Tết cũ - Nguyễn Đức Dũng

28.01.2013

Tết cũ -  Nguyễn Đức Dũng

     Mặc dầu còn ba hôm nữa mới Tết nhưng cậu Thuẩn tôi vẫn quyết tâm dọn dẹp tân trang cho đám quý tử của cậu, sau khi đã chép miệng gọn gàng và dùng mu bàn tay sần sùi đen đúa chùi sơ quanh đám râu ria lởm chởm lâu ngày không cạo, cậu khà một tiếng dài khoan khoái đầy bản lĩnh nhờ nửa chai lùn rượu trắng để lấy gan mà thực hiện ý đồ đẹp đẽ và cá tính của mình. Những đốm nắng xiên khoai lọt qua kẽ lá liều lĩnh nhảy múa trên khuôn mặt bừng bừng khí thế, cậu đứng giữa sân, tay cầm con dao phay bén ngót mà cậu đã bỏ công mài suốt một buổi trưa sau ảng nước. Trông cậu lúc này như một vị thần trong cổ tích Ngoại hay kể những đêm trăng rọi trước hiên nhà, có điều vị thần đang sừng sững kia không biết chừ là thần hiền hay thần dữ…Tay đặt lên chiếc vai chiếc ghế dựa đã cũ mèm, cậu quắc mắt nhìn đám trẻ con chúng tôi đang run rẩy, ậm ừ lấy giọng rồi dõng dạc:

      - Thuẩn! Mi là anh cả, lớn nhứt phải làm gương ngồi trước cho tau hớt tóc, chớ có lôi thôi mà nứt đít nghe chưa..!

        Anh Thuẩn tái xanh tái xám như tàu lá nhưng cũng không dám chậm trễ, rón rén bước vào vị trí như một tội đồ bước lên bục xử, sau lưng, anh Thuận, anh Hòa và tôi chẳng còn đứng được nữa, tất cả đồng loạt ngồi chệt bệt xuống đất vì sợ. Bà mợ hiền lành quen phục tùng trốn tiệt trong bếp sụt sịt xì mũi, không dám chứng kiến cái cảnh ghê gớm mà cứ gần Tết năm nào cũng thực hiện như thiên hạ trồng nêu, gói bánh, dọn nhà… kể từ khi đứa con đầu lòng được chừng tám chín tuổi cho đến bây giờ. Có bà mẹ nào ở trên đời này đủ lòng dạ gan lỳ và dũng cảm đứng nhìn người chồng đã tưng tưng ba xị đế với con dao to bén ngọt trong tay, thỉnh thoảng để lại những vết son tươi rói ngang dọc trên mấy cái đầu thân yêu bé bỏng do mình banh da xẻ thịt đẻ ra. Chỉ có bà Ngoại già nua của tôi là chẳng trốn tránh đi đâu cả. Ngoại đứng đó đôi mắt thất thần nhạt bợt màu thời gian sự thế, tựa lưng vào cột nhà lâm râm cầu nguyện xin phước lành từ đấng Cứu Thế Toàn Năng và cánh tay gầy gò từng lúc run rẩy đưa lên làm dấu Thánh.

  Như một buổi hành lễ lạ lùng đầy trang trọng, không gian im ắng tịch lặng chứng kiến từng đám tóc khô dày khét nắng và đẫm bụi của những anh tôi lả tả rơi quanh người, quanh ghế rồi vương vãi theo vài ngọn gió xuân làm cuộc nhàn du giang hồ tý chút trong khoảng sân buồn lặng mơ màng của một chiều sắp Tết. Cậu toàn tâm toàn ý dốc hết tài năng nghệ thuật bất chợt thăng hoa và sức lực tràn trề của một trung niên làng quen vai cày tay bừa hơn là những công việc tỷ mẩn dịu dàng và tài khéo để cố gắng làm sạch đẹp cho con trai yêu quý của mình.

      Thực lòng thì cũng không phải vì túng tiếc mấy đồng bạc cho con. Nhưng thời ấy ở làng quê rất hiếm có tiệm, lâu lâu mới thấy vài ông thợ dạo tranh thủ lúc nông nhàn vai mang hộp gỗ thô kệch đựng mấy cái dao kéo tông đơ đã vẹt mòn cũ kỹ, tay xách cái ghế xếp lang thang khắp cùng đường làng ngõ xóm thi thoảng buồn miệng hay hứng chí đôi điều bất chợt lại lấy giọng thả một tiếng rao đầy cảm khái “ai hớt tóoc đêêê…”, một kiểu tiếp thị như thông báo cho bà con xóm làng biết rằng mình còn tồn tại để làm cái thiên chức đẹp đẽ cho làng  và cũng nhằm kiếm thêm ít đồng cho vợ nhà chạy chợ. Những lúc tháng tận năm cùng này, ông thợ hớt tóc dạo càng ra vẻ người quan trọng giữa làng nên dễ chi đợi được đến phiên mình có cái đầu đẹp đón xuân. Ngoài lý do trên còn phải công bằng mà nhìn nhận rằng cậu tôi muốn tự tay mình chăm chút sửa soạn cho con nên rồi lâu dần thành lệ, cứ cuối năm, sau khi đã xếp đặt xong xuôi các phần việc liên quan cho ba ngày Tết nhứt, thế nào cậu cũng bỏ ra một buổi tròm trèm để làm đẹp cho mấy đứa con, bất chấp mọi lời khen chê can gián.

       Nắng chiều dần xế, bóng cây mít góc sân đổ dài trùm mát cả khoảng đất vuông vắn trước nhà, cũng là lúc nhát dao cuối cùng vừa xong, chẳng vội vàng gì, cậu vất cái đồ nghề tài tử lên mặt chiếc ghế lúc này đã trống, bắt ba đứa con chưa kịp hoàn hồn sắp thành hàng ngang đứng giữa sân như một đội hình danh dự để cậu ngắm nghía chán chê cho bỏ công sức sáng tạo đầy mồ hôi và tâm huyết vất vả gấp mấy lần một buổi đi cày đất thổ.

       - Nề! Mẹ mấy đứa mô rồi, ra coi thử có đẹp không? Rõ ràng chưa? Đứa mô ra đứa nấy, đúng là con trai của Ba Thuẩn nhà ni mờ. Khả khả khả… Cậu thỏa thuê buông một tràng cười khoan khoái mãn nguyện nở hết cỡ ra trên khuôn mặt bê bết mồ hôi và tóc vụn. Mợ tôi lò dò trong bếp ra sân, đôi mắt đỏ hoe bước đến sờ nắn từng đứa một, tay phủi tay xoa trên ba cái đầu lam nham lở nhở như mấy đám ruộng vừa được gặt xong tự tay thợ vụng về, mợ thở dài đánh sượt và dầu đã cố mà không nén được, buông câu nói năm nào cũng vậy:

- Ông ơi! Đẹp thì có đẹp nhưng đứa mô cũng nhiều vít quá! Sang năm ông uống ít lại một xí hỉ …

- Xùy! bà chỉ được tào lao, vít thì vít chớ sao, ít bữa hắn lành không hề chi mô… đúng là đàn bà đái không qua ngọn cỏ chẳng mần chi nên chuyện. Thôi! mấy đứa đi tắm rửa sạch sẽ tau coi nờ. Cậu phủi tay dạo lững thững mấy bước trong sân rồi như chợt nhớ ra điều gì đó tối quan trọng, cậu xoay người bước nhanh đến cửa với tay bóc lấy cái tàn thuốc lá sâu kèn hút dỡ dán trên cột cửa khi trưa, đốt lên phì phèo um khói coi bộ như vừa làm xong được một công việc gì to lớn và sung sướng lắm.

 Trời cuối năm đã chạng vạng, không gian chìm vào yên ả và im tối chợt khuấy động bởi tiếng rào rào xối nước và cười nói râm ran sau nhà, hòa lẫn trong những thanh âm tươi vui ấy là giọng thì thầm tạ ơn của Ngoại:

- Giê su ma, lạy Chúa lòng lành!

                                                          

                                                                   

                                                                                                                                                         N.Đ.D     

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình