Mùa xuân ấy, chúng tôi... - Thanh Quế
Mùa xuân năm ấy còn đọng mãi trong trí nhớ tôi…
Cuối năm 1974, chúng tôi đang bám địa bàn các tỉnh chủ yếu là Quảng Nam và Quảng Đà thì được thư của nhà văn Nguyễn Chí Trung (ủy viên Đảng Đoàn của Hội Văn nghệ giải phóng Khu V) gọi về để chuẩn bị nhận công tác mới. Lúc này, cơ quan đóng bên sông Trà Nô, gần cầu Bà Huỳnh, nay thuộc huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Chỉ trừ các anh Nguyên Ngọc, Vương Linh (Hải Lê), Lưu Trùng Dương, Thu Bồn, Liên Nam ra Bắc chữa bệnh, còn tất cả đều có mặt đông đủ, thêm một nhân vật quan trọng là nhà văn Phan Tứ vừa vào lại chiến trường với nhiệm vụ đặc biệt của Đảng Đoàn văn nghệ Trung ương là lấy tư liệu để viết bộ tiểu thuyết nhiều tập Người cùng quê. Mọi người gấp rút viết thơ, truyện, ký để đóng góp cho số báo Văn nghệ giải phóng Tết. Tôi nhớ tôi đóng góp bài thơ Trước nhà em sông Vu Gia và truyện ngắn Buổi trưa ở Điện Bàn. Nhưng số báo này mãi sau khi giải phóng Đà Nẵng mới ra, vì nhà in cũng như anh em văn nghệ lo phục vụ những việc gấp rút cho chiến dịch Xuân 1975 trước.
Đặc biệt, chúng tôi được ăn tết sớm hơn các năm trước. Tết năm nay có lẽ là cái tết vui nhất, được ăn ngon nhất của chúng tôi. Các tết trước, dù được ưu tiên hơn ngày thường, nhưng chúng tôi chỉ được ăn cơm trộn sắn, có ít miếng thịt heo do cơ quan đổi muối, mì chính cho đồng bào dân tộc là cùng. Thậm chí, tết 1969, cơ quan phải lo di chuyển sau trận bom B52 nên không được ăn tết. Tết năm 1971, ngay giữa ngày mồng Một phải ăn dớn với canh rau rừng. Tết này chẳng những được ăn cơm không, có thịt heo Ban Tuyên huấn Khu phân cho mà còn có thịt hộp, cá hộp, rượu, kẹo Hải Hà, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo và trà gói Phú Thọ, Thái Nguyên từ miền Bắc gửi vào, theo những chuyến xe chở gạo và vũ khí, ùn ùn chuyển vào các kho đầu con đường 16. Anh Nguyễn Tiến Mịch, một lái xe ở Quân khu, bạn làm thơ có mấy bài đăng ở tạp chí còn đem biếu cho một tút thuốc Tam Đảo, hình như cả lương khô Trung Quốc nữa…Thế là tết này thật xôm trò. Mấy năm vừa qua các bộ phận của Ban Tuyên huấn Khu đóng xa nhau, tết này lại cụm về một chỗ nên bày vẽ đi thăm nhau chúc tụng xuân mới này nọ. Mấy anh bạn bên Lâm nghiệp (anh Tiên, sau này là phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam và các anh khác) cũng qua thăm bọn văn nghệ, rồi kéo chúng tôi qua bên Lâm nghiệp uống rượu miền Bắc cười nói om sòm. Cơ quan này đánh bóng chuyền giao hữu với cơ quan khác rồi rủ nhau bù khú. Nhà nhiếp ảnh Hữu Quả còn kéo anh em chúng tôi ra bờ sông Trà Nô chụp ảnh. Anh la người này, quát người kia đứng ngồi không theo ý anh, thậm chí còn chửi tôi “Đồ cứt, ăn mặc như giẻ rách” nhưng chẳng ai giận anh cả. Ai cũng biết anh “la” vui thôi mà. Nhờ thế mà sau này chúng tôi còn có ảnh kỷ niệm, đôi khi còn đưa lên báo đăng nữa.
Tôi nhớ, trong bữa liên hoan Tết ở cơ quan, nhà văn Nguyễn Chí Trung nói:
- Theo sự “đánh hơi” của mình thì xuân 1975 này sẽ có nhiều cái hay. Nếu ta không giải phóng được cả Khu V thì ít nhất cũng mở được vài tỉnh. Nghỉ vài ngày rồi anh em mình đi chiến dịch, có khi xuống tới cơ sở thì cả nước mới vào Tết. Anh em mình bám theo các đơn vị bộ đội, các đoàn công tác, làm được việc gì thì làm, cố gắng viết bài gửi cho các báo địa phương và gửi về cơ quan.
Sau khi ăn tết trước, chúng tôi gói ghém đồ đạc, chủ yếu là nhật ký, bản thảo, ảnh gia đình, bạn bè gửi lại cho đồng chí công vụ cơ quan, phòng hờ nếu mình bị hy sinh thì khỏi mất mát. Việc này cũng bình thường như mọi chuyến đi công tác khác.
Tôi cùng nhà thơ Phan Nghĩa An được phân công đi Quảng Ngãi. Theo ý đồ của trên, năm 1975, nếu không giải phóng được Khu V thì ta giải phóng Quảng Ngãi và Gia Lai. Cùng đi với đoàn chúng tôi là đoàn Bình Định và Gia Lai, gồm có Hà Phan Thiết, Bùi Thị Chiến, Nguyễn Trí Huân (đi Bình Định), Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô (đi Gia Lai). Các anh em khác sẽ đi Quảng Nam, Quảng Đà, Khánh Hòa và trực ở cơ quan.
Trên con đường 16 (nay là đường 14B) nối liền với đường Hồ Chí Minh càng gần tết càng sôi động. Xe từ Bắc vào ùn ùn chất hàng vào các kho ở làng Hồi. Xe này chưa trả hàng xong, xe khác lại đến, bấm còi inh ỏi. Các lái xe cười nói, khoe nhau các ví nháy(1) vừa mới đổi được của cán bộ, nhân dân ở đây. Những đơn vị công binh phá núi, mở rộng thêm những con đường nhánh về Quảng Ngãi và các tỉnh phía nam Khu để cho 2 xe đi ngược chiều có thể tránh nhau được. Trước đây đó chỉ là những con đường thồ bằng xe đạp hay cho người đi bộ. Không chờ đường mở xong, những đoàn xe từ miền Bắc vào Nam chở vũ khí, lương thực, rầm rập tiến về phía đồng bằng. Những đoàn cán bộ, bộ đội, dân công, vận chuyển, kẻ ngược người xuôi tấp nập. Có người gặp bạn bè, đồng hương đồng khói ôm chầm nhau, cười nói hồn nhiên, vui vẻ. Trên đường đi, tôi luôn gặp những khuôn mặt hồ hởi, vui vẻ, không đăm chiêu mệt mỏi như trước, có khi chỉ cách đây vài tháng. Đêm đến, khi xin nghỉ nhờ ở cơ quan, đơn vị nào, chúng tôi cũng được đón tiếp vui vẻ nhiệt tình, có khi chủ nhà biết chúng tôi là anh em văn nghệ đã mời đọc thơ, nói chuyện văn chương, thời sự và cho bồi dưỡng đêm bằng cháo gà, do đơn vị nuôi. Chuyện lạ, không như mấy năm trước, khi xin nghỉ nhờ, đơn vị nào cũng chối đây đẩy, chúng tôi phải ra ngủ rừng sương hay mưa gió. Một chuyện lạ nữa, là sáng hôm đó, khi đang đi gần tới sông Riềng (Quảng Ngãi) thì có một chiếc ô tô tải từ phía sau đi vụt qua chúng tôi rồi dừng lại. Người lái xe mở buồng lái vẫy chúng tôi:
- Các anh đi về đâu?
- Chúng tôi đi Quảng Ngãi, Bình Định.
Anh ta vui vẻ:
- Ở phía sau thùng xe còn rộng, lên đi, đi cho khỏe tội gì cuốc bộ. Ai xuống đâu gõ thùng tôi dừng lại, không gõ là tui hê luôn tới đường 19 đó.
Chúng tôi leo lên xe. Dễ chừng cũng đã 6, 7 năm mới được ngồi xe. Chúng tôi nói chuyện râm ran rồi hát, giọng ồ ồ: “Xe ta băng băng qua những dặm đường…” và “Chào em cô gái Lam Hồng”…Ai nhớ câu nào hát câu ấy rồi lại cười đùa, trêu chọc nhau…
Đến cánh đồng Tà Ma (Quảng Ngãi) tôi và Phan Nghĩa An xin xuống xe, chia tay với 2 đoàn bạn. Tôi nhớ lúc chia tay, nhà thơ Hà Phan Thiết véo lưng tôi nói:
- Tớ sẽ đón cậu nhậu ở Quy Nhơn nhé.
Chuyện ngỡ nói vui thế mà thật, sau khi giải phóng Quảng Ngãi, tôi theo xe Lữ đoàn 52 vào Quy Nhơn. Hà Phan Thiết đã kéo tôi về một căn gác vắng người, gật gù lôi từ trong tủ lạnh ra một chai rượu tây, một con gà luộc béo ụ, bảo:
- Nhậu. Tớ làm đúng lời hứa chưa?
Từ Tà Ma, chúng tôi đi bộ 2 tiếng thì đến cơ quan Ban Tuyên huấn Quảng Ngãi. Vừa vào đến cơ quan, mọi người reo lên như đã chờ chúng tôi sẵn.
- Chúng tớ biết thế nào các cậu ở Khu cũng xuống mà.
Nhà thơ Hoài Hà, Vũ Hải Đoàn, họa sĩ Phạm Mùi tíu tít xuống nhà bếp bưng cơm, mì chay, cá hộp, đèo thêm 1 đòn bánh tét nữa. Hoài Hà nói tự hào:
- Ăn tết đây, ăn tết đây. Hôm nay các cậu nhớ ngày nào không. Mồng 1 đấy. Chúng tớ để dành quà tết để bữa nay các cậu xuống sẽ đãi, tớ biết trên Khu khổ lắm…
Hoài Hà nói đúng và thương chúng tôi khổ thật. Năm 1970, khi xuống công tác Quảng Ngãi, các anh cho tôi ăn chè đậu xanh, mì chay cá hộp đến tức bụng. Dạo ấy cơ quan chúng tôi chỉ ăn thân cây dớn (dương xỉ) và rau rừng, thèm mọi thứ này lắm. Nhưng giờ thì khác…
- Tết này trên Khu đỡ rồi - Tôi nói - có kẹo, trà, rượu, thuốc lá miền Bắc gửi vào.
- Thế à. Bọn này tưởng mấy ông khổ như mấy năm trước, nhịn thèm chờ các ông xuống đó.
Nhà thơ Vũ Hải Đoàn rút bao thuốc Bát tô quân vụ ra nhem thèm bọn tôi:
- Có thuốc lá miền Bắc cộng sản rồi giờ có còn hút thuốc lá của lính địch không?
Chúng tôi cười ngặt nghẽo rồi giơ tay xin. Hai ba hôm nay không còn thuốc, thèm quá.
Hàn huyên với các bạn cũ ở Quảng Ngãi vài ngày, chúng tôi xuống Minh Long, quận lỵ vừa mới được giải phóng. Ở Minh Long, chúng tôi nghe tiếng gầm rít của pháo địch, chúng đang tấn công Nghĩa Hành. Bọn chúng quyết giành lại ngọn đồi Định Cương. Các chiến sĩ ta quyết liệt giữ đất. Máu các anh nhuộm đất đồi Định Cương năm tháng mãi mãi còn thắm đỏ…
Cặm cụi mấy ngày viết xong bài thơ về cuộc chiến đấu ở đồi Định Cương (Ngọn nguồn Tổ quốc ở đâu), tôi đến trạm giao liên gửi về cơ quan rồi cùng Phan Nghĩa An vượt đèo Đá Mái về Nghĩa Lâm, ở đó nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu đang chờ chúng tôi xuống để cùng đi công tác. Từ đây, chúng tôi bám theo các đơn vị bộ đội, các đội công tác tham gia giải phóng các chốt điểm của địch, các xã, các huyện rồi giải phóng Quảng Ngãi và toàn miền Nam…
T.Q
(1) Ví bên ngoài có hình người phụ nữ, sẽ mở mắt nhắm mắt khi ta đưa ví theo chiều ngang hay dọc, ví này bán nhiều ở miền Nam. Cánh lái xe trẻ miền Bắc vào đổi lương thực, thực phẩm để có ví nháy.