MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNH

03.11.2011

MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNH

Thuộc lớp nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ và thực sự nổi bật sau 1975, không kể Khê mama (2004) và Minh sư (2010) mới ra đời gần đây, trước đó, nhà văn Thái Bá Lợi đã được bạn đọc biết đến với những sáng tác viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh như Vùng chân Hòn Tàu (Tập truyện; 1978); Đội hành quyết (Tập truyện; 1996); Thung lũng thử thách (1978); Họ cùng thời với những ai (1980); Bán đảo (1983); Còn lại với thời gian (1986); Trùng tu (2003). Cùng với cách tái tạo mới chân thực về cuộc chiến đã qua và những dự cảm rất sớm về sự "khác đi” trong các quan hệ con người từ hoàn cảnh chiến trường sang hoàn cảnh hậu phương, từ thời chiến sang thời bình”(1), cùng với sức hấp dẫn của thế giới hình tượng nhân vật hiện lên từ ký ức, điều làm nên thành công của trong sáng tác của Thái Bá Lợi còn là ở nghệ thuật sử dụng chất liệu ngôn ngữ và giọng điệu.

*

* *

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, nhà văn dùng ngôn từ để biểu hiện đời sống và tâm hồn con người. Cùng sử dụng chung vốn ngôn ngữ của dân tộc, nhưng những nhà văn thực sự có cá tính sáng tạo bao giờ họ cũng tạo được cho mình một thế giới ngôn từ mang sắc thái riêng. Thái Bá Lợi có lẽ cũng vậy.

Trong Bán đảo, tác giả đã để cho nhân vật Hải gọi tên và đối thoại với chính mình: "Ông Lợi này, tôi có đọc một hai truyện của ông. Văn chương thì chưa bàn làm gì nhưng tôi cứ gọi ông là ông Lợi như ngày xưa chứ không phải Thái Bá Lợi như các ông văn nghệ sĩ vẫn thường gọi nhau. Việc gì mà dài dòng thế phải không ông? Các tác giả thực sự chắc họ giản dị lắm"(2).

Phải chăng đây cũng chính là cách phát biểu trực tiếp một quan niệm sáng tác của Thái Bá Lợi. Và giản dị, chân chất cũng là nét nổi bật trong ngôn ngữ sáng tạo của nhà văn.

Cùng với lớp từ vựng thông dụng, Thái Bá Lợi thường đưa vào tác phẩm của mình nhiều từ mang sắc thái địa phương, tưởng chừng như nhà văn không hề áp đặt mà để nhân vật tự nói lên bằng ngôn ngữ của riêng mình. Xuất hiện nhiều trong văn ông là từ ngữ địa phương của các vùng quê miền Trung, nơi ông đã từng sống và gắn bó suốt thời cầm súng. Thử thống kê lớp từ vựng này hiện lên trong các tác phẩm của ông cũng thấy được điều đó:

Tên tác

phẩm

Từ ngữ

Vùng chân Hòn Tàu

Quê hương

Đêm trong rừng quế

Lãng quên Đại Phước

Hai người trở

lại trung đoàn

Bán đảo

Còn lại với thời gian

Họ cùng thời

với những ai

Thung lũng

thử thách

Đội hành quyết

Trùng tu

Khê ma ma

Minh sư

Ni

1

7

4

3

5

Ri

1

Rứa

1

1

2

3

Răng

1

5

3

2

2

1

6

8

Tau /Mi

5

38

4

4

3

Tui

13

11

3

11

14

4

Tụi

1

29

1

51

9

Bả

4

3

Mạ

Ảnh

1

1

Qua

8

8

Tổ cha

(thằng cha)

1

1

2

5

Ngộ thiệt

1

Dị

3

1

Chừ

2

8

15

1

Hỉ

2

2

Hung

1

Ngoải

1

Hèn chi

1

1

1

Chính lớp từ vựng này đã tạo nên cái "duyên" riêng trong văn phong Thái Bá Lợi. Khó tìm thấy trong sáng tác của ông những ngôn ngữ đưa đẩy, bóng gió, mà chủ yếu là "nghĩ gì nói nấy" như người dân miền Trung mà vẫn không kém phần gợi tả, gợi cảm.

