NGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN ĐÃ MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠO

03.11.2011

NGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN ĐÃ MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠO

Ông ngồi lặng yên không nói gì
Mờ sương Mỹ Sơn trời khuya dần buông
Gió ru lời xưa cỏ cây điêu tàn

Tôi đâu có nói gì cùng Kazik
Mà sao đền tháp cứ nhìn tôi
Mà sao vũ nữ Chăm ngưng múa hát
Thần Shiva níu thời gian trôi dạt

Ông chạm vào đá hồi sinh
Những mất đi, sanh nở
Dưới lớp rêu mờ tỏ
Lấp lánh hơi ấm bàn tay Chămpa trong đó

Những đền tháp và những vụn nát
Giữa thung lũng trần gian
Như con tò vò chằm vá cần mẫn
Nỗi niềm say mê tạo tác

Phải chi tôi đừng nói gì
Vầng trăng kia sẽ trò chuyện cùng ông
Cổ tháp kia sẽ lặng lẽ cùng ông
Về những đổ vỡ trinh bạch
Những vụn nát đền đài

Ông ngồi lặng yên không nói gì
Nhìn vầng trăng trên tháp
Tạc câu ca Chăm lên ngực
Chạm vào điệu múa đất đai

Làm sao có thể kiệm lời
Trước thần Shiva và tượng mất đầu
Giữa hằng hà thiện ác.

N.N.H

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Bài thơ này làm tôi nhớ đến người kiến trúc sư Ba Lan tài hoa mà tôi có may mắn được gặp một lần bên tháp Chàm Mỹ Sơn lần tôi qua xứ Quảng. Và qua đó tôi biết ông đã dành cả phần đời còn lại để giúp Việt Nam phục chế, trùng tu lại những tháp chàm hoang phế bao đời. Bài thơ có 4 nhân vật: Kazik, Cổ tháp, Trăng và tác giả (tôi). Kazik ngồi không nói. Tác giả ngồi không nói. Cổ tháp điêu tàn như đang nói bằng đổ vỡ, như kêu cứu. Chỉ có Trăng trò chuyện cùng Kazik... Bài thơ như một vết cắt lưu giữ lại thời khắc tâm trạng của người kiến trúc sư muốn phục chế lại thời gian đã mất.

Bài thơ cứ dẫn dắt như một câu chuyện kể khách quan trộn lẫn trữ tình. Một trữ tình tự sự. Tác giả phân thân vào không gian huyền thoại:

Mờ sương Mỹ Sơn trời khuya dần buông
Gió ru lời xưa cỏ cây điêu tàn...
Vũ nữ Chăm ngưng múa hát
Thần Shiva níu thời gian trôi dạt

Tác giả phân thân vào vầng Trăng để nhìn thấy đền đài đổ nát, những "đổ vỡ trinh bạch" để cảm thấu tỏ tường "con tò vò chằm vá" ... thời gian đã mất. Đấy là sự phân thân đầu tiên và cuối cùng nhập hồn vào Kazik để đọc được lòng ông:

Tạc câu ca Chăm lên ngực
Chạm vào điệu múa đất đai

Vậy mà bài thơ lại như một độc thoại câm của người kiến trúc sư từ phương xa đến, làm cho người đọc tin rằng, chính cái đêm trăng bên tháp Chàm đổ nát ấy đã có thể dựng lên cả một quá khứ vàng son khi khổ thơ kết xuất hiện:

Làm sao có thể kiệm lời
Trước thần Shiva và tượng mất đầu
Giữa hằng hà thiện ác.

Tôi nghĩ bài thơ này hơi khác, lạ so với phần lớn thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, vì cấu trúc bài thơ này mang tính đa chiều, nó giống một cái tháp mà quay quanh nó, ta đọc được nhiều vẻ đẹp khác nhau. Lại có thể vì một cái tên Tây cũng làm cho cảm xúc người đọc khác đi, bởi tự thân chữ Kazik cũng khác với những Trung những Dũng quá quen thuộc với tôi. Hay là khi viết về Kazik, chính Nguyễn Ngọc Hạnh cũng muốn thơ mình tây tây một chút cho hợp với đối tượng trữ tình?

Dù sao đi nữa thì bài thơ DƯỚI TRĂNG CÙNG KAZIK cũng mang lại cho tôi một cảm giác khác khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, và nó để lại cho tôi một ấn tượng về Kazik, một con người từ xa đến đây và đã thực sự yêu đất nước tôi bằng chính công việc của mình như con tò vò chằm vá cần mẫn, người phục chế thời gian đã mất.

NTT

Bài viết khác cùng số

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh Kỉ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930 – 20/10/2011):PHỤ NỮ ĐÀ NẴNG ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGVì những ngày dịu dàng khôn tả ... CHƯƠNG TRÌNH Truyện ngắn của Hạo NguyênRữa (Truyện ngắn Lưu Quang Minh )thơ của PHẠM TẤN DŨNG NGHĨ VỀ PHAN TỨ - BÙI CÔNG MINHGỬI SÔNG YÊN - PHAN MINH MẪNCHÂN TRỜI - TRẦN GIA THÁICHO CON - LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆTThơ của THANH QUẾThơ của NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO Thơ của NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNGThơ của NGUYỄN SỸCHỨCTƯỞNG NHỚ TRINH ĐƯỜNG - NGUYỄN QUÂN MẸ VIỆT NAM TRONG KÝ ỨC - NGUYỄN CÔNG TOẢNBÀI THƠ TỔ QUỐC - LÊ ANH PHONGNHỮNG CA KHÚC VỀ TỔ QUỐC TÔI - NGUYỄN HOA Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nayTường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHà TIÊN)MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNHNGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN Đà MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠONHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VITRẦN QUÝ CÁP QUA ĐÀ NẴNG HOÀI CẢM - CHÂU YẾN LOANKỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)Sâu…ĐINH ANH THƯ - Lớp 8/6 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂNSách mới:Còn mãi với thời gianNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNG