NHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VI

03.11.2011

NHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VI

Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, do điều kiện lịch sử, chưa quan tâm đến số phận cá nhân, đến đời sống tâm hồn của con người. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã thổi một luồng không khí mới, thúc đẩy các nhà văn, chiêm nghiệm, khám phá những bí ẩn, góc khuất, dị biệt của con người. Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: "Văn học chăm chú quan tâm hơn đến con người với tư cách là một thế giới cá nhân phong phú, phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tầng trong nhiều mối quan hệ cũng hết sức phức tạp và đa dạng với toàn xã hội và với chính mình” [3].

Các nhà văn đương đại ý thức được, nếu văn học cứ mãi nhìn và dừng ở mảng sáng, mảng hồng, mà quên đi những mảng tối của cuộc sống và con người thì văn học sẽ mãi chỉ là dòng sông không bao giờ bồi đắp được phù sa. Vũ Đình Giang là một trong những nhà văn trẻ có cái nhìn sâu sắc về mảng tối, mặt trái của con người là những dị biệt. Điều đó, góp phần đổi mới văn học.

Nhà văn Thuận đã từng phát biểu: "Điều kì lạ không bao giờ xảy ra. Chỉ có trí tưởng tượng là tồn tại” [6]. Và theo Vũ Đình Giang: "Viết là sáng tạo nên cuộc sống, thế giới hiện ra dưới ngòi bút của nhà văn là những con người và cuộc đời khác biệt, mới mẻ, thú vị như chưa từng được biết. Sức hấp dẫn của công việc văn chương, theo tôi, nằm ở điểm này…Với tôi, văn chương là nghệ thuật của hư cấu, hướng vào những khai phá mang tính mới lạ và khác biệt. [11]. Song đều đó thể hiện rõ trong tiểu thuyết Song song và Bờ xám.

Cô đơn, tự hủy hoại, cuồng sát và tự sát:

Cuộc đời vốn đa sự, đa đoan. Văn học chân chính phản ánh đa chiều bản chất cuộc sống và con người. Nhưng để nói chiều tối, chiều xám mấy ai có bản lĩnh để viết. Có thể nói, kĩ thuật viết và bản lĩnh viết là hai yếu tố để khẳng định cá tính sáng tác của Vũ D(ình Giang.

Trong Song song, G.g do ảnh thưởng của quá khứ: Cha là người bạo dâm, bạo lực gia đình (mẹ và các anh chị bỏ đi), G.g vừa là đứa con chứng khiến vừa là nạn nhân, chịu những trận đòn tàn nhẫn của người cha; người đàn ông hàng xóm là ân nhân, vừa là người cha nuôi vừa là người tình đã để lại dư chấn nặng nề – ở các phân đoạn:

– 14. Dìm chết mặt trời mùa hè rồi ngâm vào thau thuốc độc.

– 20. Cuồng sát – Giết chết 13 con sói trong một đêm.

– 21. Tra tấn cho tàn tật – Giết chiếc ghế gỗ.

– 22. Bỏ tù vũng nước.

– 24. Ăn nấm độc – Ngụy trang đám nấm.

– 41. Camera – Trò xiếc gián

– Đặc biệt, giết thằng bé hàng xóm và ông nội của nó.

Cuộc tiêu diệt thứ nhất: "Hóa ra, để giết một ai đó đơn giản hơn ta hình dung nhiều…mình đã túm lấy được một cái chày. Thằng bé không phản ứng kịp. Hai mắt cú giãn to hết cỡ còn đôi tay nó vẫn giữ khư khư cốc nước. Nó dường như chưa kịp hiểu ra điều gì thì mình đã vung chày lên. Đập xuống cật lực…Hóa ra, để lôi một cái xác đem chôn cũng đâu khó khăn như mình nghĩ? Thật may thân thể thằng oắt teo rúm, một đống xác thịt vụn vặt, bời rời. Ha ha, nó nhỏ xíu đến nỗi máu không buồn rỉ, máu ít quá. Mà cái may phút chốc hóa thành cái rủi. Bởi vì máu ít, nên máu đỏ không đủ loang rộng theo trí tưởng tượng của mình. Không có màu đỏ phủ ngợp, mình tụt hứng ghê gớm…Chậc, hóa ra giết một cơ thể nhỏ bé quá, quay phim cũng mất hẳn thú vị. Cái gì cũng ít ỏi…Thôi được, sai lầm này, mình sẽ khắc phục được trong lần sau…” [1, tr.189-191].

Cuộc tiêu diệt thứ hai: "Một người trong chúng tôi men theo vách tường tiến về phía cửa chính. Người còn lại khom người sát đất áng ngữ phía sau, luồn tay vào khe cửa, mở hé. Tiếng gõ cửa sẽ dồn dập vang lên từ từ đàng trước nhà. Ông già sẽ chú ý và đi ra phía đó…sẽ tung vũ khí từ phía sau. Dây thòng lọng xiết lại…bàn tay xác thủ cứ bình tĩnh mà siết cổ ông già. Và sau cùng, kẽm gai mai phục trong món vũ khí trung cổ ấy sẽ đâm sâu vào trong cuốn họng ông già, dứt điểm những cơn đau chấn động…chẳng mấy chốc ông già biến thành một khối cùn cụt, một vật thể bị trói gô, gò bó, dính chặt trên ghế, không thể cục cựa…Sau cùng, gỡ vật thể ra khỏi ghế, đặt nằm lăn quay ra sân. Chuẩn bị sẵn một xô nước pha màu đỏ ngầu, sền sệt, đậm đặc…Trút bãi máu lớn lên vật thể nằm sóng xoãi trên sàn…Điều chỉnh ánh sáng, khẩu độ máy quay. Xa. Gần. Lựa chọn bố cục. Tổng thể. Chi tiết. Lật nghiêng. Chống đứng. Rút ngược. Xoay vòng. Treo lủng lẳng. Chặt đứt. Rơi phịch. Câu thúc. Dựng dậy. Đạp đổ. Lăn nhào. Giành giật. Kéo xoạc. Quăng quật. Đập nát. Băm nhuyễn. Bầm dập. Tơi tả. Cuồng loạn” [1, tr.218-220].

Như một quy luật tất yếu, đến một ngày G.g cô đơn, hoang mang, lo sợ, bất an; cuối cùng tự thú tội và tự kết liễu cuộc đời: "Đừng tìm hai kẻ mất tích ấy nữa, chính tay tôi giết đấy. Thế thì bắt tôi đi, bỏ tù, tra tấn, nã đạn, pằng pằng. Tôi không bao giờ hối hận vì những thứ mình làm. Tôi giết hai kẻ đó không hề là tội ác. Để chúng sống thì chính tôi phải chết. Tôi đã giết chúng cực kì thành công. Và sống động. Nhưng rồi chúng lại đội mồ tỉnh dậy. Ngay cả khi là một bóng ma, bất cứ lúc nào tôi cũng cảm nhận rằng chúng quá thừa khả năng đe dọa tôi. Lần lượt thằng bé, đến ông già, con cú. Chúng cứ quẩn quanh ven thềm, lẩn khuất trong khu vườn tăm tối, trèo lên cây bạch tạng, thòng chân vào khoảng không đu đưa, như chơi trò đu đưa…Bọn chúng không dọa nạt gì tôi, nhưng chốc chốc lại gõ cửa, thì thầm và cười ré lên…Tôi chỉ giết được người sống, không thể giết được các thây ma…Cuộc đời tôi, cuối cùng, đọng lại một mình con sói ở bên là bạn…Roẹt! Tôi đi đây. Một quầng đỏ loang dài trên mặt nước, thấm vào dải lụa đỏ bịt mõm con sói” [1, tr.311-313].

H là người tình, cũng là người đồng hành cùng G.g trong cuồng sát, sau cái chết của G.g, H đem đồ đạt của G.g đốt nhưng lại nghe tiếng khóc ơ hờ của G.g, của con sói, và của những nạn nhân mà H từng giết trong đời. H quyết định "Tôi quyết định bay lên cao…Kết thúc chuỗi ngày vật lộn trong bóng tối. Tôi sẽ chìm dần dưới tầng nước sâu. Vĩnh viễn” [1, tr.315-316].

Thoạt nhìn, những pha hành động cuồng sát, con người khát máu trong G.g, ít nhiều trong H, ta thấy Song song không mang nội dung tư tưởng. Nhưng thật ra, điều đó, là bài học nhân sinh "ác báo” với hai cái chết tự sát của G.g và H để cho người đọc tự hiểu mình hơn. Không những thế, ít nhiều tác phẩm chỉ ra được nguyên nhân sâu sa của sự cuồng sát – chính là những ám ảnh tuổi thơ. Đó bài học trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ.

Ả gái nhí sống trong gia đình nhiều phức tạp, cha trược đuổi theo những những đàn bà trẻ đẹp nhưng lại ghét giống cái; thằng anh heo rừng sờ soạng em gái; đến trường bị thằng bạn thẳng thừng rủ quan hệ lần đầu tiên; mẹ cố ép con đến trường không hiểu những va đập bên trong tâm hồn con gái. … Đó cũng là nguyên nhân vì sao nó có những hành động dị biệt và có những cái tên kì lạ: bó củi khô, súc gỗ lạ lùng, con gà mái, ghềnh đá, bó xương khô, con chim cẳng dài, con ma kì quặc, kẻ vô hồn, bóng ma, con nhện, một ả thần kinh, quái vật ngoài hành tinh, thỏi xúc xích, nàng sói cái, đóa hoa già đời…

Khi thằng bạn học cùng lớp thẳng thừng rủ quan hệ đầu tiên. Con bé buồn nôn và im lặng, khó thở, rồi quay mặt bỏ đi mà không tỏ thái độ nào:

"Ả nhí vác bộ mặt ngang bướng hướng về phía khu vực nhà vệ sinh…Một đỗi lâu chống đỡ vất vả với hơi thở khò khè, hai chân nó từ từ khuỵu xuống. Đột dưng từ miệng, một bụm chất nhầy ộc tuôn xối xả. Rồi cứ thế nó nôn thốc tháo như chưa từng trong đời, cho đến khi ruột gan lộn trái, chỉ còn lại mật đắng dâng nghẹn cổ họng” [2, tr.49-51].

Về nhà ả gái nhí, con quái vật ngoài hành tinh sốt cao chưa từng thấy, ngâm mình dưới bùn trong rừng cây dương xỉ – tự sát – được gã thầy cu vớt, về nhà hững hờ trước những lo lắng của mẹ, có những hành động cuồng điên, tự hủy hoại mình:

"Trần truồng, con bé đứng trước gương…Trong tư thế dạng háng, căng hông, ưỡn thân mình về trước, nó kiểm tra một cách thật kĩ lưỡng, rồi kế tiếp xoa đôi bàn tay vào ngực, săm soi hai chiếc núm teo và đôi chỏm vú còm, mọi chi tiết đều có vẻ lành lặn. Nó làm lại vài lần nữa các đợt kiểm tra hai bộ phận quan trọng của giống cái, để trấn áp nỗi hoài ng..., nó chụp lấy chai dầu gội, những lọ sữa tắm, những tuýp kem đánh răng, ôm trước ngực một mớ những vật dụng hỗn độn, và, trong cơn rồ dại bộc phát, nó nhồi các món đồ đó giữa háng. Nó chà xát, đâm thọc, cào cấu, tống vào giữa háng từng thứ một…Nó say sưa tra tấn cơ thể mình, cho đến khi máu xuất hiện, ban đầu là một vài sợi máu rất nhỏ, mảnh, ri rỉ, rồi chúng bắt đầu dài ra, to lớn dần, và tuôn chảy thành dòng…Vẫn chưa thỏa mãn cơn hành hạ, nó bóp mạnh vào ngực. Những ngón tay run run cấu véo, cày xới trên hai chỏm ngực còm. Mười chiếc móc câu quặp lại như bộ móng loài chim ưng, túm lấy hai đầu vú, xoắn vặn…Những cánh tay tiếp tục cào xới trên cánh đồng da xanh tái, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, và, thậm chí nó nghĩ, nếu có thể được, ta sẽ súc rửa, dọn sạch cơ thể từ trong ra ngoài. Nó ra sức tàn phá những bộ phận chớm nở của giống cái, cho đến khi chính nó hoàn toàn kiệt sức [2, tr.264-268].

Nhưng gặp lại thằng bạn – súc thịt mập núc ních, bằng tay một cử chỉ thân mật, dụ thằng bạn vào khu nhà vệ sinh, bằng những động tác hoàn hảo, ả xát ớt vào công cụ truyền giống đang căng cứng của thằng bạn.

Gã thầy trong Bờ xám: Tuổi thơ chứng kiến những cuộc tình phóng túng của người mẹ, mẹ chết bất ngờ cùng người tình trong một trò chơi "dị hợm” với gã tình nhân tra tấn, những ám ảnh và chấn động tinh thần chì chiếc, mạ nhục, xem thường, thậm chí khinh bỉ tri thức đám sinh viên của mình, đấu khẩu thẳng thừng với gã trưởng khoa, xem trường lớp là một đống bầy nhầy, khoái trá rình trộm đôi sinh viên làm tình trong nhà vệ sinh...Song gã trưởng khoa thiếu cảm thông, luôn trịnh thượng, chửi bới, ép buộc; sinh viên đến với thầy chỉ vì điểm, quan hệ tình dục bừa bãi…Mất niềm tin trong cuộc sống, gã cô đơn, gã đi đến nghĩa địa tìm cái chết. Nhưng ả gái nhí xuất hiện, ả vừa khuyên gã, thì mẹ ả và người tài xế đến, họ cho gã đàn ông này là người dụ dỗ con bé. Mẹ ả điều khiển tay tài xế hành xử gã thầy ngay tức khắc. Trước cái chết của gã thầy, ả gái không im lặng chạy mãi đến dòng sông sâu, dòng nước xiết cuốn phăng ả đi.

Hai cái chết thảm thương trong một chiều buồn của gã, của ả, phải chăng nhà văn đưa ra một bài học triết lí về cuộc sống "gậy ông đập lưng ông” bởi cái nhìn "xám” của mẹ ả gái. Nhìn chung với những bất thường, dị biệt trên, có lẽ, tác giả muốn cảnh báo con người ngày càng đang "sói hói”, để tìm sự thông cảm, chia sẻ những va đập bởi cuộc sống và gia đình ở những người xung quanh. Theo chúng tôi, Vũ đình Giang nhìn con người hơi cay cú, nhưng đấy chính là cá tính, bản lĩnh sáng tạo của nhà văn.

Quan hệ tính dục:

Nhà văn Thuận đã từng phát biểu: "Trong văn chương cách thể hiện đề tài đều bình đẳng. Không thể khi phát ngôn cho chính trị hay cho chiến tranh thì hùng hồn, thẳng thắn, còn với tình dục thì lẫn tránh hoặc cầm chừng…trong nghệ thuật đã ngượng ngập thì tốt nhất là đừng tiếp tục” [8].

Và theo Vũ đình Giang: "Đề tài đồng tính ngày nay đã trở nên bình thường và phổ biến đến mức nếu ai nghĩ rằng viết về nó để gợi tò mò, hẳn sẽ cho ra hậu quả sai lệch. Yếu tố nhạy cảm chẳng qua là do suy nghĩ chủ quan, một cách dùng từ thường gặp. Tôi sử dụng nó như một chất liệu bình đẳng với các chất liệu khác” [9].

Quan hệ tính dục trong tiểu thuyết của anh thật khác thường: người (G.g) làm tình với thực vật – cây rắn lục, người đàn ông trên núi cao làm tình với động vật – con ngựa, khổ dâm và bạo dâm (cha ruột G.g); thủ dâm (anh trai ả nhí), kiêu dâm (ả nhí dụ để sát ớt vào công cụ truyền giống của thằng bạn), thô dâm – cặp đôi sinh viên trong nhà vệ sinh trường học.

Đặc biệt là quan hệ tình dục đồng tính giữa G.g với người cha nuôi – người tình trong phòng kín: "Trên trần nhà dòng xuống một bóng điện hình lưỡi lê tỏa quầng sáng xanh lam le lói, dưới sàn uốn éo một bầy rắn khoang đen trắng đang lắc lư theo tiếng nhạc với những chiếc lưỡi nhọn thè ra hai nhánh đỏ hồng, cạnh đó là chiếc giường đơn bọc nệm đỏ rắc lởm chởm đinh nhọn…Ông bế tôi nằm sấp, ngoạm lấy cổ tôi, thọc mạnh, đâm sâu vào tôi từ phía sau, theo cách của những con chó. Tôi cắn chặt răn vì đau rát. Tôi căm ghét hành động thô bạo của ông…Tôi thấy mình dường như không tồn tại trong đời sống thực. Thiên đàng ư? Không. Địa ngục ư? Cũng không. Chúng tôi thuộc về một thế giới khác, cái thế giới có thể hữu hình mà cũng có thể vô hình. Cái thế giới chưa được đặt tên, chưa được công nhận” [1, tr.284-288].

Đặc biệt quan hệ đồng tính giữa H – G.g – Kan: H với G.g tuần ba đêm; H với Kan sau khi cả hai cùng say và phụ thuộc vào tâm trạng của Kan, Kan với G.g sau khi kết thúc buổi vẽ mà Kan làm người mẫu cho G.g – vẽ hình phi giới tính. Rõ ràng, "họ làm việc dưới ánh sáng nhưng lại sống trong bóng tối” [1, tr.321].

Chính cuộc sống trong "bóng tối” là nguồn sống, là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Điều này, nó ít nhiều khác với cái nhìn của nhà văn Bùi Anh Tấn: Đồng tính luyến ái là những xấu xa, dằn vặt, là con đường tự đánh mất mình, tự hủy hại mình và người thân. Thạc sĩ Bằng trong Một thế giới không có đàn bà, yêu Hải, khi biết Hải sắp cưới vợ, vô thức mà giết Hải − Hải để lại người vợ chưa cưới và đứa con trong bụng. Trong đau khổ, Thạc sĩ Bằng gặp và yêu Thành Thành là người lây nhiễm HIV cho Bằng. Khi biết mình bị nhiễm HIV, chính Bằng đã tự ngụy trang cho cái chết của mình, tạo mặt nạ cho chính mình, với tư cách là người yêu của Bằng, để thuê người giết chính mình trong khi mình ngủ tại nhà mình. Hay nhân vật Hoàng, sau khi bỏ nhà ở với người bạn trai, cha Hoàng ép tim đột ngột qua đời, mẹ bỏ nhà vô chùa, chị dâu buồn bỏ về nhà mẹ ruột. Nhưng rồi người tình bỏ Hoàng đi ra nước ngoài. Hoàng sống trong đau khổ, dằn vặt.

Mặt khác, ta thấy, kiểu con người quan hệ tình dục đồng tính trong sáng tác Vũ Đình Giang là những kiểu quan hệ của bản năng, của sự thăng hoa trong sáng tạo. Còn ở Nguyễn Đình Tú giữa hai kẻ GalacloaiDamocoi trong Nháp là để khám phá mình và khỏa lấp nỗi cô đơn trong Damocoi, là vì cần những viên biệt dược kia của Galacloai tặng cho Damocoi để chinh phục Me, cưới Me để trả thù (Người yêu và mẹ đều bỏ Damocoi để lấy chồng nước ngoài, mà Damocoi cho rằng, có thể do kích thước dương vật của mình không làm cho họ thỏa mãn). Hay trong Vân Vy của nhà văn Thuận, cô Trinh là một giám đốc điều hành một xí nghiệp lớn ở Pháp đã đồng tính với cô bạn gái. Khi họ sang Việt Nam xin con nuôi, Trinh lại quan hệ với trẻ em vị thành niên − Lotita, cô Trinh gặp và phải trả giá vô vàn rắc rối, về Pháp cô phải sống trong cảnh không dám đối mặt với gia đình của mình.

Vậy dù ở đâu, nơi nào, đối tượng nào đi nữa mà quan hệ phi giới tính, dù đồng tính luyến ái nam hay nữ thì chắc chắn họ cũng nhận những điều kì thị, khinh bỉ, những nỗi nhục nhã ê chề; hoặc sống trong đau khổ, dằn vặt của lương tâm bởi đánh mất hi vọng, niềm tin của những người thân...Bởi kết quả của nó không tạo ra một sự ràng buộc nào – đó là vấn đề con cái, hay đa số chưa được pháp luật công nhận.

Nhìn chung, các nhà văn này, viết về sex nhưng không phải tác phẩm để học sex. Vì những thô bạo, hợm hĩnh, dị mọ, phi tự nhiên nên đã đẩy người đọc tránh xa, hoặc biết để dè chừng, để thông cảm, để chia sẻ chứ không phải kéo họ lại gần gọi là sex dung tục, không nhằm kéo chúng ta vào cuộc mà đẩy chúng ta ra xa hơn.

Dị biệt là nguồn sống, nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật

H và Đồng Chí tuyên bố: "Chúng tôi đánh bã độc vào tương lai của chúng tôi bằng những cú giăng bẫy ngược ngạo, với hi vọng túm được chút ít niềm vui. Không toan tính, không hối hận. Miễn được vui. Vì tính đồ của niềm vui là xuẩn ngốc” [1, tr.38].

