KỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)

03.11.2011

KỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)

MỘT NGHỆ THUẬT GIÀU SỨC SỐNG VÀ ĐẦY TIỀM NĂNG

HỒ HẢI HỌC

Nghệ thuật sân khấu hình thành từ rất sớm ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật sân khấu vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, quê hương, vẫn tràn đầy sức sống.

Quảng Nam, Đà Nẵng được xem là "cái nôi” của nghệ thuật Tuồng độc đáo, giàu tính bác học. Từ nửa sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, vùng đất này đã có những gánh hát tuồng nổi tiếng, nơi sản sinh và nuôi dưỡng một lớp nghệ sĩ xuất chúng, nổi danh trong cả nước như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Văn Phước Khôi vv…, những soạn giả, những nhà nghiên cứu Tuồng như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký vv…Đặc biệt là sự xuất hiện của một nhà hoạt động nghệ tuồng lỗi lạc, đó là ông tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông là một soạn giả với nhiều tác phẩm để đời, người đã có công lớn phát triển nghệ thuật đỉnh cao này, xây dựng rạp hát Tuồng đầu tiên ở An Quán quê ông, góp phần quan trọng đào tạo nên lớp nghệ sĩ tài năng cho bộ môn nghệ thuật này.

Cách mạng Tháng Tám thành công rồi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, hầu hết các nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng trước đó đều tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng. Trong điều kiện khó khăn gian khổ của chiến tranh, . trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết định, năm 1952 Khu ủy Khu 5 giao cho nhà nghiên cứu Hòang Châu Ký đứng ra thành lập Đoàn tuồng Liên Khu 5. Đoàn đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng giải phóng Nam Trung Bộ chào đón nồng nhiệt. Nhiều vở diễn của Đoàn đều lấy đề tài từ cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Đặc biệt vở CHỊ NGỘ của tác giả Nguyễn Lai đã thành công vang dội. Vở diễn đã khắc họa nên hình ảnh bất khuất của người cán bộ cách mạng, đồng thời lên án tội ác của kẻ thù, nêu cao lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc. Diễn ở đâu, cho ai xem, CHỊ NGỘ cũng tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ từ khán giả

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, Đoàn tuồng Liên Khu 5 tập kết ra miền Bắc. Được sự quan tâm, chăm sóc cùa Đảng và Nhà nước, Đoàn đã trưởng thành nhanh chóng.

Đoàn tuồng Liên Khu 5 đã trở thành nơi bảo tồn và phát triển vốn nghệ thuật tuồng truyền thống quý bau, nơi đào tạo nên lớp nghệ sĩ trẻ tài năng và là nơi để các tên tuổi lớn phát huy vốn nghề của mình.

Ở miền Nam Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt. Hoạt động sân khấu phát triển nhanh chóng cùng sự phát triển của cách mạng. Nhận rõ sức mạnh to lớn của văn học-nghệ thuật trong việc giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, giữa lúc Mỹ Diệm ra sức đàn áp cách mạng bằng các chiến dịch "tố cộng”, diệt cộng”, bằng Luật 10-59 thì tại vùng căn cứ huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang) tỉnh Quảng Nam, năm 1960 Đoàn văn công giải phóng miền Tây Quảng Đà được thành lập với mười lăm thành viên ban đầu, trong đó có nhiều con em dân tộc Cơ-tu. Vừa sản xuất để có lương thực, vừa xây dựng chương trình, Đoàn vừa đi biểu diễn tận các bản làng xa xôi, len lỏi đến các vùng giáp ranh sát nách địch. Để kẻ thù không thể hạnh họe dân "đi xem văn nghệ cộng sản”, đoàn phải cử một số diễn viên cõng từng người dân đi xem để hôm sau bà con mình có cái cớ nói với giặc "chúng tôi đâu có muốn đi coi, nhưng cách mạng bắt đi, không chịu đi thì họ cõng”. Kẻ địch biết mà chịu thua.

