Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu Phước

28.01.2013

Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu Phước

Sang Mỹ, ngoại trừ mục đích của chuyến đi là những công việc phải làm, khi quay về lại quê nhà trong lúc ngồi chuyện phiếm thì chuyện mà mọi người thích nghe kể không phải là công việc mà là chuyện đi uống cà phê và lai rai từ nhà ra quán. Nhân dịp cuối năm, xin được kể đôi điều làm quà mừng xuân mới...

 

            Đi uống cà phê... cánh diều

            Cánh diều không phải là tên của quán cà phê. Bởi nếu là tên của quán cà phê thì là tên riêng nên phải viết hoa rồi. Tất nhiên cánh diều cũng không phải là tên của một thương hiệu cà phê kiểu như cà phê Trung Nguyên, Thái Chân... của xứ sở cà phê nổi tiếng Buôn Ma Thuột, vì như thế nó cũng là tên riêng để phải viết hoa.

            Cà phê cánh diều là một cách nói mang tính hình tượng. Không biết "tay chơi" nào đã sáng tác ra thuật ngữ tuy giản đơn nhưng đầy hấp lực mang tính ma mị này. Nói ma mị bởi vì cà phê cánh diều có sức thu hút siêu phàm với phái mày râu và là nỗi lo canh cánh của quý bà ở nhà. Đọc đến đây rất có thể bạn thoáng nghĩ đó là cà phê... ôm chăng? Nhưng không phải đâu, nó không thuộc thương hiệu "ôm" kiểu thuần Việt bên kia nửa vòng trái đất, cho dù những ai đến đây không giấu nỗi suy nghĩ thoáng qua, ôi giá như được... ôm! Chỉ có Thánh Thần may ra không nghĩ đến điều trần tục rất ư là con người này.

            California mệnh danh là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ. Khu vực Little Sai Gon được xem như là trung tâm của thủ phủ đó. Người Việt sống tập trung ở đây rất đông. Hoạt động sống và sinh hoạt của người Việt cũng rất đa dạng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa sắc tộc trên xứ sở của Nữ Thần Tự Do. Cà phê cánh diều có thể xem như là một loại "đặc sản" của người Việt mà người Mỹ chưa kịp nghĩ ra, cho dù họ là những người rất năng động và đầy sáng tạo. Cà phê cánh diều là một loại hàng không những "độc", "độc đáo", mà còn là "độc quyền" của người Việt tại Mỹ. Nghĩ người Việt mình cũng tài.

            Hồi nhỏ, tôi thường hay đi thả diều nên hình ảnh của những mảnh diều bé tí dán lên trên nền trời trong xanh lộng gió cứ ám mãi trong ký ức tuổi thơ tôi. Khi được bạn rủ đi uống cà phê... cánh diều cho vui, tôi cứ ngỡ ở đó người ta tổ chức thi thả diều, hát hò hoặc có những trò chơi giải trí gì khác. Lúc xe ô tô đỗ xịch trên khuôn viên của một sân quán rộng rãi, theo người bạn bước vào quán tôi không khỏi giật mình, vì cứ tưởng mình đang được bạn dẫn đi xem các hoa hậu biểu diễn trang phục đồ... tắm.

            Quán ngày cuối tuần quả thực đông khách, bàn ghế dày đặc nhưng gần như kín chỗ. Nhiều màn hình bố trí quanh quán, đa phần khách uống cà phê dán mắt vào trận đua tài thể thao đang gay cấn mà tôi chợt nhận ra. Vài người trông chừng "cứng" tuổi như không để ý vào cảnh sôi động xung quanh, dán mắt vào màn hình laptop mang theo đặt ở trên bàn, chốc chốc lại thấy liếc nhìn vu vơ đâu đó. Khi chúng tôi tìm được chỗ ngồi cũng là lúc những "cánh diều" lướt tới. Không phải một, hai, ba... mà có đến cả chục cánh diều đang "trôi" mơ màng trên các lối nhỏ vừa đủ rộng để đến bàn của khách. Quán chỉ "nóng" lên khi trên màn hình có một quả bóng vừa bị đánh hụt, sau đó gần như yên lặng tức thời. Mọi người như đang làm theo một hiệu lệnh nào đó.

            Những cánh diều "bay" tới đậu bên bàn, rồi cũng bay đi nhanh như khi đến. Thoắt ẩn thoắt hiện chập chờn như một cơn mộng du. Làm một động tác kiểu như chống mỏi cổ, tôi quan sát thật nhanh và bao quát cả quán để nhận ra một điều gì đó... bất thường hay không. Nhưng tuyệt nhiên không. Chẳng có ánh mắt nào nhìn chằm chằm kiểu soi mói, không một tiếng cười nhí nhố, không một chút đụng chạm. Quán cà phê cánh diều là nơi không được phép chụp ảnh. Đó như là một quy ước ngầm mà mọi người phải hiểu để không gặp sự phiền phức.

            Cà phê cánh diều ra đời đầu tiên ở phía Little Sai Gon, Nam California. Từ đây, lan dần sang những thành phố có đông người Việt sinh sống, tiêu biểu như San Jose. Ngày nay, tên những quán cà phê cánh diều tại California mà quý ông quan tâm và giới báo chí, truyền thông hay nhắc đến là Dĩ Vãng, Lú, Cheo Leo, Vì Sao...

            Khi mới ra đời cà phê cánh điều đã làm "choáng" cộng đồng người Việt, khêu gợi không ít tò mò cho những người dân bản địa và bốn phương. Nó như là một làn sóng không mấy thân thiện dội vào các gia đình. Nhưng rồi mọi người quen dần, như là chẳng có điều gì để đáng thì thầm nhỏ to bàn tán như thời gian đầu mới xuất hiện. Tuy nhiên, các quán cà phê cánh diều cho đến nay và tất nhiên là cả mai sau nữa vẫn là khu vực "cấm cửa" của quý bà dành cho quý ông thích mơ màng, nhằm tránh làn sóng dữ, đảm bảo sự thanh bình trong cuộc sống gia đình.

            Luật lệ các bang ở Mỹ, chỉ cấm người ta hút thuốc và đánh bài trong quán, chứ không cấm các kiểu ăn mặc của nhân viên phục vụ. Bởi ở Mỹ rất khó đưa ra một định nghĩa mang tính thuyết phục thế nào là ăn mặc mỏng mảnh, khêu gợi và hở hang. Nghe đâu luật mới chỉ cấm sự táo bạo quá mức của nhân viên bán hàng khi thể hiện các điệu múa bốc lửa và cho cánh diều... bay về trời! Nhưng các quán cà phê cánh diều người Việt thì không có những màn múa kiểu đó. Và tuyệt nhiên cũng chỉ phục vụ cà phê mà thôi, ngoài ra không phục vụ những "đòi hỏi" khác của các Thượng Đế. Đó là điều rất đáng ngạc nhiên và khâm phục.

            Người bạn dẫn tôi đi uống cà phê cánh diều ghé tai thầm thì rằng về nhà ông chớ vui miệng kể ra mà không khéo tôi bị "bả" cho ngủ ngoài hiên. Trời đang lạnh, tôi đâu có muốn bạn mình ra nằm ngoài hiên để ngủ, nên tôi đành câm như thóc cho đến lúc chia tay ra về.

 

            Lai rai từ nhà ra quán

            Người Việt ở Mỹ, nếu đúng là "dân nhậu" đa phần thích lai rai ở nhà hơn là ra quán. Lẽ giản đơn là ra quán thì tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả nhậu lại không cao. Trừ những thành phố đông người Việt như ở Santa Ana (tiểu bang California) như tôi có dịp đến và đi bộ ra quán nhậu của người Việt thì kiểu nhậu và cách thức phục vụ không khác gì bên quê nhà. Những nơi ít người Việt thì không có các loại quán nhậu kiểu đó. Quán thường xa nhà nên cho dù tiền túi rủng rỉnh cũng ít ai ra quán nhậu vì còn phải lái ô tô. Luật Mỹ phạt rất nặng những trường hợp phạm luật do ăn nhậu gây ra. Do vậy người Việt thường cảnh báo với nhau rằng nếu không muốn làm không công để "cúng" tiền cho nhà nước Mỹ thì chớ có dại nhậu "đã đời" rồi mà còn ôm... vô lăng.

            Nói chung là vậy, nhưng đã là dân nhậu thì thường có máu... liều. Một hôm mấy người em tôi tổ chức... nhậu cuối tuần. Ngoài anh em trong nhà, còn mời thêm vài người bạn. Một người là dân đi biển "góp" mồi nhậu là một miếng bao tử cá. Tôi không còn nhớ tên là loại cá gì, nhưng chỉ một miếng bao tử thôi đã là mấy ký. Khi các "chuyên gia" bếp núc bảo đã làm xong mồi, thằng em tôi hé cửa đẩy thùng bia ra phía ngoài trời. Vài phút sau mồi nhậu được dọn lên mâm, thùng bia lại được kéo vào. Lúc này bia đã lạnh tê vì nhiệt độ bên ngoài âm đến 6 - 7 độ, tuyết đang rơi. Một người bạn khác đến muộn tự nguyện chịu phạt bằng một chai Hennessy "khủng", vì có dung tích đến 2 lít. Tất nhiên chai rượu được mở ra ngay sau đó và chạy lòng vòng xen lẫn với bia. Đến cuối buổi tiệc chai rượu cũng vơi gần sát đáy. Chuyện nổ như bắp rang. Hôm đó mọi người vui nên uống khá nhiều.

            Lần khác, sau một hồi nâng cốc lai rai tại nhà, một người bạn của em tôi bảo dễ gì anh Phước đi công tác sang đây, sẵn có tiền xin mời tất cả đi ra quán Mỹ lai rai cho biết. Thế là vì muốn để cho tôi biết nên tất cả chất lên hai xe phóng đi trong một buổi chiều hoa tuyết đang lả lơi bay theo chiều gió.

            Đúng là nhậu cho biết thôi, chứ dân phá mồi như tôi thì nhậu ở quán Mỹ hơi buồn, vì thức nhấm sơ sài lại không hợp khẩu vị. Duy có điều nhân viên phục vụ quán là các cô gái trẻ người Mỹ. Họ là những sinh viên làm thêm để kiếm tiền. Bên ngoài thì lạnh nhưng trong quán có hệ thống sưởi nên ấm áp. Nhân viên phục vụ ăn mặc cũng khá gợi cảm, tuy không phải là dạng... cánh diều tung tăng lướt gió.

            Trong quán nhậu của Mỹ, điều ấn tượng với tôi không phải vì các cô gái gợi cảm, vui tính mà cách thức phục vụ mang tính chuyên nghiệp cao. Khi khách vào, nhân viên phụ trách bàn khu vực nào chịu trách nhiệm đáp ứng "order" (gọi món) của khách. Bia và thức nhấm được bày ra rất nhanh. Người Mỹ không có thói quen uống bia chai hay lon rót ra ly, trừ bia hơi. Dù là bia lạnh hay bia nóng thì cũng đều uống bằng chai hoặc lon. Ở các quán thì gần như người ta chỉ uống bia chai.

            Nếu khách đông hoặc vào nhiều bàn trong cùng một khu vực thì nhân viên tiếp đón khu vực này sẽ được sự hỗ trợ của nhân viên phụ trách các bàn lân cận. Khi khách cùng nhau chạm... chai lai rai, nhân viên phục vụ đứng vòng tay quan sát. Lúc khách tỏ ra có yêu cầu gì tiếp theo, gần như ngay lập tức họ tiến sát lại bàn và lên tiếng hỏi ngay. Tôi chợt chạnh lòng với các quán bên quê nhà vì những lúc kêu la ơi ới đến mệt họng nhưng vẫn không thấy ai lên tiếng. Thức nhấm có khi gọi hằng giờ vẫn bặt tăm hơi. Một tiếng "quên" cộc lốc được ném ra khi các Thượng Đế than vãn.

            Bên cạnh bàn chúng tôi ngồi có 5 người Mỹ đang chạm cốc và trò chuyện vui vẻ. Họ đang uống bia hơi rót sẵn ra ly. Họ nói với nhau vừa đủ nghe không làm ảnh hưởng đến các bàn bên cạnh. Hình như, họ uống mỗi người chỉ đúng ba ly thì dừng. Tôi có cảm giác đó là con số cho phép để vẫn giữ mức độ tỉnh táo lúc lái xe và xử lý các tình huống trên đường đi. Lúc gần ra về, chúng tôi "chat" với họ vài câu làm quen và chụp chung một tấm hình lưu niệm. Họ rất vui khi biết rằng có người chuẩn bị đi một nửa vòng trái đất về lại Việt Nam và mang theo tấm hình lưu niệm này.

            Cái "gu" của người Việt ở Mỹ là bia Heineken chai. Có hai loại chai lớn và nhỏ. Bia chai được đóng trong các thùng giấy, mua về uống và cho luôn vỏ chai ra xe rác. Dân có "máu" lai rai thường "thỉnh" về 5 đến 10 thùng một lúc, để dùng cho tiện. Vì mỗi lần đi mua phải ra các siêu thị khá xa. Nên lúc đang ngon trớn mà thiếu bia thì xem như là... bó tay. Có hôm mấy đứa em tôi lôi đâu về đến 5-6 thứ bia khác nhau, mỗi thứ một ít. Nào bia Mexico, bia Đức, bia Anh, bia Canada... bảo thưởng thức chơi cho biết hương vị bia bốn phương. Đúng là mỗi nơi một hương vị, một cảm giác khác nhau. Kiểu uống bia Corona (Mexico) cũng lạ với tôi. Lấy một miếng chanh chấm chút muối, rồi vét nhẹ vào chai bia vừa khui, bọt bắt đầu sôi lên và uống. Cách uống này mang lại một cảm giác khác lạ và thú vị.

            Một hôm người bạn của thằng em đi săn về "ném" cho 5 con thỏ rừng. Thịt thỏ rừng nướng lửa than cho vị thơm ngon và chắc. Đi săn hoặc đi câu cá ở Mỹ phải có giấy phép và theo mùa nhằm mục đich bảo tồn động vật để được sử dụng lâu dài. Người Mỹ sống thật gần gũi với thiên nhiên, nhiều nơi thấy rừng ngay bên cạnh phố. Bên mấy gốc cây cổ thụ quanh nhà những chú sóc hoang xinh xắn đuổi nhau thoắt ẩn thoắt hiện trông thật thích mắt.

            Hôm đến thăm nhà của giáo sư Thạch Nguyễn ở tiểu bang Indiana, ông dẫn tôi đi dạo trong khu rừng ngập tuyết. Tôi ngạc nhiên khi thấy bên gốc cây có một máng ăn nhỏ. Ông giải thích, đó là máng ăn để mồi nhử săn nai. Trước hôm tôi đến, người nhà của ông đã săn được 2 con nai. Thịt xẻ chất đầy các ngăn của tủ đựng thịt trong nhà. Khi tôi bay về tiểu bang New Jersey ông lấy ra đóng cho tôi một thùng thịt nai, kèm với một thùng rượu và hai hộp ly, bảo mang về làm quà lai rai với anh em và bạn bè cho vui. Và tất nhiên, chúng tôi đã có những "chầu" thịt nai ngon đến... đã đời.

            Chuyện săn thỏ, săn nai tôi chợt nhớ và ghi ra đây, vì thịt nai, thịt thỏ như hãy còn đọng lại dư vị ngọt ngào trong câu chuyện kể lai rai trên đất Mỹ từ nhà ra đến quán.

 

                                                                                                                                                       M.H.P

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình