Ơi cô gái Trường Sơn

10.06.2009

Ơi cô gái Trường Sơn

“Ơi cô gái Trường Sơn, bao năm em đi mở đường,

cho từng chuyến xe anh qua, cho giọng hát em vang xa”…

Tôi vừa đi, vừa nghêu ngao câu hát, có người nghĩ tôi là một gã điên. Ừ, dù phải điên tôi vẫn hát, hát lời ngợi ca những con người đã hiến dâng trọn tuổi xuân cho Tổ quốc đi mở đường .

 Tôi không là người nghiên cứu âm nhạc, cũng không là ca sĩ, chỉ là người từng đi trên đường Trường Sơn, thuộc nhiều ca khúc về Trường Sơn, có ca khúc tôi không còn nhớ chính xác tên người viết ra nó. Tôi tin rằng các nhạc sĩ thông cảm và đại xá cho trái tim ngu ngơ đang cùng nhịp đập.
 
(Ảnh minh hoạ)
 

 Khi đi trên đường, lúc làm việc ở nhà, lúc thảnh thơi ngồi một mình và cả khi buồn chán tôi vẫn thường hát vu vơ vài câu về Trường Sơn. Câu hát như khỏa lấp sự trống trải để lòng mình không trống vắng “Hát lên cho quên sầu đau”… Tôi hát, không ai bắt nhịp, câu hát như bật ra từ nhịp đập trái tim mình. Giai điệu lúc sang sảng, khi trầm hùng theo khúc quân hành. Lúc thỏ thẻ lời tâm tình sâu lắng, từ lâu đã thấm vào máu thịt, hòa vào dòng nghĩ suy, thôi thúc con tim  những người ra trận.

Mỗi khi hát,  tôi có cảm giác như Trần Chung, Vũ Trọng Hối, Phạm Tuyên, Văn Chừng, Hoàng Hà, Hoàng Hiệp, Xuân Giao, Nguyên Nhung, Huy Du, Cầm Phong, Huy Thục… đang ở bên tôi, cùng hành quân ra trận từ buổi “chiều… ra đứng trên Trường Sơn"… thế rồi “ vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”… Ta vẫn đi, “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Cây lá Trường Sơn đã bao lần nghe lời thầm thì bên cánh võng dọc đường hành quân: “Võng theo ta ra chiến trường, võng theo ta giải phóng, Tổ quốc ơi, muôn năm vững bền hai đầu”… và cánh võng ấy lúc “Nghiêng sườn đông” lúc “nghiêng sườn tây”, tháng năm cháy trong ta lời hẹn ước “Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn”…

Những ca khúc viết về đường Trường Sơn cứ sống mãi cùng năm tháng, trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam theo chân đoàn quân giải phóng,  nâng bước ta đi suốt dặm dài đất nước.

Tháng 5 năm 1959, con đường bắt đầu mở lối, trên con đường ấy “máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi”. Cả dân tộc ta hướng về con đường Trường Sơn dõi theo bước chân người ra trận. Con đường được gọi bằng nhiều cái tên: - Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường Trường Sơn, Đường dây 559.

 

Sau mười năm, lớp chúng tôi  hành quân trên con đường ấy, gọi là đường, nhưng chỉ giống như lối mòn du kích chạy dọc Trường Sơn, như mũi tên nhắm về hướng quân thù, con đường len lỏi giữa đại ngàn, băng qua đồi trọc, cỏ tranh, những cánh rừng bị máy bay Mỹ rải chất độc phát quang, những hố bom toác hoác băm nát cánh rừng. Vượt qua nhiều sông suối, đèo cao, khe sâu vực thẳm, nhiều đoạn dốc cao dựng đứng lởm chởm đá tai mèo, có đỉnh núi cao vượt qua phải mất nửa ngày đường, đường hẹp, có chỗ không đủ lối cho hai người đi ngược chiều tránh nhau. Chúng tôi đi có “cây gậy Trường Sơn” của Phạm Tuyên làm bạn. Vậy mà đã có lúc phải buộc gậy lên ba lô vì leo núi không chỉ đi bằng hai chân mà còn phải đi bằng cả hai tay. Hành trang trên lưng luôn nặng gần nửa tạ, trông xa xa giống đoàn lạc đà trên sa mạc, vai rung rinh lá nguỵ trang, lúc ấy, một con muỗi bay qua cũng làm ta cảm thấy nặng. Có đoạn đi xuyên rừng non gai cào rát mặt. Xuyên rừng già ngổn ngang cây đổ, cây to có đường kính hơn 1 mét nằm chắn lối quân đi. Đi trong nắng trong mưa, lúc nào người cũng đẫm mồ hôi. Có lúc trời tầm tã mưa tuôn, ta thì khát khô rát họng, nửa ngày đường không gặp suối khe. Xa xa, thấy vạt chuối hoang mọc giữa rừng, chúng tôi len lỏi vào, dùng dao găm tách bẹ chuối ra nhai ngấu nghiến , hít từng giọt vào họng cho đỡ cơn khát.

Đường Trường Sơn vắt nhiều vô kể, nhiều hơn cả muỗi rừng, chỉ đứng im một phút vắt đã bám đặc hai ống chân, vào các kẽ bàn chân, ta không thể bắt từng con mà dùng hai bàn tay thoa nước bọt tuốt ra, ống chân ròng ròng máu chảy, chúng tôi xắn quần quá gối, chỉ thương các cô gái phải dùng dây cột chặt ống quần.

Có đoạn người qua không để lại lối mòn, ấy là lúc chúng tôi vượt thượng nguồn sông Bến Hải, qua Xê-bang-Hiên, qua sông Xê-ca-máng… Bến Hải mùa này con nước lớn, khi qua sông chúng tôi đội ba lô trên đầu, dép cài thắt lưng, nước sông chảy xiết, đá dưới bàn chân như có lớp mỡ bao quanh, người kết thành một dòng người qua sông, nước ngập vai, mấy cô gái dáng nhỏ nhắn, người thấp bám chặt vai chúng tôi, chân nổi lên mặt đá để chúng tôi kéo qua dòng chảy. Tất cả khó khăn khi lội qua sông đều tan biến, trong lòng chúng tôi chỉ còn nhói nỗi đau chia cắt của đất nước.

 Từng cung đường, các chiến sĩ đường dây luôn nhắc nhở chúng tôi trước giờ xuất phát: -Trên đường đi hôm nay có nhiều lối rẽ, vì con đường cũ vừa bị máy bay Mỹ ném bom, tách đoàn ra sẽ bị lạc. Đến cung đường khác các đồng chí lại dặn chúng tôi: Cần chia đoàn thành nhiều tốp đi cách xa nhau để tránh bị tổn thất vì nơi đây thường có biệt kích rừng xuất hiện. Tới một cung đường khác chúng tôi lại được nhắc nhở: Phải nhìn lên cây rừng, không được chạm vào những sợi dây mỏng mảnh như mạng nhện sẽ gặp bom bi của địch. Tình huống, vô vàn những tình huống dễ dẫn đến chết người.

Đường mòn trên Trường Sơn đã nâng hàng triệu bước chân hành quân ra mặt trận. Lối mòn dài cả ngàn ki lô mét ấy, lúc nghiêng sườn Đông, lúc nghiêng sườn Tây, xuyên rừng thẳm, vắt qua nhiều núi cao quanh năm mây mù che phủ, con đường nối hậu phương với tiền tuyến, nối cả không gian, nối cả thời gian. Con đường ấy đã vắt qua 4 đời tổng thống Hoa Kỳ.

Dù trong bất cứ tình huống nào đường Trường Sơn vẫn luôn thông suốt cho người, xe ra trận. Bom đào thì ta san lấp hố bom. Địch phá đường cũ, ta bạt núi mở ra đường mới. Địch rải bom mìn, ta tháo gỡ, các cô gái thay nhau đứng giữa trời không phải chờ người yêu mà chờ đếm từng quả bom rơi, khi các cô đi bộ dẫn đường hướng lối xe qua, các cô như là những cột mốc, tín hiệu di động… Tất cả những công việc đó đều do bàn tay khối óc của những người con gái Việt Nam chân yếu tay mềm đương đầu với sức mạnh khổng lồ của quân sự Hoa Kỳ. Họ là thanh niên xung phong. Có lúc một tiểu đội, có khi là cả trung đoàn nữ tuổi đời 17 đôi mươi, nhiều cô chưa một lần cầm tay người yêu nói lời ước hẹn đã xa nhà, xa quê, xa trang sách lên đường ra mặt trận. Ở đây các cô làm việc “tuần không thứ, ngày không giờ” với mục tiêu - Đường an toàn, thông suốt. Thấy các cô vừa làm, vừa hát cười vui vẻ chúng tôi xúc động, chạnh lòng nhớ thương những em gái quê nhà.

Biết chúng tôi vừa rời quê vào mặt trận, các cô thăm hỏi rối rít tình hình miền Bắc trong những ngày Mỹ ném bom, ngỡ như các cô đã xa nhà từ lâu lắm. Dừng chân trò chuyện vài phút, chúng tôi lại đi, các cô lưu luyến nhìn theo như ánh mắt đưa tiễn người thân. Một ý nghĩ dại dột thoảng trong tôi: -Rồi đây ngày trở lại biết có còn gặp được các em: - “ơi cô gái Trường Sơn, bao năm em đi mở đường”.

Đường Trường Sơn gian khổ đấy nhưng lúc nào cũng rạo rực tình yêu, rúc rích tiếng cười con gái. Cái gian khổ của những người xuyên đêm đi về phía hừng đông đánh thức mặt trời.

Lúc ấy đường Trường Sơn đã mười năm tuổi - Ban đầu chỉ là một lối mòn,  hàng triệu lượt người đã đi, đi mãi thành đường, khi đã thành đường thì ai cũng nhìn thấy. Nhưng tôi vẫn không thể nào hình dung nổi những gian lao, vất vả, hiểm nguy của những người đầu tiên đánh thức núi rừng Trường Sơn mở ra con đường, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh vì nghĩa lớn, đến hôm nay biết mấy ai còn.

Sau chiến tranh 1/3 thế kỷ tôi trở lại Trường Sơn. Đi từ làng Ho đến điểm tập kết cuối cùng ở Bu đrăng Đức Lập trước khi rẽ lối về miền Đông Nam Bộ. Đường Trường Sơn hôm nay thênh thang quá. Đường có tên mới: đường quốc lộ 1B. Trên đường lác đác xe máy qua lại. Người dân tộc không vác rựa, đóng khố, đeo gùi mà đã biết ngồi trên xe máy. Đàn trâu ngơ ngác lúc chiều tà. Thỉnh thoảng có vài chuyến xe chở gỗ lao nhanh như gió cao nguyên thốc tháo chỗ không người.

Đi trên đường Trường Sơn hôm nay, nhiều chỗ tôi dừng lại tìm về kỷ niệm xưa nhưng không thể nào nhận ra được. Cảnh vật trước mắt tôi đã thay đổi quá nhiều.

Đến ngã ba Ngọc Hồi, bước xuống xe, có gì làm chân tôi khựng lại. Tôi ngẩn ngơ nhìn trời nhìn đất, nhìn con đường mới mở. Ngọc Hồi đã trở thành thị trấn, có đường qua nước bạn Lào, nghe đâu đất Ngọc Hồi đã lên 14 triệu/ m2 , làm sao tìm lại được con đường… Lần trong ký ức, tôi chợt nhớ: đây là binh trạm cuối cùng với anh em về công tác ở chiến trường Khu 5, là nơi chúng tôi chia tay các bạn tiếp tục đi vào Khu 6, vào B2.

Đêm ấy, một số bạn thân chúng tôi ở các đoàn hẹn gặp gỡ, chia tay tại một góc rừng, cùng ôn lại kỷ niệm trên chặng đường đã qua và hẹn ngày gặp lại. Mấy cô bác sĩ trẻ nhâm nhi câu hát “Chỉ còn đêm nay, đôi ta sẽ chia tay, đường dài… tay cầm tay…” Có lúc, chúng tôi im lặng, đêm trở nên sâu thẳm. 20 phút ngắn ngủi, chúng tôi trở về võng của mình, tôi áp đèn pin gần sát trang giấy viết mấy dòng nhật ký bằng thơ:

            “ Bên kia bán cầu

            Nữ thần tự do gục đầu xuống biển

            Khóc than những người con của nước Mỹ không về

            Trên đỉnh Trường Sơn cao nghìn mét

            Ta tự do yêu em và nhìn ngắm sao trời

            Tự do dắt nhau vào mặt trận

            Tự do đi tìm sự sống tự do

            Gió ngừng thở, núi cao sụp xuống

            Cây đại ngàn rạp dưới chân ta

            Đá tai mèo không còn sắc lẹm

            Xoè ra mỏng mảnh cánh hoa hồng

            Tất cả lặng im

            Tim ta nổi sóng

            Ôm em vào lòng

            Trái đất ngừng quay

            “Chỉ còn đêm nay”…

            Anh rẽ Khu 5 em về Khu 6

            Thắng giặc rồi ta lại sẽ tìm nhau”…

Những trang nhật ký gợi nhớ trong tôi kỷ niệm về con đường Trường Sơn, trên con đường ấy, những người ra trận không chỉ mang theo trái tim hừng hực lửa mà còn là cả trái tim rạo rực yêu thương.Trường Sơn: - con đường của tình yêu, khát khao tuổi trẻ, sự lạc quan, là sức mạnh nâng chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Chúng tôi đã nhận ra “những ngày ta sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”, “Dẫu bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bấy giờ” *

Đứng ở ngã ba Ngọc Hồi, phanh ngực trần đón gió, tôi nghe hơi ấm toát ra từ cây lá, từ trong các vách đá, sự vật ở đây sự vật có linh hồn.

 Đường Trường Sơn bao người đi qua, bao người ở lại, thời gian cứ lầm lũi trôi máu xương, tuổi trẻ một thời còn ở lại nên Trường Sơn vẫn mãi mãi tuổi thanh xuân.

Ngày nay, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng, bất cứ ai cũng có thể đi suốt quốc lộ 1B, dẫu ai đó có bỏ ra hàng tỉ đồng cũng không tìm lại được giây phút bấy giờ.

Đường Trường Sơn mở ra hàng trăm con đường rẽ về các mặt trận. Từ các mặt trận đã mở ra những con đường thắng lợi. Đường Trường Sơn trở thành con đường Mẹ, để quân đi mở tiếp những con đường.

Rồi đây, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ hiểu gì về con đường Trường Sơn hùng vĩ, con đường ấy đi từ đâu đến đâu? Dài bao nhiêu ki-lô-mét… Ai là người lính đi đầu?... Như những điều chúng hiểu về các triều đại Trung Hoa và Vạn Lý Trường Thành…

Đường Trường Sơn, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta, gắn với truyền thống giữ nước oai hùng một thời đạn bom, một thời máu lửa.

Dù vật đổi, sao dời, thế hệ chúng tôi từ lâu đã có một bảo tàng văn học nghệ thuật lưu giữ Trường Sơn trong ký ức mỗi người. Mở ký ức, câu hát bật ra thay lời tôi thầm gọi : - “Ơi cô gái Trường Sơn…”

                                                                              ĐỖ VĂN ĐÔNG

 

*Thơ Chế Lan Viên.