Gọi về xa thẳm - Bùi Thanh Truyền

28.01.2013

Gọi về xa thẳm - Bùi Thanh Truyền

(Đọc Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012)

 

 

1. Lệ thường, khi đọc qua một cuốn sách ấn tượng, tôi thường làm thao tác nặng tính nghề nghiệp là đọc kĩ một lần nữa để đánh dấu, ghi chú những chỗ lưu tâm hay viết ra những cảm nhận chợt đến. Nhưng Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao là một ngoại lệ. Tập thơ không dài, đủ để tôi có thời gian đọc theo nhiều cách. Nhưng lần nào, qua hết 56 trang, tạm gấp sách lại, cảm giác vẫn không hề thay đổi: Tôi đã nghe từ dưới lớp chữ kia những tiếng vọng, rõ ràng, da diết bám riết tâm trí mình.

            2. Ấn tượng đầu tiên thì đây là một tập thơ “lạ và độc (đáo)”.  Cái lạ từ nhan đề trần trụi phơi bày sự thật, không dùng khinh tự, mĩ từ để giảm nhẹ nỗi đau như kiểu truyền thống. Cách trình bày cả bản in và bút tích của tác giả không phải để tăng độ dày cho tập thơ mà như một xác tín về nhân tri người viết. Những trang trắng gợi sự đồng sáng tạo, suy nghiệm của người đọc, là cách để độc giả thấu cảm với nặng nợ trần thế của những vong hồn liệt sĩ, với nỗi chờ mong hoang hoải của bao người mẹ, người vợ, để tự đối thoại, trải nghiệm với chính mình...

Nhưng nếu chỉ có thế thì Gọi tìm xác đồng đội cũng chỉ là trò chơi hình thức đơn thuần. Nét mới mẻ, đặc biệt của nó chủ yếu đến từ cách tiếp cận đề tài và những chủ đề cấp thiết, đậm tính nhân văn. Khác với văn học trước 1985, ở đây chiến tranh bắt đầu và di hại gắn với một chữ “Không” xuyên suốt: “không có người buồn – không có người vui”, “không có chi cả”… Những người con trai, con gái cuốn vào vòng xoáy của nó với lí lịch vo tròn: “không mẹ không cha”, “không rõ sinh năm nào” chỉ mang máng nhớ lúc ấy “cả làng không có gạo ăn”, lớn lên thì “chưa bao giờ (…) có được một đôi dép cao su có đủ quai và một tấm ni lông mưa không rách” để rồi sớm giã từ cõi sống trong tình cảnh không quần không áo, không quê quán, không tên họ, không một tấm hình, chẳng một dòng địa chỉ, thậm chí “không thấy máu không thấy thịt”, cũng “không biết có còn xác không” bởi đâu đó, dưới đất kia là “những nấm mồ không xương cốt”. Họ đúng nghĩa là “Những liệt sĩ - không - có - xác”, ngay cả tấm bằng ghi công – chút tri ân muộn màng - cũng chẳng còn ai nhận. Điều ấy quả xót đau hơn nhiều so với cách gọi “Liệt sĩ vô danh” thông thường. Người chết đã vậy, còn người sống, không ít kẻ tay trắng bước ra khỏi cuộc chiến, mãi mãi bị chấn thương tâm lí, ngu ngơ, lạc lõng giữa cuộc đời như một vai hề vừa trút lớp, đơn độc tìm lại thời gian đã mất, “đêm giật mình nghe bom nổ trong đầu”, rồi tự “thắp ba cây hương soi gương van vái mình” – một kiểu “chết lâm sàng” ngay trong lúc sống. Đó còn là những người mẹ cỗi cằn, đơn độc, điêu tàn, hai con mắt như đứng tròng, cào hai tay bới đất, khô gan héo ruột gọi tìm đứa con yêu duy nhất giờ chẳng biết linh hồn, thể phách phiêu tán phương nào. Tiếng kêu đứt ruột “có ai biết xác con tôi ở đâu không chỉ cho tôi với” rơi vào hư không; họ chỉ còn biết gửi vào tâm linh một nguyện ước quặn lòng: “Cầu cho con chết toàn thây”. Dọc chiều dài dải đất hình chữ S: Phú Thọ, Hà Nội, Huế, Tây Nguyên, Sài Gòn, Đông và Tây Nam Bộ…, nỗi đau vẫn còn xoắn vặn; từ thẳm sâu, nó đồng thanh lên tiếng để đánh động lương tâm và trách nhiệm của những người đang sống. Vì thế, “Không” nhưng lại “Có” rất nhiều: có mất mát không thể đong đếm hết, có nỗi đau đâu dễ nói thành lời, có niềm xúc động, tự vấn chân thành trào theo từng câu chữ…

Hướng theo hai mạch thời gian quá khứ và hiện tại, hai dòng tâm trạng trôi về  hai cực nhưng luôn dịch chuyển, đan xen, nhờ thế chiến tranh được soi ngắm từ nhiều góc độ. Bằng một cái tôi trải nghiệm, một chứng nhân qua cả hai thời đạn bom và hậu chiến, gương mặt chiến tranh – gương mặt cuộc đời tái tạo trong tập thơ chân thực, sống động với tất cả dữ dằn, khốc liệt, ám ảnh của rất nhiều kiểu chết, những cuộc tử chiến kinh người: “Thịt và máu/ và đất đá và lửa khói và sắt thép/ nhão nát bét/ không địch không ta/ thịt người/ máu người/ máu chảy ào/ ngọn đồi lún xuống/ rồi phọt bắn lên những cột lửa máu”. Ở đây, quá khứ là năng lượng làm bùng nổ những suy tư, day dứt của hiện tại; độc giả nhờ vậy có dịp sống cùng lúc với nhiều không gian, nhiều tâm trạng, nhiều cách nhìn, cách nghĩ để nhân hậu, thấu đạt hơn trong việc giải bài toán phức tạp về mối quan hệ giữa hôm qua – hôm nay và cả mai sau. Nhiều lần, yếu tố kì ảo (hồn hiện, giấc mơ, giao cảm giữa người sống và người đã khuất…) được sử dụng như một thủ pháp hữu hiệu để tiệm cận, phơi trải những miền hiện thực còn nhiều ẩn khuất của chiến tranh và cuộc sống với những vàng thau lẫn lộn thời đổi mới, miền tâm linh sâu thẳm. Người viết đã trộn hòa một thứ ngôn ngữ xuyên không gian, xuyên thời gian, khơi gợi bao tri cảm vi tế ở người đọc.

Có thể không ít độc giả sẽ bão hòa cảm xúc vì sống qua một thế giới toàn tiếng gọi xé lòng, toàn mất mát, nỗi đau và nước mắt, toàn một màu tang tóc, buồn rợn, sẽ quá ngưỡng chịu đựng khi chứng kiến sự tán tận lương tâm của những người đang sống đối với người đã khuất (ví như chi tiết có thực về việc làm giả hài cốt liệt sĩ ở một tỉnh miền Trung trước đây) nhưng họ sẽ cảm thấy yêu hơn, quý hơn cuộc đời này, sẽ không tự biến mình thành những kẻ vô cảm, vô ơn. Đến với tập thơ, ta không khỏi rùng mình xót hơn, thương hơn đất nước mình: xưa thấm máu xương, nay là nước mắt, là nỗi đau lúc âm ỉ, kìm nén, khi bộc phát, dữ dội… Với nỗi buồn mang ý nghĩa thanh lọc, thấu suốt, nhà thơ góp phần củng cố niềm tin ở người đọc: Theo thời gian, sự công bằng, nhân hậu cùng nghĩa cử tri ân, trân trọng quá khứ, giữa đất mẹ bao dung, tất cả sẽ “luyện” thành dưỡng chất nuôi sắc xanh cây đời. Tác phẩm là nén tâm hương của một ngòi bút nhiều ân tình, độc hành về miền tâm tưởng, trả nợ những tháng năm thương khó nhọc nhằn, làm ấm lòng những người đã mất. 

Chỉ tiếc, bằng cái nhìn trực diện, quá gần, như người chụp ảnh giữa một nguồn sáng mạnh, thiếu một sự tỉnh táo, gia giảm cần thiết, nên hình ảnh đôi khi bị “vỡ”, làm giảm hiệu ứng thẩm mĩ từ phía người thưởng thức. Lại nữa, do nhiều căn duyên, cuốn sách đã không thể đến với bạn đọc sớm hơn. Trần Vàng Sao đã phải “dọn mình” những… 16 năm để có được niềm vui của cuộc hội ngộ này. Mừng cho tập thơ, cho tác giả, vui vì thấy được sự thông thoáng của văn học thời đổi mới, nhưng cũng có chút tiếc nuối thực lòng: Giá như cuốn sách ra đời ngay thời điểm hoàn thành (1996) thì cùng với Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)…, nó sẽ tạo ra một hợp lực, hiệu ứng mạnh mẽ để toàn diện hóa đề tài chiến tranh của văn học thời đổi mới trong cả hai loại thể tự sự và trữ tình, tên tuổi tác giả cũng không đến nỗi lạ lẫm với một số độc giả đương đại.

3. Có thể nói, nếu Bảo Ninh và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã dấy lên một quan niệm, bút pháp hiện đại cho văn xuôi chiến tranh thời kì đầu đổi mới thì với Gọi tìm xác đồng đội, Trần Vàng Sao đã tạo được sự hòa vọng của những tiếng lòng đồng điệu, khơi mở cách đọc phản tỉnh - một nhã thú chỉ có được ở những nhà văn có bản lĩnh, ở những tác phẩm thực sự có cốt cách văn học. Sau hơn 20 năm, bạn đọc lại gặp ở đây cảm giác rợn lạnh khi thụ cảm một mảng đề tài ngỡ như là đã cũ. Giống Bài thơ của một người yêu nước mình trước đây, chúng ta có quyền hi vọng tập thơ – cuộc đời này cũng sẽ mãi “ở với trời đất ở với anh em” như tâm nguyện rất thơ mà cũng rất đời, rất người của chính tác giả. Và như thế, dẫu xác thân thành cát bụi vô thường thì linh hồn của bao người con ưu tú của Tổ quốc cũng sẽ bất tử, sẽ dự phần tất yếu vào cuộc sống hôm nay.   

Huế, tháng 12 - 2012

   B.T.T

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình