Tôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công Minh
… Sau một ngày khá căng thẳng bởi công việc, Yamađa - người bạn mới quen trong chuyến đi Nhật lần này - hẹn chúng tôi buổi tối sẽ đưa đi thăm Tháp Tôkyô, một công trình độc đáo của thủ đô Nhật Bản. Thực ra đây là Tháp truyền hình và đài phát thanh phát sóng, nhưng nó được xây dựng như một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, nên nhiều người đến Tôkyô vẫn có nhu cầu được chiêm ngưỡng. Vẫn biết là người ta đang chuẩn bị nâng cấp tòa tháp 333 mét này cao gần gấp đôi và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2012, nhưng dù sao, vào thời điểm chúng tôi có mặt, đây vẫn là công trình nhân tạo cao nhất Nhật Bản, vì vậy mọi người đều háo hức.
Trước khi lên xe đi tham quan Tháp Tôkyô, Yamađa đã giao hẹn với tôi và Lương Minh Sâm là đêm nay sẽ cùng ngồi với nhau tại một quán rượu bình dân nào đó để ghi nhớ cuộc gặp gỡ lần này. Cả hai vui vẻ nhận lời, nhưng chúng tôi “giao hẹn” rằng sẽ kết thúc cuộc vui lúc 1 giờ khuya, không nên muộn quá, vì chương trình ngày mai còn dày đặc.
Ba mươi phút loang loáng trên các đại lộ với những dãy đèn cao áp. Xe chạy chậm dần. Đã đến chân tháp. Trời lạnh buốt, nhưng khô, một cảm giác dễ chịu. Ô tô phải đỗ ngoài xa. Tôi rủ Sâm chụp vài kiểu ảnh, nhưng góc độ rất khó chọn, phần vì ánh đèn toả ra nơi chân tháp phản chiếu ngược sáng, phần vì quá cận cảnh, không thể lấy được hình ảnh cả toà tháp bởi chiều cao của nó còn hơn cả tháp Ép-phen của thủ đô Pa-ri nước Pháp. Đành phải đi bộ đến tận con đường nhỏ cạnh chân tháp để có được một kiểu ảnh ưng ý, mặc dù không lấy được toàn cảnh. Yamađa vẫn kiên nhẫn đứng chờ chúng tôi trong giá lạnh. Xong việc, cả ba lên xe ra về.
Đang đi, bỗng thật bất ngờ : bên đường, một hàng khoai lang nướng. Không đừng được. Tôi nói Yamađa cho xe dừng lại, chúng tôi đi bộ đến bên lò than đang đượm nồng. Chủ nhân của cái xe-lò-than-lưu động này là một người đàn ông cỡ tuổi 60. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ và mua 3 củ khoai vừa cời ra từ lò nướng. Chà, một củ khoai lang nướng bốc khói trên bàn tay giữa một không gian lộng lẫy, hiện đại, cảm giác thật thú vị và cũng thật hồn nhiên biết bao! Khoai lang nướng thì ở đâu cũng vậy thôi. Ngọt, bùi, thơm, có cả vị nồng nồng của đất. Cái lò nướng than thì ở đâu cũng vậy thôi, rực lửa, ấm áp, mặc dù có thể ở đây lúc này nó là cái lò cồng kềnh như chiếc xe bò của ông già bán khoai lang người Nhật, còn cái lò than của chị bán bắp nướng ở đầu phố nhà tôi chỗ góc Trưng Nữ Vương - Lê Đình Thám, chỉ là cái chậu nhôm nhỏ. Và, con người, thì cũng có người nghèo, lại cao tuổi, phải bươn chải tần tảo kiếm sống; cũng có người giàu sang tiêu tiền như “tiêu khoán”. Nhưng cái chính là nhu cầu của con người vốn rất giản dị, lâu nay nó cứ bị làm cho cầu kỳ đi; “phú quý sinh lễ nghĩa” mà! Nhưng phú quý đến mấy rồi cuối cùng vẫn cần trở lại với những điều giản đơn như vậy : một củ khai lang nhỏ, một chén nước chè xanh...Thật có lý và cũng thú vị khi trong một số bữa tiệc lớn ở những khách sạn 5 sao, bỗng bất ngờ khi thấy trước mặt mình, trên bàn ăn trải khăn màu vàng thêu ren cầu kỳ, chén đũa nạm bạc, vậy mà người ta không quên đặt lên chiếc đĩa sứ nhỏ một mẩu bắp luộc và một khoanh khoai lang luộc, như là để nhớ lại cái quá khứ hàn vi xa xưa của con người...
... Yamađa nói với anh lái xe một vài câu gì đó bằng tiếng Nhật. Xe đi vòng quanh qua những con đường lớn, rẽ qua một con hẻm và dừng lại trước cửa một ngôi nhà nhỏ. Nhỏ thật. Cửa ra vào rất hẹp, dĩ nhiên là hẹp hơn nhiều so với cửa những căn nhà mặt phố hình ống của công chức thường thường bậc trung bên nước mình. Chúng tôi bước vào bên trong. Một cảm giác thật ấm cúng. Nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên : giữa Tôkyô rộng rãi, lộng lẫy, lại có một quán rượu nhỏ thế này sao? Nghe nói, những quán uống trà đạo ở Nhật thường là những căn nhà thấp; ai vào cũng phải cúi đầu, và đi vào một khe cửa hẹp, kể cả võ sĩ, chiến binh cũng phải bỏ kiếm bên ngoài mới vào được. Nghĩa là không gian phải thật là nơi thanh bình, thân thiện. Đấy là nói chuyện trà đạo. Nhưng còn cái quán rượu nhỏ này ? Phải chăng chủ nhân ở đây cũng muốn tạo một không gian thật thân thiện, thanh bình như vậy.
Hai dãy bàn nhỏ xếp thành hàng chữ U, chỉ đủ cho khoảng 20 tửu khách. Tất cả ngồi sát cạnh nhau, có chỗ buộc phải ngồi đối diện với người không quen biết. Nhưng không sao. Đã vào đây là thân nhau cả, mặc dầu nhóm người nào thì nói chuyện với những bạn uống của mình. Và thật lạ, cũng rất say sưa, say sưa một cách thành thật, nhưng không ai nói to, nghĩa là không ai làm ảnh hưởng đến ai, trong cái bầu không khí rất “tự do dân chủ” này.
Khác hẳn những tiệm ăn lớn với những cô phục vụ trẻ trung xinh đẹp nói chuyện thoải mái với khách, ở đây lui tới chỉ có 2 người phụ nữ mà về sau chúng tôi được biết họ là 2 mẹ con; người mẹ là một cụ già đã 89 tuổi, và bà con gái là 66. Bà cụ gần chín mươi vẫn tỏ ra minh mẫn, đi lại nói năng bình thường; và người con gái tuy đã là U70 nhưng vẫn còn nhiều nét duyên, do cách ăn mặc không hề tỏ ra là một người cao tuổi. Hai người xởi lởi ra vào, vừa đón khách, vừa chuẩn bị món nhấm, rót rượu, vừa bưng bê dọn dẹp... Họ làm một cách khoan thai, chuẩn xác, đáp ứng yêu cầu của từng loại khách, vui vẻ hoà nhã, như là những người thân.
Yamađa có vẻ như là khách quen từ trước. Tuy nhiên, do khách đông nên chúng tôi cũng chưa có dịp trò chuyện gì nhiều với 2 mẹ con bà chủ. Nhiều điều thắc mắc nẩy sinh trong đầu. Sao bà cụ già gần 90 còn phải lụi cụi làm lụng không được nghỉ ngơi thế kia ? Chồng con của người đàn bà 66 tuổi kia thế nào? Nhưng có lẽ đấy là những điều không tiện hỏi.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi. Một cái chai cỡ 75, màu xanh và hơi thô như kiểu chai bia Thanh Đảo ngày xưa hay nhập vào ta. Tôi hiểu, đó là rượu sa-kê. Ai đến Nhật mà không dùng loại “quốc tửu” này ! Không đợi chúng tôi gợi chuyện, Yamađa đã say sưa giới thiệu về thức uống phổ biến của người Nhật, một phần không thể thiếu trong sinh hoạt ẩm thực của người dân, bất kể sang hèn. Nó đã và vẫn là một trong những nét văn hóa nổi tiếng của con người nơi xứ sở hoa anh đào này. Yamađa cho hay, sa-kê có rất nhiều loại, được chế tạo theo những bí quyết từng vùng, mang giá trị đặc sản từng vùng. Bất giác tôi nhớ lại vài hôm trước đó, khi vào thăm khu lăng Minh Trị Thiên Hoàng. Ở ngay cổng vào lăng, một cảnh tượng lạ mắt hiện ra : một dãy dài xếp nhiều tầng các loại thùng rượu, tượng trưng cho các loại “quốc tửu” của Nhật. Đây là những thùng rượu do các công ty, đơn vị và cá nhân đến đây cúng tế hàng năm tặng lại, và người ta xếp vào đó. Thành như một thứ “bảo tàng rượu”. Phía đối diện bên kia là các loại rượu của Châu Âu do các hãng ở Pháp hiến tặng mỗi khi đến đây viếng lăng. Cả một bức tường với ánh sáng rực rỡ, người ta cho chiếu hình ảnh đủ các loại mẫu mã của các hãng rượu nổi tiếng thế giới.
Thỉnh thoảng Yamađa lại châm rượu cho tôi và Sâm, không để cho chúng tôi tự rót. Theo phong tục người Nhật, thường thì khi uống rượu sa-kê, người uống không tự rót, mà mọi người rót cho nhau. Chúng tôi là khách, cứ lặng lẽ ngồi yên để Yamađa thể hiện lòng hiếu khách. Điều thú vị khi uống rượu là người ta được tự do uống theo tâm trạng vui buồn, thư thái hay gấp vội của mình. Có lúc chúng tôi ngồi lặng lẽ theo đuổi những cảm xúc riêng, không ai nói chuyện với ai, nhưng cũng có lúc câu chuyện bỗng trở nên hào hứng vì dư âm những cuộc gặp gỡ những ngày qua vẫn còn đọng lại trong chúng tôi những hình ảnh khó quên. Quá nhiều những sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn ngủi có mặt nơi đây. Mới chiều qua, khi vừa đến Tôkyô, ngay sau bữa ăn trưa, chúng tôi cùng nhau vội vã sang thăm Hội hữu nghị Việt Nhật, có cơ quan đại diện của chi nhánh Kawazaki. Ông Chủ tịch chi nhánh thông báo, trước đó một ngày, 60 thành viên đã có mặt tại cảng Kawazaki. 310 chiếc xe đạp đã được chuyển về Đà Nẵng, sẽ cập cảng Tiên Sa trong khoảng mươi ngày sắp tới. Đây là chuyến hàng đầu tiên của năm 2009. Trước đó, đã 14 lần, 14 chuyến hàng với 3544 chiếc xe đạp cho trẻ em Việt Nam. Giá trị mỗi chiếc xe đạp không lớn, nhưng tình cảm và sự chi chút thì không thể tả hết. Hội cũng đã biên soạn một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh, quốc tế ngữ, tiếng Nhật và tiếng Việt, nội dung giới thiệu và giải thích cho các em học sinh hiểu vì sao phải gửi xe đạp qua Việt Nam. Một đoàn đại biểu của Hội cũng đã được dự kiến khoảng 15-20 người sẽ qua Đà Nẵng trao tặng quà tình nghĩa và tham dự cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Ông Chủ tịch Chi nhánh sốt sắng hỏi đoàn có yêu cầu gì thêm. Đồng chí Trưởng đoàn nói 2 nguyện vọng có liên quan đến Bệnh viện ung bứu đang xúc tiến xây dựng tại Đà Nẵng: một là vận động kinh phí để mua sắm thiết bị y tế, và thứ hai, quan trọng là cần bác sĩ giỏi. Ông Chủ tịch Hội ghi nhận và hứa sẽ làm việc với các tổ chức từ thiện để góp phần vào một công việc rất có ý nghĩa của các bạn Đà Nẵng nhằm giảm bớt nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh do di chứng để lại. Sâm và tôi bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp trước tình cảm của những người bạn Nhật đã hết lòng vì trẻ em Việt Nam. Yamađa lại lặng lẽ châm rượu thêm vào chiếc ly nhỏ. Chúng tôi chạm ly thay cho lời chia sẻ.
...Rồi cuối cùng cũng đến lúc chúng tôi có dịp trò chuyện được với hai người phụ nữ kia. Lúc này khách đã vãn. Cụ già lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện với chúng tôi, giọng nói cũng rất nhỏ nhẹ. Cụ nói đủ chuyện. Không thấy than phiền điều gì. Một cảm giác mãn nguyện, hay nói chính xác hơn là an phận nơi cụ. Đang ngồi nói chuyện, bà cụ lặng lẽ đứng dậy và lấy trong ngăn tủ mấy thỏi sôcôla, lặng lẽ ấn vào tay từng người chúng tôi, không nói gì. Nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu tấm thịnh tình riêng của cụ.
Dường như đến lúc này, người con gái bà cụ mới để ý chiếc huy hiệu có hình lá cờ Việt Nhật in chéo trên ngực áo của tôi và Sâm. Chị cúi sát vào chiếc huy hiệu và Ồ… lên một cách thú vị : Việt Nam ? Tôi hỏi: Chị có biết Việt Nam? Dường như tôi đã chạm tới một phần đời tuổi trẻ của chị và của các bạn cùng trang lứa với chị. Chị bắt đầu vận dụng “vốn liếng” của chị về quê hương Việt Nam của tôi. Những từ như : Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh – Sài Gòn – Hà Nội được chị nhắc đến như là những kỷ niệm đẹp thời thanh niên sôi nổi. Ở lứa tuổi của chị, tôi chắc là bản thân chị và bạn bè cũng đã từng có mặt trong những cuộc biểu tình của nhân dân Nhật Bản chống chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ trên đất nước Việt Nam thân yêu, nơi mà chị cũng chỉ biết rất sơ lược về nó. Trong không khí đầy tinh thần đoàn kết chiến đấu những năm tháng ấy, hẳn chị cũng đã từng hô vang những khẩu ủng hộ Việt Nam, chống xâm lược Mỹ, như "Chấm dứt ném bom", "Ðoàn kết với Việt Nam", "ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, "ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam"v.v... Những cánh tay vung cao cùng với rừng cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận giải phóng và những băng-rôn, áp-phích cỡ lớn di động trên đường phố...Dường như không còn khoảng cách của những khách hàng và chủ quán. Một thời kỳ hào hùng với những kỷ niệm đẹp đã gắn kết chúng tôi trong cuộc gặp rất tình cờ.
...Đã hơn 1 gờ sáng. Chúng tôi xin phép cáo lui. Hai mẹ con bà cụ lặng lẽ theo chúng tôi ra tận chân cầu thang, cúi sát người, chào theo phong cách truyền thống của người Nhật. Tôi quan sát từ lúc vào đến giờ, có nhiều tốp khách ra về, nhưng với riêng chúng tôi, cả bà cụ cũng theo người con gái ra tận cầu thang đưa tiễn. Có lẽ một phần vì 2 lá cờ Việt Nhật gắn với nhau trên ngực áo chúng tôi, thay vì lâu nay họ chỉ thấy người ta đeo huy hiệu lô-gô của các công ty, các tập đoàn kinh tế thôi; cũng có thể vì câu chuyện của chúng tôi đã gợi cho họ nhớ về những kỷ niệm thời tuổi trẻ dấn thân cho một sự nghiệp lớn, chống chiến tranh, vì hoà bình trên trái đất.
Người con gái lặng lẽ đưa chiếc card của cửa hàng, chắc một phần cũng là để hẹn lần sau có dịp trở lại, nhưng có lẽ chính là để kỷ niệm cuộc gặp hôm nay tại nơi này. Tôi đề nghị chị ký tên vào tấm danh thiếp. Chị vui vẻ và nhanh nhẹn làm theo, như thể cũng đã có ý định từ trước. Bấy giờ tôi mới biết được tên chị : Hirôcô.
Hình ảnh hai mẹ con bà cụ gần chín mươi tận tuỵ, nhẫn nại một cách bình thản trong cuộc mưu sinh cứ ám ảnh chúng tôi. Nếu không có buổi tối bình thường ấy trong một góc nhỏ bình thường của Tôkyô lộng lẫy, làm sao tôi có thể biết vẫn còn có một ông lão sáu mươi đi bán khoai lang dạo; làm sao tôi có thể biết về hai mẹ con bà lão từng nặng lòng với quê hương xa xôi của tôi trong những năm tháng gian nan chiến đấu. Đằng sau những cánh cửa hẹp, vẫn luôn ẩn chứa những bao điều không nói hết. Như lúc này đây, những nụ anh đào đang chúm chím trong sương đêm, dọc hai bên đường đưa chúng tôi về nhà. Những nụ hoa đang e ấp một sự kỳ diệu: chỉ khoảng hơn một tháng nữa thôi, hoa anh đào sẽ bừng nở, khoe sắc trắng tinh khiết trên khắp xứ sở Phù Tang.
Tôkyô, 2.2009
Đà Nẵng,2.2012
B.C.M