Vài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân

28.01.2013

Vài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân

1- Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly- người thầy của lớp biên đạo múa chúng tôi luôn khao khát, ước muốn: Làm thế nào để xây dựng nghệ thuật múa Việt Nam hiện đại, sánh vai cùng cường quốc năm châu. Thầy quan niệm tác phẩm phải mang hơi thở của cuộc sống thời đại, kể cả khi sáng tác các điệu múa dân gian hoặc các thể loại khác. Hồi có dịp qua làm việc tại Pháp, biết thầy nghèo, nhiều người bạn ở Pháp muốn trang bị cho thầy nhiều vật dụng, tiền bạc. Nhưng thầy một mực chối từ. Thầy không muốn mắc nợ riêng ai. Bởi suy nghĩ của thầy về cuộc sống là đồng điệu với nhân dân. Thầy chỉ mắc nợ với nhân dân, tổ quốc mình về những sáng tác phẩm lớn. Thầy chỉ muốn tạo nên được một điều gì đó cho công cuộc đổi mới, xây dựng nền văn hóa mới.

            Những nghệ sĩ cách mạng đầu tiên của ngành nghệ thuật múa Việt Nam như các anh chị: Đoàn Long, Minh Tiến, Phùng Thị Nhạn, Hoàng Châu v..v.. cũng chung một lý tưởng như thế. Soi lại cuộc đời và tác phẩm của họ, không có những ý đồ sáng tác mông lung. Có thể sự sáng tạo còn có lúc này, lúc khác chưa đi tới thành công nhưng chắc chắn một điều cho tới khi nhắm mắt, xuôi tay họ vẫn còn trăn trở cho con đường nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thêm một điều này nữa, họ là những nghệ sĩ chân chính so với lứa biên đạo hiện nay, cuộc sống của họ không giàu có về vật chất nhưng lại là những tỉ phú về tâm hồn, về tâm nghiệp và những tri thức về văn hóa dân tộc.

            Tiếp thu cái mới của thời đại về bố cục, về các hình thức sân khấu biểu diễn là việc đương nhiên. Dù có hiện đại ngàn lần chúng ta cũng phải giữ cho được cái thuần phong mỹ tục truyền thồng.

            Đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu là đạo diễn kỳ tài, đáng để chúng ta học hỏi. Ông xử lý, vận dụng mọi thủ pháp nghệ thuật hiện đại, kể cả ngôn ngữ hiện đại để làm bật lên nội dung tư tưởng, tinh thần dân tộc cao cả, tuyệt vời. Tất nhiên là kinh phí cho mọi thể hiện kỹ thuật, kỹ xảo, thủ pháp sân khấu cực kỳ tốn kém. Nhà nước Trung ương Trung Quốc và Chính phủ các địa phương Trung Quốc tin tưởng vào tài năng của ông. Vở “Ấn tượng chị Ba Lưu” do ông đạo diễn, huyện Dương Sóc- Tỉnh Quảng Tây chi tới 25 triệu đô la Mỹ, sau 300 đêm diễn đã thu hồi vốn và sau đó thu lãi về nhiều mặt khiến thay đổi cả một vùng ngư nông Dương Sóc thành một thị trấn kinh doanh văn hóa, nổi tiếng cả Trung Hoa.

            Để có một Trương Nghệ Mưu như thế, phải bắt đấu từ đâu?

            2- Bàn về ngôn ngữ múa hiện đại cũng là một vấn đề cấp thiết, quan điểm của tôi là đã nói tới nội dung phản ánh xã hội và con người Việt Nam thực tại thì ngôn ngữ múa phải là ngôn ngữ của dân tộc. Nhà biên đạo vận dụng hết khả năng ngôn ngữ múa truyền thống dân gian dân tộc rồi mới tiếp thu những dáng nét, động tác vay mượn của thế giới cho đủ để diễn đạt trạng thái tình cảm của con người Việt Nam thời hiện tại. Ngôn ngữ có thể nhào trộn, phối hợp không câu nệ là của ai, nước nào, miễn là diễn đạt được ý tứ tác phẩm, hình tượng nhân vật.

            Người biên đạo sau bước sáng tác kịch bản phải tiếp tục sáng tác ra ngôn ngữ múa cho tác phẩm mang tính hiện đại của mình. Có ngôn ngữ dựa theo truyền thống hoặc dựa theo ngôn ngữ các dòng múa khác nhưng có ngôn ngữ phải sáng tạo hoàn toàn dựa trên đặc trưng tạo hình, tiết tấu, luật động, biểu hiện của múa. Ví dụ: những động tác truyền thống khi xưa trong múa dân gian, dân tộc phản ánh sinh hoạt lao động, chiến đấu như: quay tơ, hái đào, cưỡi ngựa, bắn cung không thể vận dụng để thể hiện cho sinh hoạt lao động, chiến đấu của người hôm nay trong lao động sản xuất công nghiệp như dầu khí, dệt may, lái ô tô, máy cày hay phản lực, trong chiến đấu của bộ binh như súng trường, súng AK, súng cối, pháo 12 ly 7, ném thủ pháo, lựu đạn rồi đến các động tác kỹ chiến thuật của bộ đội đặc công cạn, đặc công nước, biệt động, hải quân, không quân, biên phòng, công an v..v.. và v..v.. Có lẽ các biên đạo thời chống Pháp, chống Mỹ, kể cả các biên đạo thế hệ hôm nay xây dựng tác phẩm múa về đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lực lượng vũ trang, ai cũng phải sáng tạo nên những động tác mang tính chất hiện đại ấy.

            Giá như có thể tập hợp được các động tác múa-ngôn ngữ hiện đại đã thể hiện được cuộc sống lao động, chiến đấu của con người Việt Nam hôm nay qua sự sáng tạo của biên đạo chúng ta thì hay biết mấy. Đến vài trăm năm sau, hậu thế lại tiếp thu vào kho tàng múa truyền thống dân tộc.

            Trong năm 2012, tạp chí “Nhịp điệu” của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã đăng một bài viết của tôi với tiêu đề “Nỗi suy tư về nghề múa”, trong đó tôi nhận thức đánh giá chủ quan là nghề múa của Việt Nam ta hôm nay không lạc hậu so với cuộc sống và các ngành văn học-nghệ thuật khác. Tác phẩm ngắn, dài phản ánh hiện thực, đi vào các đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng khá nhiều. Sự phát triển ngôn ngữ dân tộc mang tính hiện đại cũng được các biên đạo tìm tòi, mạnh dạn, sáng tạo. Kỹ thuật của nghệ sĩ biểu diễn cũng vượt cao so với vài mươi năm trước, chứng tỏ sự đào luyện của diễn viên, của các đơn vị đào tạo diễn viên múa khá tốt. Chỉ có điều, chúng ta chưa đủ mọi điều kiện để quảng bá tác phẩm đến với đông đảo công chúng bởi vậy thị hiếu thẩm mĩ của công chúng trên đất nước ta và thế giới chưa nhận biết được sự phát triển của ngành nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.

            L.H.

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình