưởng Nam Sao, thủy thủ trưởng Nguyễn Văn Ngọc ,thợ máy Thôi Văn Nam và bác Ba Nhợ ở lại để hủy tàu khi cần thiết. Anh treo cờ ba que của Sào Gòn lên đỉnh cột buồm , rồi chỉ đạo mọi người gài kíp nổ vào khối bộc phá , vừa canh chừng vừa giả vờ dọn dẹp, vá lưới. 10 giờ sáng, chỉ huy bến cử người ra truyền lệnh hủy tàu :” Nếu để địch lấy được tàu thì các đồng chí hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Nghĩ đến việc hủy tàu, chính trị viên Thanh thấy không cần thiết nhiều người ở lại tàu. Anh quyết định bác Ba Nhỡ và Ngọc vào bờ . Hai người không chịu đi, một mực đòi ở lại cùng nhau sống chết với con tàu. Anh Thành ra lệnh lần thứ hai, hai người mới chịu chấp hành.

Trưa một máy bay AD6 bay tới.. Bác Nam Sao đang vặt lông gà vội bỏ dỡ chạy vào xách can xăng lao xuống hầm máy. Máy bay địch bổ nhào như thế bắn phá con tàu đến nơi. Sau một hồi làm trò "mèo vờn chuột” chúng thấy chiếc tàu không động tĩnh gì nên bỏ đi.. Đặng Văn Thanh mở tủ lấy giấy tờ và khẩu súng ngắn gói vào chiếc khăn rằn trao cho Thôi Văn Nam, dặn:” Đồng chí mang cái này vào bờ. Nếu trường hợp phải phá tàu, chúng tôi hy sinh thì đồng chí báo cáo với Đảng ủy , trưởng Đoàn rằng, chúng tôi đã chấp hành mệnh lệnh của Đoàn giao cho, giữ tàu đến phút cuối cùng, khi không thể giữ nổi mới phá !”. Bác Nam Sao lặng lễ chuẩn bị bữa ăn mà bác cho là rất đặc biệt , có thể đây là bữa cuối cùng để vĩnh biệt nhau, vĩnh biệt con tàu thân yêu. Chính trị viên Thanh nói với bác Nam:” Tôi nhìn vào hướng bờ. Chú nhìn ra hướng biển. Nếu nó sáp vô, tôi giật nụ xòe, chú đổ xăng vào buông máy nghen”. Rồi cảt hai cùng uống rượu và căng thẳng chờ đợi.

Giữa buổi chiều nước lên, tàu nổi dần. Máy trưởng Nam Sao khởi động máy. Chính trị viên Thanh điều khiển tàu ra khởi bãi cạn. 5 giờ chiều, con tàu chạy lẫn vào đoàn thuyền đánh cá, vào bờ bốc nốt số hàng còn lại và đón thuyền trưởng Một và mọi người lên bờ. Anh em ôm nhau trào nước mắt. Chính trị viên Thanh và bác Nam Sao đã nêu một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sự tin tin, quyết đoán, vừa hoàn thành chuyến đi vừa không phải hủy con tàu thân yêu.

Những chuyện yêu tàu như thế rất nhiều trong 14 năm hành trình của đoàn tàu không số.

 

Trong chuyện phá tàu, lại có tấm gương anh hùng của thủy thủ .. Đêm 9-11-1966. Tàu C41 cùng 15 thủy thủ chở 59 tấn vũ khí rời bến K20 vào bến Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tàu do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy. Đức Phổ là bến bãi ngang. Đêm 26/11, tàu vào đúng bến, thả hàng xong , quay ra thì bị mắc cạn. Ngoài khơi có nhiều tàu địch hoạt động. Chỉ huy tàu hội ý quyết dịnh hủy tàu. Mọi người được lệnh rút lên bờ, chỉ thuyền trưởng và máy trưởng Phan Nhạn ở lại châm ngòi nổ bộc phá rồi rút sau. . Nguyên tắc là 30 phút bộc phá sẽ nổ, nhưng chờ quá thờ gian mà bộc phá không nổ, trời lại sắp sáng. Tàu lộ sẽ làm lộ một con đường vận tải chiến lược, tổn thất sẽ lớn hơn nhiều. Nóng ruột quá, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ cùng lao xuống nước bơi trở lại tàu để kiểm tra ngòi nổ và bộc phá. Hai người vừa ra tới tàu thì bộc phá nổ làm rung chuyển mặt biển, phá nát con tàu C41. Hai đồng chí đã anh dũng hy sinh cùng với con tàu thân yêu. 13 chiến sĩ tàu 41 hướng ra biển khóc vĩnh biệt hai người con của khu 5 anh hùng. Anh Lộc quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam, còn Trần Nhợ quê Phù Cát, Bình Định.

Cũng có trường hợp hủy tàu rất thông minh của người chính trị viên đã cứu sống 16 đồng đội. Đó là chuyện con tàu V645 ngày 24-4-1972 mà tôi đã kể đôi chút ở phần "Lòng dân Trời tỏ” ở trên. Con tàu gồm 20 thủy thủ, chở 70 tấn đạn cối và 1 tấn thuốc nổ TNT vào Khu 9. Lúc đến vùng biển cách Phú Quốc 60 hải lý, tàu bị tàu khu trục của địch bao vậy. Chúng bắn xối xả. Tàu ta nổ súng đánh trả. Đã có một số anh em thủy thủ si sinh. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và thuyền trưởng Lê Hà động viên anh em quyết tâm chiến đấu. Một quả đạn địch rơi trúng bánh lái tàu. Thế là tàu cứ chạy vòng tròn. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho thuyền trưởng Lê Hà và tất cả anh em rời khỏi tàu bơi ra xa, để anh vừa điều khiển tàu vừa điểm hỏa phá hủy tàu. Nhìn 16 anh em dìu nhau bơi trên biển, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu lo điểm hỏa tàu nổ khi tàu gần anh em thì nhất định sẽ không còn ai sống sót. Nên anh Hiệu chờ tàu vòng ra vị trí xa anh em nhất mới điểm hỏa. Tàu nổ tan tành, anh Hiệu hy sinh. Còn 16 anh em thủy thủ thì bị tàu địch bắt giam ở nhà lao Phú Quốc. Sau Hiệp định Paris được trao trả. Nguyễn Văn Hiệu quê ở xã Thăng Phương, Thăng Bình, Quảng Nam. Anh có vợ và 4 con. Anh đã 13 lần chỉ huy tàu không số đưa hàng vào miền Nam, chuyến này là chuyến thứ 14. Anh Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước truy tăng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang năm 1970. Tin vui là sau 39 năm anh Hiệu hy sinh , các chiên sĩ Hải quân vùng 5 đã tìm thấy một bộ phận hài cốt của anh trên bãi biển Phú Quốc. Gia đình đã bằng tâm linh và khoa học xác định được đây đúng là hải cốt của anh, đem về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Phòng.

qảiHair

Những cách cứu tàu và phá tàu đầy trách nhiệm như thế làm cho sô thủy thủ trên các đoàn tàu không số hạn chế được hy sinh và số tàu bị phá hủy cũng không lớn. Đó là trách nhiệm và ý chí, đó là nhân cách lớn của những người anh hùng. Đó là nguyên nhân của những huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Xẻ dọc biển đông đi cứu nước. Con đường chiến lược tàu không số trên biển Đông đã ra đời và thành công ngoài mong đợi như thế đấy. Ở trong rừng được tại rạch Xẻo Già, có một con tàu không số đang nằm lại đây từ tháng 2-1967 đến nay, đã 44 năm rồi . Đây là con tàu C69 chở vũ khí từ Bắc vào bến Bồ Đề từ tháng 4-1966. Hàng hóa đến bên an toàn nhưng con tàu bị hỏng chân vịt, sữa chữa đến 9 tháng sau mới rời bến về miền Bắc. Nhưng đi được ra biển 30 hải lý thì bị tàu chiến , máy bay địch chặn đánh, tàu bị cháy, bị hỏng nặng, nhưng vẫn lao vào bến, tiến sâu vào rừng đước âm u Cà Mau. Có thể đây là dấu tích còn lại duy nhất của những con tàu không số. Rồi tàu sẽ bị thời gian làm rỉ rét . Có những con đương không còn ai đi nữa. Có những câu ca không còn ai hát nữa. Biển cả mênh mông đã nhấn chìm tất cả xuống vô cùng...

Nhưng hình ảnh những con tàu không số sẽ tồn tại vĩnh viễn trong tâm trí và lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Huế, Tháng 9 – 2011

N.M

Bài viết khác cùng số

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh Kỉ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930 – 20/10/2011):PHỤ NỮ ĐÀ NẴNG ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGVì những ngày dịu dàng khôn tả ... CHƯƠNG TRÌNH Truyện ngắn của Hạo NguyênRữa (Truyện ngắn Lưu Quang Minh )thơ của PHẠM TẤN DŨNG NGHĨ VỀ PHAN TỨ - BÙI CÔNG MINHGỬI SÔNG YÊN - PHAN MINH MẪNCHÂN TRỜI - TRẦN GIA THÁICHO CON - LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆTThơ của THANH QUẾThơ của NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO Thơ của NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNGThơ của NGUYỄN SỸCHỨCTƯỞNG NHỚ TRINH ĐƯỜNG - NGUYỄN QUÂN MẸ VIỆT NAM TRONG KÝ ỨC - NGUYỄN CÔNG TOẢNBÀI THƠ TỔ QUỐC - LÊ ANH PHONGNHỮNG CA KHÚC VỀ TỔ QUỐC TÔI - NGUYỄN HOA Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nayTường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHà TIÊN)MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNHNGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN Đà MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠONHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VITRẦN QUÝ CÁP QUA ĐÀ NẴNG HOÀI CẢM - CHÂU YẾN LOANKỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)Sâu…ĐINH ANH THƯ - Lớp 8/6 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂNSách mới:Còn mãi với thời gianNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNG