Tưởng
Mặt còn non choẹt với làn da trắng hồng như con gái, trông Tưởng ai cũng ngỡ là chàng thư sinh vừa rời ghế nhà trường. Khó có thể tin rằng đó là một trung đội trưởng bộ đội chủ lực địa phương. Năm sáu năm trong quân ngũ, Tưởng đã bao phen sống mãi với quân thù ; lăn lộn với mảnh đất đầy mưa bom lửa đạn quanh căn cứ Chu Lai - Một sân bay quân sự tầm cỡ của chính quyền Sài Gòn tại miền Trung khốc liệt này.
Tưởng được sinh ra, lớn lên trong vòng tay của má Thơ và các anh chị, không thấy mặt ba. Tưởng cũng chẳng biết vì sao lâu lâu má mình lại bị bắt. Mấy ông làm việc trên xã, trên quận ba lần bảy lượt về còng tay má dắt đi. Mỗi lần được thả về thấy má ốm nhom, mặt mày xanh như tàu lá. Anh bốn, chị ba phải chữa chạy thuốc thang có khi cá tháng trời má mới khoẻ lại. Tưởng chỉ khóc không biết nói gì, làm gì để mấy ổng đừng bắt má đi nữa.
Vào một đêm đông giá lạnh. Tưởng đang cuộn chăn ngủ say trên bộ ván ngựa đặt giữa nhà, một người nào đó đến ngồi bên cạnh không biết tự bao giờ, đoạn đưa bàn tay to bè ướt lạnh xoa đầu làm Tưởng giật mình tỉnh giấc. Tưởng ngơ ngác nhìn người đàn ông cao lớn khoảng chừng dưới bốn mươi. Lạ lắm! chưa kịp hết bàng hoàng thì người đàn ông không hề quen biết đó lại đỡ Tưởng dậy siết chặt vào lòng âu yếm: "Lớn nhanh lên chú về dẫn đi tìm ba". Tưởng ngây thơ nhìn má muốn dò hỏi nhưng không dám hé môi. Buông cậu ra, người 1ạ mặt theo má xuống nhà dưới, hai người thầm thì với nhau điều chi đó thật nhanh rồi quay lên. Người đàn ông một lần nữa ôm Tưởng vào lòng hôn chùn chụt vào trán, vào cằm mấy cái, im lặng đẩy nhẹ cửa bước ra. Tưởng tò mò : "Ai vậy má ? Sao chú ấy biết ba con. Ba ở đâu không về mà bảo con phải theo chú đi tìm". Má Thơ chỉ cười hiền "con còn nhỏ lắm!" Tưởng thắc mắc mãi mà không tự giải đáp được. Lâu lắm đến mấy năm sau, vào một trưa hè nóng nực ngồi đưa võng cho má ngủ, Tưởng buột miệng hỏi : "Cái chú cao to đó sao lâu nay không thấy trở lại hở má ! ". Má Thơ bị bất ngờ chưa kịp nhớ ra : "Con hỏi về người nào vậy". Tưởng bắt đầu nhắc lại vanh vách cái đêm mưa gió không thể nào quên trong đời đó. Trưa ấy má Thơ không ngủ mà nằm kể cho Tưởng nghe tất cả.
Chú ấy tên là Tuân, ba của con Hương ở xóm trong. Chú Tuân cùng đi làm cách mạng với ba mình. Họ là cộng sản, là kẻ thù của mấy ông trên xã, trên quận hay về bắt má mình và giết hại má Hương. Thấy má Hương còn trẻ lại có chút nhan sắc, thằng cảnh sát trưởng gạ gẫm cưa kéo mãi không đổ. Bèn lấy cớ chồng theo Việt cộng sai thuộc hạ còng tay má Hương dắt đi. Chúng hãm hiếp, đánh đập má Hương cho đến chết rồi chôn xác trên đồi thông đầu làng. Chưa đầy bốn tuổi đã mồ côi mẹ, Hương sống với bà nội. Nội thương nhớ ba má Hương khóc đến mù cả hai mắt. Chú Tuân thì bị địch bắt đày đi mất tích hơn bốn năm nay. Thương Hương quá, Tưởng tự nhủ lòng: mình phải đến nhà chơi với Hương, giúp nó lấy củi nước cho nội. Từ ấy hai đứa thân nhau như hình với bóng. Rồi một hôm, Hương đi cào lá thông, vì ham chơi trò "đánh lú" với chúng bạn, bị thua hết nên phải ở lại cào lá thông khác về đun. Trời đã xế bóng mà con nhỏ vẫn chưa về. Ruột gan Tưởng nóng như lửa đốt, ba chân bốn cẳng bệu bạo chạy đi tìm. Thấy Hương mặt mày đỏ lơ đỏ lưởng đội giỏ lá thông về, cu cậu mừng quá khóc nức nở. Cả làng ai cũng biết chuyện. Hôm sau lên lớp, sắp bạn cứ trêu chọc làm hai đứa dị đỏ mặt và không dám chơi thân với nhau nữa. Dần dần Hương tránh mặt luôn, cho tới ngày Tưởng lên đường nhập ngũ mới bẽn lẽn xuống bến đò tiễn chân.
Ngày quê mình được giải phóng Tưởng thấy má và các cô, các chị thương mấy chú bộ đội không biết để đâu cho hết. Tưởng ước ao bỗng dưng mình trở thành bộ đội. Ghé vào tai má Tưởng thủ thỉ : "Cho con đi bộ đội nghe má ! ". Má Thơ mắng yêu: "Tướng mày mà đội với điếc chi, có mà hành tội người ta". Vừa nói má vừa đưa ngón tay trỏ dí nhẹ vào trán, Tưởng thấy buồn thật sự. Không biết đến bao giờ má mới coi mình là người lớn.
Sau hai năm lẽo đẽo theo du kích thôn, rồi du kích xã, ai cũng khen Tưởng lớn phổng, đẹp trai và khoẻ mạnh hẳn lên. Sướng quá! Tưởng bí mật lên xã đăng ký tòng quân. Chỉ còn hai ngày nữa là lên đường mà chưa có thứ gì trong tay ngoài đôi dép su cũ mèm đang mang dưới chân. Bụng như có kiến bò, đứng ngồi không yên. Má Thơ thì giả vờ không biết gì, tỉnh bơ với chị ba : "Thằng út mấy ngày nay như có điều chi không vui !", rồi quay lại mỉn cười với Tưởng: "Coi bộ yêu rồi hở con?". Chỉ chực trào nước mắt, Tưởng chạy đến ôm chầm cổ má thổn thức: "Con biết má khổ nhiều rồi, các con lớn mà chẳng được nhờ. Anh bốn đi rồi chừ đến lượt con chắc má buồn lắm nhưng trai thời chiến mà má !...". Má Thơ không cầm lòng được nữa đành thổ lộ tâm tình : "Bị tù đày tra tấn đánh đập, đớn đau, khổ cực đến mấy má cũng chịu nổi. Nhưng má không thể sống thêm được một ngày, nếu các con má hư hỏng, đi ngược lại lý tưởng cách mạng, phản bội lại nhân dân". Sợ phải khóc oà lên thì hỏng hết chuyện, Tưởng vội chạy ra sau hè đứng khoanh tay trầm ngâm suy nghĩ. Nhìn cây xoài đang mùa sai quả, Tưởng nhớ tới Hương. Hồi hai đứa còn chơi thân với nhau có một lần Hương đứng ngay chỗ này canh chừng cho mình trèo lên hái quả. Tưởng chọn nhanh những trái chín vàng ươm bỏ vào xòn, chỉ ráng vài quả nữa là đầy. Bất thình lình chị ba xuất hiện ngay trước mặt Hương. Tội nghiệp con nhỏ sợ chết khiếp, khóc mếu máo. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt gầy gò xanh xao, Hương nhìn Tưởng khẩn khoản. Thế mà Tưởng không dỗ dành câu nào ngược lại chửi mắng Hương như tát nước vào mặt: "Không được cái tích sự chi cả, chỉ có ăn là mau. Tối nay tao sẽ bị một trận đòn chí tử biết không ?". Tưởng đắm chìm vào ký ức buồn vui của những ngày còn nhỏ, kỷ niệm dâng trào trong lòng giữa một chiều quê đổ bóng thật tĩnh lặng êm đềm. Bất chợt nghe tiếng chị ba vọng đến phía sau lưng : "Thôi đừng mơ mộng nữa chú bộ đội ơi ! Ngày mốt đã lên đường rồi, lo vào mà tâu với má đi "ông nội!" Lấy lại phong độ, Tưởng bước vào nhà. Má Thơ ngồi têm trầu ngoài hiên, liền đứng dậy vô buồng lấy khăn lau nước mắt rồi quay ra ngồi vào chỗ cũ. Má lên tiếng trước : "Lại đây má biểu". Tưởng bối rối "dạ con đi bộ đội để... để... ". "Má biết cả rồii". Té ra họ đã báo ngay với má trong ngày Tưởng đăng ký tòng quân. Bàn tay run run má giở vạt áo ngoài, móc trong yếm ra một xấp tiền và chậm rãi : "Có ít dành cho con lên đường đây !. Mọi thứ chị ba sắm cả rồi. Con đi má nhớ lắm nhưng không ngăn cản. Lên trên nớ cực khổ thiếu thốn, rừng thiêng nước độc ốm đau đủ điều, bom đạn ác liệt chứ không như dưới ta mô. Đã đi má cấm không được chuồn về. Nhớ má chừng mô thi công tác, chiến đấu tốt chừng nớ nghe con". Má Thơ không khóc nhưng những giọt nước mắt cứ lăn hoài trên hai gò má nhăn nheo. Nhìn cây bàng toả bóng rợp mát trước sân nhà, má nhẩm đếm những vạch dao khoanh tròn trên thân cây, Má nói : “Mới đây mà đã mười sáu năm rồi, ba con ra đi được mười một năm thì anh Bốn đi, bây giờ đến lượt con. Cũng như với anh Bốn và ba con, má sẽ khắc tên con lên đó rồi tiếp tục khoanh tròn những nhát dao nữa. Để coi đến khi mô thì ba con bay mới dẫn nhau về với tao"...
Trong lúc hai mẹ con chuyện trò thì chị ba bận rộn xách giỏ đi chợ làm cơm. Bữa tối hôm đó, má Thơ có mời bác Tư, người họ hàng gần nhất của Hương. Thằng cu Xíu con trai của bác cũng có mặt. Má mời bác Tư nhâm nhi chén rượu thuốc, ôn lại bao chuyện buồn vui hồi chín năm... Tưởng với cu Xíu lặng im "đánh một tâng" no bụng rồi nháy nhau rút chạy. Cu Xíu ranh mãnh kéo Tưởng đến rủ Hương ra sân đình dạo chơi.
Đêm trở lạnh. Ánh trăng non bàng bạc tràn ngập lên khắp nẻo đường làng. Hương bịn rịn, ngượng ngùng trao cho Tưởng chiếc khăn chéo bằng vải dù pháo đèn mỏng trắng tinh, bên trong ủ kín một bông dủ dẻ vừa hé nhuỵ thơm nồng.
Sau ngày Tưởng vào bộ đội, cu Xíu cũng theo chị ba vào du kích rồi lần lượt hy sinh cả. Má Thơ thì ốm đau quặt quẹo mãi và cuối cùng cũng qua đời trên cánh tay Hương - Nàng dâu thảo hiền chưa một ngày làm vợ...
Tiếng súng trên chiến trường chung đã nổ dồn dập. Tin chiến thắng khắp nơi dội về làm nức lòng quân dân cả tỉnh. Cán bộ chiến sĩ V10 chưa đấm đá được gì sốt ruột quá. Bọn địch bị tấn công liên tục ở nhiều nơi rất hoang mang lo sợ. Tên quận trưởng quận Lý Tín bạc nhược ra lệnh : "Tất cả phải tăng cưởng phòng thủ Nếu đâu bị tấn công thì tự lực đánh trả không kêu viện". Bọn lính cộng hoà đóng ở núi Miếu, ban đêm không dám tập trung trên chốt. Nếu ta tuân theo bài bản một cách máy móc và bị động nằm chờ lệnh cấp trên nhất định không ăn thua với bọn này. Tưởng suy nghĩ rồi đề nghị với Đại đội trưởng : "Phải lợi dụng tình hình rối ren của địch, ta lọt vào trong đánh ra". Đại đội trưởng đồng ý. Thế là phương án tác chiến được thay đổi. Một tổ chiến sĩ V10 do Tưởng phụ trách, nhận mệnh lệnh gấp rút ra quân đánh trận đầu thí điểm.
Mưa xuân lất phất đủ làm ướt bộ sắc phục cải trang lính nghĩa quân, các chiến sĩ thấm lạnh, Tưởng động viên : "Tụi cộng hoà trong xóm kéo ra đông nhưng rời rạc, đánh ngay thì không lợi. Ta cố gắng chờ cho chúng tản bớt vào phía Cây Trâm đã". Trời chưa tỏ, một tốp lính ở trong nhà bên Lộ I vừa bước ra thì nghe ám tín hiệu : "Đóng cửa lại !" (tiếng người đàn bà quát lớn mấy đứa con) Tưởng nhận định tình hình rồi ra lệnh : "Tấn công !”. Cả tổ "nghĩa quân" bình tĩnh kéo mấy loạt ARI5 diệt gọn một tiểu đội lính cộng hoà - mười hai tên gục ngã tại chỗ không kịp ngáp. Cùng lúc đó một chiếc xe từ Tam Kỳ chở hàng vào Chu Lai bị chận lại giữa đường, bọn lính bảo an tranh nhau nhảy lên xe. Không để mất cơ hội, từ xa một quả rồi hai, ba ... quả M79 của Tưởng rơi trúng đích làm mười tên nữa rủ nhau về chầu diêm vương.
Để đánh lạc hướng bọn địch đóng trên chốt, các chiến sĩ vừa bắn vừa chạy dọc theo con đường sát chân núi Miếu trong tiếng hét vang trời :
- Cộng sản ! Cộng sản !
- Nhanh lên ? Nhanh lên tóm lấy chúng !
- Bắt sống ! Bắt sống !
Lọt qua tầm quan sát của bọn lính cộng hoà núi Miếu hết sức ngoạn mục, họ ung dung trên đường về. Tưởng hân hoan cởi lòng cùng đồng dội và linh cảm rằng trận đánh này là thử thách cuối cùng đối với anh - một chàng trai "tiểu tư sản học sinh" có cặp mắt mơ màng hay khóc và dễ mềm lòng sẽ được đứng vào hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân. Giây phút thiêng liêng được đứng dưới Đảng kỳ và chân dung Hồ Chủ Tịch giơ cao nắm tay xin thề: "Sẽ suốt đời chiến đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản ..." từng giờ từng phút đang đến gần. Chẳng hiểu sao lúc này Tưởng hay nghĩ tới ngày được sống bên Hương. Anh hình dung ra cảnh dưới ngôi nhà cổ mái ngói âm dương ba gian, hai chái duy nhất còn sót lại sau chiến tranh có đôi trai gái đẹp nhất làng sẽ nên duyên chồng vợ. Tưởng như muốn nói to lên với chính mình: Má kính yêu ơi! Cây bàng rợp bóng trước sân nhà đã cụt cành trụi lá và loang lổ vết đạn bom vẫn hiên ngang thi gan cùng tuế nguyệt. Thân cây với bao dấu ấn thời gian được ghi từ bàn tay ấm nồng của má sẽ thay Người làm lễ cưới cho hai con. Cây xoài trĩu quả sau hè từng là chứng nhân cho biết bao kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu. Và sân đình làng linh thiêng dưới ánh trăng mờ ảo đẹp lạ thường mãi còn đó giây phút bồi hồi trước lúc chia xa. Mái trường thân yêu có bạn bè trêu chọc và bên bến đò yêu thương in bóng hình người con gái bẽn lẽn tiễn đưa ... có còn không trong nỗi mong chờ?! Tất cả còn tươi nguyên trong ký ức thẳm sâu của người lính trẻ đầy mộng mơ mà dũng cảm vô song này. Niềm vui, nỗi buồn bỗng dưng dâng trào, bỗng dưng trầm lắng trong lòng Tưởng vào sáng mai xuân thật tĩnh lặng, thanh bình ... Bất ngờ chuỗi âm thanh kéo dài, rít gầm man rợ của một quả pháo vu vơ từ xa cân tới xé tan bầu không khí trong lành của cánh rừng nguyên sinh. Các chiến sĩ ta chỉ kịp nằm rạp xuống mặt đất trống huơ. Một mảnh pháo nhỏ xuyên qua lồng ngực, Tưởng đột ngột ra đi không một lời trăn trối ...
Tối nay lễ kết nạp đảng viên mới cho liệt sĩ đại đội trưởng Nguyễn Lý Tưởng (vừa đề bạt vượt cấp khi chiều) được tiến hành tại điểm đóng quân. Trước bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm khói hương nghi ngút, cán bộ chiến sỹ V1 0 cúi đầu tưởng niệm trong tiếng nấc nghẹn ngào tiếc thương đồng đội.
Như những khoanh tròn bỏ dở trên thân cây bàng của má Thơ, cuộc đời người lính trẻ đành bỏ ngõ trên trang viết của tôi. Và Hương nữa - Một người vợ ngoan hiền chưa một lần chăn gối, bao năm mỏi mòn chờ đợi cũng lỡ làng một chuyến đò ngang giữa những ngày tháng ba, một chín bảy lăm...
Tháng 3/2009