Trong Họ cùng thời với những ai, các cô gái nói chuyện với một ông già bằng chất giọng Vĩnh Linh, Quảng Trị: "Bữa ni hắn bắn 175 ra nhiều quá bác ơi! Tổ cha răng mà hắn bắn lắm đạn rứa”(3). Trong Trùng tu, ngôn ngữ Mai đối thoại với nhân vật "tôi" là ngôn ngữ chất giọng Huế:

"- Có chuyến nào cô chở đạn cối không?

- Cũng có một chuyến. Mấy anh có súng cối hỉ?

- Ai nói cho cô biết?

- Mạ em. Hèn chi. Nhưng chuyến ấy em phải thả dây"(4).

Trong Minh sư, cách xưng hô bằng "qua” của người Quảng Nam được sử dụng rất nhiều lần: "- Không lẽ lúc nào cũng giỡn. Em cứ đi làm việc của mình, còn chuyện của qua, qua tự lo được”(5); "- Bây giờ già rồi, qua hiểu con người muốn thông cảm với nhau không phải là dễ”(6); "- Có chớ. Sợ chi mà không kể. Chị Lộc thì tròn trịa hơn, còn qua thì nhiêu khê hết chỗ nói”(7)

Cách dùng từ địa phương đúng chỗ như vậy không chỉ làm nổi rõ hơn tính cách nhân vật ở mỗi vùng quê, mà còn tạo nên được không khí gần gũi thân mật, ngay chính nhân vật trong tác phẩm và cả người đọc cũng cảm nhận được: "Trong giọng nói, trong hơi thở … đôi khi chỉ thoáng qua thôi”… mà vẫn "toát lên sự gần gũi bất ngờ"(8).

Tưởng như không có gì phải thiếu tự nhiên khi sử dụng ngôn từ, nhưng thực ra Thái Bá Lợi đã rất có ý thức chọn lọc. Người đọc khó tìm thấy trong văn ông những từ dung tục, trần trụi, tầm thường, ông chỉ cốt làm sao nói lên được bằng chất giọng của ngôn ngữ quần chúng trong sáng, mộc mạc. Cũng có lúc sử dụng lối nói thân mật suồng sã nhưng chỉ để làm tăng thêm tính chân thực và sinh động cho câu chuyện. Điều này thể hiện ở lối xưng hô "mày”, "tao” trong Trùng tu, hay những câu hỏi thăm nói chuyện rất gần gũi của vị thủ trưởng đối với cấp dưới. Trong Họ cùng thời với những ai, "Ông bạn già - tư lệnh gọi Đặng Văn Diên: Ở đây ăn cơm với bọn tớ(9). Phạm Phú Phong cho rằng, trong Vùng chân Hòn Tàu, ngôn ngữ thật thà đến thô mộc. Chúng tôi hiểu sự thô mộc ở đây không phải do Thái Bá Lợi non tay mà do "tạng” văn của ông. Thái Bá Lợi vốn là người viết kĩ, viết cân nhắc, chọn lọc, tôn trọng bạn đọc nên sự "thô mộc” đó cũng là một cách chọn lựa. Đó chính là chất của những người dân vùng núi, vùng quê Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng sống trong văn ông. Chẳng hạn, đoạn văn ghi lại các cuộc đối thoại của hai nhân vật trong Vùng chân Hòn Tàu, chúng ta có cảm giác tác giả chỉ như người thư kí trung thành ghi lại một cách chính xác vậy. Chính ngôn ngữ thật thà, thô mộc này đã giúp Thái Bá Lợi thể hiện một cách tự nhiên cuộc sống và chiến đấu của những người lính, của nhân dân vùng này như nó vốn có, làm tăng giá trị chân thực đáng quý của cuộc sống và văn học.

*

Mặt khác, sự thay đổi điểm nhìn trần thuật đã tạo nên vẻ đẹp ngôn ngữ giàu chất hồi ức và ngẫm ngợi trong văn Thái Bá Lợi. Ngay nhan đề một số tác phẩm của ông cũng đã tạo ra một không gian mở, có sức gợi đa thanh cho người đọc sự cùng suy nghiệm: Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Còn lại với thời gian, Trùng tu, Khê mama, Minh sư,...

Thung lũng thử thách có bóng dáng một lời tự bạch của con người trong cuộc. Chiến tranh khốc liệt, số phận của những người lính trên trận chiến nằm trong tay của người chỉ huy. Một chút định hướng sai lầm sẽ dẫn đến thất bại. Một chút sơ sẩy, người chỉ huy có thể "nướng" cả đoàn quân. Lời trăng trối của Vẻ có thể xem như là lời tổng kết giai đoạn đầu của một chiến dịch mà chỉ có những người đã trực tiếp tham gia như Thái Bá Lợi thì mới bộc bạch được: "- Nhờ Lạc nói với tham mưu trưởng rằng mình rất quý thủ trưởng, nhưng những trận đánh của chúng ta vừa rồi không theo một cách thức gì cả. Chúng ta chỉ đánh vuốt đuôi địch mà không tìm cách đánh một trận tiêu diệt. Lạc nói với thủ trưởng là xin thủ trưởng đừng cay cú với chỉ tiêu"(10). Đó là suy nghĩ của một người lính. Những suy nghĩ sâu sắc đã qua phép thử của thời gian và thử thách của chiến trường.

Ở vị trí người chỉ huy, Tham mưu trưởng sư đoàn Hiên cũng trải qua bao trằn trọc với dòng suy tư đầy chất chiêm nghiệm: "… Nh­ưng đúng là bây giờ, sau bao nhiêu khó khăn đã vượt qua, sau bao nhiêu hi sinh phải chịu đựng, người đồng đội mà ông yêu quý nh­ư con đã lấy máu mình chứng minh cho t­ư tưởng của anh. Ông mới nhận ra mình cũng ch­ưa v­ượt qua đ­ược cái thử thách mà có khi chỉ riêng mình mới hiểu hết dung mạo của nó để đến với lòng trung thực của người lính trong chiến tranh(11). Kinh nghiệm chiến trường và tính cách sống sâu của nhà văn đã giúp Thái Bá Lợi hóa thân vào nhân vật để lại cho chúng ta những suy nghiệm quý báu.

Đọc văn Thái Bá Lợi, chất hồi ức, suy nghiệm thường được gợi ra từ đầu và kết đọng ở phần cuối tác phẩm theo kiểu kết cấu quy nạp. Phần cuối là phần sâu sắc nhất của vấn đề đã được chiêm nghiệm. Ở trên diễn dịch, triển khai, rồi đến cuối tổng kết lại.

Trong Còn lại với thời gian, nhân vật Tiến Hưng trải qua thời kì là giai cấp tư sản trong kháng chiến chống Pháp; là người công dân yêu nước, yêu Hà Nội và gắn bó máu thịt với Hà Nội trong thời kì kháng chiến chống Mỹ; chứng kiến bao thăng trầm của dân tộc và sự đổi ngôi của biết bao con người như các con của ông, thằng Ất,... để rồi cuối đời kết đọng: "Nhìn thấy ông đang ngồi uống trà một mình, em buột miệng nói: trông ông như một đạo sĩ. Ông quay lại cười với em: ông đang đi tu ấy chứ, tu đạo gì cháu biết không? Rồi ông tự trả lời: ông tu đạo dân tộc, cháu ạ, nhưng mà nó phiền ở chỗ này, dân ta còn gian nan vất vả lắm mà ông thì sợ khó. Thế thì làm sao mà đắc đạo được.(…) Sau bao nhiêu thăng trầm như vậy, ông Tiến đang tự cười mình đấy!"(12). Nụ cười đấy là nụ cười kết tụ chiêm nghiệm của cả cuộc đời nhân vật, của cả "sau bao nhiêu thăng trầm”...

Kết thúc Bán đảo, Thái Bá Lợi tổng kết: "… Nghĩ đến họ, nghĩ đến những thăng trầm xảy ra trong đời họ, tôi chỉ thấy trong người mình một cảm giác vững vàng không cắt nghĩa nổi(13). Cảm giác vững vàng đó được đánh đổi bằng cả một thời gian dài long bong tìm kiếm của nhân vật Hải, Ngà, Tân hay của chính Thái Bá Lợi(!?).

Trong Khê mama, điều mà Thái Bá Lợi day dứt có lẽ là sự "vui vẻ, sạch sẽ, mát mẻ, không sứt mẻ gì(14) được ông trân trọng viết hoa. Quả là Khê mama kiếm tìm một sự trong sạch và hoàn thiện ngay trong cuộc sống vốn xô bồ và xô lệch hôm nay. Cả tác phẩm là một nỗi niềm chiêm nghiệm hướng thiện sâu sắc. Thời bình, thời mở cửa có nhiều ngọn gió độc thổi tới làm lung lay nhiều vấn đề đạo lí, nhưng không phải là tất cả, không bao giờ là tất cả. Đó là niềm tin đáng quý mà Thái Bá Lợi và mỗi chúng ta luôn chiêm nghiệm nhận ra và lưu giữ, "chẳng lẽ những con người có khát vọng cháy bỏng tìm ra chính mình, tự hoàn thiện mình để rồi không bao giờ đánh mất mình nữa đã lên đường đến xứ sở riêng của họ rồi sao? Hay là họ đang ở quanh ta? Hay họ ở ngay trong chính con người ta mà ta không nhận ra?”;(15). Nhân vật của Thái Bá Lợi phần lớn là những con người "phải gắng lên mà tìm ra mình” như thế!

Thời hậu chiến, người lính sống cuộc sống với nhiều số phận khác nhau. Những người lính trong Họ cùng thời với những ai, tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê hương. Nhân vật "tôi” sống an phận, "điều quan tâm nhất của tôi bây giờ là hai đứa con”(16). Người kể chuyện "tôi” trở về với cuộc sống bon chen tất bật "cứ phải ngồi vào chỗ mình không thích và người khác không muốn”; hai mươi năm sau mới về thăm mẹ Đán (Đội hành quyết). Ông Lương (Trùng tu) - người chỉ huy tài ba năm xưa nay như bị lãng quên, bị bọn trẻ cười nhạo,… Chính cuộc sống, cách sống đa dạng của những người vốn đi ra từ chiến hào đó mới là bộ mặt "tiểu thuyết cuộc đời” thực mà mỗi chúng ta đều phải suy ngẫm hôm nay.

Nhân vật của Thái Bá Lợi thường có ý thức tự phán xét, đánh giá, tự rút kinh nghiệm cho cuộc đời mình. Tân, Hải, Ngà (Bán đảo); nhân vật "tôi” và "nó” (Trùng tu); Thạch, Mây, Thanh (Hai người trở lại trung đoàn), chị Tư Trà, Đoàn Minh Thành (Minh sư),… đều là những người như vậy. Phải ba mươi năm sau, "người đàn bà sực tỉnh ra điều xưa nay mình trăn trở…(17) thì Tư Trà mới "nói rõ từng chữ”: "- Thì cái chuyện nói với em bữa trước. Là những chuyện của ảnh hồi trên cứ. Chuyện đàn đúm trai gái của anh Hai phong phú lắm, biết đâu anh còn để lại vài đứa con đâu đó, chị em mình thử đi tìm coi. Nếu có con của anh rơi rớt, chị mang về nuôi ngay, không có phân biệt con người, con mình đâu, miễn là con của anh Hai là được”(18). Suy nghĩ và cách đối xử như vậy rõ ràng được đúc kết từ sự trải nghiệm của cuộc đời và triết lý sống giàu nhân ái của dân tộc.

Bằng hệ thống nhân vật luôn có những phán xét, suy đoán riêng về cuộc đời, con người, đạo đức, nhân sinh; bằng cách xây dựng sự đối thoại, xung đột bên trong, miêu tả nhân vật chủ yếu ở đời sống nội tâm; cách tổ chức kết cấu, cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu riêng, Thái Bá Lợi đã thể hiện thành công sự trăn trở, day dứt của những con người trên hành trình đi tìm chân lí cuộc đời cũng như nghệ thuật. Đằng sau mỗi câu chữ, bao giờ cũng là tấm lòng tha thiết cùng những lời tâm sự sâu lắng của nhà văn trước cuộc đời!

*

Cùng với nghệ thuật sử dụng ngôn từ, tác phẩm của Thái Bá Lợi vừa điềm tĩnh, vừa đan xen nhiều giọng điệu. Giọng điệu can dự trực tiếp vào quá trình sáng tạo và có ý nghĩa như một tiêu chí xác nhận chân tài của nhà văn. Thông thường, khi bàn về ngôn từ thì người ta cũng bàn đến giọng điệu và ngược lại hễ nói đến giọng điệu thì ngôn từ cũng luôn đi kèm, nhưng thực ra giọng điệu còn toát lên từ toàn bộ cấu trúc của tác phẩm. Tuy nhiên, ngôn từ chính là nơi góp phần trực tiếp nhận biết giọng điệu của tác phẩm. Trong sáng tác giai đoạn đầu của Thái Bá Lợi chủ yếu vẫn trong mạch âm hưởng sử thi. Giai đoạn sau, hòa với cảm hứng đời tư và thế sự đã tạo cho văn mạch Thái Bá Lợi đan cài thêm nhiều giọng điệu: khi tự hào ngợi ca, khi trữ tình sâu lắng, khi điềm tĩnh ngẫm ngợi giàu chất minh triết …

Phần lớn, sáng tác của Thái Bá Lợi là những câu chuyện được gọi dậy từ kí ức nên đầy ắp ngôn ngữ kể để diễn tả hết những kỉ niệm ngày xưa ùa về chật tràn trên giấy. Trong Hai người trở lại trung đoànHọ cùng thời với những ai, nhân vật "tôi” - người kể lại câu chuyên giữ vai trò ẩn mình trong suốt diễn biến câu chuyện. Trong Trùng tu Đội hành quyết, người kể tham gia câu chuyện từ đầu đến cuối tác phẩm nên xuất hiện các đại từ xưng hô "tôi” "chúng tôi”, "tao”, "nó”. Người kể chuyện trong Trùng tu, Khê mama cũng phân thân và không rõ. Những câu chuyện không kể lại được và cùng với những nhân vật không tâm trạng, "tất cả cứ hun hút sâu, cuốn lôi người đọc” (Phạm Ngọc Tiến).

Với lối kể chuyện như thế, chất giọng chủ đạo của Thái Bá Lợi là giọng điệu trầm tĩnh, tự nhiên. Ở những tiểu thuyết đầu như Họ cùng thời với những ai, Thung lũng thử thách... tác giả đứng ngoài nhân vật, nhưng đứng rất gần, để trần thuật một cách khách quan. Đến Bán đảo, Trùng tu, Khê mama, ông nhảy xổ vào trong tác phẩm, trần thuật sự kiện ở giọng điệu của ngôi thứ nhất, tất nhiên là hết sức khéo léo; khi thì tình cờ biết được, khi thì ngẫu nhiên gặp người đồng đội cũ, khi thì vô tình nhặt được cuốn nhật kí... Chính vì thế, giọng điệu tuy có nhiều thay đổi, tạo ra sự linh hoạt, tự nhiên hơn xuất phát từ cái nhìn và quan niệm nhân sinh của tác giả thay đổi, nhưng vẫn tỏ ra nhất quán, vẫn là Thái Bá Lợi! Vai trò chủ quan của người viết càng về sau càng được phát huy cao hơn, tư tưởng - nghệ thuật, phẩm chất trí tuệ và chiều sâu tâm hồn vì thế càng đằm sâu hơn. Thỉnh thoảng còn lộ rõ cái tôi tác giả không chỉ chứng kiến mà cùng tham gia vào sự kiện, đồng hóa với hình tượng tác giả. Trong Bán đảo, giọng điệu trần thuật của ông giữ ở một khoảng cách, một cự li vừa đủ để thể hiện ý nghĩa khách quan.

Giọng trầm tĩnh, lắng sâu trong văn Thái Bá Lợi là giọng của người vừa như đang sống lại giây phút vừa qua kể cho người khác nghe câu chuyện của mình. Bởi vì câu chuyện của quá khứ ngày hôm qua được gọi dậy từ trong kí ức và lắng sâu, trong đó là nguồn tình cảm chân thành, sâu sắc của người dẫn truyện. Họ cùng thời với những ai là câu chuyện tôi kể lại bắt đầu từ sáu năm trước. "Vào một đêm tháng tư...”, cứ như thế câu chuyện với chất giọng trầm tĩnh diễn ra, đi vào lòng người.

Sự đa dạng trong văn Thái Bá Lợi còn thể hiện ở việc ông chuyển hướng ngòi bút rất linh hoạt. Sự chuyển mạch không ngừng và cách viết bỏ lửng gây thú vị cho người đọc tưởng tượng để nối câu chuyện cho có đầu có đuôi. Họ cùng thời với những ai, Bán đảo, Khê mama là những kết thúc bỏ lửng, có thể hiểu các cuộc đời, các số phận còn tiếp tục trôi theo những dòng đời, còn đi tiếp trên những con đường gập ghềnh mà tính cách và số phận cuộc đời buộc họ phải đi. Với Trùng tu, ông mở đầu và kết thúc bằng cụm từ tôi và nó: "Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người còn sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế, tình cờ gặp nhau ở đây"(19). Rồi câu chuyện hai người gặp nhau hôm nay đan xen kí ức năm xưa, mở ra nhiều hướng tưởng tượng, liên tưởng khác cho bạn đọc.