Sau đồng khởi, vùng giải phóng của hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam ngày càng được mở rộng. Khí thế cách mạng dâng cao.Trước yêu cầu mới của cách mạng, cuối năm 1963, tại căn cứ trên sông A Vương, Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà được thành lập và tháng 9 năm 1964 Đoàn văn công giải phống tỉnh Quảng Nam ra đời. Ba năm sau, năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đoàn tuồng Giải phóng. Xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước là nơi Đoàn khai sinh với vở tuông Trần Bình Trọng. Với phương châm vừa phục vụ vừa củng cố xây dựng, tuy trang thiết bị ban đầu còn hết sức nghèo nàn, các đoàn đã có mặt khắp các vùng giải phóng trong tỉnh và nhiều lần diễn ở ngay ven thị trấn, khu dồn, lôi kéo cả một số lính Sài Gòn lẻn ra xem. Chương trình biểu diễn của các đoàn văn công giải phón ngoài ca múa, tấu còn có các vở diễn sân khấu, nhiều vở được người xem yêu thích phải diễn đi diễn lại nhiều lần như "Đâu có giặc là ta cứ đi” của Nguyễn Vũ, "Đội kịch chim chèo bẻo” của Nguyễn Văn Niêm, "Một mạng người” của Đào Hồng Cẩm, "Ba cha con”, "Bà mẹ Gò Nổi” của Phan Ngạn vv…

Với tinh thần "bám đất, bám dân”, "tay đàn tay súng”, các đoàn văn công luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Có lần nhận chỉ thị phải về tham gia phát động quần chúng ở xã Điện Thắng nằm trong vùng kiểm soát của địch, nhưng không thể nào vượt đường số 1 vì lính Mỹ càn quét nằm dày đặc trên đường. Bằng mọi giá phải đến nơi đúng hẹn. Chỉ còn cách phải cải trang thành những người nông dân địa phương để che mắt địch. Và thế là đi trot lọt, nhưng đến người cuối cùng, diễn viên Tuấn Linh, thì tụi Mỹ phát hiện. Nhanh như chớp anh xô tên lính Mỹ ngã ngửa, quăng cái dù đen, bứt bộ râu giả rồi nhanh chân chạy thoát. Đêm đó tiếng hát lời ca của Đoàn đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào đứng lên diệt ác, phá kèm…

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, trên đường đi biểu diễn nhiều anh chị em đã hy sinh, bị thương tật, bị địch bắt, nhưng tất cả đều không hề nao núng. Diễn viên Phan Thị Minh Tuyết bị bắt năm 1968, khi địch đưa vào trại giam Phú Tài (Quy Nhơn) đã cùng với chị Hồng Ân, diễn viên đoàn văn công Liên khu 5 lập đội văn nghệ trong nhà tù, biểu diễn động viên chị em bị giam giữ giữ vững khí tiết. Cho đến ngày được trao trả năm 1973, đội văn nghệ vẫn cất giữ được trang phục, đạo cụ, mang theo ra vùng giải phóng, diễn phục vụ cho bà Nguyễn Thị Định, tướng Trần Văn Trà cùng đồng bào Lộc Ninh, nơi trao trả tù binh.

.Ngày 24 tháng giêng năm 1968, Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà gánh chịu một tổn thất nặng nề. Trong khi đang khẩn trương tập luyện tại xã Điện Hồng, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, để chuẩn bị phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân thì một loạt bom tọa độ ném trúng ngay đội hình. Mười ba cán bộ, diễn viên hy sinh, trong đó có nhạc sĩ Văn Cận, người con của Đà Nẵng vừa từ miền Bắc trở về. Mười lăm anh chị em khác bị thương. Nén đau thương, thay vai, xốc lại đội hình, chỉ một tuần sau, khi cuộc tổng tấn công lịch sử sắp bắt đầu, Đoàn đẫ lên đường đi phục vụ chiến trường.

Trong những năm chiến tranh, đã có ba mươi mốt cán bộ diễn viên của Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà, mười báy cán bộ diễn viên của Đoàn văn công giải phóng Quảng Nam và sáu cán bộ, diễn viên Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam đã anh dũng hy sinh.

Ở thành phố Đà Nẵng sào huyệt của kẻ thù, có thể hói rằng trong cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thanh niên, học sinh, ca hát và diễn kịch đã trở thành một vũ khí sắc bén.

Kịch "Trưng Vương” diễn ở trường Bồ Đề năm 1968. Trường ca "Trang sử mới” của Phạm Thế Mỹ phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, ngợi ca tương lai của đất nước. Năm 1971 vở "Tiếng gọi Lam Sơn” của Trần Quang Long với sự tham gia của gần bốn mươi diễn viên là học sinh của nhiều trường trong thành phố, được tổ chức công diễn hai đêm liền tại sân chùa Tỉnh giáo hội. Đây là hoạt động sân khấu lớn, tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong quần chúng, làm cho kẻ địch hết sức bối rối mà không thể đàn áp được. Cùng với phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe”, "Những đêm không ngủ”, các hoạt động sân khấu lúc bấy giờ đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung vì độc lập, tự do, vì dân simh, dân chủ.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975 quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng mở ra những thời cơ mới, thuận lợi mới cho văn học-nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu phát triển. Trong những năm đầu sau giải phóng, Đà Nẵng có đến sáu đoàn nghệ thuật sân khấu. Đó là đoàn ca kịch bài chòi do hai đoàn văn công giải phóng Quảng Đà và Quảng Nam hợp nhất mà thành sau khi hai tỉnh sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đoàn nghệ thuật tuồng Trung Trung Bộ mà tiền thân của nó là Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam, được bàn giao cho Tỉnh. Đoàn tuồng Phương Nam do một số nghệ sĩ tuồng ở Đà Nẵng bỏ nghề từ lâu dưới chế độ cũ, nay mừng giải phóng, tập hợp nhau lại mà thành. Sau một thời gian hoạt động, đoàn Phương Nam sáp nhập cùng đoàn tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng, bổ sung cho đoàn một số nghệ sĩ có tài năng. Ba đoàn cải lương tư nhân từ phía Nam ra đang diễn kiếm sống ở Đà Nẵng thi giải phóng. Cả bầu đoàn thê tử trên 200 người quyết định ở lại Đà Nẵng không trở về Nam. Đó là các đoàn Lý Hương Thu, Bảo Toàn và Túy Nguyệt. Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là nhanh chóng xây dựng các đoàn nhà nước vững mạnh, đồng thời tiến hành cải tạo, sắp xếp lại các đoàn tư nhân, hướng cho họ dần dần đi vào sân khấu cách mạng, có ý thức đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân.

Bên cạnh lớp diễn viên từng lăn lộn trong kháng chiến, một đội ngũ diễn viên mới được tuyển chọn và đào tạo, bổ sung cho các đoàn. Nhiều tác giả có tên tuổi đã được mời về địa phương sáng tác Như Lưu Quang Vũ, Hoàng Yến, Hồng Phi, Thiết Vũ, Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Khắc Phục…, nhiều đạo diễn nổi tiếng trong cả nước như Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Anh Thắng, Phạm Thị Thành… đã tham gia dàn dựng tiết mục cho các đoàn cùng với các tác giả, đạo diễn ở địa phương từng nhiều năm gắn bó với các đoàn như Liên Nguyễn, Hồ Hải Học, Nguyễn Quang Kháng, Cao Đình Liên, Trần Thanh Việt… Phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong những tác động quan trọng giúp các đoàn trưởng thành nhanh chóng về mặt nghệ thuật. Đặc biệt, các nghệ sĩ tuồng bậc thầy Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi cùng các nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Bằng tập kết ra miền Bắc năm nào nay đã về lại quê hương, chung tay góp sức dạy bảo, truyền nghề cho lớp trẻ, phục hồi và bảo tồn vốn tuồng cổ quý giá. Ban nghiên cứu Tuồng được thành lập. Hai hội thảo khoa học cấp quốc gia về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh đã đánh giá khá toàn diện những đóng góp to lớn của ông và tôn vinh ông là nhà hoạt động Tuồng lỗi lạc. Nhiều cong trình nghiên cứu về sân khấu dân tộc đã được xuất bản.

Đối với ba đoàn cải lương tư nhân chúng ta tiến hành cải tạo với nhiều bước đi thích hợp, đạt hiệu quả tốt. Từ ba đoàn chúng ta đã chọn lọc, sắp xếp thành hai đoàn, Đoàn cải lương Sông Hàn 1 và Đoàn cải lương Sông Hàn 2. Bầu chủ, diễn viên được học tập chính trị, chuyên môn, xác định rõ trách nhiệm phục vụ xã hội của người nghệ sĩ. Tháng 6 năm 1978 hai đoàn đươc sáp nhập thành Đoàn cải lương tập thể Sông Hàn. Chương trình kịch mục với nhiều vở mới mới, diễn viên được nâng cao chất lượng nghệ thuật, diễn nghiêm túc, có nghề, chuyện diễn cương kiểu như Thạch Sanh trừng trị Lý Thông bằng cách "cho đi kinh tế mới” đã thành nếp từ lâu nay đã dần được khắc phục. Đoàn đã được công chúng trong cả nước đón nhận nồng nhiệt. Bình quân mỗi năm Đoàn diễn hơn ba trăm buổi, có năm đến bốn trăm buổi. Do đó đời sống của diễn viên được cải thiện rõ rệt, từ làm thuê bị bầu chủ bóc lột họ đã thành người làm chủ thật sự. Năm 1979, đoàn dựng vở "Gió và bụi” của tác giả Hoàng Yễn. "Gió và bụi” viết về những thanh niên Đà Nẵng một thời lầm lỡ đã tự khảng định mình trong lao động trên công trường đại thủy nông Phú Ninh. Ở đó họ đã tìm lại được giá trị của con người, tìm thấy tình yêu và hạnh phúc. Có thể nói số phận của họ cũng chính là số phận của anh chị em nghệ sĩ của đoàn đã lột xác và không ngừng trưởng thành trong lao động nghệ thuật.

Đoàn nghệ thuật cải lương Sông Hàn được cả nước xem là thành quả tiêu biểu, đầy sức thuyết phục của chính sách cải tạo nghệ thuật đầy tính nhân văn của Nhà nước.

Công cuộc lao động xây dựng quê hương ngày càng khẩn trương sôi động, đòi hỏi phải kịp thời ngợi ca những con ngời mới, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhất là lớp trẻ. Làm tốt việc này là thế mạnh của nghệ thuật kịch nói. Chính vì thế, năm 1982 Đoàn kịch nói Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập sau một năm chuẩn bị khẩn trương. Đoàn đã nhanh chóng vừa biểu diễn vừa xây dựng được một dàn kịch mục khá phong phú. Đoàn đã đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong nước cũng như tham gia các hội diễn toàn quốc. Băn khoăn tiếng Quảng Nam có diễn được kịch nói hay không đã có câu trả lời từ phía khán giả…

Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Quảng Nam-Đà Nẵng. Bốn đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp có mặt ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương và các tỉnh bạn liên tục đến biểu diễn. Người xem Đà Nẵng được các đơn vị nghệ thuật đánh giá là những khán giả lý tưởng, nhất là đối với bộ môn kịch nói.

Cuối những năm 80 khi đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, xuất hiện những quan niệm lệch lạc về việc xóa bao cấp trong nghệ thuật, tài trợ của nhà nước cho các đoàn cũng như biên chế bị cắt giảm mạnh, khán giả trở nên ít mặn mà với sân khấu…Đây là thời kỳ hết sức khó khăn đối với hoạt động sân khấu, đặc biệt là sân khấu dân tộc. Có đoàn cả năm chỉ diễn được chục buổi. Diễn viên phải làm đủ nghề để kiếm sống, kể cả làm tiều phu lên Sơn Chà kiếm củi về bán. Diễn tuồng phải kèm theo ca nhạc, thậm chí có cả nhảy đầm may ra mới có khán giả.

Theo chủ trương của Bộ văn hóa-thông tin lúc bây giờ các địa phương chỉ giữ lại các đoàn sân khấu dân tộc được nhà nước tài trợ, còn các đơn vị khác phải tự nuôi sống mình, lấy thu bù chi. Do kinh phí eo hẹp, biên chế bị cắt giảm mạnh nên năm 1992 chúng ta phải giải thể đoàn kịch nói, đồng thời đưa đoàn cải lương tập thể Sông Hàn quay trở lại hình thức dân doanh. Không thể tự nuôi sống mình được, một thời gian sau đoàn tan rã. Tuy nhiên trong bức tranh đen tối đó cũng ngời lên một điểm sáng. Theo đề nghị của Sở văn hóa-thông tin năm 1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã quyết định thành lập Nhà hát tuồng với nòng cốt là đoàn nghệ thuật tuồng. Đây là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện để bảo tồn vốn nghệ thuật quý báu, đào tạo, bồi dưỡng lớp nghệ sĩ kế cận, tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng đến với khan giả, nhất là với lớp trẻ.

Năm 1997 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đoàn dân ca kịch được chuyển về cho tỉnh Quảng Nam. Như vậy từ năm 1997 đến nay Đà Nẵng chỉ còn một đơn vị nghệ thuật sân khấu là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Vượt qua giai đoạn khó khăn, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo Thành phố, Nhà hát đã phát triển không ngừng, trở thành một đơn vị nghệ thuật sân khấu dân tộc mạnh của cả nước. Nhà hát đã có nơi biểu diễn riêng khá khang trang ở ngay trung tâm thành phố. Nhà hát đã khai thác và lưu giữ được vốn tuồng cổ đồ sộ và đặc sắc cũng như dàn dựng được một số vở mới có chất lượng. Nhà hát có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố, ở nước ngoài và gần đây đã thường xuyên đỏ đèn phục vụ khách du lịch. Người xem tuồng đã ngày càng đông hơn. Nghệ thuật Tuồng đến được với các em học sinh thông qua chương trình "sân khấu học đường”. Lớp diễn viên trẻ được đào tạo thông qua các lớp trung cấp, cao đẳng ngày càng theo kịp lớp đàn anh, đàn chị, nhiều em rất có triển vọng. Tham gia các hội diễn nghệ thuật sân khấu dân tộc, Nhà hát đã giành được nhiều giải thưởng cao. Tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Nhà hát đã gặt hái được thành công vang dội, dẫn đầu các đơn vị tham gia.

Trong cả quá trình hoạt động, chuyên ngành sân khấu đã có năm người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Đó là các lão nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm và nghệ sĩ Trần Đình Sanh. Mười sáu người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Nhà soạn tuông Tống Phước Phổ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu, giáo sư Hoàng Châu Ký được Giải thường Nhà nước về văn học-nghệ thuậ

Những thành quả phát triển nghệ thuật sân khấu của Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây cũng như của thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây là rất đáng tự hào. Sự cống hiến, hy sinh của những người hoạt động sân khấu xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.

Thành phố Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại. Nhu cầu văn hóa, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân ngày càng cao. Rõ ràng hoạt động sân khấu hiện nay còn lâu mới theo kịp những yêu cầu chính đáng đó của xã hội. Nhưng tiềm năng của sân khấu Đà Nẵng còn rất lớn, bề dày truyền thống vẫn là một thế mạnh. Chỉ cần có chủ trương đúng đắn và sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức của lãnh đạo, nhất định sân khấu sẽ có những bước phát triển mới cùng với sự đi lên mạnh mẽ của Thành phố thân yêu.

H.H.H

Bài viết khác cùng số

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh Kỉ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930 – 20/10/2011):PHỤ NỮ ĐÀ NẴNG ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGVì những ngày dịu dàng khôn tả ... CHƯƠNG TRÌNH Truyện ngắn của Hạo NguyênRữa (Truyện ngắn Lưu Quang Minh )thơ của PHẠM TẤN DŨNG NGHĨ VỀ PHAN TỨ - BÙI CÔNG MINHGỬI SÔNG YÊN - PHAN MINH MẪNCHÂN TRỜI - TRẦN GIA THÁICHO CON - LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆTThơ của THANH QUẾThơ của NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO Thơ của NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNGThơ của NGUYỄN SỸCHỨCTƯỞNG NHỚ TRINH ĐƯỜNG - NGUYỄN QUÂN MẸ VIỆT NAM TRONG KÝ ỨC - NGUYỄN CÔNG TOẢNBÀI THƠ TỔ QUỐC - LÊ ANH PHONGNHỮNG CA KHÚC VỀ TỔ QUỐC TÔI - NGUYỄN HOA Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nayTường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHà TIÊN)MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNHNGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN Đà MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠONHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VITRẦN QUÝ CÁP QUA ĐÀ NẴNG HOÀI CẢM - CHÂU YẾN LOANKỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)Sâu…ĐINH ANH THƯ - Lớp 8/6 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂNSách mới:Còn mãi với thời gianNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNG