Quần áo làng Hiệp

10.06.2009

Quần áo làng Hiệp

Bút ký
 

Đất vùng  Hiệp có tự ngàn xưa, tên làng có từ thời Hùng Vương. Tục gọi kẻ Hiệp, mấy làng hợp lại có trại Thuấn Nhuế, làng Thuấn Nội, làng Ruộng, làng Hoà, làng Lũng, làng Mỹ Hợp.  Chỉ có làng Thượng Hiệp là lớn nhất : Đông người, nhiều của. Con đường thượng đạo từ xứ Đoài lên kinh kỳ Thăng Long từ thời xa xưa, chính là con đường quốc lộ 32 hiện nay chạy qua. Tổng Hiệp ngày xưa nay chia đôi làm hai xã, kẻ Hiệp đổi tên là xã Tam Hiệp, nằm bên bờ hữu ngạn vùng thượng nguồn Hát giang, thần phả vùng Hiệp còn ghi:  Thánh hoàng làng là dũng tướng thời Hùng Vương đánh quân nhà Thục. Đất Thượng Hiệp là nơi lương y Đỗ Năng Tế con rể bà Trưng biết nghề làm thuốc,  có vườn trồng cây thuốc nam, theo lệnh hai Bà, ông mở trạm cứu chữa cho quân sĩ của nghĩa quân thời hai Bà, vào những năm 40- 43 sau công nguyên. Hiện vẫn còn  đền thờ ghi công ông.

Thượng Hiệp là làng cổ, thời xa xưa ngoài nghề trồng lúa dân làng này còn biết trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Ngoài nghề trồng lúa, người dân còn biết tìm nghề phù hợp cho từng thời kỳ. Hàng chục năm trở lại đây báo đài Trung ương, địa phương biết đến là điểm sáng trong cách làm ăn mới. Từ ngày cơ chế thị trường bung ra, đất nước bước vào thời đổi mới, ngành nghề làng Hiệp phát triển “ phi mã”, làm thay đổi làng  quê, chấn hưng kinh tế một vùng. Sản phẩm may mặc sản xuất trong một ngày đêm đã có mười sáu chuyến, do tám chiếc ô tô của làng đảm nhận, chở về trung tâm thương mại thành phố. Máy điện thoại giao dịch phục vụ sản xuất thì cứ bình quân có : 16 máy/ 100 dân, không kể mấy nghìn máy điện thoại cầm tay. Thế mới hay sức sản xuất ở làng lớn đến mức độ nào. Nghề may mặc ở Thượng Hiệp, được tỉnh Hà Tây cũ công nhận làng nghề may du lịch truyền thống từ rất lâu…

Vào làng Hiệp thấy người làng đi lại tấp nập làm ăn kinh tế, xưởng may mi ni nhà nào cũng có. Người làng Hiệp biết làm nghề may từ cháu bé đến cụ già, ai ai cũng có thể tham gia vào các công đoạn phù hợp khả năng lao động trong nghề may mặc. Nhìn nhà cửa cao tầng mọc lên xin xít, dụng cụ thiết bị phục vụ đời sống đắt tiền được sử dụng rộng rãi, thu hút nhiều lao động trong làng ngoài xã…

 Nghề may làng Hiệp, nói thật đúng do dân tự phát, dân tự tìm nghề, dân tự lo, nhờ vào cơ chế chính sách nhà nước. Nó manh nha từ thời bao cấp, bởi “bụng đói thì cái đầu phải nghĩ, cái chân phải bước”, cả làng âm thầm làm nghề, gặp thời đổi mới bung ra mọi nhà, mọi gia đình ganh đua phát triển. Dân làng Hiệp làm ngày , làm đêm, vợ chồng, cha mẹ, con cái tranh thủ tận dụng thời gian thức đêm làm ra sản phẩm. Sản phẩm đưa ra được thị trường chấp nhận, thì ồ ạt nhà nào, nhà nấy thi nhau mua thêm máy khâu, sắm thêm bóng điện, mở xưởng mi ni ngay trong sân vườn,  thuê thợ ngoại làng vào làm máy may.

Cả huyện Phúc Thọ chuyên làm nông nghiệp, lại là bụng chứa lũ vùng đồng bằng sông Hồng. Theo phong trào phát triển công nghiệp, ông cán bộ nào chả mơ làm công nghiệp có nhiều nhà to, xưởng lớn. Để mát mặt trong thời buổi đón nhận đầu tư như nấm mọc sau mưa. Làng Hiệp đã chứng minh không cần xưởng to nhà lớn, “không ly hương chỉ ly nông “. Hàng năm theo sổ sách báo cáo, nguồn lợi thu về cho dân làng hàng chục tỷ đồng, từ phát triển tiểu thủ công nghiệp dịch vụ. Dân làng mát mặt, đời sống được nâng lên là nhờ cơ chế mở, phải biết nỗ lực tự thân vận động.

Nghề may làng Hiệp cũng trải qua thăng trầm, người dân quê Hiệp vẫn cứ nặng lòng với chính quê mình, nặng lòng với cuộc sống của chính mình. Một thời người khoẻ bỏ làng rủ nhau đi... Người đi chặt nứa cho ngành lâm nghiệp, người đi đào đất. Ở đâu có việc có ăn rủ nhau đi tất, hết việc quay về nhìn ngắm đồng lúa không đủ nuôi người, về nhà quay vào nhìn nhau. Họ cố vượt qua khó khăn thử thách, kiên nhẫn cần cù, sức lao động cơ bắp ai cũng có dư. Chả nhẽ cứ nhìn nhau mãi ! Đành phải dựa vào mũi chỉ đường kim, thức đêm chắp vá. Thức đêm lâu mãi thành quen, mải miết khâu tay, mà khâu tay thật sự. Việc làm thời ấy nó manh mún, vụn vặt cốt để vượt qua đói nghèo. Ông Sơn rì rầm kể mãi câu chuyện thời ấy: Ngoài thị trường quản lý chặt lắm, HTX nông nghiệp thu hoạch trên giấy tờ thì cao ngất ngưởng, xã viên thì vẫn đói dài, đói mờ mắt. Người làng Hiệp còn nhớ chẳng bao giờ quên, buổi ngày công việc ngoài đồng đã vắt kiệt sức lực người dân, các cháu học sinh sau buổi học về mệt mỏi… Đêm đêm bố mẹ, anh em ngồi quanh ngọn đèn dầu để khâu bằng tay những chiếc yếm dãi (loại áo buộc treo trước ngực cháu nhỏ, đón dãi trẻ con chảy ra gọi là yếm dãi). Phải tính toán tinh ý xếp chắp khâu tay trên nền cốt giấy, sức lao động cần cù chắp vá tỷ mẩn cho ra đời những cái yếm dãi đủ màu sắc bằng giẻ vụn. Cách làm sáng tạo nhỏ lẻ thời làm ăn tập thể phấn đấu đi lên.., dầu thắp thì bán phân phối, phải khâu trong đêm đèn sáng tù mù không đủ ánh sáng, kim đâm vào tay thành lỗ đau điếng. Các cháu nhỏ, chị em phụ nữ thịt mềm ngón tay người nào chả có hàng chục vết lỗ kim đâm. Được buổi họp xã viên sáng đèn măng sông, nhờ có ánh sáng lớn, xã viên mừng lắm. Đêm ấy đến họp đông người, người nào cũng có một gói, một túi sản phẩm khâu tay yếm dãi. Phía trên chủ nhiệm nói gì ít ai để ý, lõm bõm nghe được chủ nhiệm bảo chúng ta:... phấn đấu làm việc bằng hai... Xã viên ở dưới chụm chéo đầu nhau, hí hoáy khâu tay thì thầm với nhau : Chúng tôi đang làm việc bằng hai đây ! Tiết kiệm thật sự, chỉ khâu thì rút từ mép sợi vải, đang chắp khâu nhiều mảnh rẻ vụn, khác gì chắp khâu đói nghèo, ngồi nghe ông nói tương lai.

Thời bao cấp khó khăn vật tư nguyên liệu, hàng hoá khan hiếm dân Hiệp phải căng đầu óc nghĩ ra việc làm. Vay mượn anh em, bạn bè hàng xóm mua chui, mua lủi giấu diếm máy khâu, may hàng đơn giản dải rút, su chiêng phụ nữ. Toàn những miếng giẻ thừa thợ may thành phố, xí nghiệp nhà nước thải loại. Đem về chắp vá, đạp máy vê tay thật khéo kim máy chạy qua thành sợi dải rút. Kim máy vào vải đâm thẳng vào sự đói nghèo, phần nào bớt đi sự khó khăn nhọc nhằn nhưng đâu đã căn cơ xoá hết đói, chưa mong được giàu. Thời ấy dân ta đa phần mặc quần dải rút, thay cho chun quần nên dải rút bán được. Chuyện bán dải rút cũng vòng vo, lê thê như cuộn dải rút dài. Tôi đang học năm cuối cấp, có ngày phải lại  đưa chị tôi đi bán dải rút. Đường xấu chợ xa phải vòng vo trốn lủi quản lý thị trường. Nó cũng lôi thôi như bó dải rút đựng trong túi vải chị tôi đang ôm bên người. Su chiêng thời ấy cứng như mo nang, nói ra có người buồn cười tiết lộ bí mật nghề may su chiêng thời ấy. Nhà nào mua được vài cân giẻ vụn trắng may su chiêng là uy thế lắm, phải giấu diếm nguỵ trang đủ kiểu đem về. Đêm ấy hai ba đêm nữa, sau buổi làm đồng bụng còn đói, phải thay nhau đạp máy su chiêng. Thôi thì con máy chồng máy vợ ngồi vừa nhặt chỉ, vừa cắt mảnh rách nilon tận dụng cho chồng con máy độn lần trong, máy trần quả trám. Vải đã dày trần đi, trần lại trách cứ đời ta đã nghèo lại dầy cái đói. Khi mặc su chiêng khín chặt, nhũ hoa chị em nhọn như tên lửa, xếp hàng mậu dịch, lên tàu xuống xe bị chen lấn xô đẩy phía sau, va phải nhìn nhau thẹn đỏ cả mặt. Đẹp giai đi bán giấu diếm của ấy đựng trong ca táp, chị em nhìn thấy cười như nắc nẻ. Ông Sơn còn kể thời ấy, mua bán thứ gì phải dấu diếm, lỡ bị phát hiện phải chịu tịch thu, lại còn bị mắng “ tư tưởng đầu óc theo chủ nghĩa tư bản “. Chắt chiu mua được máy khâu con bướm, người làng thức khuya dậy rất sớm từ hai, ba giờ sáng ra thành phố, bí mật lần mò tranh nhau mua cóp nhặt ít vải lông vụn. Chiều về rồi suốt đêm cả nhà có việc, xếp dải giẻ lông vụn theo cốt đo vạch cắt may thành những chiếc mũ biên phòng. Sáng sớm hôm sau sản phẩm mũ xuất xưởng, cứ vậy đêm hôm cả làng thức cùng  sản phẩm, lo cho sản phẩm bán được xuôi lọt.

Thời mới đến.  Guồng máy làng nghề tạo ra nhiều công việc, như một doanh nghiệp đủ các phân xưởng. Ở làng này làm nghề đủ các lao động, già trẻ gái trai, thu hút nhiều nhất là lao động trẻ, đa dạng hình thức do từng gia đình lo toan. Nhà sản xuất quần áo mùa hè, nhà sản xuất quần áo mùa đông. Phát triển thêm nghề may hàng vải : Nhà làm thú nhồi bông, người sản xuất mũ vải. Mua sắm thêm thiết bị phục vụ nghề may : Làm xưởng in, xây xưởng nhuộm. Mua lắp đặt một lô máy giặt hấp, nhiều nhà mua thêm dàn thêu vi tính, in hoa. Nhiều ngành nghề tạo nên làng nghề khép kín,  gia đình này ganh đua ngầm với gia đình kia, so sánh tính đếm sao gia đình ấy nhanh giầu ? Số đông những hộ những người đang độ tuổi sung sức, đang độ tuổi làm ăn năng động, tạo ra nhiều công việc dành hàng nghìn công việc cho một xã, một vùng nam Phúc Thọ, Thạch Thất. Cái nghèo đói túng thiếu triền miên không bó chặt được, gặp cơ vận nó bung ra không kìm nổi sức bật tự vượt lên. Đã làm nghề là phải có xưởng, tuỳ theo mức độ vốn liếng ban đầu làm xưởng to, hay xưởng nhỏ. Nghề may lan ra một xã, khắp vùng, mỗi gia đình là một xưởng may. Tự quản lý, tự hạch toán thành xí nghiệp liên hợp may rất lớn. Người làng làm nghề may quyết tự làm cho được sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp bán được hàng, thu được tiền. Những ông chủ trẻ, hay nhà sản xuất, ngày đêm tự thiết kế mẫu áo, mẫu quần. Không ai được học nghề, không có chuyên gia kỹ thuật, địa phương không mở lớp học nghề. Phải  gắn bó máu thịt với nghề may, tự vận động tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, nên nhiều hộ nhanh giàu. Đến làng Hiệp hiện giờ thấy nhiều nhà giàu lắm, mua bán nguyên liệu, sản phẩm đường làng sầm uất  thành “ phố làng".

Nghề may làng Hiệp vươn dậy bước cùng nhịp thị trường. Tôi đến thăm cặp vợ chồng trẻ Thịnh Hằng là chỗ thân tình, có nhà xưởng rộng, có ô tô nhà lầu. Trước kia gia đình anh Thịnh cực kỳ nghèo khó, nghèo lắm, họ hàng rất thương nhà anh, vì bố mẹ ốm đau không đủ tiền mua thuốc, nhà cửa tạm bợ sơ sài, chật chội thiếu đói. Vợ chồng gắng vượt lên bằng chính sức mình tự lo sản xuất, tự lo thị trường tiêu thụ vươn lên giàu có. Nay vốn liếng có hàng tỷ đồng, vượt qua ước mơ sắm ô tô, xây nhà lầu. Vợ anh năm lần, bảy lượt thi công chức không đạt, quay về cùng chồng mở xưởng sản xuất. Ở làng có anh học xong đi xin việc mãi, không cơ quan nào nhận quay về lấy vợ mở xưởng. Dãy nhà cổ bố mẹ, cụ kỵ dành cho sơ ý cháy rụi. Bây giờ xưởng lớn làm thú nhồi bông, phất lên mấy nhà cao tầng, lo cho các con ăn học đại học ở trên thành phố. Dân làng này nhiều người hoàn cảnh tương tự, hoặc khó khăn hơn thế nay giàu có vươn lên vốn liếng hàng tỷ đồng, vốn liếng trên nửa tỷ hoặc vài trăm triệu không sao đếm hết.

Từ chiếc mũ vải, con thú nhồi bông đến bộ quần áo, do xưởng may làng Hiệp bán ra khắp thị trường phía Bắc. Ở nơi nào có chợ, ở nơi ấy chợ bán sản phẩm may làng Hiệp. Ai đó tò mò cầm xem quyển sổ xuất hàng của bất kỳ nhà nào, sẽ thấy số điện thoại của chủ mua hàng mang mã vùng điện thoại khác nhau, từ Quảng Ninh, Sơn La,Thanh Hoá, Nam Định. Năm ngoái có việc cùng bạn làng Hiệp vào chợ Quy Đạt mãi tận Minh Hoá, Quảng Bình, chợ này một trong những chợ lớn cấp huyện ở các tỉnh miền trung, cũng là chợ xa nhất về phía nam ở miền Bắc, so về quê Hiệp chợ này xa lắc, xa lơ. Vào chợ ngắm nhìn các sạp quần áo, thấy sạp quần áo nào cũng bán sản phẩm may làng Hiệp. Dễ nhận biết nhất quần áo làng Hiệp giá rẻ, hợp túi tiền nông dân, người lao động lam lũ còn nghèo, ở mọi miền phía bắc không có nhiều tiền mua quần áo giá cao để mặc. Tôi và bạn giả làm người mua hàng, cầm xem bộ quần áo bên trong vẫn ghi  tên người may sản phẩm bằng mực bút bi. Bạn cùng đi làng Hiệp tủm tỉm, chính bộ quần áo này do xưởng nhà mình sản xuất.

Bạn làng Hiệp bảo tôi : Ông có đi nghỉ mát bãi biển ở phiá bắc nào đó, thấy những bộ quần áo tắm bày bán trên sạp, thường là quần áo làng Hiệp. Bởi quần áo này dễ sản xuất, chỉ cần mẫu vải bắt mắt, còn đề can chữ tây, chữ ta xưởng may trong làng làm hết. Người làng Hiệp nhìn khách mặc bộ quần áo có nhiều dòng chữ, thầm bảo : Người mặc bộ quần áo ấy sính chữ nước ngoài, cái chính mặc vào thấy đẹp, giá rẻ mua dùng, chứng tỏ họ rất yêu hàng may làng Hiệp. Còn quần áo làng này, chưa được bày bán trong shop như hàng các hãng may nổi tiếng. Nhưng chủ may làng này  rất tự hào : Hàng sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không đủ bán cho khách ưa chuộng, hợp túi tiền thị dân. Còn hàng may của các hãng có tên tuổi sản xuất, giá cao nhiều người đứng ngắm.

Không có máy móc nào cao hơn tinh thần khát khao ấm no, ước mơ làm giàu bằng chính sức lao động như người làng Hiệp. Từ tên “ kẻ” đổi thành tên  “làng” họ đã phấn đấu đi những  bước dài. Phía trước đường đi dân Hiệp bảo nhau còn phải bước thật vững, thật nhanh. Một ngày nào đó sản phẩm may làng Hiệp bày trong tủ kính hàng shop, họ sẽ rất vui làng nghề truyền thống xứng vị thương trường.

 
CAO SƠN