Happy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn Khoa

28.01.2013

Happy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn Khoa

Xuân về. Ca khúc “Happy new year” lại vang lên giai điệu ngọt ngào, nghe rạo rực, bồn chồn, ấm áp như từng giọt champagne. Đêm tất niên, trong dòng người và ánh sáng của pháo hoa, lòng người trở nên gần gũi và thương yêu hơn trong lời hát vang lên như thắm thiết, níu kéo: “No more champagne. And the firework are through…Happy new year…Happy…”     

 

Thời vàng son…

 

Tháng 6/1966, lần đầu tiên, Bjorn Ulvaeus (sinh năm 1945) gặp Benny Andersson (sinh năm 1946). Lúc đó, Bjorn đang là thành viên của một nhóm nhạc folk nổi tiếng có tên là Hootenanny Singers. Trong khi đó, Benny đang chơi keyboard cho ban nhạc pop lớn nhất trong những năm 60 của Thụy Điển, the Hep Stars.

Cuối năm, hai người đã cùng nhau sáng tác chung ca khúc đầu tiên và đến cuối thập niên 60, Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson đã thiết lập được những mối quan hệ khắng khít trong sáng tác. Benny rời nhóm The Hep Stars và nhóm Hootenanny Singers chỉ còn xuất hiện trong phòng thu.

Mùa xuân 1969, Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson gặp 2 cô gái, một nửa còn lại của nhóm ABBA. Đó là Agnetha Faltskog (sinh năm 1950) và Anni-Frid Lyngstad còn gọi là Frida (sinh năm 1945). Họ đã kết hôn với nhau. Agnetha Faltskog và Bjorn Ulvaeus kết hôn vào tháng 7/1971, Benny Andersson và Frida kết hôn vào tháng 10/1978.

Sự hợp tác ban đầu của nhóm chỉ là sáng tác các ca khúc, đệm đàn, sản xuất và hát đệm cho những ca khúc solo của mỗi người. Năm 1970, ý tưởng thành lập một ban nhạc để hát chung. Sau nhiều lần thất bại, 2 năm sau, ca khúc “People Need Love” ra đời đã chứng minh được sự thành công trong nỗ lực của các thành viên trong nhóm. Họ tự đặt tên cho mình là Bjorn & Benny, Agnetha & Anni-Frid. Trong cuộc thi tiếng hát truyền hình toàn Châu Âu năm 1973 được tổ chức tại Thuỵ Điển, nhóm nhạc đã nhận giải 3 với bài “ Ring Ring”. Single và album cùng tên đã vươn lên đứng đầu trong bảng xếp hạng âm nhạc của Thuỵ Điển và trở thành phổ biến tại Châu Âu.

Năm 1974, ca khúc nổi tiếng “ Waterloo” đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải nhất trong cuộc thi tương tự được tổ chức tại Brighton, Anh. Tên ABBA được chính thức công bố, lấy theo 4 chữ cái đầu của các thành viên trong nhóm. Có một điều may mắn là tên ABBA là thương hiệu của một công ty đóng cá hộp tại Thụy Điển và công ty này đã nhường lại tên của mình cho nhóm nhạc nổi tiếng này.

“ Waterloo” giữ vị trí đầu bảng Châu Âu và lọt vào Top Ten của Mỹ. Những Album được phát hành sau đó đã đưa ABBA đến tột đỉnh của vinh quang. “SOS”, album thứ 3 đã khẳng định vị trí và “ Mamma” được tiếp tục vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ở Anh. Vài năm sau đó, ABBA gây sốt tại Australia và 6 lần đứng ngôi đầu bảng tại nước này.  

Năm 1976, với những ca khúc trữ tình, lãng mạn như “Fernando”, “Dancing Queen” và bộ sưu tập Greatest Hits và The Best of ABBA,  được tung ra đã gây nên “sóng gió” tại các nước Anh, Mỹ, Ausatralia,…Sau đó, vào những năm cuối thập niên 70  những ca khúc nổi tiếng  “ Money, Money, Money”, “Knowing me, Knowing You”, “ Take A Chance On Me”, “Summer Nigh City” và “ Chiquitita”, “ Gimme! Gimme!, Gimme!”, “ I Have A Dream”, Thank You For The Music” đã gây nên tiếng vang trên thế giới. ABBA trở thành thần tượng và yêu mến trong công chúng yêu nhạc lúc bấy giờ.

Năm 1982, ABBA tan rã trong sự nuối tiếc của khán giả hâm mộ trên toàn thế giới. Người ta khao khát sự trở lại của ABBA từng ngày. Tất cả chỉ là một sự hoài niệm. Vào cuối năm 2005, khán giả từ 31 nước trên thế giới đã theo dõi một chương trình đặc biệt được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch để kỷ niệm 50 năm cuộc thi ca nhạc Châu Âu Eurovision. ABBA không tới tham dự nhưng “ Waterloo” được bình chọn là ca khúc hay nhất của Eurovision. Năm 2000, một thương gia giàu có đã lên tiếng mời ABBA tái hợp và đi lưu diễn vòng quanh thế giới trong 100 ngày trị giá một tỷ USD nhưng cả bốn thành viên đều từ chối. Tháng 12/2010, Hoàng gia Anh cũng bày tỏ mong muốn mời ABBA tới hát tại lễ cưới hoàng tử William và hôn thê Kate Middleton nhưng sự việc đã không thành. Liên quan đến câu chuyện tái hợp ABBA, Bjoern Ulvaeus, một cựu thành viên của ABBA từng nói: “Hãy giữ chúng tôi trong kỷ niệm của một thời vinh quang”.

Vào tháng 10/2012, Bjoern Ulvaeus tuyên bố, một bảo tàng dành riêng cho ABBA sẽ được mở cửa tại Stockholm (Thụy Điển) vào đầu năm 2013. Bảo tàng đang được xây dựng trong khuôn viên đại sảnh âm nhạc Thụy Điển trên đảo Djurgarden, nằm ở trung tâm Stockholm. Nơi đây sẽ trưng bày những kỷ vật gắn bó với ban nhạc Thụy Điển lừng danh một thời. Những bộ trang phục biểu diễn, các vật dụng lưu niệm từng được trưng bày trong cuộc triển lãm ABBAWORLD ở châu Âu và Úc vào năm 2009 - 2011. Ông còn hy vọng, cả bốn cựu thành viên của nhóm sẽ tham dự lễ khánh thành bảo tàng, dự kiến diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5/2013, không loại trừ khả năng ABBA sẽ tái hợp một lần nhân dịp này nhưng chắc chắn không có chuyện ABBA tái hợp trên sân khấu: "Chúng tôi là nhóm nhạc duy nhất chưa bao giờ được tái hợp. Tôi nghĩ rằng điều này thật thú vị bởi các bạn sẽ chỉ nhớ tới một ABBA với những con người trẻ trung, đầy tham vọng và tràn trề nhiệt huyết chứ không phải những ông già bà lão yếu ớt, cố cưỡng ép mình phải đứng thẳng để hát".

Cho dù thế nào đi nữa, đến nay đúng 30 năm kể từ ngày ABBA tan rã, ban nhạc huyền thoại này vẫn chưa một lần tái hợp.

 

Agnetha – Linh hồn của ABBA

 

Agnetha, sinh năm 1950, sở hữu mái tóc vàng bạch kim khả ái. Cô bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 17 tuổi, nổi tiếng với 2 đĩa nhạc Jag Var Sa Kar và Utan Dej (bán chạy hơn các đĩa của Beatles tại Thụy Điển). Khác với Frida, cô có chất giọng cao, trong và một trong hai ca sĩ chính, linh hồn của ban nhạc huyền thoại này.

ABBA không còn nữa, Agnetha lui về ẩn dật tại một hòn đảo biệt lập, hẻo lánh ở Stockholm. Chia tay với Bjorn Ulvaeus, cô lao vào các cuộc tình mới với những nhân vật tiếng tăm như vận động viên môn khúc côn cầu trên băng Lars Eriksson, nhà thiết kế thời trang Dick Haakonsson và một thám tử ( người  được phân công thực hiện việc điều tra sau vụ đe doạ bắt cóc các con cô là Linda và Christian).  Năm 1990, Agnetha tái hôn với bác sĩ Tomas Sonnenfeld và chia tay. Cuộc đời của Agnetha lại rơi vào bi kịch một lần nữa khi cô quyết định kết hôn, rồi lại ly hôn 2 năm sau đó với Gert van der Graaf (một người lái xe tải). Cho đến cuối đời, Agnetha vẫn chưa hề tìm thấy một người đàn ông đích thực cho mình vốn là điều cô luôn mong muốn nhất.

Carl Magnus Palm, tác giả của cuốn sách “Hào quang và bóng tối” (sự thật của ABBA), nói rằng: "Agnetha chẳng bao giờ nói gì về cái chết của người mẹ cũng như những câu chuyện về thời thơ ấu của mình". Một người bạn của cô tiết lộ rằng, từ khi mẹ cô tự tử, mọi thứ trong cô đều thay đổi. Bà Birgit Faltskog, người chịu trách nhiệm về tài chính của ban nhạc, đã nhảy từ tầng 6 của một toà nhà cao tầng vì những vấn đề rắc rối trong cuộc sống hôn nhân với chồng. Ông Ingvar, cha cô, một công nhân nghỉ hưu, thường xuyên uống quá nhiều rượu và điều này khiến mẹ cô bị mắc chứng trầm cảm trong một thời gian dài. Sau khi mẹ cô mất, người cha sống một mình, ông chỉ sống thêm vài năm sau đó. Cha mẹ mất, Agnetha hoàn toàn suy sụp. Cảm giác mất mát khiến cô hoảng sợ và cảm thấy quá cô đơn trong thế giới này. Agnetha giữ kín bi kịch gia đình và không hề nhắc tới trong cuốn tự truyện của mình. Và cuối cùng Agnetha cũng công bố sự thật, nỗi ám ảnh khủng khiếp trong cuộc đời cô về vụ tự sát của người mẹ hơn 10 năm trước.

Kể từ ngày ấy, Agnetha  sống một mình, cắt đứt mọi liên lạc với mọi người. Cô sợ đám đông và hiếm khi bước ra ngoài. Hàng xóm không thể nhìn thấy một cô ca sĩ tóc bạch kim quyến rũ năm xưa mà chỉ nhìn thấy một người phụ nữ đeo kính râm, khăn che kín đầu. Hiện tại, cô đã chuyển khỏi tòa lâu đài ngổn ngang của mình để sống sâu trong một khu rừng. Tại đây, cô cho xây dựng một ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi một khu sân vườn rộng, tách biệt hẳn với thế giới. Tại đây, Agnetha dành hết thời gian cho hai con là Linda và Christian và đứa cháu gái Tilda.

Mới đây, vào tháng 10/2012, giới hâm mộ cho rằng Agnetha sẽ tái xuất làng nhạc với sự hỗ trợ của nhà soạn ca khúc đồng hương Jorgen Elofsson. Tờ The Daily Express trích đăng lời Staffan Linde (người phát ngôn của Agnetha): “Đúng là Faltskog đã trở lại phòng thu”. Tuy nhiên, album này không đạt được thành tích như mong đợi khi Agnetha sợ đi máy bay nên bà không tham gia các chiến dịch quảng bá chương trình này.

 

“Happy new year’ và những giai điệu còn lại…

 

Lâu lắm rồi, ca khúc bất hủ đó dường như đã trở thành quen thuộc khi thế giới đón mừng một năm mới. “Hapy new year” không những hay về giai điệu mà ca từ rất sâu sắc. Không quá rộn ràng, nồng nhiệt như những khúc xuân ca khác, “Happy New Year” sâu lắng và tiếc nuối. Bài hát ấy cứ cồn cào, lay động, hướng chúng ta về với gia đình, quê hương, nơi có những giây phút đoàn tụ của một mùa xuân ấm áp. Có lẽ vì thế mà hơn 30 năm qua, nhân loại vẫn chưa thể sáng tác được một ca khúc nào có tầm ảnh hưởng lớn như “Happy New Year”. Tết đến, từng mái nhà, đâu đâu cũng vang lên giai điệu thiết tha này, khiến lòng người ấm lại, nôn nao, nhớ về những tháng ngày xưa cũ:

“No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It's the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday

(Không còn champage nữa
Pháo hoa đã tắt rồi
Giờ chỉ còn anh và em
Cảm thấy lạc lõng và buồn bã
Tàn tiệc
Bình minh vẫn ảm đạm
Chẳng giống ngày hôm qua…)

 

Không gian mở đầu của bài hát là cuộc tiệc đã tàn, chẳng còn pháo hoa, rượu, bánh mứt,… của mùa xuân. Còn lại là nỗi buồn, mất mát và tiếc nuối. Giai điệu vui nhưng ca từ không nói lên niềm hy vọng như "blue" trong bài hát. Một số từ hoặc nhóm từ khác trong bài cũng diễn tả một nỗi buồn của đôi trai gái sau buổi tiệc rượu champagne cuối năm. Một đêm giao thừa buồn và ảm đạm. Thế nhưng, chính điều này đã đem lại niềm cảm hứng, thăng hoa để chuyển sang một năm mới tươi đẹp hơn:

 

“…Now's the time for us to say:

Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend…)

(…Giờ là lúc chúng ta nói:
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người thấy được bóng dáng
Về một thế giới mọi người đều là bạn

Ca khúc “Hapy new year” được viết tại Barbados, vùng biển Carribean vào tháng giêng năm 1980 và được ghi âm chính thức vào ngày 11/2/1980 tại phòng thu Polar Music. Trước khi tung ra trong album Super Trouper, ABBA đã lên kế hoạch thực hiện video clip cho bài hát để phát hành dưới dạng album đơn. Khung cảnh lễ hội tất niên được dàn dựng tại căn hộ của đạo diễn Lasse Hallstro và cũng tại nơi ấy là cảnh tiệc tàn, mọi người, ai về nhà nấy…Tuy nhiên, “Hapy new year” đã không được tung ra ở dạng single đơn tại thời điểm đó mà thay vào đó là version Tây Ban ngữ, Felicidad, chỉ được phát hành ở các khu vực sử dụng tiếng này và lọt vào Top 5 ở Argentina. Thành công chỉ đến thế ! Nhưng đến năm 1999, chuẩn bị cho giao thừa thiên niên kỷ, single “Hapy new year” chính thức được phát hành và dẫn đầu Top 20 nhiều quốc gia.

Một năm đã khép lại. Nghe lại “Hapy new year” trong thời khắc giao mùa, chúng ta mới cảm nhận được những ca từ rất thắm thiết trong thế giới bao la này. Cho dù không gian và thời gian có khác nhau nhưng giai điệu luôn đồng cảm với nỗi đau, mất mát của nhân loại của những thập kỷ đầy giông tố và thiên tai này. ABBA cũng khuyên mọi người hãy vươn vai đứng dậy, bước tới từ những niềm đau và đổ nát trong quá khứ:

 

“…Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives…

(...Đôi khi, anh còn thấy

Thế giới rộng lớn này đang phát triển từng ngày.

Và bước đến

Từ đám tro tàn của những ngày hôm qua…)

 

Thế giới sẽ còn nhiều biến động. Chiến tranh cứ chờ chực, đe dọa nền hòa bình của nhân loại. Hãy cùng nhau cầu chúc cho mùa xuân được an lành, mọi nhà được sum họp và tràn đầy hạnh phúc:

“…Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I…”

(…Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người có niềm tin và ước mơ
Nếu không, chúng ta sẽ nằm xuống và chìm trong giấc ngủ ngàn thu
Anh và em…)

 

 

 

 

                                                                                    T.V.K

Bài viết khác cùng số

Tết cũ - Nguyễn Đức DũngTrái quả ngọt ngào - Nguyễn Nhã TiênNhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy Uống cà phê và lai rai trên đất Mỹ - Mai Hữu PhướcLụa – Trần VănChợ quê ngày tết – Lý Thị Minh ChâuMẹ kể cùng con những tết xa - Ngô Thị Thục TrangKhoảng lặng tinh tươm – Huỳnh Văn QuốcTôkyô - một tối Mùa Xuân – Bùi Công MinhKhuôn mặt sớm mai - Quế HươngMùa xuân – Kỳ vọng và ngọn lửa – Nguyễn Đình AnMùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh QuếNhớ mẹ! - Võ Duy DươngXuân nghĩa trang – Nguyễn Thành LongLạc giữa thời gian – Bùi Mỹ HồngNhững ngọn tháp xưa – Ngân VịnhAnh lại nhớ… - Lê Huy HạnhĐà Nẵng xuân – Nguyễn Nho Thùy DươngTết muộn – Phan ChínChút riêng – Hoàng Thanh ThụyCâu thơ mắc cạn – Nguyễn Ngọc Hạnh Với Xuân – Nguyễn Xuân TưGửi em cô gái làng La (*) – Đỗ Văn ĐôngGiọng quê – Phụng LamGiai điệu xuân - Nguyễn Tường VănBay ngược – Nguyễn Minh HùngKhát vọng – Tóc NguyệtĐất mẹ cành xuân – Nguyễn Công ToànKhát khao xanh – Tăng Tấn TàiBên hồ sen – Nguyễn Hoàng SaChiều muộn – Nguyễn Kim Huychất vấn thói quen – Phan HoàngDáng em cuối chiều – Nguyễn Đăng KiênLẽ nào… - Mai Mộng TưởngNgôi nhà của những đám mây – Nguyễn Đông NhậtBến sông – Nguyễn Đức NamBiển đêm – Lê Thanh MyMùa màng – Nguyễn Ngọc PhúChân trời màu lam – Lê Khánh MaiBản tuyên ngôn của tình yêu – Nguyễn Quang ThiềuGọi về xa thẳm - Bùi Thanh TruyềnNhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Anh đã trở về quê mẹ - Trương Đình QuangHappy new year & huyền thoại ABBA -Trương Văn KhoaKho tuồng cổ để lại của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trần Trung SángVài suy nghĩ về hiện đại trong sáng tác múa - Lê Huân Ngày xuân thử nghe lại “tiếng gà gáy” trong truyện Kiều - Vân Trình