Chợ quê ngày tết – Lý Thị Minh Châu

28.01.2013

Chợ quê ngày tết – Lý Thị Minh Châu

Những ngày giáp tết chợ quê bỗng nhộn nhịp khác thường. Tuy bây giờ phương tiện đi lại hầu như nhà nào cũng có, chỉ cần năm bảy phút ngồi xe máy là có thể tới chợ xã, chợ huyện để mua sắm nhưng chợ quê vẫn tấp nập người mua bán bởi giá cả ở quê bao giờ cũng rẻ và chất lượng thì khỏi phải bàn.

Cái không khí đón tết quê rất nhộn nhịp chứ không yên ắng như ở thành thị, dọc theo các đường làng ngõ xóm, nhà nào cũng có nia phơi củ kiệu, củ hành, đu đủ xắt nhỏ; củ cải, cà rốt tỉa hoa. Từ hăm bảy, hăm tám tháng chạp sân nhà nào cũng phơi lá chuối, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét. Tiếng chày giã gạo, giã đỗ đây đó thậm thình, không gian đón tết ở quê thật sinh động làm cho người nhàn nhã cũng nôn nao. Càng nôn nao hơn khi đến chợ tết ở quê. Đó là chỗ dựa của người quê khi thiếu cái này, cái nọ. Từ cây kim sợi chỉ cho tới bó lạt gói bánh, từ lọ nước màu kho thịt, cá cho tới quả ớt, bịch nước dừa…người ta đều tìm đến chợ quê bởi chỉ bước vài bước là tới.

Tết bây giờ không khác tết xưa là mấy. Vẫn thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ…bánh chưng xanh, còn cây nêu tràng pháo thì thật sự đã xa rồi. Bánh chưng xanh, bánh tét giờ đã hòa quyện vào các vùng miền. Bánh chưng xanh không dễ gói còn bánh tét thì ngược lại. Bánh chưng xanh đòi hỏi phải có lá dong, có tay nghề, không có tay nghề thì nhờ khuôn gỗ còn bánh tét thì đơn giản chỉ cần có lá chuối là xong. Chính vì cách làm đơn giản không cầu kỳ nên bánh tét được người miền Nam chuộng hơn bánh chưng.

Thịt heo cũng vậy, đó là thứ thực phẩm không thể thiếu trong ba ngày tết. Là sự chuẩn bị dài hơi của người nhà quê luôn bận rộn với công việc đồng áng nặng nhọc. Phải nuôi, phải chăm sóc, lo còi cọc cũng là nguyên nhân để người quê bây giờ tìm đến chợ. Cần loại thịt gì thì đặt hàng ngày hôm sau là có, không phải lo chuyện cỗ lòng, đầu đuôi thủ vĩ chẳng có ai ăn. Còn gạo nếp thì chẳng việc gì phải gieo cấy nhỏ lẻ, nhà đông người lắm thì cái tết cũng sử dụng năm, mười ký là cùng. Mua cho tiện bởi nếp nấu xôi, nếp gói bánh, nếp làm cơm rượu, làm cốm…có giống nhau đâu. Rồi các loại mứt, chẳng lẽ thứ nào cũng trồng được, thứ nào cũng hợp thổ nhưỡng. Còn rau củ, hoa quả nữa chứ, đâu phải nhà quê nào cũng có tủ lạnh để dự trữ dùng cho các ngày tết. Chỉ có chợ quê mới là bà nội trợ đảm đang có khả năng cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm mà bữa quê cần.

Khi trời vừa tang tảng sáng chợ quê đã nhộn nhịp người mua bán rồi. Người vùng cao thì địu con xuống chợ, người làng thì qua sông qua đò, mọi ngả đường về chợ tấp nập người, xe cộ và gia súc. Nhộn nhịp nhất là hàng thịt, hàng gà;  hàng lá dong lá chuối, hàng gạo nếp đậu đỗ. Hàng quần áo không đông đúc như ngày xưa, bởi các bà mẹ quê bây giờ tiền bạc cũng đã rủng rẻng, đủ mua sắm cho con cái họ từ trước. Ngoài những gian hàng cố định của chợ, người ta còn gặp những xe hàng di động với lủ khủ nồi đất, bếp lò, chậu hoa, lu, hũ...tan chợ thì họ đi vào ngõ ngách xóm thôn tiếp tục bán. Nông sản bày la liệt hai bên đường, từ buồng cau, nải chuối các loại củ quả tới rổ rau, mẹt ớt đều được người bán mời chào đon đả. Ở đây người bán cũng là người mua. Người bán bán những thứ mình có rồi mua những thứ mà mình cần. Chủ yếu trao đổi hơn là bán chác kiếm lời. 

Ta lại gặp ở đây hình ảnh “ chợ tết “ trong thơ Đoàn Văn Cừ năm nảo năm nào : “ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh / Người các ấp tưng bừng ra chợ tết / Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc / Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton…” đây đó vẫn còn. “ Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà / Quên cả chị bên đường đang đứng gọi / Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi / Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa / Những mẹt cam đỏ chói tựa son pha / Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết / Con gà sống mào thâm như cục tiết / Một người mua cầm cẳng dốc lên xem…” thì còn đúng một vài phần.   

Tôi không thuộc lớp người cổ như ông bà, cha mẹ cũng không thuộc thế hệ tân thời như 8X, 9X. Người cổ như mẹ thì món ăn tết nào cũng tự làm còn người mới thế hệ 8X, 9X thì chỉ thích mua thức ăn công nghiệp có sẵn trong các siêu thị. Mỗi người có một cách sống riêng, nhưng chủ yếu là nguồn tài chính và vật phẩm có nơi địa bàn họ cư trú. Riêng tôi, cái gì làm được thì tôi làm nếu có thời gian rảnh rỗi. Các loại bánh mứt dùng cho ngày tết không khó làm, chỉ cần chăm chỉ và học hỏi ai đó một lần là có thể thực hiện thành công. Còn bánh chưng, bánh tét không gói được, nhà dùng không nhiều thì mua là thích hợp. Chả ram, giò lụa thì đã có sản phẩm của Cầu Tre, Vissan…Chính vì sự tiện ích của những sản phẩm này mang lại  nên người quê bây giờ thích chọn chúng hơn là làm. Nay thì chợ tết ở quê đã có nhiều cửa hiệu bán hàng đông lạnh. Không ế cũng không đắt nên công việc cũng nhàn nhã. Người bán chẳng phải lo toan điều gì, không bán được thì để đó, hết hạn sử dụng thì trả lại cho nhà sản xuất, chỉ lỗ tiền điện. Một ngành nghề kinh doanh không nhiều lợi nhuận nhưng khá bền vững, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp khi mà đời sống người dân ngày càng nâng cao.

 Năm nào tôi cũng về quê ăn tết. Bên bếp lửa hồng nghe nồi bánh chưng sôi sùng sục lòng mình cũng rộn rã, nôn nao. Nhìn đứa em trai út xúng xính trong bộ đồ Đô-rê-mon mới may ngủ gà ngủ gật chờ đón giao thừa, chợt thương thời thơ ấu nhiều thiếu thốn của mình. Trong không khí ấm cúng của gia đình, người thân ta thấy mình luôn được ôm ấp, chở che. Ngược lại sẽ buồn biết mấy. Chỉ có sum họp với gia đình thì cái tết mới thực sự trọn vẹn, để rồi khi trở lại với công việc thường ngày ta có thêm nghị lực mà vươn xa.

Cầu mong năm mới mang đến những điều tốt đẹp cho mọi người, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày thêm sung túc, để xuân về tết đến lòng ai cũng tràn ngập niềm vui.

 


                                                                                                                                                                                                               L.T.M.C

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình