Kho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung Sáng
Vào những ngày cuối năm vừa qua, Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết mới phát hiện 204 bản tuồng cổ của gia đình cố nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (1921- 2007) với nhiều giá trị cần bảo tồn, lưu giữ. Những bản tuồng cổ này đều bằng chữ Hán, trong đó có một số bản nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã dựng, một số đã được các nhà xuất bản công bố. Tuy nhiên, rất nhiều bản còn nguyên giá trị, chưa được công bố…
Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng nêu rõ: “Hiện nay, Sở đã trình văn bản đến UBND TP Đà Nẵng để xem xét và tìm hướng thỏa thuận với gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân mua lại số bản tuồng cổ nói trên, nhằm chuyển đến các đơn vị chuyên môn bảo quản, tra cứu và sử dụng. Trước mắt, Sở tiếp tục mời các chuyên gia Hán Nôm thẩm định kỹ hơn, vì ngoài một số bản tuồng trước kia đã được thầy Xuân triển khai sử dụng, vẫn còn một số bản chưa ghi tên đề…”
Theo chị Hoàng Oanh, con gái nhà văn Nguyễn Văn Xuân, hầu hết các bản tuồng cổ nói trên đều do chạ chị sưu tập tìm từ những năm ông dạy tại Đại học Huế. Số tiền đầu tư cho công việc này bao gồm tiền lương dạy học của ông lúc đó và đôi khi có cả vàng của mẹ chị. Ông đã có rất nhiều bài viết về Tuồng trên các tạp chí Sài Gòn và định tập trung làm một công việc gì đó rất lớn, nhưng đến sau 1975 do những biến động lịch sử, dẫn đến hoàn cảnh khó khăn nhất định, ông phải dừng lại lo việc mưu sinh. Từ sau ngày ông qua đời, các anh ở bên ngành văn hóa ghé qua thường dặn dò, gia đình cần quan tâm bảo quản tủ sách của ông gồm rất nhiều bản tuổng cổ quý hiếm để lại (trong điều kiện ngôi nhà của ông rất ẩm thấp, dễ bị dột nát), vì đó là những bảo vật của quốc gia. Đến bây giờ, Sở VHTT&DL mới chính thức đặt vấn đề…
Cần nhắc lại, bên cạnh những công trình sáng tác, biên khảo nổi tiếng như Phong trào Duy Tân, Khi những lưu dân trở lại, Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc, Dịch cát, Hương máu, Kỳ nữ họ Tống…, nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu môn Tuồng cổ. Các tài liệu nhắc về ông đều ghi rõ: “Năm 1965 ông làm giảng viên chữ Nôm cùng các môn Hát Bộ, Tuồng Cổ tại Đại học Văn khoa Huế. Cũng tại Huế, Nguyễn Văn Xuân còn phát hiện 80 hồi trong pho tuồng hát bội Vạn bửu trình trường của thời Tự Đức trên tổng số 120 hồi. Rất thông thái về tuồng, ông viết liên tiếp nhiều bài về hát bội trên tạp chí Tân Văn, Sài Gòn; hay nhất là bài Trại Ba Công chúa - tức là tuồng Địch Thanh”.
Nhà văn Nguyễn Quý Đại, một trong những học trò cũ của ông cho biết: “Năm 1972 tôi tham dự buổi diễn thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Hội Khuyến Học Đà Nẵng, chủ đề nói về Nghệ Thuật Hát Bội, ông đã đưa nhiều chi tiết của từng đào kép, người nghệ sĩ tự vẽ mặt, hóa trang sao cho phù hợp với vai của mình đóng. Đi đứng điệu bộ phải oai hùng...Khán giả danh dự được mời cầm chầu, phải là người biết rõ nghệ thuật Hát bội để đánh trống . Khi gió nhẹ phải đánh thùng, rùng, rùng... run rẩy êm ái, lúc dông gió bão tố thì phải gõ tung tung mạnh bạo, dứt khoát. Mỗi gánh hát đều phải có người đánh trống hiểu sâu về ưu điểm, nhược điểm từng diễn viên để dùng tiếng trống phát huy hoặc hạn chế... Chuyện cầm chầu cũng là một nghệ thuật, người cầm chầu cần phải có trình độ thưởng thức, phê bình vở diễn.. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã mời các đào kép nổi tiếng diễn những vai tuồng và phân tích cho khán giả hiểu thế nào gọi là nghệ thuật Hát bội. Xã hội càng văn minh, sân khấu kịch nghệ không ngừng phát triển, nhưng bộ môn Hát bội những tuồng cổ điển tích như : Thoại Khanh Châu Tuấn, Lữ Bố hí Điêu Thuyền ....dần dần bị quên lãng “
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng có lần kể lại, vào những năm 1970-1971, trong một buổi giảng tại Đại học Huế, ông đã đề nghị mời một ban hát Tuồng đến từ Quảng Nam. Đầu tiên, sinh viên thấy ban nhạc ăn mặc lếch thếch thì hơi nản, nhưng sau khi nghe qua mấy tiếng dạo đầu trên mặt trống và tang trống thì thái độ khinh thị, lãnh đạm, thương hại của họ biến tan. Bấy giờ chính tự họ sắp xếp trật tự và gần như kính cẩn để nghe từng bài trống riêng rẻ - có bài bản như một khúc nhạc thật sự - và họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…Liền sau đó là buổi trình diễn. Các nghệ sĩ được mời trổ riêng tài nghệ cá nhân về cách múa hoặc sử dụng các đạo cụ. Đến khi vào vấn đề, tức là diễn vài ba đoạn tuồng thì tất cả bạn sinh viên đều bị hấp dẫn, họ vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt suốt buổi diễn. Điều thành công đáng kể là rồi chính các bạn sinh viên tự động đứng ra cùng ban văn nghệ của Viện tổ chức một đêm diễn công khai cho toàn giáo sư và sinh viên Viện đại học xem.
Trở lại chuyện kho Tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, vì sao đến nay, sau 5 năm ngày ông qua đời mới được “phát hiện”? Thực ra, phần lớn chúng tôi, những học trò cũ hoặc thân hữu thường lui tới gia đình ông đều biết, trong tủ sách của ông còn rất nhiều loại sách cổ quý hiếm, nhưng không phải dễ có dịp mở khoá. Bởi ai có thật gần gũi với ông, mới hiểu được hoàn cảnh tế nhị này: suốt mấy chục năm qua, vợ ông là người giữ chìa khoá. Bản thân bà cùng những người con khác (trừ chị Oanh) đều mắc bệnh tâm thần ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, đều cho rằng tủ sách là một tài sản quý giá của gia đình, sợ giao cho ông thì ông làm hỏng mất (!). Trên thực tế, sự lo âu này cũng có phần đúng, vì thường khi, tôi nhận thấy ông ít khi giữ riêng cái gì cho mình. Mỗi lần có một tài liệu gì quý mới tìm được, ông thường bảo đem phô-tô cóp-py nhiều bản, và dặn: “để dành đứa nào cần thì cho nó một bản, chứ không lỡ sau này khó tìm”. Nghe đâu trước kia, nhà thơ Đoàn Huy Giao (đạo diễn Đài truyền hình Đà Nẵng) có dỗ dành bà mở tủ sách ra quay phim một lần, rồi lại thôi…
Giờ đây, ngành văn hóa Đà Nẵng đã chính thức tiếp cận với kho Tuồng Cổ quý hiếm của nhà văn Nguyễn văn Xuân. Mong sao đây sẽ là lúc những di sản này được chính quê hương của nghệ thuật tuồng nhanh chóng dang tay đón nhận và đặt để vào vị trí xứng đáng để phục vụ đời sống, kẻo không những uổng phí công sức sưu tập của nhà văn Nguyễn Văn Xuân mà còn nặng tội với người xưa…
T.T.S
Các em có thấy những đôi mắt mà tròng ngươi trong đó liên tục xoay chuyển gây biết bao cảm xúc tuyệt vời. Ấy, điễn viên hát bội cũng từng múa mắt y như thế trước vài thế kỷ. Tôi cũng không quên múa hia! Hia này là hia để cong y như cái thuyền chứ không phải loại hia để bằng mà người đời sử dụng trên đường (chỉ Huế và Quảng Nam quen dùng loại hia này). Vì nó cong như thế nên ai không quen sử dụng sẽ nhào té ngay như trường hợp vài sinh viên trẻ hiếu động đang bị “tổ trác”. Khi các em xem động tác, nếu để ý vũ công hoạt động khắp toàn thân thể cả đôi bàn chân. Đôi chân trong ngành hát bội nói rất nhiều về nỗi buồn, niềm vui, sự hy vọng, tuyệt vọng tuỳ theo cách sử dụng hia ở các thế múa khác nhau: có khi xoay chuyển trên đế hia gọi là “bê”, có khi là mũi hia (ngã gập người phía sau) dễ té sấp, té ngữa. Do đó, người nghệ sĩ rất dễ gây cảm xúc mãnh liệt cho người xem.
( Nói chuyện tuồng vui! – Bài nói chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Xuân dành cho thiếu nhi, 1998)