Ở các chương, các đoạn thường có những khoảng lặng, khoảng trống để cho người đọc suy ngẫm, hình dung. Bán đảo có 107 trang được chia thành 3 phần và 15 ngắt đoạn. Trùng tu có 161 trang được chia thành 6 chương và 34 ngắt đoạn. Khê mama có 43 trang được chia thành 29 ngắt đoạn... "Dường như ở khoảng trống giữa các chương, các đoạn hiện thực đời sống, hiện thực chiến tranh giản nở ra, chen chật, tự thân trở thành một thứ ngôn từ im lặng, nói lên nhiều điều(20).

Đề cập đến giọng điệu trong Trùng tu, Thanh Thảo nhận xét: "Tôi đọc Trùng tu mà nhiều khi cứ nghèn nghẹn. Chính cái giọng văn không đa cảm, cái giọng văn cứ thường thường, cứ tưng tửng, không đao to búa lớn, không triết lí rùm beng của Thái Bá Lợi đã khiến tôi nghèn nghẹn(21).

Giọng điệu hài hước trong văn Thái Bá Lợi không nhiều nhưng để lại cho người đọc những cái nhìn, những sự suy ngẫm ngoài lề đáng chú ý. Chẳng hạn, trong Trùng tu, khi bàn về các bức phù điêu vì sao chạm khắc còn dở dang, ông Kazimiez pha trò: do thiếu "lúa mới” và thuốc Đà Lạt. Nhận xét về Huế và Đà Nẵng, nhân vật tôi tủm tỉm, hình như Huế đang ngày càng mới ra, còn Đà Nẵng thì càng ngày càng cũ lại(!?). Nhiều khi, những câu văn hài hước của Thái Bá Lợi nhẹ nhàng như một lời bông đùa cho câu chuyện thêm thân mật. Người trợ lí hậu cần tiểu đoàn nói về Nhiếp - tay hút thuốc lá "cự phách” rằng: "Mỹ đánh bom vào kho thuốc lá chính là đánh vào ông Nhiếp đấy(22).

Đến Trùng tuKhê mama, cái tôi tác giả xuất hiện có vẻ diễu cợt, tự trào hơn: "… Các văn nghệ sĩ đang sôi nổi luận bàn văn chương nghệ thuật. Tôi nhận ra ông TB. Nhà văn, người dong dỏng cao, ăn mặc lôi thôi, người viết truyện ngắn mà ba tôi nói là đọc được. Em gái tôi có xem phim hai ba người gì đó theo truyện của ông. Nó chê dở, nó nói viết như vậy nó cũng viết được"(23). Giọng điệu hài hước, tự trào như thế đã góp phần làm phong phú thêm chất giọng đa chiều trong văn Thái Bá Lợi.

Quả thật, đọc văn Thái Bá Lợi, chúng ta thật khó mà phân biệt đâu là giọng điệu trần thuật, đâu là giọng điệu miêu tả, đâu là giọng điệu nhân vật.

Bài viết khác cùng số

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh Kỉ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930 – 20/10/2011):PHỤ NỮ ĐÀ NẴNG ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGVì những ngày dịu dàng khôn tả ... CHƯƠNG TRÌNH Truyện ngắn của Hạo NguyênRữa (Truyện ngắn Lưu Quang Minh )thơ của PHẠM TẤN DŨNG NGHĨ VỀ PHAN TỨ - BÙI CÔNG MINHGỬI SÔNG YÊN - PHAN MINH MẪNCHÂN TRỜI - TRẦN GIA THÁICHO CON - LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆTThơ của THANH QUẾThơ của NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO Thơ của NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNGThơ của NGUYỄN SỸCHỨCTƯỞNG NHỚ TRINH ĐƯỜNG - NGUYỄN QUÂN MẸ VIỆT NAM TRONG KÝ ỨC - NGUYỄN CÔNG TOẢNBÀI THƠ TỔ QUỐC - LÊ ANH PHONGNHỮNG CA KHÚC VỀ TỔ QUỐC TÔI - NGUYỄN HOA Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nayTường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHà TIÊN)MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNHNGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN Đà MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠONHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VITRẦN QUÝ CÁP QUA ĐÀ NẴNG HOÀI CẢM - CHÂU YẾN LOANKỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)Sâu…ĐINH ANH THƯ - Lớp 8/6 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂNSách mới:Còn mãi với thời gianNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNG