Khoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn Quốc
Một khoảng lặng hàm chứa rất nhiều điều.
Một khoảng lặng không căng dây đàn như khi ta đón chờ trận bão,
Không ngột ngạt bóng đêm của cô quạnh mung lung,
Không phập phồng ú tim của hoang mang lo ngại…
Khoảng lặng bình yên,
Khoảng lặng tinh tươm của sáng Mồng Một Tết!
Đã bao năm trong đời ta đón chào cái khoảng lặng này, vậy mà sao hôm nay đất trời cảnh vật vẫn hồn nhiên, vẫn tươi mới tinh khôi như thuở ban đầu. Một khoảng lặng bàng bạc quanh ta, vô hình vô sắc, vậy mà từ bao đời nay đã nghiễm nhiên trở thành “nhân vật chính” của sáng mồng một Tết. “Nhân vật” này ta không tốn đồng tiền cụ thể để “đầu tư” như lọ hoa trên bàn, không chăm chút sửa sang như cây mai trước cửa, vậy mà, hễ có mồng một tết là có nó! Nhà nào cũng có, không ai bán được và cũng chẳng thể nào mua (cho những ngày khác trong năm)! Nghiễm nhiên, nó trở thành một “của báu” vô giá!
Mấy ngày cận tết, gì cũng vội vã, cũng bận bịu vắt giò lên cổ, bầu bạn hú một ly bia hay một tách cà phê cũng khó mà hưởng trọn. Cao điểm nhất là ngày và tối giao thừa, khoảng thời gian của những nhớ những quên những gì chưa hoàn tất, để rồi những vật vô tri cũng muốn nhấp nhổm chuyển dời theo sự sắp đặt mới cho kịp với thời gian. Nếu công việc được chia đều cho một năm chắc cũng chẳng có gì đáng nói. Đằng này, có những việc phải đợi đến tết, thậm chí áp tết mới làm, mới chạy nước rút cho kịp cơn chuyển mình về với mùa xuân. Cơn chuyển mình ấy kéo dài đến tận không giờ ngày mồng một tết, bùng nổ, vỡ òa; từng cành cây ngọn cỏ cũng thao thức cùng ta, suốt đêm. Rất nhiều việc cùng diễn ra mà tai, mà mắt, mà tâm tư chẳng dừng lại lâu ở một việc nào. Cúng rước Táo quân. Chúc tết trên vô tuyến. Đi chùa. Hái lộc. Và…tin nhắn. Sương đêm xuống nhiều, và se lạnh, và rét…nhưng vẫn hôi hổi những lời chúc phúc tốt lành, những tâm trạng bổi hổi bồi hồi cùng đất trời rạo rực.
Vậy mà, mờ sáng mồng một, nhà nào nhà nấy cổng đóng cửa cài, không phiền đến ai và cũng chẳng muốn ai phiền nhiễu đến mình, cứ như “án binh bất động”! Đâu rồi cái rộn ràng tất bật, đâu rồi cái háo hức tưng bừng, đâu rồi những việc còn dang dở? Đâu rồi và đâu rồi? Lạ lắm. Không lạ làm sao được, cái vòng quay ngày tháng như bánh xe lăn đều trên con đường vô thủy vô chung của thời gian, giờ bỗng dưng như ngưng đọng lại, bí ẩn, trinh nguyên, như mọi việc chỉ mới bắt đầu.
Thật ra, cái khoảng thời gian “ngưng đọng” này là không lâu, như một nghi thức “mặc niệm”, kéo dài bao nhiêu là tùy mỗi người mỗi nhà, nhưng cái sức tạo ấn tượng thì cực lớn, không ai không…ám ảnh. Nói “ám ảnh”, không có nghĩa là day dứt hoang mang gì, mà để thấy rằng thật khó phai nhòa trong tâm khảm. Tại sao mấy ngày qua đang rôm đang rả, giờ đây ăn nói phải dè dặt, cân nhắc từng lời, không cười lớn tiếng; và, dẫu gặp chuyện gì bực tức đến mấy cũng không thể nổi cơn tam bành. Có gì ấm ức cũng không được khóc, sẽ u sầu cả năm. Không được xồng xộc sang nhà hàng xóm xin lửa hay nhờ vả điều gì, họ bị “mất hên” và ta cũng sẽ bị mắng cho muối mặt! Ôi dào, quả là nhiêu khê. Tất cả để khuyên nhủ rằng, sáng mồng một Tết là trang giấy trắng, hãy giữ gìn cẩn thận, trang giấy bị hoen ố vì những việc xúi quẩy sẽ mất công ta gạch - xóa - tẩy - bỏ quanh năm, không làm chuyện gì cho ra chuyện gì nữa cả. Phải quan trọng hóa mọi việc lên để mà có trách nhiệm với từng hành vi, cử chỉ, lời nói và việc làm của mình, đừng để bị “ám” suốt 12 tháng trời. Hãy gieo hạt đầu năm sao cho suốt năm được thuận đà may mắn, còn thực tế xảy ra như thế nào lại là chuyện khác, miễn sự mong cầu của ta hướng về điều tốt đẹp, “xu cát tị hung” là được. Đấy, ý nghĩa là như thế, rất tích cực và đắm đuối với cuộc đời này, tin hay không thì tùy. Ngày nhỏ, mẹ tôi ra lệnh phải tin, nhưng khi chúng tôi lớn lên, thấy con cháu tỏ vẻ hoài nghi, bà cụ lại “nói lẫy” với ý như thế. Biết nói thế nào nhỉ, nếu bảo rằng tin vô điều kiện, bầu bạn sẽ cười cợt chọc quê; còn bảo rằng không mảy may tin tưởng, e rằng hồn vía của ngày mồng một Tết trong truyền thống dân tộc ắt cũng chẳng còn gì.
Nói vậy để thấy, từ khi biết tết, tôi luôn trung thành với niềm tin đó. Nó luôn tạo nên một sự trân trọng với đấng cao xanh và với mọi người mọi vật xung quanh trong ngày mồng một Tết. Thật thú vị. Tự dưng cái bình cái tách cứ như khách lạ trong nhà, ta “tương kính như tân”, hết sức nhẹ nhàng, “tôn trọng”, sợ nếu làm “choang” trên nền nhà thì khốn! Đến như chú Vàng đang dai dẳng gâu gâu, ta cũng muốn mắng mỏ mấy câu đầy “thân tình” và chia sẻ: Cái con Vàng kia! Sao mà ồn quá, không biết hôm nay là mồng một Tết à? Đấy, đại loại ta muốn mọi vật đều phải biết cùng ta cái thiêng liêng và trọng đại của ngày đầu năm mới.
Bỗng dưng, tôi lại nhớ một câu trong bài hát cũ: Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay...
H.V.Q