G.g: "Cuồng loạn, một trong những từ mà G.g yêu thích”. G.g tâm sự với mẹ: "Đừng hỏi vì sao con khoái giết chóc và làm tình với đàn ông…Bởi khi tìm ra khoái cảm, muốn duy trì và lưu giữ nó, nên con làm dấn tới. Như thế nó là nguồn vui sướng bất tận của con. Sau mỗi lần làm xong những việc khủng hoảng như vậy, con thường tràn đầy cảm hứng để bắt đầu vẻ bức tranh mới. Con biết mình đang sáng tạo dựa trên sự hủy diệt. Mẹ hỏi con tại sao phải chọn phương cách man rợ đó ư? Tại sao à? Vì con thấy nó là tất cả ý nghĩa của đời con. Con chỉ quan tâm đến cảm xúc sống của riêng bản thân con mà thôi” [1, tr.228].

Tiểu thuyết của Vũ Đình Giang là sự khám phá con người với những dị biệt. Ở một khía cạnh nào đó, nó là niềm vui, là lẽ sống, là nguồn cảm hứng trong sáng tạo. Nhưng đó cũng là nguyên nhân gây lên những tội lỗi, những đau khổ, những thảm khốc…Nó thể hiện quy luật tất yếu của cuộc sống "gieo gió sẽ gặt bão”. Song văn anh ít nhiều chỉ ra được nguyên nhân sâu xa gây nên những dị biệt ấy, nhằm cảnh báo gia đình và nhà trường trong vấn đề hình thành nhân cách cho trẻ và giáo dục giới tính; nhằm để người đọc tự soi rọi mình và chia sẻ, đồng cảm với họ. Đó chính là bản lĩnh viết, kĩ thuật viết với nghệ thuật hư cấu. Theo anh, "viết là vẽ chân dung mình một cách không nhầm lẫn…Tôi hy vọng mình có thể viết một cuốn gây chút ấn tượng. Giữa "hay” và "ấn tượng”, tôi thích chữ sau hơn!” [10]. Nhưng đó cũng là hạn chế bởi văn anh hơi khó đọc, nếu ta nhìn một mặt hoặc "nửa vời” sẽ thấy thiếu vắng tính tư tưởng.
Đ.T.P.V

Bài viết khác cùng số

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011): XẺ DỌC BIỂN ĐÔNG ĐI CỨU NƯỚC - Ngô Minh Kỉ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam(20/10/1930 – 20/10/2011):PHỤ NỮ ĐÀ NẴNG ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGVì những ngày dịu dàng khôn tả ... CHƯƠNG TRÌNH Truyện ngắn của Hạo NguyênRữa (Truyện ngắn Lưu Quang Minh )thơ của PHẠM TẤN DŨNG NGHĨ VỀ PHAN TỨ - BÙI CÔNG MINHGỬI SÔNG YÊN - PHAN MINH MẪNCHÂN TRỜI - TRẦN GIA THÁICHO CON - LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆTThơ của THANH QUẾThơ của NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO Thơ của NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNGThơ của NGUYỄN SỸCHỨCTƯỞNG NHỚ TRINH ĐƯỜNG - NGUYỄN QUÂN MẸ VIỆT NAM TRONG KÝ ỨC - NGUYỄN CÔNG TOẢNBÀI THƠ TỔ QUỐC - LÊ ANH PHONGNHỮNG CA KHÚC VỀ TỔ QUỐC TÔI - NGUYỄN HOA Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nayTường Linh – Thơ một đời (NGUYỄN NHà TIÊN)MẤY CẢM NHẬN VỀ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG SÁNG TÁC CỦA THÁI BÁ LỢI -VÕ CÔNG CHÁNHNGƯỜI PHỤC CHẾ THỜI GIAN Đà MẤT (Đọc Dưới trăng cùng Kazik của Nguyễn Ngọc Hạnh) - NGUYỄN TRỌNG TẠONHỮNG CON NGƯỜI DỊ BIỆT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ ĐÌNH GIANG - ĐẶNG THỊ PHƯỢNG VITRẦN QUÝ CÁP QUA ĐÀ NẴNG HOÀI CẢM - CHÂU YẾN LOANKỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM 12 THÁNG 8 (ÂM LỊCH)Sâu…ĐINH ANH THƯ - Lớp 8/6 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂNSách mới:Còn mãi với thời gianNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNG