ĐÀO TẤN VỚI TUỒNG “TIẾT CƯƠNG PHÁ THIẾT KHÂU PHẦN” - PHAN LÝ LỆ VÂN
Lời dẫn: Sự kiện này do cụ Nguyễn Sinh Sắc kể cho cụ Phan Bội Châu. Sau đó, cụ Hường Ích thị lang Bộ Lễ nghe được và thuật lại như là một chuyện "Hậu cung bí sử” – Năm đó, cụ Đào đang ngồi ghế Án sát tỉnh Bình Định. Tâm trạng cụ lúc sáng tác vở tuồng này, sự giằng xé giữa nhân vật nghệ thuật sân khấu, với những tên quan lại mật thám do Tây lộng quyền, mưu thuật đầy rẫy chung quanh ông, ngồi trên đầu ông, mà Trương Như Cương là hiểm độc số một. Nhưng, làm thế nào quất được roi tuồng vào giữa mặt ông ta là việc rất khó, rất nguy hiểm. Cương là phụ chính đại thần, kiêm thượng thư Bộ Lại, vừa là cậu ruột của vua Thành Thái. Cụ Đào rất tài tình, đã khéo chọn một nhân vật trong truyện Trung Quốc, một người tiết nghĩa tên là Tiết Cương. Ca ngợi Tiết Cương để người xem học tài làm người, nhưng, cụ Đào lại dùng tên nhân vật "Cương”, để mắng vào mặt Như Cương, hiện đang ngồi bên cạnh vua, mà làm việc cho tòa khâm sứ.
Cốt truyện: Tiết Nhơn Quý là cha Tiết Đinh San. Cả hai cha con đều làm quan to, bậc trung hầu, đời nhà Đường Trung Quốc, bị bọn gian thần ghen ghét, dựng chuyện Tiết Đinh San mưu phản nhà vua, nên vua Đường bắt Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê khép tội tru di tam tộc. Sau khi giết vợ chồng Tiết Đinh San, vua Đường còn gia tội "thiết khâu phần” (xiềng mả). Tiết Cương là con Tiết Đinh San trốn thoát được, lên núi lập một đảng chống nhà Đường. Tiết Cương từ trên núi đưa quân về phá thiết khâu phần, giải thoát cho linh hồn cha mẹ mình.
Sân khấu chính của Duyệt Thị Đường
Cụ Đào chọn cái điển này, có góc cạnh của câu chuyện, để nói cái ý tứ của mình. Cụ dựng một cảnh đang đêm, tên lính hốt hoảng chạy vào báo với Tiết An, quan trấn thủ "Cấp báo! Cấp báo! Tên Cương về phá thiết khâu phần”.
Quan trấn thủ hỏi liền: "Thăng Cương nào?”.
Lính luống cuống thưa: "Dạ! Dạ! Một thằng Cương đã làm khổ thiên hạ rồi, quan còn muốn mấy thằng Cương nữa?”.
Chi tiết này được đẩy, nhấn trong đối thoại, lại nói bóc trần ra, không chút màu mè, văn vẻ gì. Phan Bội Châu tấm tắc khen: "Tuyệt! Rất tuyệt!”. Đường roi của tác giả trong vở tuồng rất rõ, mà vẫn khép kín được.
Có sẵn gánh hát bộ trong tay, Đào Tấn diễn liên tiếp vở này tại Bình Định. Tiếng hả dạ âm vang của vở diễn lan khắp cả Bình Định, và mau chóng truyền trong cả xứ Quảng và thấu tai vua Thành Thái, dĩ nhiên cũng đến tai Trương Như Cương. Thành Thái liền triệu Án sát Đào Tấn về triều với cả gánh hát, vở diễn "Tiết Cương phá thiết khâu phần”.
Những người thân trong bằng hữu, đồng liêu của Đào Tấn đều lo âu cho số phận của ông trong chuyến lai kinh, bệ kiến này. Đào Tấn cũng lo, nhưng cụ lo lập ngôn tự ngã, để giữ cho được hào khí trước uy vũ. (Phan Bội Châu khen hay lắm).
Các đào kép trong gánh hát lo lắm, nhưng họ tin theo người thầy tuồng và họ cùng cam kết: thuyền đắm cùng cứu lấy thuyền, hoặc cùng chết theo thuyền. Quan thị lang Bộ Lễ báo ngày giờ ở Duyệt thị đường (nhà hát của vua) diễn tuồng này.
Vua Thành Thái ngự xem, cùng các quan đại thần. Giờ phút này vẫn còn một số bạn đồng liệu khuyên Đào Tấn nên bỏ câu hỏi "thằng Cương nào?” hoặc nói rõ: "thằng Tiết Cương nào?”. Đào Tấn bình thản trả lời: "Tôi viết ra nhân vật, tôi có bổn phận với nhân vật của tôi, và gánh hát đã diễn trước công chúng thế nào, thì cũng diễn trước vua như vậy”. Hai kép đóng vai, sắp đến lúc diễn, còn hỏi lại cụ Đào Tấn: "Thưa thầy! Chúng con vẫn cứ lôi thẳng thừng Cương ra trước sân khấu cung đình ni chớ thầy?”. Đào Tấn cười, căn dặn: "Chúng ta là phận con hát, vì sự mua vui của mọi người. Anh em cứ bình tĩnh làm trò, xứng với vai diễn của mình”. Duyệt thị đường, quan khách ngồi kín chỗ, theo thú tự phẩm tước. Vua Thành Thái ngồi trên ngai, cầm roi chầu. Trương Như Cương ngồi ghế bành bên cạnh vua. Tác giả Đào Tấn ngồi hàng phía sau, gần cuối cùng. Không khí buổi diễn quá trang nghiêm, càng gây sự hồi hộp, thấp thỏm, cho tác giả và đào kép. Tất cả các quan trong triều ngồi xem, đều nghe tiếng nội dung của vở diễn, có chuyện động trời, nên vua Thành Thái đích thân cầm roi chầu, để "thưởng phạt”. Vở diễn càng gần đến phần Tiết Cương xuất hiện, sự hồi hộp càng tăng. Tiết An vai trấn thủ địa phương ra sân khấu. Tiếng trống chầu chào của vua điểm. Đào Tấn gần như nín thở, quan khách đều ngẩng đầu lên. Vua Thành Thái ngồi tự tại. Từ sau màn tên lính chạy ra sân khấu, một chân co, một chân quỳ, chắp tay bẩm báo, giọng hơi run: "Cấp báo! Cấp báo! Có tên Cương về phá thiết khâu phần”.
- Quan trấn thủ cũng hơi run hỏi: "Thằng Cương nào?”
- Tên lính bẩm: "Một thằng Cương đó đã làm khổ thiên hạ. Quan còn muốn mấy thằng Cương nữa?”
Vua Thành Thái gõ vào tang trống ba dùi: "cắc, cắc, cắc”. Trương Như Cương ngồi ngây người mặt thừ ra…Quan khách càng bồi hồi…
Ba tiếng "cắc, cắc, cắc”…là dấu hiệu của vua "nghe chưa thật rõ, phải hát lại”…
- Anh kép sắm vai lính đã mạnh dạn hơn lên, la to: Cấp báo! Cấp báo! Cấp báo! Có tên Cương về phá thiết khâu phần…
- Thằng Cương nào?
-…Dạ bẩm một thằng Cương đã làm khổ thiên hạ, quan còn muốn mấy thằng Cương nữa?
Quan khách, đào kép, tác giả nén hơi thở, căng thẳng…Vua Thành Thái nâng dùi trống lên, liếc nhìn Trương Như Cương, đánh liền ba tiếng trống chầu khen ngợi.
Tiếng cười tán thưởng và hả dạ đổ rào như mưa.
Phan Bội Châu giọng sảng khoái: "Tài tình lắm! Thành Thái tài tình lắm!”, vừa nói, vừa nâng chén rượu ngang mày: "Chúng ta cạn chén rượu này, mừng thầy tuồng Đào Tấn và các đào kép gánh hát của cụ. Chúng ta tỏ lòng kính bái một hành chỉ cao thượng của đức Thành Thái, ngầm nhắc cậu mình phải vừa vừa, chứ cháu cũng không bênh nổi cậu đâu! Đúng là nhân cách một "kẻ sĩ” ”. Quả thật, sau lần diễn tuồng Tiết Cương ở Duyệt thị đường, Đào Tấn được thăng Bố chánh, được vời về kinh đô, bổ nhiệm Hiệu thư, chuyên biên soạn tuồng hát bộ. Sau đó, không lâu, được thăng Tổng đốc.
P.L.L.V